Bạn Lã Kim Thanh (Canada) thân chuyển
CHIẾC TỦ THỜ NHẬT BẢN
Nguồn : Giác Ngộ
Online
---o0o---
Rất khác với cách thờ của nhiều
nước, hình ảnh Đức Phật được tôn trí lúc nào cũng có thể nhìn thấy, tủ thờ Phật
của người Nhật luôn được đóng cửa lại, chỉ mở ra khi lễ Phật và một số ngày
trọng đại.
Chiều Chủ nhật đầu năm 2013, người phụ nữ da trắng đã ngũ tuần, trao cho
tôi tượng Phật và một tủ gỗ nhỏ màu đen được quấn dây nhiều vòng kỹ lưỡng. Bà
thỉnh thoảng gặp tôi tại các lễ hội văn hóa đa quốc gia mà tôi thường dẫn đoàn
múa Phật giáo đi trình diễn. Bà cho biết cha bà theo đạo Phật đã 20 năm, vừa
qua đời, bà muốn gởi tặng đồ thờ phượng người cha để lại. Theo lời bà, những
món đồ này chắc cũng 100, 200 năm xưa cổ.
Chiếc tủ thờ Nhật Bản
Tôi cám ơn bà, hứa sẽ trân quý, gìn giữ những tặng phẩm này. Tượng Phật
bằng gỗ có nét cổ xưa như đã trải qua hàng mấy trăm năm, tỏa nét từ bi thanh
tịnh. Tôi cung kính an vị Ngài trong tủ kính gồm những tượng Phật khác tôi sưu tầm
được.
Riêng tủ gỗ nhỏ, có kích thước cao 70cm, dài 30cm, rộng 30cm, nhìn bề
ngoài không có gì đặc biệt, tôi để trên bàn làm việc tại nhà, chờ hôm nào rảnh
sẽ tháo dây xem. Biết đây là tủ thờ của người Nhật, mỗi lần đi ngang qua tôi
dừng lại, ngắm nghía, tạo niềm vui riêng cho mình bằng cách tự hỏi, tự đoán:
nội thất tủ thờ này ra sao nhỉ?
Tôi hình dung: chắc cũng đơn giản giống như tủ thờ ông Địa người Việt
bán buôn thường có.
Buổi tối tuần sau, pha ly trà xanh, thắp nén hương trầm cho người quá
cố, chậm chạp tháo những gút dây thắt chặt, nhẹ nhàng mở 2 cánh cửa đen. Tôi
trố mắt, trầm trồ: ánh hào quang vàng lung linh phản chiếu! Tôi ngạc nhiên như
bước vào thế giới tâm linh có thật. Phía sau đôi cánh cửa đen ấy là nội thất
dát vàng lóng lánh, được bảo vệ thêm khung cửa chạm trổ tinh vi, với những mành
lưới tạo nên sự huyền bí bên trong.
Bố cục hoành tráng phía sau lớp cửa đầu tiên làm tôi hồi hộp, tự hỏi
không biết bên trong thế nào mà người Nhật thiết kế quá trân trọng?
Bên trong tủ thờ sau
khi được mở cửa
Tôn dung Đức Phật ở giữa
Tôi cẩn thận mở khung cửa thứ 2: Một Phật Hùng Bảo Điện uy nghi, sáng
ngời hiển lộ. Hình ảnh Đức Phật lấp lánh, sống động tỏa từ quang chiếu rọi. Tôi
lặng người, bàng hoàng, xuýt xoa: Không ngờ cái thùng gỗ bình thường ấy lại chứa
đựng một thế giới tâm linh trang nghiêm, tràn đầy Phật lực đến thế.
Tôi luôn khâm phục người Nhật rất nhiều điều, bây giờ tôi lại càng kính
trọng nhiều hơn. Cách làm tủ thờ Phật không khác gì nghệ thuật họ trồng bonsai.
Một cây cổ thụ to lớn được họ gởi trọn lòng thành, đem hết tâm trí làm nhỏ gấp
nghìn lần nhưng không mất đi hình dáng, phong thái. Tủ thờ Phật cũng thế, họ đã
đem kiến trúc ngôi chùa to lớn vào tủ thờ cỏn con, cao chỉ hơn nửa thước ấy,
nhưng không hề giảm đi uy lực, nét trang nghiêm vốn chỉ có nơi chốn thiền môn.
Bức tranh Phật treo bên trong tủ thờ tuy không lớn, từ đỉnh đầu Đức Phật
đến đáy hoa sen chỉ 7cm nhưng là nơi kết tinh cao điểm hội họa, kỹ thuật nhất
trong toàn bộ tủ thờ. Đây cũng là điều dễ hiểu, vì dù tủ thờ được làm công phu
đến mức nào đi chăng nữa cũng chỉ mục đích là thờ Phật.
Sau khi phóng lớn bức tranh và xem xét kỹ lưỡng, cho đến bây giờ tôi vẫn
thắc mắc làm thế nào nghệ nhân Nhật có thể vẽ được những nét nhỏ hơn sợi tóc
nhiều lần. Cách sử dụng màu và họa tiết hào quang có lẽ đã được thanh lọc qua bao
đời, tạo nên tổng thể bức tranh Phật rất linh động, chan chứa hiệu ứng tâm linh
(ảnh dưới).
Trong tủ thờ có 2 ngăn kéo đựng nhang đèn pháp khí, một bảng gỗ được
giấu khéo trong khung, khi làm lễ được kéo ra để trưng bày chuông, đèn, phẩm
vật. Việc thiết kế tủ thờ tinh xảo, gọn gàng phản ảnh không gian sống người dân
Nhật khi mà nhà cửa, phòng ốc có diện tích rất khiêm tốn.
Rất khác với cách thờ của nhiều nước, hình ảnh Đức Phật được tôn trí lúc
nào cũng có thể nhìn thấy, tủ thờ Phật của người Nhật luôn được đóng cửa lại,
chỉ mở ra khi lễ Phật và một số ngày trọng đại. Mỗi cách có vẻ đẹp, đem lại lợi
ích khác nhau.
Với phương pháp của Nhật Bản, giây phút mở cánh cửa, người Phật tử đã
chuẩn bị tâm hướng về Đức Thế Tôn. Mở cánh cửa đầu tiên, hành giả từ bỏ thế
giới bên ngoài để đi vào thế giới tâm linh riêng biệt. Nếu tâm tư chưa an ổn
thì khi mở cánh cửa thứ hai sẽ giúp thanh lọc những vọng động để tiếp nhận năng
lượng tâm linh đang được tỏa chiếu từ Phật điện oai nghiêm.
Một không gian phản chiếu hào quang huyền
diệu...
Say mê, nghiên cứu tỉ mỉ từng góc cạnh, đã khuya, tôi
đi tắm tỉnh táo rồi lấy bồ đoàn tĩnh tọa trước tủ thờ, tắt hết đèn điện, thắp ngọn
nến nhỏ, gõ tiếng chuông ngân vang... Một không gian phản chiếu hào quang huyền
diệu. Tôi cảm được năng lượng từ bi, thanh tịnh phát tỏa từ Đức Phật lung linh
gần gũi.
Ngồi thở đều, thở nhẹ, thở sâu - thấy an lạc hạnh
phúc chi lạ. Ngọn nến tắt rồi tôi lại mong đêm mai thắp ngọn nến khác. Cám ơn
người phụ nữ Hoa Kỳ và thân phụ bà đã cho tôi cơ hội khám phá vẻ đẹp Phật giáo
Nhật Bản mà tôi chưa hề biết tới. Nguyện cầu nhân loại sống mãi trong tình
thương và sự tỉnh thức trong ánh hào quang của Đức Từ Phụ.
Bài và ảnh : Huyền Lam
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét