Bước vào cõi Phật –
Quyển 2 – Bài 6
Cố Hoằng Hữu Nguyễn
Văn Phú
-o0o-
6. TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG KINH
Vào thế kỷ thứ nhất,
Vua Minh Đế nhà Hậu Hán bên Trung quốc sai người đi sứ sang Thiên Trúc (tức Ấn-Độ
ngày nay) để thỉnh kinh Phật. Trong số kinh mà phái đoàn đã thỉnh được, cuốn Tứ Thập Nhị Chương Kinh tức là Kinh Bốn Mươi Hai Chương, chép những lời
dạy của đức Thế Tôn khi Ngài mới đắc đạo.
Các bộ kinh do một con ngựa bạch chở về; vua Minh Đế sai xây chùa và đặt
tên là Bạch Mã Tự để chứa Kinh.
Tứ Thập Nhị Chương Kinh là cuốn kinh đầu tiên truyền sang Trung quốc, và Bạch Mã
Tự cũng là ngôi chùa chính thức đầu tiên tại Trung quốc.
Xin trích ra đây vài
Chương để quý đạo hữu học tập:
CHƯƠNG THỨ 18. - Đức
Phật dạy: “Pháp của ta là: Niệm mà không chấp nơi niệm, mới thật là niệm. Làm mà không chấp nơi làm, mới thật là
làm. Nói mà không chấp nơi nói, mới thật
là nói. Tu mà không chấp nơi tu, mới thật là tu. Tỉnh thì gần được, Mê thì cách xa. Ngôn ngữ dứt hết, không trói buộc vào sự vật. Nếu sai lệch một chút, sẽ mất ngay. ”
Tuy chỉ có mấy dòng thôi, nhưng nếu chú ý ta sẽ thấy cả cuốn Kinh Kim Cương luận về cái Lý Chân Không
trên đây. Thí dụ: “Bồ-tát trang nghiêm
Phật độ, mà không nghĩ rằng mình trang nghiêm Phật độ, mới thật là trang nghiêm
Phật độ ”. Thí dụ khác: “Tu-Bồ-Đề, phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các pháp đều hư vọng, tức là thấy được
Như Lai. ” Và: “Tu-Bồ-Đề. Thật không có
một pháp nào gọi là phát tâm bồ-đề. ”
CHƯƠNG THỨ 37. – Đức Phật dạy: “ Đệ tử của ta tuy ở xa ta vài nghìn dặm mà
luôn luôn nghĩ đến giới pháp của ta thì chắc chắn sẽ chứng được đạo quả. Ở gần
bên ta, tuy thường gặp, mà không thực hành theo giới pháp của ta, cuối cùng
cũng không chứng được đạo”.
CHƯƠNG THỨ 38. - Đức Phật hỏi một sa-môn: “Mạng người ta được bao lâu?”
Bạch rằng: “Chừng vài ngày. ”
Đức Phật nói: “Nhà ngươi chưa biết Đạo.”
Ngài lại hỏi một sa-môn khác: “Mạng người được bao lâu?”
Bạch rằng: “Chừng một bữa cơm”.
Đức Phật nói: “Nhà ngươi chưa biết Đạo”.
Ngài lại hỏi một sa-môn khác: “Mạng người được bao lâu?”
Bạch rằng: “Chỉ trong một hơi thở ra vào. ”
Đức Phật nói: “Đúng vậy, nhà ngươi đã biết Đạo rồi đó. ”
CHƯƠNG THỨ 40. - Đức Phật dạy: “Hành đạo chớ có như con bò kéo cái cối
xay. Tuy rằng thân có hành đạo, mà tâm
có hành đạo đâu. Nếu như tâm thực hành
được đạo thì chẳng cần đến nghi thức hành đạo”.
Cách đây 25 thế kỷ, đức Thế Tôn đã dạy như vậy rồi. Trong kinh
Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng nói:
“Bồ-đề tự lòng tìm thấy,
Nhọc chi ngoài tánh cầu huyền
Nghe giảng tu hành theo đó,
Thiên đường mắt thấy hiện tiền.”
CHƯƠNG THỨ 22. - Đức Phật dạy: “ Đối với tiền tài và sắc đẹp, người ta rất
khó buông xả; tiền tài và sắc đẹp ấy giống như chút mật dính trên lưỡi dao, chẳng
đủ cho một bữa ăn ngon, đứa bé liếm lấy ắt mắc cái họa đứt lưỡi”.
CHƯƠNG THỨ 24. - Đức Phật dạy: “ Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng
nữ sắc. Lòng ham muốn sắc đẹp, to lớn không gì sánh bằng. May mà chỉ có một nó mà thôi, nếu có đến hai
thứ như nó thì khắp thiên hạ, chẳng còn ai tu Đạo nổi nữa”.
CHƯƠNG THỨ 25. - Đức Phật dạy: “ Người ham mê ái dục ví như kẻ cầm đuốc đi
ngược gió, tất sẽ mắc phải nạn cháy tay”.
CHƯƠNG THỨ 26. - Thiên ma hiến ngọc nữ cho Phật, toan phá hoại ý chí của
Ngài. Đức Phật nói: “ Những túi đồ da ô uế, các ngươi đến đây làm gì? Đi ngay!
Ta chẳng dùng đâu”.
CHƯƠNG THỨ 9. - Đức Phật dạy: “Lấy sự nghe nhiều hiểu rộng mà yêu mến Đạo,
thì khó mà hiểu thấu được Đạo. Nếu bền
chí mà phụng sự Đạo, thì thấu hiểu Đạo rộng lớn.”
CHƯƠNG THỨ 12. - (Nêu ra sự khó để khuyên tu) Đức Phật dạy: “ Người ta có
hai mươi sự khó:
1- Bần cùng mà bố thí là khó.
2- Hào quý mà học Đạo là khó.
3- Bỏ thân mạng quyết chết là khó.
4- Được thấy kinh Phật là khó.
5- Sanh mà gặp đời có Phật là khó.
6- Nhịn sắc, nhịn dục là khó.
7- Thấy tốt mà chẳng mong cầu là khó.
8- Bị sỉ nhục mà chẳng tức giận là khó.
9- Có thế lực mà không lạm dụng là khó.
10- Gặp việc mà vô tâm là khó.
11- Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó.
12- Dẹp trừ tính ngã mạn là khó.
13- Chẳng khinh người chưa học là khó.
14- Thực hành tâm bình đẳng là khó.
15- Chẳng nói thị phi là khó.
16- Gặp được thiện tri thức là khó.
17- Học Đạo, thấy được Tánh là khó.
18- Tùy duyên, hóa độ người là khó.
19- Thấy cảnh mà không động là khó.
20- Khéo biết phương tiện là khó.
---o0o---
GHI CHÚ. Khi cho lên mạng BuddhaSasana bản dịch của sư Viên Giác, ông Bình
Anson đã ghi chú như sau: Kinh Tứ Thập Nhị
Chương là bản kinh Phật giáo đầu tiên được dịch sang tiếng Hán. Bản dịch
thông dụng nhất hiện nay được nhiều người cho rằng do ngài Ca-Diếp Ma-Đằng và
Trúc Pháp Lan dịch trong thời vua Minh Đế thời nhà Hậu Hán. Đây không phải là một
bản kinh thuần túy ghi lại một bài giảng của đức Phật mà chỉ là một tuyển tập,
trích dịch ngắn gọn các lời dạy của đức Phật từ nhiều bản kinh Phạn ngữ khác
nhau, không biết nguồn gốc. Trong Phật
Giáo Việt Nam Sử Luận, quyển 1, chương 2, tác giả Nguyễn Lang viết rằng trải
qua nhiều đời lưu truyền, nội dung và văn thể bản kinh này có nhiều thay đổi,
các tư tưởng mới trong Thiền tông đại thừa Trung Hoa đã được pha trộn thêm vào
bản kinh nguyên thủy (chẳng hạn như các quan niệm về vô niệm, kiến tánh học đạo,
vô tu vô chứng ..)
GHI CHÚ. Khi cho lên mạng BuddhaSasana bản dịch của sư Viên Giác, ông Bình
Anson đã ghi chú như sau: Kinh Tứ Thập Nhị
Chương là bản kinh Phật giáo đầu tiên được dịch sang tiếng Hán. Bản dịch
thông dụng nhất hiện nay được nhiều người cho rằng do ngài Ca-Diếp Ma-Đằng và
Trúc Pháp Lan dịch trong thời vua Minh Đế thời nhà Hậu Hán. Đây không phải là một
bản kinh thuần túy ghi lại một bài giảng của đức Phật mà chỉ là một tuyển tập,
trích dịch ngắn gọn các lời dạy của đức Phật từ nhiều bản kinh Phạn ngữ khác
nhau, không biết nguồn gốc. Trong Phật
Giáo Việt Nam Sử Luận, quyển 1, chương 2, tác giả Nguyễn Lang viết rằng trải
qua nhiều đời lưu truyền, nội dung và văn thể bản kinh này có nhiều thay đổi,
các tư tưởng mới trong Thiền tông đại thừa Trung Hoa đã được pha trộn thêm vào
bản kinh nguyên thủy (chẳng hạn như các quan niệm về vô niệm, kiến tánh học đạo,
vô tu vô chứng ..)
BuddhaSasana cũng đưa lên mạng bản dịch của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ, Tổng Hội
Phật Giáo Pháp Giới, Vạn Phật Thánh Thành, California, Hoa Kỳ và bản dịch ra
Anh Ngữ lấy từ một mạng tiếng Anh, nhan đề The
Sayings of the Buddha in Forty-Two Sections by Kasyapa Matanga and
Gobharana. Lời mở đầu của bản tiếng Anh này cho biết: Kinh này được viết theo
kiểu Kinh Thư của Khổng Tử để thích hợp với người Trung Hoa cho nên mỗi chương
đều bắt đầu bằng “Đức Phật dạy”, giống như “Khổng Tử viết”...
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét