BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Bài 42 : TU THẾ NÀO ?
Hoằng hữu Nguyễn Văn Phú
Đề tài “Tu thế nào?”
thật ra không phải là một đề tài dành cho tôi.
Lý do rất đơn giản: tôi đã tu gì đâu mà dám nói! Chưa biết bơi mà lại nói chuyện bơi, như thế
nào thì quả là “bạo phổi”. Nhưng đã lỡ
nhận lời với ban Hoằng pháp thì tôi đánh bạo tra cứu sách vở rồi tóm tắt lại
đem ra đây mà đọc, mong quý đạo hữu thông cảm mà tha thứ cho những điều sai lầm
và thiếu sót.
Chúng ta ai cũng biết
truyện Kiều, trong đó có nhiều câu bộc lộ ảnh hưởng Phật giáo, ở đây tôi xin
đưa ra hai câu này: “Có trời mà cũng tại ta, tu là cội phúc, tình là giây oan.” (câu
2657-2658). Nói đến thiên mệnh là dính
líu đến Khổng giáo. Nói đến ta chịu trách nhiệm về thân khẩu ý của ta, gây nghiệp
là do ta, làm cho nhẹ đi cái ác nghiệp là do ta, thoát khỏi nghiệp sinh tử luân
hồi cũng do ta, đấy là lý thuyết Phật giáo. Chúng ta hãy để ý đến câu tu là cội phúc (cội là gốc cây già và lớn). Cụ Nguyễn Du rõ ràng là muốn khuyên chúng ta
tu rồi còn gì, nhưng cụ chỉ mới giới thiệu chút chút thôi, cụ chỉ nêu vấn đề
phúc (hay phước) và chưa khai triển chữ huệ, vì có đủ hoàn toàn phước và huệ
thì mới thành Phật được!
Vấn đề là: tu thế nào? Đời nhà Đường
ở bên Tàu, có một ông thi sĩ nổi tiếng về những bài Trường hận ca và Tỳ bà
hành, đó là Bạch Cư Dị, học Nho, thi đậu, ra làm quan nhưng lại mộ đạo Phật,
nên có một bút hiệu là Hương Sơn cư sĩ.
Ông ta đến thăm thiền sư Ô Sào, là người sống ở trên một cây tùng lớn có
tán xòe rộng và hỏi thiền sư rằng : “Thế nào là đại ý Phật pháp?”.
Thiền sư trả lời : “Các việc ác chớ làm, hãy làm các việc thiện, giữ tâm ý
cho trong sạch”. (Chư ác mạc tác, chúng
thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý). Bạch Cư
Dị nói: “Điều đó đứa trẻ lên ba cũng biết”. Thiền sư bảo: “Nhưng ông già tám
mươi cũng khó làm được”. Thế là dạy làm
lành tránh dữ, rất đơn giản. Nói đúng
thì tôn giáo nào, luân lý nào cũng dạy như vậy.
Còn câu “giữ tâm ý cho trong sạch” thì khó hơn. Chúng ta hơi ngạc nhiên
vì thường thường thì câu trả lời của các thiền sư rất là khó hiểu. Thí dụ như khi được hỏi thế nào là đại ý Phật
pháp, thì một thiền sư đã trả lời: “Ba cân gai”. Chúng ta không nên bận tâm moi óc tìm hiểu vì
đó là câu trả lời của một ông thày cho riêng một đệ tử, thày trò người ta thông
cảm bao nhiêu lâu rồi, nay chỉ cần một chữ để khai ngộ mà thôi. Trong trường hợp ông thi sĩ phóng khoáng
thích ngâm thơ và uống rượu thì một câu trả lời nói trên đây là quý rồi! Có lẽ ông thi sĩ với bằng cấp cao đó chờ đợi một câu trả lời
sâu xa hơn.
Khi nói rằng có tới 84 ngàn pháp môn
để tu, là muốn nói có rất nhiều cách tu.
Tông phái nào có phương pháp tu của tông phái đó. Xưa kia, có nhiều tông phái lắm. Nay còn lại ba tông phái chính là Mật tông,
Thiền tông và Tịnh độ tông. Ai tu theo Mật
tông sẽ được sư phụ “bí mật” truyền pháp, người ngoài khó mà thông suốt được. Thiền tông dạo này được nhắc đến khá nhiều,
nhưng đa số lầm thiền và Thiền tông. Thiền
tông là một tông phái dùng phương pháp thiền để “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh
thành Phật”. Có người hiểu nông cạn: thiền
là cách thở hít, là một phương pháp dưỡng sinh chống stress. Lại có người chê cười vì nghe thấy chuyện
“thiền ôm”, kể trên Internet. Bây giờ
tôi chỉ đưa ra mấy câu này, chép nguyên văn trong sách Thiền tông Việt nam cuối thế kỷ XX của thiền sư Thích Thanh Từ :
« Để thấy rõ nét lối dung hợp phép tu qua ba vị Tổ (Nhị tổ Huệ Khả, lục
tổ Huệ Năng, sơ tổ Trúc Lâm tức vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng để đi tu),
chúng tôi cô đọng bằng những phép tu:
1. Biết vọng không theo, vì vọng
tưởng là những tâm niệm hư ảo.
2. Đối cảnh không tâm, vì cảnh là
tướng duyên hợp, giả dối tạm bợ.
3. Không kẹt hai bên, vì đối đãi
là không thật.
4. Hằng sống với cái thật, không theo
cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát ».
Đại đa số Phật tử Việt Nam tu theo pháp
môn niệm Phật của Tịnh độ tông. Phương pháp rất đơn giản: tin vào lời nguyện
của đức Phật A-Di-Đà, luôn luôn niệm hồng danh của ngài và nguyện vãng sanh về
quốc độ của ngài là cõi Cực lạc ở phương Tây. Đó gọi là tín, hành và nguyện. Tin thật chắc, nguyện thật vững, hành thật
siêng. Khi hành giả lâm chung, Phật
A-Di-Đà và thánh chúng tới dẫn thần thức của hành giả về Tây phương cực lạc quốc.
Không phãi tái sanh qua những cách thường thấy, mà sanh ra từ một bông hoa sen,
“hoa nở thấy Phật, thấy chư bồ-tát”, gặp thiện tri thức chỉ lối tu hành để
thành Phật quả, chứ không phải lên đó là thành Phật ngay được, lên đó được cái
hay nhất là khỏi sinh tử luân hồi, còn như muốn thành Phật hay thành bồ-tát thì
còn phải tu.
Niệm Phật phải chú tâm, không được
để cho tâm “đi chợ” nghĩa là tâm không được suy nghĩ lăng xăng. Có người khoe rằng mỗi ngày niệm Phật được
năm hay bảy chục chuỗi nhưng cái cần là có chú tâm không. Có người thì lại giải
đãi, ngày có niệm, ngày không niệm.
Chúng ta cần nhấn mạnh rằng: niệm Phật phải chú tâm và phải thực hành đều
đặn.
Trong đời sống hàng ngày, hành giả phải gắng giữ tam quy ngũ giới và làm mười điều thiện như đức Thế tôn đã dạy trong kinh Thập Thiện. Như thế để tạo thiện căn, phúc đức và nhân
duyên chuẩn bị vãng sanh. Đầy tội lỗi
thì Phật nào đến rước cho được! Điều này
do Đức Thế Tôn dạy trong kinh A-Di-Đà: « Ít thiện căn, phúc đức, nhân
duyên, thì không thể sinh sang nước kia được đâu ».
Còn một việc nữa: đó là sám hối. Không phải là sám hối kiểu hình thức, cho đủ
việc ngày 14 hay ngày cuối tháng ta, mà là chân sám hối, sám hối tội của chính
mình và hứa chắc không tái phạm nữa, đồng thời tụng kinh Thủy Sám hay kinh
Lương Hoàng Sám.
Đối với các đạo hữu đã biết về thức thứ tám tức là tạng thức hay a-lại-da,
tôi xin nói thêm rằng: niệm Phật là cốt để huân, để ướp các chủng tử lành, thiện,
tốt, sạch vào trong tạng thức, dẹp các tạp niệm, tà niệm, ác niệm đi, làm sao
cho đến lúc lâm chung, tâm mình chỉ còn toàn là niệm về Phật mà thôi, chỉ hướng
về Phật mà thôi, như vậy là đi theo Phật, là có Phật tới đón. Không chịu niệm từ bây giờ, lúc gần chết thì
không thể kịp được. Thật vậy, có người không may gặp tai nạn thì niệm Phật sao
được, có người đau đớn quá chỉ quằn quại rên la trên giường bệnh thì niệm Phật
sao được, có người tiếc hết thứ nọ đến thứ kia, lại thêm vợ con khóc inh ỏi bên
tai, nếu có niệm nào thì đó là niệm của, niệm người, đâu phải là niệm Phật. Nói cho các bạn trẻ đã học khoa tâm lý của
triết học, thì phương pháp niệm Phật cầu vãng sanh là một thuật huấn luyện tâm
lý, gây một cái nếp trong tâm, khơi một cái rãnh trong tâm, nôm na là tạo ra một
thói quen tâm lý.
Tóm lại, trả lời câu hỏi đặt ra lúc đầu: tu thế nào?, tôi xin dựa vào sách
vở mà thưa rằng: trong thời buổi này, căn cơ kém như chúng ta thì tu bằng cách
niệm Phật. □
CHÚ THÍCH . Xin giới thiệu cuốn NIỆM
PHẬT THẬP YẾU của HT Thích Thiền Tâm do Phật học viện Quốc tế xuất bản năm 1982
tại Hoa kỳ, gồm 10 chương như sau: Niệm Phật phải
1/ vì thoát sinh tử
2/ phát lòng bồ-đề
3/ dứt lòng nghi
4/ quyết định nguyện vãng sinh
5/ hành trì cho thiết thật
6/ đoạn tuyệt phiền não
7/ khắc kỳ cầu chứng nghiệm
8/ bền lâu không gián đoạn
9/ an nhẫn các chướng duyên
10/ dự bị lúc lâm chung.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét