Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

NGHỆ THUẬT THIỀN HỌA VÀ CẢNH, ÂM NHẠC




Nghệ thuật thiền họa và vườn cảnh
3. Vườn cảnh Nhật Bản
Cư sĩ Trần Kiêm Đạt
---o0o---
Ngoài hội họa còn nghệ thuật làm vườn cũng là lãnh vực rất sâu rộng. Nghệ thuật làm vườn cảnh được sử dụng lâu đời ở vùng Viễn Đông. Những tướng quân Muromachi ở Nhật đã theo những khuôn mẫu của văn hóa triều Heian. Họ thường xây dựng vườn chung quanh những nhà thủy tạ giữa các hồ. Công trình xây dựng thông thường gồm có: một ngôi chùa để thờ phượng, một phòng đơn giản để hành Thiền và  trà đạo. Vườn ở chung quanh. Cách bố  trí như vậy theo kiểu mẫu  ở ngôi đền Ginkakuji.
Đây là sự kết hợp giữa mô típ bản xứ với vưòn cảnh kiểu nước ngoài. Những chất liệu chính là vườn, nước và cát; đây là hình ảnh cảnh  giới Tây Phương được mô tả trong kinh A Di Đà. Một mái  chùa bằng gỗ gợi  lên hình ảnh quen  thuộc những đền chùa Thần Đạo (Shinto) và Phật Giáo  thời đại Heian; những cửa sổ của tầng hai  là kiểu lập lại mô típ bệ thờ (Chaitya); m phượng hoàng  trên mái  nhà theo  phong cách  điêu khắc  đền Byodoin nổi tiếng. Vấn đề  căn bản là trang trí đơn  giản, thông thoáng, kích cỡ khiêm tốn sao cho phù hợp với tinh thần tự chế của Thiền. Kiểu cấu trúc  này được gọi là Byodo-in. Đây là một trong những ngôi chùa Thiền tông mà nghệ thuật vườn cảnh đã đạt đỉnh cao nhất; từ đó lan  tỏa khắp nơi.  Hầu hết các đền chùa Nhật  đều giành một khoảng không gian để tạo vườn cảnh.
Cách bố cục thường mang tính trừu tượng, hàm  súc mà không thô thiển. Một ít tảng đá, một đụn cát được bố trí phiá trước một sân dùng để thiền hành. Từ xa, có thể thấy  được vẻ tự nhiên  của cảnh quan này. Tại Nhật, khi nói đến vườn cảnh thì nhắc đến những vườn đá nổi  tiếng Ryoanji tại cố đô Kyoto.  Ta thấy gì ở đây:  15 tảng đá được sắp xếp hết sức nghệ thuật,  tinh xảo trên đụn  cát; mỗi chi tiết đều được đặt ở những vị  trí chính xác. Người  đến thưởng ngoạn cảnh này thường phải suy nghiệm và phân tách, mới thấu triệt  hết ý nghĩa. Đá và cát là hai giai đoạn của thành, trụ,  hoại, diệt. Rồi  một ngày nào, những tảng đá kia mòn dần trở thành cát. Vạn vật đều như thế cả.
Tại  Nhật, hàng trăm cuốn sách viết về vườn cảnh, nhưng vẫn còn thấy thiếu.  Thiếu là vì sức sáng tạo ngày càng chuyên sâu, càng khám phá.
4. Âm nhạc Nhật và Thiền.
Trong những dòng thơ Thiền của  Nhật Bản có một  đoạn viết về âm sắc như sau: "Chuông ngân giữa trời không; Tiếng sáo tre gợi nhớ. Đưa hồn về  nguyên sơ". Thiền sư Nhật thường  viết và suy tư về những âm điệu từ cây sáo  tre.
Theo truyền thuyết ghi trong cuốn Kojiki (Cổ Sự Ký) thì cây sáo  tre dạng ống tiêu (người Trung Hoa gọi là  Xiao) được các  nhà sư Nhật  Bản sang Trung  Quốc du học mang về nước vào  thời đại Nara. Vào thế kỷ VIII,  và sau đó được truyền bá và  thu dụng làm một loại nhạc ghi trong ban nhạc cung đình (gagaku) của Thiên Hoàng sau này. Tiêu cung đình Nhật Bản đầu mô phỏng theo tiêu  của Trung Quốc, gồm nhiều ống  trúc ghép lại với nhau, mỗi ống là một âm khác nhau. Nhưng dần dà về sau, qua những cải cách, người ta chỉ còn lấy  một ống khoét thành nhiều lỗ trên thân, dùng cho  tất cả các âm.
Ống  tiêu lúc đó chia 2  loại: một loại không có miệng dùng để chỉnh  âm, hơi được thổi qua lỗ khoét. Loại khác có miệng, khắc theo hình chữ V, chơi trong các ban nhạc biểu diễn. Loại tiêu có miệng này người Nhật gọi là "Shakuhachi" (Xích bát) có nghĩa là "một thước tám" (dài khoảng 54cm). Sau thời Nara, tiêu cũng lãng quên.  Mãi đến thế kỷ XV, loại tiêu này được phục hồi, cải biến  ngắn hơn, gọi là "hitoyogiri". Ngoài ra, loại tiêu  này khấc hình chữ V, quay  đỉnh vào bên trong; còn tiêu cung đình của Nhật và của Trung Hoa thì quay đỉnh ra ngoài. Tiêu  hitoyogiri có  5 lỗ  chuẩn tương  đương với  năm âm:  cung, thương, giốc, chủy, vũ (tương ứng  với các nốt nhạc: Fa, Sol, La, Do, Ré) và được  các nhà sư Nhật tu theo hạnh  Đầu Đà (Kuke) phục chế để dùng trong các buổi lễ. Ở Edo (Tokyo  ngày nay) vào thế  kỷ XVIII, giới võ  sĩ (samourai) từng sống nhờ bảo vệ các lãnh chúa bỗng nhiên trở nên thất nghiệp vì trong nước trở lại thanh bình.
Nhiều người sa cơ lỡ vận gọi là "ronin" (lãng nhân) đã gia nhập hàng ngũ du tăng khất sĩ "kumoso" (hư vô tăng); có người lập nên  chùa riêng. Vì có lệnh triều đình cấm  mang  gươm,  cho  nên  các  ronin  đã  cải chế các loại tiêu hitoyogiri to hơn, dài hơn, có đầu  cong lên, để khi chơi nhạc họ có thể  thổi đầu nhỏ;  khi cần chiến  đấu, họ dùng  đầu gốc phang chém dễ dàng. Theo truyền khẩu, chế độ Mạc Phủ đã cho phép một số ronin cải trang thành tu sĩ để do thám các kumoso; họ len lỏi vào các chùa, vừa đi vừa thổi tiêu, hết nơi này đến nơi khác. Để phân biệt, dân chúng gọi họ là  "komuso" nghĩa là "chẳng ra thể thống gì". Tuy vậy, tiếng tiêu cũng như tiếng tụng kinh đã không vì vậy mà mất ý nghĩa thanh cao. Trong thời kỳ này, loại tiêu Shakuhachi chia ra nhiều môn phái khác nhau. Có môn phái như Kim-ryo chuyên luyện hơi thở (quán sổ tức) và dùng kỹ thuật  này để thổi tiêu.

Môn phái Kinko thì  sưu tầm những ca khúc trong dân gian truyền  thống, do Kinki  Kurosawa thực hiện. Những ca khúc  này đến nay vẫn còn  truyền bá, gọi là "36  bài cổ nhạc của  Kinko". Vào thời Minh Trị Thiên Hoàng lại  có thêm môn phái Tozan,  tổng hợp tinh hoa  của tiêu Shakuhachi. Cho  đến khi chế độ Mạc  Phủ lụi tàn, giới võ sĩ phân tán thì tiêu cũng thay đổi. Những  nét thô cứng không còn; thay vào đó là loại tiêu có dáng cong, trông thanh tao hơn.  Để tạo âm thanh, người thổi tiêu trề môi thổi vào mép của ống sáo như lối thổi tiêu của ta. Lượng hơi thổi vào, kết hợp với tay bấm hàng lỗ, tạo âm giai khác nhau. Tiếng tiêu cũng đi vào nghệ  thuật  Thiền qua những nhạc sĩ điêu luyện về âm pháp và luôn trì thủ tâm hồn tĩnh lặng.
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: