Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

8. LỤC TỔ HUỆ NĂNG

Bước vào cõi Phật – Quyển 2 – Bài 8. Lục tổ Huệ Năng
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
8. LỤC TỔ HUỆ NĂNG
Tại chùa chúng ta đây, trong thời gian qua, Hòa thượng đã giảng kinh Pháp Bảo Đàn (tên đầy đủ là Lục Tổ Huệ Năng Pháp Bảo Đàn kinh). Từ trước, chúng ta biết rằng chữ kinh dùng để chỉ những sách ghi lại lời dạy của đức Phật Thích-Ca. Kinh Pháp Bảo Đàn ghi lại tiểu sử và lời dạy của Lục Tổ Thiền tông là ngài Huệ Năng, kinh này không do Phật thuyết mà cũng được gọi là kinh, lý do là các đệ tử của ngài tuân theo lời dặn của ngài mà viết như vậy. Ngoài ra, quyển kinh này rất quý không những đối với Thiền tông mà với tất cả những ai học Phật.
Lục tổ Huệ Năng
Hôm nay tôi nói về ngài Lục Tổ, công việc không khó lắm vì quý vị còn nhớ nhiều về phẩm đầu tiên tức là Hành Do, và phẩm cuối cùng tức là phẩm Phó Chúc  ghi lại tiểu sử của ngài do chính ngài và đệ tử kể, tôi chỉ cố tóm tắt sao cho gọn.  Nhưng phần khó mà ban Hoằng pháp chờ đợi ở tôi là nêu ra những điều đặc sắc của Lục Tổ.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma
Tổ thứ 28 của Phật giáo là ngài Bồ-Đề-Đạt-Ma từ Ấn-Độ sang Trung Hoa sáng lập ra Thiền Tông nên được kể là sơ tổ Thiền Tông.  Các vị tiếp theo là Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn. Tổ thứ sáu là ngài Huệ Năng.
Ngài Huệ Năng (638? – 713?). mồ côi cha từ sớm, nhà nghèo, không được đi học, kiếm củi bán lấy tiền nuôi mẹ.  Một hôm, đi giao củi, qua nhà kia, nghe người ta tụng kinh thì thấy trí bừng sáng.  Người tụng kinh đó cho biết đó là kinh Kim Cang, học nơi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở núi Hoàng Mai.  Ngài thu xếp việc nhà, đến yết kiến Ngũ Tổ.  Qua mấy lời vấn đáp, Ngũ Tổ biết ngay ngài sẽ là người kế thừa nhưng chưa nói gì, giao cho việc giã gạo dưới bếp.  Chi tiết quan trọng nhất mà chúng ta cần nhớ là sự  truyền y bát từ Ngũ Tổ sang Lục Tổ và sự phân chia Thiền Tông thành hai ngành Nam và Bắc tức là Đốn và Tiệm (= nhanh và chậm) do hai ngài Huệ Năng và Thần Tú cầm đầu.
Vắn tắt như sau này: Ngũ Tổ ra lệnh cho môn đệ làm mỗi người một bài kệ để ngài xem trình độ.  Không ai dám làm vì nghĩ rằng đương nhiên thượng tọa Thần Tú là người xứng đáng nhất để “nối nghiệp” Ngũ Tổ.  Bài kệ của ngài Thần Tú là: “Thân là cội bồ-đề, Tâm như đài gương sáng, Luôn luôn phải lau chùi, Chớ để dính bui bặm.”. Ngài Huệ Năng không biết chữ, nghe người ta kể lại bài kệ đó, bèn nhờ người viết hộ bài kệ của mình như sau: “Bồ-đề vốn không cây, Gương sáng cũng chẳng đài, Xưa nay không một vật, Chỗ nào dính bụi bặm?”. 
Ngũ Tổ hiểu ngay ai là người có trình độ cao hơn. Ngài bí mật gọi ngài Huệ Năng vào tăng phòng, giảng kinh Kim Cang cho nghe, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (= không trụ vào đâu mà sinh tâm) thì ngài ngộ.  Ngũ Tổ truyền y bát cho ngài, ra lệnh cho ngài đi về phương Nam, ẩn dật tránh hiểm nguy (vì có người muốn cướp y bát), đợi sau sẽ ra hoằng pháp độ sinh.
Trong hơn 15 năm trốn tránh trong rừng, sống cùng với thợ săn, ngài vẫn là một cư sĩ, chưa có ai làm lễ thế phát cho ngài.  Khi ngài tới chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, thì pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh.  Hai thày tăng thấy gió thổi lá phướn, một thày nói: gió động; thày kia nói: phướn động.  Lục Tổ bảo: Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà là tâm các ông động!
Nghe được chuyện này, pháp sư Ấn Tông mời ngài tới hỏi chuyện và biết ngài chính là người được truyền y bát.  Ngài Ấn Tông làm lễ thế phát cho ngài và tôn ngài làm thày.  Ngài lưu lại chùa Pháp Tánh ít lâu rồi về trụ tại chùa Bảo Lâm, gần Tào Khê (không xa Quảng Châu ngày nay, Quảng Châu tức là Canton).  Ngài thuyết pháp độ sanh trong bốn chục năm.
Vào năm 713, ngài sai môn đồ sửa soạn thuyền để về Tân Châu, tại đó có chùa Quốc Ân là nơi ngài đã trụ trì và đã cho xây sẵn tháp.  Mọi người hiểu, buồn bã, thỉnh ngài nán lại, ngài dạy: “Có đến ắt có đi, đó là việc thường”.  Về đến chùa Quốc Ân, tắm gội xong, ngài bảo “Ta đi đây”, ngài ngồi kiết già, an nhiên thị tịch. Môn đồ rước hài cốt ngài về nhập tháp bên suối Tào Khê.  Y do Ngũ Tổ truyền, bát do vua ban và tượng của ngài được thờ trong chùa Bảo Lâm, sau đổi tên là chùa Nam Hoa.
Lục tổ sống 76 tuổi, 24 tuổi được truyền y, 39 tuổi mới thế phát, nói pháp lợi sanh 37 năm, đệ tử nối pháp có 43 người, người ngộ đạo thì rất nhiều. Không truyền y, truyền bát, ngài chỉ truyền pháp mà thôi.
Nói đến Lục Tổ, người ta luôn luôn chú ý đến chi tiết ngài không biết chữ.  Ni cô Vô  Tận Tạng hỏi chữ trong kinh Niết-bàn,  ngài bảo: “Chữ thì không biết, nghĩa thì cứ hỏi”.  Ni cô thắc mắc: “Chữ không biết, làm sao hiểu nghĩa?”.  Ngài đáp: “Diệu lý của chư Phật đâu có quan hệ gì tới văn tự”.
Nhà sư Pháp Đạt, tụng kinh Pháp Hoa mấy ngàn lần, có ý kiêu ngạo, nhưng không hiểu tông chỉ của kinh.  Lục tổ bảo: “Tôi không biết chữ, ông thử lấy kinh ra, tụng một biến, tôi sẽ vì ông giải nói”. Mới đến phẩm Thí dụ, ngài đã nắm được ý của kinh rồi, nói cho Pháp Đạt nghe, giảng rộng cho hiểu,  nên Pháp Đạt bừng tỉnh ngộ!
Chúng ta có thể “đánh dấu hỏi” về việc một đại sư mà mù chữ!  Tôi nghĩ rằng điểm này khó kiểm chứng đối với độc giả thời nay, nhưng việc chính có lẽ là nêu ra câu “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” của Thiền Tông.  Không nệ vào chữ , chỉ căn cứ vào nghĩa.  Hai chuyện kể trên đây muốn nói lên và nhấn thật mạnh vào cái lập trường đó. [Chúng ta nên để ý rằng Thiền Tông không nệ vào chữ chứ không phải vất bỏ kinh sách.  Hai việc khác nhau! ]
Trong đạo Phật đại thừa, hai tư tưởng trung tâm là Trí huệ bát-nhã và Pháp tánh.  Nhiều kinh sách đã nêu ra hai ý này.  Riêng Lục Tổ, ngài luôn luôn nhắc đến hai ý này, bàng bạc suốt kinh Pháp Bảo Đàn, chúng ta thấy ngài trình bày như vậy.
Thiền Tông ít chú ý đến những hình thức, mà nhấn mạnh đến cái tâm, chân tâm.  Khi đang trốn tránh trong rừng, ở cùng với thợ săn, ngài cũng bẫy thú, nhưng bắt được thì phóng sinh; khi ăn thì gửi rau luộc chung vào nồi thịt của thợ săn.  Đó là “chấp kinh tòng quyền”, nhưng ở đây, ý nghĩa rộng hơn: trong việc giữ giới, quan trọng nhất là cái tâm.  Phải tránh giữ giới một cách hình thức, giữ giới cho xong việc!
Cũng trong việc đả phá tu hành hình thức, Lục Tổ có nói về “niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ”.  Lời của ngài có thể làm buồn lòng những ai thực hành pháp môn niệm Phật, vì ngài nói: “người phương Đông tạo tội cầu xin về Tây phương, thế thì người phương Tây tạo tội xin về đâu?”.  Muốn hiểu, cần coi tiếp: “Tâm địa không có cái bất thiện thì Tây phương cách đây chẳng xa.  Nếu ôm lòng chẳng thiện thì Tây phương khó đến”.  Rõ ràng là ngài khuyên niệm Phật thì phải “thiện”, tâm phải tịnh, vì “tâm tịnh thì độ tịnh”.  Chúng ta nên hiểu thêm rằng khi đạo Phật được truyền bá rộng rãi, thiếu tăng ni và thiện tri thức thì mê tín dị đoan và lợi dụng xen vào và tu hành trở nên hình thức.  Lục Tổ giảng như vậy là hợp lý.
Lục Tổ được biết đến, được nhắc đến, được tuân theo tận ngày nay, chính là vì áp dụng đúng và mạnh chủ trương “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.  Thiền Tông kể từ ngài trở đi chia làm hai: Nam đốn và Bắc tiệm.  Ngài Huệ Năng ở phía Nam nước Tàu chủ trương “đốn ngộ”, còn ngài Thần Tú ở phía Bắc chủ trương “tiệm ngộ”.  Một đằng nhấn mạnh vào việc giác ngộ trong một thoáng, vuợt qua những phương tiện tri thức thông thường.  Một đằng theo phương pháp dần dần tiến đến giác ngộ bằng cách học hỏi và tìm hiểu kinh sách, dĩ nhiên hai đằng cùng dùng thiền, cùng phát xuất từ Ngũ Tổ.
Chỉ trong có vài thế hệ, tông phái phía Bắc không còn  nữa.  Trong khi ấy thì tông phái phía Nam ngày một hưng thịnh, tuy nhiên cũng chia ra làm nhiều phái nhỏ.  Đó gọi là ngũ gia, gồm có: Lâm tế, Vi ngưỡng, Tào động, Vân môn, Pháp nhãn.  Khi nghe nói Ngũ gia thất tông thì hiểu như sau: Nam tông (Huệ Năng), Bắc tông (Thần Tú) là 2 và Ngũ gia là 5, cộng thành 7.  Nói theo kiểu ngày nay thì nên gọi là Nhị tông, Ngũ gia!
Ngũ Tổ truyền y bát cho ngài Huệ Năng, một người chưa phải là tăng, đó là một điều lạ.  Ngũ Tổ dùng kinh Kim Cang mà khai ngộ cho Lục tổ chứ không phải kinh Lăng-Già mà Sơ Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma tặng cho Nhị Tổ Huệ Khả, điều này thế nào?  Sư Ấn Tông làm lễ thế phát (xuống tóc) cho “cư sĩ” Huệ Năng rồi tôn làm thày, việc đó cũng ít có nếu không nói là chẳng có xưa nay. 
Người ta cho rằng tất cả các chi tiết đó đều do sự du nhập một tôn giáo Ấn-Độ vào đất Trung hoa, sự va chạm văn hóa, hay sự trộn lẫn văn hóa  đã thay đổi Thiền cổ truyền thành Thiền Tông Trung Quốc.  Ấn thì thâm trầm, ưa lý luận; Hoa thì cần cù, thực tế; kinh Lăng-Già dài quá, chọn kinh Kim Cang ngắn hơn!  Miễn là được việc.  Điều này, xin dành cho các nhà khảo cứu. □
GHI CHÚ. Có một bạn trẻ, sau khi nghe đoạn nói về “gió động hay phướn động” hỏi tôi rằng: “Lục Tổ bảo rằng cả hai không động, tâm các ông động”, thế thì ra sao?  Tôi hiểu rằng bạn ấy hỏi khéo tôi, thâm ý là: mấy bác ngồi nghe một cách thích thú, chẳng ai nêu thắc mắc gì cả.  Xin nói: “Bạn được huấn luyện theo khoa học thực nghiệm, do sự cách biệt về áp suất không khí ở hai nơi mà không khí di chuyển, tạo ra cái mà ta gọi là gió, gió thổi vào cái phướn làm cho nó phất phới v.v... Câu trả lời của Lục Tổ nói ra một tư tưởng quan trọng của đạo Phật, đó là “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.  Câu này khó, tạm nói rằng: chuyện gió, chuyện phướn là hiện tượng (phénomène) bên ngoài, do ngũ quan nhận ra, nhưng hãy quay vào trong, tìm cái tâm hàng ngày xem nó ra sao, rồi tìm chân tâm tức là tìm bản thể (essence).  Mấy bạn già của tôi ngồi yên là vì thế đó”. □

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: