Bước vào cõi Phật – Quyển 2 - Bài 2
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
2. NGÀI TRÍ-HÚC GIẢI-THÍCH VỀ DANH HIỆU PHẬT
A-DI-ĐÀ
Trong số Phật tử
chúng ta, nhiều người thuộc Kinh A-Di-Đà vì ngày nào cũng tụng kinh đó. Một đoạn trong kinh đó nói như sau: “Này ông
Xá-Lỵ-Phất! Ý ông thế nào? Vì sao đức Phật kia có danh-hiệu là
A-Di-Đà? Phật kia sáng láng vô cùng, vô
lượng, soi khắp các nước, suốt cả mười phương không đâu chướng ngại, vì thế nên
gọi là A-Di-Đà (Vô lượng quang). Lại còn
đây nữa, Phật kia cùng với nhân dân của Ngài sống lâu vô cùng đến bao nhiêu kiếp
không thể kể xiết, và thế nên gọi là A-Di-Đà (Vô lượng thọ)”.
Ngài Trí-Húc (còn có
tên là Ngẫu Ích hoặc Linh Phong đại sư) là Tổ thứ 9 của Liên-tông - tức Tịnh độ
tông - có viết một cuốn sách ngắn nhan đề Kinh
Phật Thuyết A-Di-Đà yếu giải, do cư-sĩ Tuệ-Nhuận dịch ra tiếng Việt.
Trí Húc đại sư
Ngài Trí-Húc giảng đoạn
trên như sau: Mục đích của bộ kinh A-Di-Đà là chỉ bày cho thấy rõ cái hạnh tu mầu-nhiệm
của việc Trì Danh, cho nên Đức Phật Thích-Ca phải đặc biệt nêu ra câu hỏi, rồi
Ngài lại thích nghĩa rất rõ ràng cái danh-hiệu A-Di-Đà, ý Ngài muốn khiến người
nghe phải tin rất sâu vào cái danh-hiệu lớn lao ấy trong có muôn vàn công đức
chẳng khá nghĩ bàn, để mình phải nhất-tâm trì niệm danh hiệu ấy luôn luôn, đừng
có nghi ngờ gì nữa.
Danh-hiệu A-Di-Đà có
hai nghĩa:
1. Trí sáng suốt
(quang minh),
2. Sống lâu (thọ mệnh).
Nguyên chữ Phạn Amita
dịch ra chữ Hán là vô-lượng, chỉ dùng nghĩa QUANG và nghĩa THỌ mà thu hút hết
thảy vô lượng nghĩa vào trong. Quang,
ánh sáng, sáng khắp cả mười phương. Thọ,
sống lâu mãi mãi suốt ba đời. Hai thể-chất
Thọ và Quang giao chập với nhau khắp mười phương (VŨ), suốt ba đời (TRỤ), tức
là toàn thể pháp giới. Đem thể chất tạo
ra thân của Phật A-Di-Đà và quốc độ của Ngài cũng tức là đem thể chất mà tạo ra
danh hiệu Ngài. Thế nên cái danh hiệu
A-Di-Đà ấy tức là cái lý tính bản giác (bản giác: tâm tính giác ngộ sẵn có từ
vô thủy) của chúng sinh. Chấp trì danh hiệu ấy tức là đem cái thủy giác (thủy giác =
tâm tỉnh thức) hợp với bản giác. Thủy
giác và bản giác chẳng khác nhau. Cho
nên một niệm cũng ứng hợp với nhau, thì một niệm ấy là Phật; niệm nào, niệm nào
cũng ứng hợp với nhau thì niệm nào, niệm nào cũng là Phật ... Tâm vốn yên lặng (tịch) mà thường soi sáng
(chiếu) nên tạo ra thể chất QUANG MINH triệt để cái thể chất vô lượng của Tâm,
nên Quang Minh của Phật cũng vô lượng.
Phật A-Di-Đà
Chư Phật, quang minh
của vị nào cũng soi khắp mười phương, vị nào cũng có thể gọi là vô lượng
quang. Nhưng trong khi còn tu cái nhân
thì nguyện lực của mỗi vị mỗi khác cho
nên phải tùng theo cái nhân duyên ấy mà lập ra danh hiệu. Pháp Tạng Tỳ-khưu đã phát 48 nguyện trong đó
có một nguyện là Quang Minh soi sáng khắp mười
phương. Ngài đã thành Phật, nên Ngài có danh hiệu Vô lượng quang. Quang-minh của Pháp Thân và Báo Thân thì vị
Phật nào cũng ngang nhau. Nhưng quang
minh của Ứng Thân thì chỉ có Phật A-Di-Đà mới soi được khắp vô lượng thế giới
... Đừng hiểu lầm rằng Phật quang đã soi
khắp thì chẳng cần tụng niệm, ai cũng thấy.
Kẻ nào có duyên với Phật thì khi Phật quang soi đến mới thấy rõ mà không
chướng ngại, còn kẻ vô duyên thì vẫn chướng-ngại chẳng thấy gì ...
Tâm là tịch, nên tạo
thọ mệnh (sống lâu). Phật đã chứng triệt
để cái thể chất vô lượng của Tâm nên thọ mệnh của Phật cũng vô lượng. Thọ mệnh
của Pháp Thân không có lúc bắt đầu (vô thủy), không có lúc cùng tận (vô
chung). Thọ mệnh của Báo Thân thì có khởi
thủy mà không có chung cùng. Hai thọ mệnh
ấy chư Phật nào cũng giống nhau. Nhưng
thọ mệnh của Ứng-thân thì phải tùy nguyện, tùy cơ của mỗi vị. Ngài Pháp-Tạng đã có nguyện rằng thọ mệnh của
Ngài và của nhân dân Ngài phải vô lượng nên nay thành Phật Ngài được như nguyện
và có danh hiệu Vô lượng thọ. Nhân dân có duyên với Phật thì sống lâu vô lượng
như Phật, còn như kẻ vô duyên thì vẫn già, ốm, chết như thường!
GHI CHÚ.
HT Thiện-Hoa đã viết:
“Các vị bồ-tát như ngài Phổ Hiền, Quán Âm, Đại Thế Chí cũng đều nguyện sinh về
cõi Tịnh độ. Các vị Tổ ở các tông khác, mặc dù hoằng truyền tông mình, nhưng
cũng vẫn tu về Tịnh độ. Như ngài Thiên-Thân, tổ của Duy thức tông; ngài Trí Giả
Đại sư, tổ của Thiên thai tông; ngài Hiền Thủ, tổ của Hoa nghiêm tông; ngài
Nguyên Chiếu Luật Sư, tổ của Luật tông; ngài Mã Minh, Long Thọ, tổ của Thiền
tông v.v... cũng đều thực hành pháp môn
Tịnh độ.
Sau nữa, các vị đại
sư danh tiếng ở Trung-Hoa, như ngài Đàm Loan, ngài Đạo Xước, ngài Thiện Đạo,
ngài Thừa Viễn, ngài Pháp Chiếu, ngài Thiếu Khương, ngài Tĩnh Am .. . đều dùng
pháp môn này để tự độ và độ tha và mãi mãi lưu truyền đến ngày nay”.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét