Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

HỒI KÝ CỦA TT CLINTON (5)



Bạn Phan Lục (Chicago) giới thiệu :
Hồi ký của TT Clinton
          ĐỜI TÔI (5)
Tác giả: Bill Clinton

5. Hai cách nhìn thế giới

Trong khi tôi đang gặp hai ông Chirac (Tổng thống Pháp) và Prodi (Chủ tịch Ủy ban châu Âu), thì nhóm lo vấn đề Trung Đông bắt đầu họp tại phi trường quân sự Bolling ở Washington, Hillary đón tiếp bà Laura Bush tại Nhà Trắng, và gia đình chúng tôi đi kiếm nhà tại Washington. 
Prodi – Chirac - Clinton
Ngày sau đó, tân Tổng thống Bush đến Nhà Trắng để có cuộc họp cũng cùng một mục đích như cuộc họp tôi đã có với cha ông ta tám năm trước. Chúng tôi nói chuyện về cuộc tranh cử, về hoạt động của Nhà Trắng và vấn đề an ninh quốc gia. Ông Bush đã thành lập một nhóm phụ tá đầy kinh nghiệm gồm những người đã từng tham dự các chính phủ Đảng Cộng hòa trước đây. Họ tin rằng những vấn đề an ninh lớn nhất là Iraq và nhu cầu phải có một hệ thống phòng thủ chống tên lửa cấp quốc gia.
Bush
Tôi nói với ông Bush rằng dựa trên những tin tức có được trong tám năm qua, tôi nghĩ những vấn đề an ninh lớn nhất mà ông sẽ phải đương đầu theo thứ tự sẽ là: Osama Bin Laden và Al Qaeda; vấn đề chưa có được thỏa ước hòa bình tại Trung Đông; cuộc đối đầu giữa hai cường quốc nguyên tử Ấn Độ và Pakistan; mối liên hệ giữa Pakistan với Taliban và Al Qaeda; CHDCND Triều Tiên; và sau cùng mới đến Iraq. 
Osama Bin Laden
Tôi cho rằng sự thất vọng lớn nhất của tôi là đã không bắt được Bin Laden, nhưng chúng tôi vẫn còn có thể đạt được một thỏa ước hòa bình tại Trung Đông; và tôi sắp sửa có được một thỏa thuận với Bắc Hàn để chấm dứt chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử, nhưng ông Bush có thể sẽ phải thân chinh đến tận nơi để đạt được thỏa thuận này.
Ông Bush ngồi yên nghe tôi nói chuyện mà không nêu ý kiến gì, sau đó ông đổi đề tài sang cách tôi cầm quyền trong những năm qua. Sau đó chúng tôi nói thêm một chút nữa về các vấn đề chính trị.
Tổng thống Bush là một chính trị gia khôn khéo trong năm 2000, ông tạo được sự hậu thuẫn cho mình nhờ những lời phát biểu có tính cách ôn hòa đi cùng với việc đưa ra những đề nghị có tính cách rất bảo thủ. Lần đầu tiên tôi xem ông ta đọc bài diễn văn "bảo thủ có lòng nhân" tại Iowa, tôi biết rằng ông ta có cơ thắng cử.
Sau các cuộc bầu cử sơ bộ, ông ta đã sai lầm khi có lập trường nghiêng hẳn về cánh hữu và do vậy đã tụt hạng trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri. Nhưng ông Bush đã kịp thời bước về phía giữa bằng cách làm dịu những lời phát biểu của mình, kêu gọi quốc hội với đa số Cộng hòa đừng tìm cách cân bằng ngân sách qua cắt giảm chi tiêu dành cho người nghèo, và cũng bày tỏ sự ủng hộ một số quan điểm liên quan đến chính sách ngoại giao quốc tế của tôi.
... Tôi đã để ý rất kỹ những gì hai ông Bush và Cheney tuyên bố trong cuộc tranh cử. Tôi biết cách họ nhìn thế giới này rất khác với tôi và sẽ làm mọi điều để thay đổi những gì tôi đưa ra trước đây, nhất là trong lĩnh vực chính sách kinh tế và môi sinh. Tôi đoán rằng họ sẽ đưa ra những đề nghị giảm thuế lớn lao và chẳng bao lâu thì chúng ta sẽ trở lại thời kỳ thâm thủng ngân sách trầm trọng của thập niên 1980.
Và dù cho Tổng thống Bush có nói rất hay về vấn đề giáo dục, ông sẽ gặp áp lực để phải cắt giảm chi tiêu trong nước, kể cả giáo dục và an sinh xã hội, các chương trình giúp trẻ em sau giờ học, đưa thêm cảnh sát viên đi tuần trên đường phố, các chương trình nghiên cứu và môi sinh. Nhưng mà thôi, giờ đây những chuyện đó chẳng còn là vấn đề của tôi.
---ooo0ooo---


Không có nhận xét nào: