DANH NHÂN VIỆT NAM TUỔI NGỌ
(3)
-o0o-
Hoàng Văn Thụ - sinh năm Bính Ngọ (1906 –1944)
Nhà thơ, liệt sĩ cách
mạng, quê xã Nhân Lý (nay là xã Văn Thụ), huyện Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn, thuộc
dân tộc Tày.
Nhiệt tình yêu nước,
ông cùng Hoàng Đỉnh Giang, Lương Văn Chi tích cực hoạt động. Năm 1927, ông và
Lương Văn Chi sang Trung Quốc, được tổ chức đưa vào làm việc ở xưởng cơ khí Nam Hưng (Quảng
Tây) là cơ sở của cách mạng thành lập để làm kinh tài và là nơi liên lạc. Lần
lượt ông gây dựng được nhiều cơ sở Đảng ở Long Châu (Lũng Nghìu) và vùng Cao
Bằng, Lạng Sơn. Đến năm 1932, sau khi được gặp Lê Hồng Phong, ông trở thành một
cán bộ xuất sắc vừa là người lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, vừa là cán bộ
giúp việc tích cực của Ban lãnh đạo Đảng ở ngoài nước.
Tháng 11-1940, ông
được cử vào Ủy ban thường vụ Trung ương Đảng và lãnh nhiệm vụ chỉ đạo phong
trào Bắc Sơn – Vũ Nhai. Sau đó, ông lại được cử vào Tổng bộ Việt Minh lâm thời.
Tháng 8-1943, trên đường đi dự cuộc họp ở Hà Nội, ông bị mật thám Pháp chặn bắt
tại ngõ Năm Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Ngày 24-5-1944, ông hy sinh nơi trường
bắn Tương Mai (Hà Nội).
Đỗ Xuân Hợp - sinh năm Bính Ngọ (1906 - 1985)
Ông quê ở Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y dược (1929), sau đó là
bác sĩ y khoa và giảng viên Trường Đại học Y khoa Đông Dương (1932 - 1945).
Có nhiều công trình về
nhân trắc học và hình thái học người Việt Nam (1934 - 1985). Đại biểu Quốc
hội các khoá II - VII, uỷ viên Thường vụ Quốc hội khoá IV, phó chủ nhiệm Uỷ ban
Y tế – Xã hội của Quốc hội khoá VI, uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam khoá III.
Ông được nhận nhiều
giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Testut của Viện Hàn lâm Y học Pháp (1949);
Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng nhất; Giải thưởng Hồ Chí
Minh, đợt 1 (1996).
Lê Hiến Mai – sinh năm Mậu Ngọ (1918 - 1992)
Ông quê xã Trạch Mĩ
Lộc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tây, tham gia cách mạng từ năm 1939 bị Pháp bắt
nhiều lần, năm 1974 được thăng quân hàm Trung tướng. Từng giữ những chức vụ
quan trọng về quân sự, chính trị và chính quyền từ chính trị viên trung Đoàn
đến Phó Bí thư xứ ủy, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và điện lực, Bí thư đảng ủy Quân
khu 4, Ủy viên Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội kiêm Chủ
nhiệm ủy ban điều tra tội ác chiến tranh xâm lược của Mỹ.
Năm 1982 làm chủ nhiệm
ủy ban y tế xã hội của Quốc hội , Ủy viên Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN khóa
III, IV…
Ông được Đảng và Nhà
nước Việt Nam
tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Nguyên Hồng – sinh năm Mậu Ngọ (1918 - 1982)
Tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5/11/1918 tại phố Hàng Cau,
thành phố Nam Định, trong một gia đình theo đạo Thiên chúa. Ông là nhà văn
thuộc dòng văn học hiện thực phê phán.
Năm 19 tuổi (1937), Nguyên Hồng đã cho in tiểu thuyết “Bỉ vỏ”, tác phẩm
sau đó đã được giải thưởng của Tự lực Văn Đoàn. Năm 20 tuổi in hồi ký “Những
ngày thơ ấu” trên báo “Ngày nay”, năm 1940 xuất bản thành sách.
Nguyên Hồng tham gia tổ chức Văn hóa cứu quốc, tham gia thành lập Hội
Văn nghệ Việt Nam, sau đó công tác tại Hội và trong Ban biên tập tạp chí Văn
nghệ của hội. Năm 1948 Nguyên Hồng gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1952 ông được giao trách nhiệm Hiệu trưởng trường Văn nghệ nhân dân và được
gọi vui là 'Ông đốc Hồng'.
Tháng 1/1964 Nguyên
Hồng tham gia Đại hội thành lập Chi hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng (nay là
Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng) và là Chủ tịch cho đến khi mất.
Với gần 50 năm lao
động nghệ thuật, Nguyên Hồng có một vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam
hiện đại. Ông xứng đáng là nhà văn chân chính của 'Những người khốn khổ'. Ông
sống giản dị, chân chất hồn hậu và giàu xúc cảm.
Nguyên Hồng đã được
tặng nhiều Huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập. Ông được truy
tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đợt I (1996).
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét