Bước vào cõi Phật –
Quyển 2 – Bài 15
Cố Hoằng Hữu Nguyễn
Văn Phú
-o0o-
15. TRƯỞNG LÃO MA-HA CA-DIẾP
1. Trong nhiều chùa, khi Phật tử nhìn lên chánh
điện thì thấy tượng đức Phật Thích-Ca, hai bên có tượng hai vị tỳ-khưu. Vị trẻ tuổi là ngài A-Nan, vị lớn tuổi là ngài Ma-Ha
Ca-Diếp (mà người ta hay gọi ngắn là ngài Ca-Diếp). Ngài Ca-Diếp (1) là một
trong mười đại đệ tử của đức Phật, được
mệnh danh là đầu đà đệ nhất, người đã
được đức Phật vời tới chia một nửa tòa cho ngồi bên cạnh mà không dám nhận cái
vinh dự ấy.
Tượng Trưởng lão Ma Ha Ca Diếp
Trong kinh sách, người
ta thấy nhiều vị tên là Ca-Diếp. Có một vị Phật đời quá khứ mang tên Ca-Diếp Phật
(2). Có một vị nhỏ tuổi nhưng trí tuệ cao siêu, tên là Ca-Diếp, đã khởi thỉnh đức
Phật Thích-Ca thuyết kinh Đại Bát-niết-bàn
(gọi ngắn là kinh Niết-bàn) trước
khi Phật nhập diệt (đó là Ca-Diếp bồ-tát). Lại còn có ba anh em ruột tu theo đạo
Thần Lửa, sau bỏ đạo ấy mà cùng quy y đức Thích-Ca: đó là ba anh em ông Ca-Diếp
: Ưu-Lâu-Tần-Loa, Già-Da và Na-đề Ca-Diếp (3).
Ngài Ca-Diếp là một vị
đầu-đà. Theo Phật học Từ Điển Đoàn
Trung Còn thì hạnh tu đầu-đà gồm có 12 điều như sau :
1. Mặc tam y (tức là ba bộ áo) bằng vải mà người ta vất đi
(4),
2. Chỉ dùng tam y mà thôi,
3. Chỉ ăn những đồ mà mình đã khất thực được,
4. Khi ăn phải ngồi, nếu đứng dậy thì hết ăn,
5. Chỉ ăn những đồ đã xin được đựng trong bát của mình,
6. Không ăn quá giờ ngọ (giữa trưa),
7. Phải ở nơi rừng vắng,
8. Phải ở nơi cội cây,
9. Phải đứng và ngồi nơi chỗ trống, không che lợp,
10. Phải ở nơi nghĩa địa,
11. Phải ở nơi do Giáo Hội định,
12. Không được nằm từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn.
(các sách ghi không
hoàn toàn giống nhau, có chỗ kể ra hơn 12 điều).
HT Thích Thiện Hoa,
tác giả bộ sách Phật học Phổ thông,
đã viết trong phần nói về Thiền Tông : “Trong kinh Phạm Thiên vấn Phật quyết nghi và trong bộ Thích nghi kê cổ quyển nhất có chép đại
khái như sau : Khi Phật ở hội Linh Sơn, có ông Đại Phạm Thiên Vương đem hoa sen
cúng dàng Phật. Phật cầm cành hoa sen lên để khai thị cho chúng. Toàn thể chúng
hội đều yên lặng, không ai hiểu thâm ý của Phật như thế nào. Duy có ngài Ma-Ha
Ca-Diếp là tỏ ngộ được thiền cơ của Phật, nên đổi sắc mặt vui vẻ, chúm chím mỉm
cười. Đức Phật nhận thấy, liền ấn chứng cho ngài Ca-Diếp làm tổ thứ nhất (sơ tổ
Phật giáo, ở Ấn-Độ). Đức Phật tuyên bố như sau :
Ngô hữu
chánh pháp nhãn tạng,
Niết
bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng,
Vi diệu
pháp môn, kim phú Ma-Ha Ca-Diếp.
(Ta có “chánh pháp
nhãn tạng”, Cũng gọi là “Niết-bàn diệu
tâm”, Cũng tên là “thật tướng vô tướng”, Cũng gọi là “Vi diệu pháp môn”, nay ta
truyền cho ông Ma-Ha Ca-Diếp).
Rồi Phật truyền y bát
cho ông Ca-Diếp. Đó gọi là lấy tâm truyền
tâm, không dùng kinh giáo và phương tiện.
2. Cậu bé Ca-Diếp sinh trưởng trong một gia đình
rất giàu có thuộc dòng bà-la-môn ở gần kinh đô Vương Xá của nước Ma-Kiệt-Đà. Là
con duy nhất trong nhà nên cậu được chiều chuộng, săn sóc hết sức chu đáo. Bản
chất thông minh, nên từ khi tám tuổi trở đi cậu đã học thông hiểu rộng mọi
ngành học thời bấy giờ. Một điểm nổi bật trong cá tính của cậu là thâm trầm,
thích tĩnh lặng, ở xa đám đông, ngay cả cha mẹ, cậu cũng ít khi gần gũi.
Khi thấy cậu tới tuổi
trưởng thành thì cha mẹ đặt vấn đề lập gia đình nhưng cậu ngỏ ý mong được tu đạo;
cha mẹ không nghe, quyết tìm cho được một cô dâu : đó là một cô gái xinh đẹp, nổi
danh tuyệt sắc giai nhân, tên là Diệu Hiền, con của một gia đình đại phú dòng
bà-la-môn. Hai bên nhà trai nhà gái chọn ngày hôn lễ. Ngay tối tân hôn, cô dâu
chú rể cùng ngồi trong phòng, đèn sáng, nhắm mắt, không ai lên tiếng. Sáng ra,
chú rể Ca-Diếp hỏi lý do thì mới biết rằng cô dâu có ý định đi tu mà bị cha mẹ
ham giàu đem gả chồng. Chú rể quá mừng, nói ý nguyện của mình và hai bên đồng ý
với nhau rằng tuy là vợ chồng ở cùng phòng nhưng ngủ riêng hai giường khác
nhau. Cha mẹ chú rể biết, cho người đem bỏ đi một giường. Hai người bèn thỏa
thuận : khi người này ngủ trên giường thì người kia tọa thiền hoặc là kinh
hành!
3. Khi cha mẹ mất cả thì ông Ca-Diếp bàn với vợ
để cho mình đi tìm đạo, xong sẽ trở về đón vợ, đem hết tài sản bố thí cho gia
nhân và người nghèo rồi cùng xuất gia. Bà Diệu Hiền hết sức vui mừng, ưng thuận
ngay. Trong niềm hoan hỷ, ông Ca-Diếp lên đường tìm đạo. Lúc ấy ông chừng 30 tuổi,
và cũng chính là lúc thái tử Tất-Đạt-Đa thành đạo dưới gốc cây bồ-đề. Hai năm
trôi qua, thấy rằng không có một đạo sư nào đáp ứng được nguyện vọng của mình,
tu sĩ Ca-Diếp nghe người mách, bèn tìm đến tịnh xá Trúc Lâm nghe Phật thuyết
pháp, chỉ chăm chú nghe mà chưa thưa hỏi gì. Trong lòng vô cùng hoan hỷ, một
ngày kia, tu sĩ Ca-Diếp thấy Phật đang ngồi tĩnh tọa một mình bèn đến đảnh lễ,
xin quy y làm đệ tử. Đức Phật nói: “Trên thế gian này, ai chưa chứng quả vị
chính giác thì không dám nhận ông làm đệ tử. Ta đã nghe nói nhiều về ông, ta biết
thế nào ông cũng tới cầu đạo với ta. Hôm nay là ngày ông được tiếp độ, Phật
pháp lưu truyền về sau cần ông rất nhiều ...”.
Chỉ nghe Phật thuyết
pháp trong tám ngày, vị đệ tử mới này đã khai ngộ! Khi đức Phật cho phép lập
giáo đoàn tỳ-khưu-ni thì đầu đà Ca-Diếp đã xa bà Diệu Hiền được bốn năm. Nay thấy
cơ hội đã đến, ngài nghĩ đến việc trở về gặp vợ dẫn đi tu như đã hứa. Trong khi
ấy thì bà Diệu Hiền chờ lâu quá nên sốt ruột, đem của cải phân phát cho gia
nhân và người nghèo rồi đến bờ sông Hằng tu theo ngoại đạo; nhưng do nhan sắc
quá đẹp, bà bị làm phiền nhiễu rất nhiều. Tỳ-khưu Ca-Diếp biết việc này, bèn nhờ
một tỳ-khưu-ni đến đưa bà Diệu Hiền về quy y Phật, gia nhập ni đoàn. Lại vì sắc
đẹp mà bà bị ghen ghét, bị nói xấu, đến nỗi không dám ra ngoài khất thực, đành
nhịn đói! Tuy vậy, do chí tu hành tinh tấn vô cùng mãnh liệt, cuối cùng bà đã
được khai ngộ và đã được đức Phật khen
ngợi.
4. Do tu hạnh đầu-đà hết sức nghiêm mật, trình độ
tu chứng và đạo hạnh của tỳ-khưu Ca-Diếp rất cao. Thấy bề ngoài xấu xí, quần áo
đơn sơ, râu tóc tỏa dài của vị đầu đà ấy, nhiều tỳ-khưu khác chưa biết rõ nên
có ý coi thường. Đức Phật nhận ra điều đó nên đã có một lần ngài bảo : “Đại
Ca-Diếp! ông đến đó ư ? Ta còn chừa phân nửa tòa ở đây, ông hãy mau mau đến ngồi”.
Bấy giờ các người trẻ kia mới hiểu rằng vị đầu đà đạo cao đức dày ấy đã được đức
Phật mến trọng đến mực nào.
Về phương diện hoằng
pháp lợi sinh, tuy đầu đà Ca-Diếp có nói pháp nhưng không nhiều vì dành thì giờ
sống nơi rừng cây hay trong nghĩa địa. Việc thuyết pháp, hoằng pháp, tranh luận
với ngoại đạo, kiểm tra các giáo đoàn xa xôi vv ... đều do các vị đại đệ tử, đặc
biệt là hai vị Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên đảm trách. Nhưng khi nào đức Phật
giao phó nhiệm vụ thì đầu đà Ca-Diếp cũng đi. Có lần, tới một thành kia, khi đầu
đà đi khất thực thì nhận thấy dân chúng đóng cửa lại, không tiếp. Hỏi kỹ ra,
thì cư sĩ ở đó cho biết tăng sĩ địa phương nhũng nhiễu quá đỗi, đòi quyên góp
quá nhiều không phải để xây tịnh xá mà để làm nơi cư ngụ riêng cho mình hưởng
thụ, cho nên mọi người chán ngán. Đức Phật nghe trình việc ấy phải đến tận nơi
giáo hóa tăng sĩ rồi để vị đệ tử đầu đà có uy tín cao ở lại địa phương để dựng
lại niềm tin nơi các thí chủ và dân chúng. Xong việc, vị đầu đà lại ra đi.
5. Khi đức Phật 80 tuổi, ngài nhập diệt tại rừng
cây sa-la song thọ ở Câu-Thi-Na. Lúc đó các đại đệ tử như các ngài Xá-Lợi-Phất,
Mục-Kiền-Liên, La-Hầu-La ... , bà Da-Du-Đà-La đều đã nhập diệt rồi. Ngài Ca-Diếp
đang đi hoằng hóa nơi xa cùng mấy trăm tỳ-khưu, khi nghe tin thì vội đi về
Câu-Thi-Na ngay. Ai ai cũng tỏ vẻ buồn bã, có người than khóc; duy có một người
thuộc nhóm Lục quần tỳ-khưu (5) tỏ vẻ vui thích vì cho rằng từ nay không còn có
ai kiềm chế bắt bẻ mình nữa. Mấy tỳ-khưu định cho kẻ ấy một bài học nhưng ngài
Ca-Diếp ngăn lại, chỉ giảng cho họ hiểu mà thôi.
Bẩy ngày sau, khi
ngài Ca-Diếp về tới Câu-Thi-Na thì mọi người đang lo làm lễ trà tỳ nhưng đốt lửa
mà lửa không bốc lên nổi! Ngài Ca-Diếp không cầm được nước mắt. Đức Phật ló hai
chân ra cho ngài thấy, sau đó thâu hai chân lại và dùng chân hỏa tam muội cho
ngọn lửa nổi lên tự trà tỳ kim thân.
Từ đó trở đi, tất cả
gánh nặng của Giáo Hội đè nặng lên vai vị đầu đà gần 80 tuổi. Ai cũng tưởng rằng
ngài là một vị bảo thủ, không giống như hai vị Mục-Kiền-Liên và Xá -Lợi-Phất đầy
tài năng, thần thông và đức độ, nhưng kỳ thật, lúc vào việc mới biết được tài
điều khiển giỏi giang và tế nhị của ngài.
Và chính ngài đã đứng
ra chủ trì Kết tập pháp lần thứ nhất ba tháng sau khi Phật nhập diệt. Có chỗ
nói rằng ngài không hòa với ngài A-Nan vì trong kỳ Kết tập ấy ngài đã bắt bẻ
ngài A-Nan nhiều tội. Thật ra, ngài muốn giúp ngài A-Nan bằng cách khích cho gắng
tập trung hết năng lực thiền quán trong ngày hôm đó, đến đêm chứng quả la-hán
và tới sáng thì dùng thần thông mà vào dự hội nghị. Đến khi trên 100 tuổi, ngài
trao y bát cho ngài A-Nan, để ngài A-Nan kế thừa làm đệ nhị Tổ sư của Phật
giáo.
Việc tịch diệt của
ngài là một sự lạ mà ai cũng nhắc đến : Khi ngài quyết định nhập diệt thì ngài
dùng thần thông đi đảnh lễ những nơi thờ xá-lợi của đức Phật rồi về từ biệt vua
A-Xà-Thế là một người hết lòng ủng hộ Phật pháp, nhưng gặp lúc vua đang ngủ.
Ngài lên núi Kê Túc (núi có hình chân con gà), núi tách ra cho ngài vào ngồi nhập
định, đợi khi nào đức Di-Lặc xuống thì sẽ ra bái kiến, giúp ngài giáo hóa chúng
sinh. Rồi núi khép lại. Khi vua A-Xà-Thế cùng ngài A-Nan chạy lên núi thì núi mở
ra cho hai vị thấy ngài Ca-Diếp đang nhập định, hoa rải xung quanh. Hai vị đảnh lễ xong thì núi khép lại!
Đẹp thay, cuộc đời tu
hành và phụng sự Đạo pháp của ngài Đại Ca-Diếp!
□
CHÚ THÍCH.
(1) Ca-Diếp do chữ
Ca-Diếp-Ba nói gọn lại. Ma-Ha Ca-Diếp-Ba phiên âm từ chữ pali Mahākassapa và chữ
sanskrit Mahākāsyapa. Mahā nghĩa là lớn cho nên ta cũng thấy tên Đại Ca-Diếp.
Theo nghĩa mà giảng thì ca diếp ba là
uống ánh sáng, vì thế người ta dịch
tên ngài thành Ẩm Quang.
(2) Kiếp quá khứ là
Trang nghiêm kiếp. Kiếp hiện tại là Hiền kiếp. Kiếp vị lai là Tinh tú kiếp. Mỗi
kiếp có 1000 vị Phật. Hiện nay đang là Hiền kiếp: đầu tiên là Phật Câu
-Lưu-Tôn, thứ nhì là Phật Câu-Na-Hàm Mâu-Ni, thứ ba là Phật Ca-Diếp, thứ tư là
Phật Thích-Ca, sắp tới là Phật Di-Lặc vv ...
Kiếp (kalpa) là một khoảng thời gian rất dài. Người ta dùng chữ kiếp với
nhiều nghĩa khác nhau tùy theo khoảng thời gian muốn nói.
(3) Ba ông này có
1000 đệ tử, cộng với 250 đệ tử của hai ngài Xá-Lỵ-Phất và Mục-Kiền-Liên thành
ra 1250 vị mà chúng ta thấy ghi trong kinh A-Di-Đà.
4) Một là áo lót mặc
sát người, may bằng 5 mảnh. Hai là áo mặc trên áo lót, may bằng 7 mảnh. Ba là
áo mặc trong các dịp lễ, may bằng 9 mảnh trở lên. Theo thứ tự, ba áo ấy tên là
trung trước y, thượng y và chúng tụ thời y.
(5) Lục quần tỳ-khưu
là tên chỉ bọn sáu người tỳ-khưu xấu, chuyên làm bậy, trong số này có cả Xa-Nặc
là người dắt ngựa cho thái tử Tất-Đạt-Đa khi ngài bỏ cung vua để đi tìm đạo giải
thoát. Lại có cả Lục quần tỳ-khưu-ni nữa. Sáu bà này cũng quấy phá chẳng kém gì mấy ông kia! □
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét