Bước vào cõi Phật –
Quyển 2 – Bài 20. Trưởng giả Cấp Cô Độc
Cố Hoằng Hữu Nguyễn
Văn Phú
-o0o-
20. TRƯỞNG
GIẢ CẤP CÔ ĐỘC
1. Khi tụng kinh
A-Di-Đà, cũng như khi tụng nhiều kinh khác, Phật tử chúng ta bắt đầu bằng
câu : “Chính tôi được nghe : vào một thời kia, đức Phật trụ ở vườn Cấp Cô Độc,
rặng cây Kỳ đà, thuộc nước Xá -Vệ, …”.
Cấp Cô Độc là ai? Có liên hệ gì với Phật giáo thời đức Thế Tôn còn tại thế?
Hôm nay, chúng tôi xin trình bày vài điều về vị trưởng giả Cấp Cô Độc ấy,
người được gọi là một đại hộ pháp của Phật giáo.
2. Tại kinh thành Xá-Vệ nước Câu-Tất-La do vua
Ba-Tư-Nặc trị vì, có một vị thương gia tên là Tu-Đạt-Đa rất giầu có, được coi
là người giầu nhất nước. Dinh cơ của ông thật to lớn tráng lệ, gia nhân của ông
hết sức đông đảo. Một điểm đặc biệt nơi ông là lòng từ thiện rất rộng rãi, lúc
nào ông cũng tích cực giúp đỡ những người nghèo đói, khổ sở, già nua, bệnh tật,
cô đơn. Vì thế người ta gọi ông là Cấp Cô Độc (nghĩa là chu cấp cho những người
cô độc) hay là Chẩn tế bần phạp (chẩn tế nghĩa là giúp đỡ, bần phạp nghĩa là
nghèo túng), Cấp chư cô lão (cô lão nghĩa là người già cô đơn). Được người đời
xưng tụng như thế, hẳn là hạnh bố thí của ông phải cao lắm! Theo tiếng Phạn thì
danh hiệu ấy của ông viết là Anātthapindika,
trong đó anāttha nghĩa là không được ai che chở và pindika nghĩa là dân nghèo.
(1)
Ông Tu-Đạt-Đa có gia đình : ông có vợ và ba con gái, một con trai. Bà Tu-Đạt-Đa
tên là Punnalakkhana (tên này có nghĩa là người phụ nữ có phúc tướng), bà là một
người hiền lành, đối xử với gia nhân có độ lượng nên được kính mến. Cũng như chồng,
bà là một Phật tử thuần thành, một trong các nữ tín đồ đầu tiên của đức Phật,
và thường xuyên thành tâm hộ trì Tam Bảo. Cả ba cô con gái đều là người đức hạnh,
thấm nhuần chánh pháp, y giáo tu hành, và đều đắc quả. Riêng người con trai thì
hàng ngày chỉ mài miệt trong công việc kinh doanh và chăm lo quản trị tài sản
khổng lồ của gia đình, ít chú tâm tu tập nhưng sau được cha hướng dẫn vào đường
Đạo và theo được gương sáng của cha, trở thành một đại hộ pháp và cũng đắc quả.
3. Thời bấy giờ, khi mới thành đạo vô thượng bồ-đề,
đức Phật Thích-Ca đến thành Vương Xá, kinh đô nước Ma-Kiệt-Đà do vua Tần-Bà-Sa-La
trị vì. “Vua Tần-Bà-Sa-La quy y Phật, cúng cảnh Trúc Viên cho Phật và ngôi Tam
Bảo, để Phật an trụ nơi đó mà truyền bá đạo lý. Vua cất luôn nơi đó cảnh Tinh
xá rất trang nghiêm, có đủ nhà giảng, tăng phòng và mọi đồ vật dụng cho Giáo Hội.
Tại Trúc Viên, Phật dạy đạo cho mấy vị đệ tử đại danh đầu tiên như các ngài
Xá-Lỵ-Phất, Mục-Kiền-Liên, Ma-Ha Ca-Diếp v.v… Cảnh Trúc Viên là ngôi Tinh xá
trước nhất mà người ta dâng cúng cho Giáo Hội vậy” (theo Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn).
Một ngày kia, do công việc buôn bán, ông Cấp Cô Độc đi từ thành Xá-Vệ tới
thành Ma-Kiệt-Đà. Ông tới ngụ tại nhà một người anh rể và cũng là một bạn thân.
Thấy gia đình này đang bận rộn tíu tít, hình như đang lo thu xếp đón tiếp quốc
vương hay là đón một vị thượng khách nào đó, ông ngạc nhiên.
Hỏi rõ thì biết rằng họ đang sửa soạn cung nghinh đức Phật và chư Tăng. Thì
ra người anh rể của ông Cấp Cô Độc, cũng là một đại phú thương, đã quy y Tam Bảo
và đã phát tâm cúng dường Giáo Hội một số tịnh cốc.
Ông Cấp Cô Độc nghe nói đến Phật đang ở gần thì thao thức suốt đêm, mới
sáng tinh mơ ông đã tìm đường tới Trúc Lâm tịnh xá.
Tới nơi, trong làn sương buổi sớm, ông thấy ở đằng trước ông một người đang
đi kinh hành. Bỗng người ấy quay lại, gọi đích tên thực của ông bằng một giọng
rất hiền hòa. Vô cùng kinh ngạc, ông cảm thấy một sức mạnh vô hình kéo ông tiến
lên và khi đến gần, ông vội sụp lạy, đó chính là đức Phật. Ông vấn an Ngài và
được Ngài chúc lành. Rồi ông theo chân Ngài đi kinh hành. Vừa đi Ngài vừa giảng
giải căn bản Pháp Bảo cho ông. Khi Ngài nhận thấy thiện căn của ông đã lộ rõ,
tâm thức đã khai mở, Ngài bèn thuyết Tứ Diệu Đế cho ông. Lành thay! Ông giác ngộ,
hiểu vạn pháp đúng như sự thật và tin tưởng sâu xa, vững chắc vào Đạo Giải
Thoát, ông đắc quả tu-đà-hoàn.
4. Đức Phật được anh rể của ông Cấp Cô Độc cung
thỉnh đến nhà để cúng dàng trai tăng. Nhân dịp này, ông Cấp Cô Độc xin Ngài cho
ông được xây cất một tinh xá tại thành Xá-Vệ ở nước ông là nước Câu-Tất-La.
Ngài bảo ông rằng chư Phật chỉ ưng những nơi thanh tịnh. Ông hiểu ý Ngài và
thưa rằng ông sẽ tìm một nơi an tịnh gần Xá-Vệ.
Về đến nhà, sau khi cố gắng, ông tìm được
một khu rừng thưa cây gần thành Xá-Vệ thuộc quyền sở hữu của thái tử Kỳ
Đà, con vua Ba-Tư-Nặc. Ông hỏi mua nhưng thái tử không có ý bán. Thấy ông khẩn
khoản mãi, thái tử ra giá thật cao, cốt ý cho ông thoái chí. Không ngờ ông ưng
thuận điều kiện trải vàng kín cả khoảng đất mà ông muốn mua. Thái tử phải chịu
vậy. Ông Cấp Cô Độc bèn cho gia nhân chở vàng đến phủ kín đất nhưng chỉ vừa đủ
đất để xây chùa mà thôi nên phải về chở thêm.
Hết sức xúc động trước đạo tâm và hạnh bố thí cúng dường của vị thí chủ ấy,
thái tử Kỳ Đà bảo ngưng chở vàng và chính ông cũng phát tâm cúng dường vùng đất
cùng cây cối còn lại. Hơn thế nữa, khi ông Cấp Cô Độc cho thợ xây cất chính điện,
tịnh thất và giảng đường, trai đường, tăng phòng, đường kinh hành với mọi căn
nhà phụ thuộc cùng ao sen, giếng nước v.v… thì thái tử sai xây cất mọi thứ ngoại
vi như tường bao, cổng ra vào, sân cỏ, vườn cảnh với hoa lá màu sắc xinh tươi.
Chính vì lý do này mà sách vở về sau gọi tên nơi này là Kỳ thụ Cấp Cô Độc viên
nghĩa là cây của thái tử Kỳ Đà, vườn của ông Cấp Cô Độc. Người ta cũng gọi ngắn
là Kỳ Viên.
5. Xong việc xây cất, ông Cấp Cô Độc cung thỉnh đức Phật tới nơi làm lễ lạc thành
để ông dâng hiến ngôi chùa có tính cách quan trong trong lịch sử Phật giáo. Đức
Phật thuyết pháp độ sinh trong 45 năm, Ngài đã nhập hạ 19 lần ở Kỳ Viên, việc ấy
cho chúng ta thấy rằng nơi này quả thật có tính cách thiêng liêng.
Khi đức Phật và chư Tăng an trú tại Kỳ Viên thì ông Cấp Cô Độc cùng gia
đình và gia nhân chăm lo về mọi phương diện. Danh từ Phật học nói gọn là tứ sự cúng dường, nghĩa là thức ăn, quần
áo, nơi ở giường nằm và thuốc men. Trong thực tế, ông Cấp Cô Độc còn chú ý đến
nhiều chi tiết khác như săn sóc vườn hoa cây cảnh, cây cối lớn nhỏ, giếng nước
cùng hồ tắm v.v… Không những ông là một đại hộ pháp của chùa Kỳ Viên mà ông còn
là đại hộ pháp của chư tăng không cư ngụ
trong Kỳ Viên: ông thường cúng dàng trai tăng, có khi trong nhà ông có tới hàng
ngàn vị được cung thỉnh, như thế ta biết rằng dinh cơ biệt thự của ông lớn đến
chừng nào.
Có một lần, địa phương của ông Cấp Cô Độc bị một cơn bão lụt lớn, tài sản của
ông coi như tiêu tán: nhà cửa bị đổ nát, tiền bạc bị cuốn trôi. Dù bị đẩy vào cảnh
nghèo khó, ông vẫn tận tâm cúng dàng Tăng Bảo trong phạm vi tài lực của mình.
Nhưng do sức phù hộ của các thiên thần hay nói cách khác, do phúc nghiệp vĩ đại
của ông, chẳng bao lâu ông lại trở nên giàu có, mà giàu có hơn trước nữa, để tiếp
tục công việc hộ pháp của mình.
6. Không phải lúc nào đức Phật cũng trụ tại Kỳ
Viên vì Ngài còn phải đi hoằng pháp nhiều nơi khắp lưu vực sông Hằng. Những lúc
ấy, ông Cấp Cô Độc không thể hàng ngày đến lễ bái hầu hạ Ngài được. Ông bèn xin
với chư Thánh tăng giúp ông có cách gì để hàng ngày nhớ đến đức Phật, chiêm ngưỡng
và lễ bái. Ngài A-Nan bạch chuyện ấy với đức Thế Tôn và được Ngài dạy rằng có
ba hình thức là bảo tháp tức đền thờ, thánh địa tức nơi ghi dấu các di tích và
cuối cùng là nơi lưu giữ những vật kỷ niệm. Suy nghĩ kỹ, ông Cấp Cô Độc chọn
cách thứ ba là đem trồng một nhánh cây bồ-đề tại cổng của Kỳ Viên. Ngài Mục-Kiền-Liên
dùng thần thông giúp ông việc này: ngài tới Khổ Hạnh Lâm, cạnh sông Ni-Liên-Thiền,
bẻ một nhánh cây bồ-đề là nơi đức Phật ngồi nhập định trước khi thành đạo, đem
về cho ông. Ông Tu-Bồ-Đề được vua Ba-Tư-Nặc nhường cho cái vinh dự trồng cây bồ-đề
này. Nhà vua nghĩ rằng tuy đất nằm trong lãnh thổ của nhà vua nhưng với việc
gieo mầm Phật giáo trên cả nước thì rõ ràng là ông Cấp Cô Độc là người xứng
đáng nhất để nhận vinh dự ấy.
7. Khi ông Cấp Cô Độc bị bệnh nặng thì hai thánh
tăng là trưởng lão Xá-Lỵ-Phất và tôn giả A-Nan đến thăm. Ngài Xá-Lỵ-Phất nhận
thấy ông Cấp Cô Độc sắp lìa đời bèn thuyết pháp cho ông, đại ý khuyên ông dứt
khoát buông xả sự dính mắc với lục căn, tách rời tâm thức ra khỏi lục trần,
không cho lục thức duyên theo lục trần nữa. Ngài A- Nan khuyên ông giữ tâm bình
thản, thanh tịnh.
Khi Ngài Xá-Lỵ-Phất cho ông biết rằng những lời thuyết pháp ấy chỉ để dành
cho các vị xuất gia nhưng nay đem thuyết cho ông vì tâm của ông không khác gì
tâm của một vị đại sa-môn, ông Cấp Cô Độc thỉnh cầu đức Phật và chư Thánh tăng
ban cho hàng cư sĩ tại gia nhiều phạm hạnh được nghe các bài pháp nhiệm mầu như
vậy. Sau đó, ông Cấp Cô Độc nhập chánh định và xả báo thân ngũ uẩn, giác linh của
ông được lên cõi trời Đâu-Suất.
Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn ghi
rằng : “ Trong Soạn tập bá duyên kinh đức
Phật có thọ ký cho ông Cấp Cô Độc quả bồ-đề vô thượng, mách rằng trong ba
a-tăng-kỳ kiếp, ông Cấp Cô Độc sẽ thành Phật hiệu là Abhayaprada (Cấp cho sự
yên ổn)”.
Cuốn sách nhỏ nhan đề Sự tích Tu-Đà Cấp
Cô Độc của Hellmut Hecker, do Nguyễn Điều dịch, cho biết rằng : “Điều đáng
tưởng niệm và ngưỡng mộ vị cố đại ân nhân Phật giáo ở đây là sau khi gia nhập
Thiên chúng, “ông” là vị thiên thần hộ trì Tam Bảo nhiệt thành nhất. Theo kinh
sách kể lại thì chùa Kỳ Viên, sau lễ hỏa táng Tu-Đà, có nhiều đêm được Thiên
chúng viếng thăm. Hào quang sáng rực. Vị dẫn đầu chư Thiên thần ấy dĩ nhiên là
giác linh cố cư sĩ Tu-Đà Cấp Cô Độc”.
Sách ấy còn cho biết : “Trong mười tám bài pháp nói đến Tu-Đà Cấp Cô Độc
ghi trong Tạng kinh, có mười bốn bài do đức Phật tùy cơ duyên tự nói ra, một
bài Phật thuyết do Tu-Đà đặt câu hỏi, một bài khác Phật giảng sau khi nghe
Tu-Đà thuật chuyện đã đối thoại với những đạo sĩ Bà-la-môn giáo. Và sau cùng là
hai bài pháp do tôn giả A-Nan và trưởng lão Xá-Lỵ-Phất đến bên giường bệnh của
Tu-Đà để nhắc nhở. Mười tám bài pháp này chứng tỏ rằng trong kho tàng Phật
giáo, hẳn đã có một phần quan trọng dành riêng
cho người cư sĩ hay Phật tử tại gia, khi họ muốn đạt đến thánh quả mà
không cần sống trong Giáo Hội!”
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét