Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

7. TÂY DU KÝ

Bước vào cõi Phật – Quyển 2 – Bài 7. Tây Du Ký
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
7. TÂY DU KÝ

Trước đây, khi nói về ngài Huyền Trang, tức là Đường Tam Tạng, tôi đã thưa rằng Tây Du Ký do Ngô thừa Ân tưởng tượng mà viết ra, nhưng có nhiều chi tiết ly kỳ và lý thú, nên được biết đến nhiều hơn là Tây Vực Ký là chuyện thật do chính ngài Huyền Trang viết, kể lại chuyến đi Tây Trúc thỉnh kinh.  Tôi cũng đã thưa rằng Tây Du Ký có chỗ mang ẩn nghĩa dính líu đến Duy thức học, môn học làm nền móng cho Pháp tướng tông mà ngài Huyền Trang là giáo tổ.  Hôm nay, tôi xin nói về mấy chỗ ẩn nghĩa đó.
Con người có tám thức: năm thức đầu là nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, thức thứ sáu là ý thức, thức thứ bảy là mạt-na-thức và thức thứ tám là a-lại-da-thức.  Khi con mắt (nhãn căn) gặp cái cây chẳng hạn (cái cây gọi là nhãn trần) thì làm nảy ra nhãn thức, nhờ nhãn thức ta mới biết là cái cây.  Khi tai (nhĩ căn) gặp tiếng còi chẳng hạn (tiếng còi gọi là thanh trần), thì hai thứ ấy làm duyên cho nhãn thức nảy ra,  nhờ nhĩ thức ta mới biết là tiếng còi, vv ...
Khi trong ta, có một tư tưởng chẳng hạn, thì cơ quan nào coi về thứ đó?  Thưa rằng đó là giác quan thứ sáu vô hình, gọi là ý. Ý vô hình, nó “đóng đô” ở nơi vô hình gọi là ý căn.  Cơ quan Ý gặp một tư tưởng thì tư tưởng đó gọi là một pháp.  Phải có ý thức thì ta mới biết đó là một tư tưởng.  Ý thức quan trọng vì nó tổng hợp năm thức kia, có nó thì mới có suy nghĩ, học hỏi, lý luận, đặt kế hoạch vv... Nó là “công vi thủ, tội vi khôi” (công cũng do nó đứng đầu, tội cũng do nó đứng thứ nhất). 
Thức thứ bảy là cái gì?  Chính là cái ý căn.  Nó có nhiều tên lắm, ta hãy dùng tên mạt- na-thức, nói ngắn là mạt-na.  Nó là thứ so đo, tính toán, quyết định, đáng chú ý là nó hay quyết định theo thói quen của con người, và đáng chú ý nữa là nó chấp ngã nặng nề, cái ta do nó mà mạnh.  Thế thì nó xấu hay sao? Không!  Nó bảo vệ cái thân mệnh ta, nó nghĩ cách bảo vệ cái ta. 
Còn thức thứ tám là cái nào?  Nó cũng có nhiều tên, ta hãy dùng tên a-lại-da, nó là cái kho, kho chứa nghiệp do thân khẩu ý gây ra và cả nghiệp của các đời trước.  Các chủng tử (nhân) mà người ta gieo vào đó sẽ trổ quả.  Chính a-lại-da mang cái nghiệp vô hình đi luân hồi.

Con heo Trư Bát Giới ham ăn ham uống, tượng trưng cho năm thức đầu, tiếp xúc với ngoại cảnh rồi bị ngoại cảnh chi phối, tham lam, cái gì hay, đẹp, tốt cũng muốn chiếm về phần mình, tay luôn luôn cầm đinh ba sẵn sàng quơ mọi thứ cho mình ; “hương thơm vị ngọt quen mồm mũi, tiếng dịu mầu xinh bận mắt tai”; khi đã vướng vào sắc, thanh, hương, vị, xúc rồi, mà lại không có ai chỉ bảo cho con đường giải thoát để trở về quê hương thật sự của mình là cõi Niết-bàn thì luân hồi không biết kiếp nào mới ra khỏi: “trôi giạt còn dài đời gió bụi, quê hương muôn dặm bóng xa khơi” (Trần Thái Tông, bài Bốn núi, trong Khóa Hư Lục, bản dịch của Ngô tất Tố).
 Con khỉ Tôn Ngộ Không do thông minh nhanh nhẹn, làm chúa đàn khỉ ở Hoa Quả Sơn, đây là tượng trưng cho thức thứ sáu tức là ý thức, sự suy xét, sự lý luận, sự phán đoán ... , nói dễ hiểu Tôn Ngộ Không tượng trưng cho lý trí.  Lý trí này nghĩ phải, nghĩ trái đều được, nghĩ trái như là phá rối tận Thiên đình, nghĩ phải như yểm trợ và bảo vệ sư Huyền Trang sang Tây Trúc thỉnh kinh Phật.  Muốn huấn luyện cho biết nghĩ phải thì cần thực hành chánh pháp, chệch một chút là hỏng; đó là ý nghĩa việc Tôn Ngộ Không đội kim cô, nghĩ sai là đau đầu ngay.  Làm chúa khỉ rồi, một ngày kia, Tôn Ngộ Không tức Hầu Vương muốn hưởng mãi phúc trời tức là muốn bất tử.  Một con khỉ già chỉ bảo cho biết rằng nên tu thành Phật, Thánh thì “sống ngang trời đất”.
 
Sa Tăng thì sao?  Sa Tăng gánh hành lý, giữ giấy tờ.  Giấy tờ để làm gì? đó là thẻ căn cước theo cách nói ngày nay.  Căn cước này ghi rõ tên tôi, hành lý này của tôi, của thày tôi, của bạn tôi... luôn luôn có chữ “tôi”, rõ ràng là nói cái “ngã”.  Sa Tăng tượng trưng cho thức thứ bảy, tức mạt-na, luôn luôn chấp ngã.  Tu Phật là tiến tới chỗ vô ngã, một trong những điều cần để chứng ngộ Niết -bàn là đạt được tình trạng tâm lý vô ngã.  Thế thì bỏ cái thân này đi chăng, tự tử chăng?  Làm thế là điên rồ, không có cái thân này thì lấy gì mà tu? Thân phải khỏe mạnh, tâm phải trong sạch, thân tâm phải đi đôi với nhau. Khỏe như Bạch Mã mà Đường tăng cưỡi, thanh tịnh như lòng của Đường tăng.  Thân khỏe, lòng tịnh, thêm vào ý chí tinh tấn, cần cù, nhẫn nại như  Sa Tăng, thế thì vượt được mọi trở ngại trên đường tu hành.
Khi thày trò Đường tăng gặp nạn, bị tiểu yêu bắt nhốt vào túi, chỉ có một mình Tôn Ngộ Không ở ngoài, chưa nghĩ ta cách gì giải cứu thì may sao, gặp được ngài Di-Lặc chỉ mẹo cho tiểu yêu ăn dưa cả hột.  Nó ăn, hột vào trong bụng, trổ thành cây, tiểu yêu chịu không thấu  nên bị thua vv…  Cái túi chứa hột, hột lớn lên thành cây, ý nghĩa gì đây?  Đó là a-lại-da, tên khác là tạng thức.  Túi chứa dụ cho cái kho (tạng = kho), hột là chủng tử, chủng tử lớn dần ... chẳng qua là nhân đang trở thành quả, nghiệp đang thành hình.  Lại nữa, nói tới đức Di-Lặc là nói tới Duy thức, chính ngài đã dạy Duy thức cho hai ngài Vô Trước và Thế Thân.  Các vị ấy đã xiển dương môn Duy thức học, ngài Huyền Trang rất tinh thông môn học đó, đem truyền bá tại Trung Quốc nên ngài được coi là giáo tổ của Duy thức Pháp tướng tông.
Đường tăng là một nhân vật có thật, còn các nhân vật kia do óc tưởng tượng của văn sĩ Ngô Thừa Ân tạo ra.  Tuy là tưởng tượng nhưng đây là một sự tưởng tượng có lớp lang, có hệ thống, có dựa trên một lý thuyết là Duy thức học nói riêng và vào Phật pháp nói chung.  Khi còn ít tuổi, chúng ta đã thích thú Tây Du Ký. Nay học Phật, thấy rõ nhiều chi tiết khéo lồng vào truyện, khéo gợi Duy thức học và Phật học [thí dụ: có người mách cho Tôn Ngộ Không đến tìm Đạo ở động Tà nguyệt tam tinh, thì đó chẳng qua là chữ tâm ( “một vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời”, cụ Nguyễn Du cũng  đã dùng để tả chữ tâm) mà tâm lại chính là ý niệm cốt lõi nhất mà cũng khó hiểu nhất của đạo Phật] chúng ta cảm thấy thích thú thêm một phần nữa. 
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: