Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

DANH NHÂN VN TUỔI NGỌ (2)



DANH NHÂN VIỆT NAM TUỔI NGỌ (2)
-o0o-

Từ Dũ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu

sinh năm Canh Ngọ (1810- 1902)

Bà tên thật là Phạm Thị Hằng là Thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức, con gái quốc công Phạm Đăng Hưng. Quê ở Tân Quy, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (sau thuộc Gò Công, nay thuộc tỉnh Tiền Giang).
Năm 14 tuổi bà tiến cung và trở thành vợ của Thái tử Dung tức Nguyễn Phúc Miên Tông (con vua Minh Mạng). Sau Miên Tông lên ngôi, bà trở thành quí phi, sinh thái tử Thì tức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Chồng mất, con bà nối nghiệp (tức vua Tự Đức), bà được tấn phong tôn hiệu là Từ Dũ Bát Huệ Thái hoàng Thái hậu. Đến đời Thành Thái, bà được long trọng dâng tôn hiệu là “Từ Dũ Bát Huệ Khương Thọ thái thái hoàng thái hậu”, trong dịp mừng thọ 80 tuổi.
Ngày 12-5-1902 (tức mùng 5 tháng 4 Nhâm Dần) bà mất, thọ 92 tuổi. Tôn thuỵ bà là Nghi thiên Tán thánh Từ Dũ Bát Huệ Trai túc Huệ đạt Thọ đức Nhân công Chương hoàng hậu, gọi tắt là Từ Dũ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu.

Nguyễn Đình Chiểu – sinh năm Nhâm Ngọ (1822-1888)

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, danh sĩ, chí sĩ cận đại của Việt Nam, hiệu Trạch Phủ, con cụ Nguyễn Đình Huy và bà Trương Thị Thiệt, sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822 tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) .
Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu sớm trải qua những chuỗi ngày gia biến và quốc biến hãi hùng đã tác động đến nhận thức của ông. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu đã theo cha chạy giặc.
Năm 1843 ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định, năm 1847 ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Nhưng sau đó, mẹ ông mất, ông trở về chịu tang mẹ, dọc đường vất vả lại thương mẹ khóc nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả đôi mắt. Về quê, chịu tang mẹ xong, ông lại bị một gia đình giàu có bội ước. Từ ấy ông vừa dạy học vừa làm thơ sống giữa tình thương của mọi người. Về sau có người học trò cảm nghĩa thầy đã gả em gái. Nhân dân thường gọi ông là Đồ Chiểu hay Tú Chiểu.
Khi Pháp xâm chiếm Gia Định, ông về ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tiếp tục dạy học và làm thuốc. Vốn nhiệt tình yêu nước, ông liên hệ mật thiết với các nhóm nghĩa binh của Đốc binh Nguyễn Văn Là, lãnh binh Trương Định. Ông tích cực dùng văn chương kích động lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân. Biết ông là người có uy tín lớn, Pháp nhiều lần mua chuộc nhưng ông vẫn nêu cao khí tiết, không chịu khuất phục.
Ông mất ngày 24-5 âm lịch, năm Mậu Tí (1888) thọ 66 tuổi.

Ngô Vi Liễn – sinh năm Giáp Ngọ (1894-1945)

Là viên chức, học giả, nhà khảo cứu văn học. Ông sinh ra tại làng Tả Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội).
Xuất thân từ gia đình Nho học. Từng học trung học thuộc địa Hà Nội (trường Bưởi), trường Thông ngôn, học và tốt nghiệp cao đẳng luật học Hà Nội. 1923-1928 làm Tham tá Sở Thư viện và Lưu trữ ở Hà Nội; tham gia hoạt động trong hội Trí Tri, dạy chữ quốc ngữ cho các lớp mở vào buổi tối cho những người muốn học thêm. Thời gian này ông viết và in một số cuốn sách như Viết Quốc ngữ cho đúng, Nhật dụng thông thư, Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ (soạn chung với Đặng Đình Nghiêm và Phan Văn Thư). Lục Vân Tiên (cùng với Đặng Đình Nghiêm dịch ra tiếng Pháp, Ứng Hòe đề tựa);
Từ năm 1928 đến 1939, ông chuyển làm Tri huyện, lần lượt trị nhậm chức huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), Quỳnh Côi (Thái Bình), Bình Lục (Hà Nam), Võ Giàng (Bắc Ninh). Ông chú ý lấy tài liệu và biên soạn sách địa lý về các hạt này.
Thời gian làm Tri huyện Bình Lục, ông được tiếng thanh liêm; ông cũng thường xuyên đi xuống gặp dân các địa phương hỏi và ghi chép về phong tục, danh thắng, cổ tích. Sách Địa dư huyện Bình Lục ông soạn theo lối biên khảo thực chứng, miêu tả một địa phương qua các thông số thống kê cụ thể (diện tích, dân số, trường học, hộ sinh, đường xá, sông ngòi, v.v.), đặc biệt chú ý ghi chép mô tả các đình, chùa, miếu, nhà thời, các lễ hội, các thần tích, các danh nhân.
Ông bị bệnh liệt từ năm 1941 đến 1945 thì mất.

Hà Huy Giáp – sinh năm Bính Ngọ (1906 –1995)

Ông là nhà hoạt động cách mạng, quê làng Thịnh Văn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, học giỏi nên được cấp học bổng, học hết tú tài Trường Bưởi ở Hà Nội.
Năm 1926 ông tham gia dự bãi khóa để tang Phan Châu Trinh, gia nhập Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, năm 1929 tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương, được cử làm Bí thư đặc khu ủy Hậu Giang kiêm thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 1931 ông bị bắt giam mãi cho tới ngày 2-5-1933 thực dân mới đưa ông ra xử trong “vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương” với án khổ sai chung thân, bị đày ra Côn Đảo đêm 14-5-1933 cùng với Ngô Gia Tự.
Năm 1936 ông được thả nhưng phải đi trại tập trung ở Trà Kê. Trong kháng chiến chống Pháp ông là Xứ ủy và được Đại hội II (1951) bầu vào BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Năm 1960-1976 Ông làm Bí thư Đảng Đoàn Bộ Văn hóa kiêm Thứ trưởng, Bí thư Đảng Đoàn Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Phó ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Từ năm 1970 ông phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh rồi làm Viện trưởng Viện Bảo tàng đó cho đến năm 1987 nghỉ hưu với tuổi 80.
Ông mất năm 1995 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 89 tuổi.

Phạm Văn Đồng – sinh năm Bính Ngọ (1906 - 2000)

Phạm Văn Đồng quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, sau khi bị địch bắt đày ra Côn Đảo (7.1929), ra tù về Hà Nội ông tiếp tục hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (1940).
Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng và có nhiều công lao trong xây dựng và quản lí nhà nước như: Bộ trưởng Bộ Tài chính Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Giơnevơ (Geneve) về Đông Dương; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Phạm Văn Đồng còn là nhà nghiên cứu văn hóa với nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị: “ Nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam”, “Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại”, “Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh”, “Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Văn hoá và đổi mới”,…
Ông được tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác.
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: