Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

43. GIỚI-ĐỊNH-HUỆ

BƯỚC VÀO CÕI PHẬT – 43’ GIỚI, ĐỊNH, hUỆ
 Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

43. GIỚI,  ĐỊNH,  HUỆ
Bài pháp đầu tiên của đức Phật được ghi trong kinh Chuyển pháp luân, nội dung là Tứ diệu đế, tức là bốn Chân lý vi diệu, gồm có:
1/ Khổ đế (đời là bể khổ),
2/ Tập đế (nguồn gốc của đau khổ là ái dục),
3/ Diệt đế (diệt khổ, chứng ngộ Niết-bàn),
4/ Đạo đế (thực hành bát chánh đạo để thoát khổ).
Bát chánh đạo là con đường gồm có tám nhánh là:  
1.  Chánh kiến        
2.  Chánh tư duy       
3.  Chánh ngữ      
4.  Chánh nghiệp
5.  Chánh mạng    
6.  Chánh tinh tấn      
7.  Chánh niệm     
8.  Chánh định.
Tại sao không gọi là một “bài thuốc với tám vị” mà lại gọi là “con đường tám nhánh”?  Nói “liều thuốc” thì có thể là đã có người dùng rồi, mà cũng có thể là chưa ai thử.  Nói “con đường” thì hàm ý có người đi rồi.  Phải có người đi trước, chặt cây, lấp hố, thành đường nhỏ, rồi đường lớn. 
Bát chánh đạo gọi là trung đạo vì nó tránh xa hai cực đoan là lối sống xa hoa lợi dưỡng và lối sống ép xác khổ cực.  Trung đạo là chương trình huấn luyện để thanh lọc ba nghiệp thân khẩu ý, dẫn đến chấm dứt ái dục tức là cắt đứt nguyên nhân của khổ đau, giải thoát khỏi mọi khổ đau, chấm dứt dòng sinh tử luân hồi, tiến lên bậc thánh.
Tám đường thu gọn lại thành ba gọi là tam học gồm giới định và huệ:
Giới: chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng,
Định: chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định,
Huệ: chánh kiến và chánh tư duy.
Giới là những điều cấm kỵ, những kỷ luật phải theo để tiến lên phẩm hạnh cao quý.  Xét cho cùng, giới đặt trên căn bản từ bi vì giữ giới là làm lợi ích cho mình và cho chúng sinh.
Chánh ngữ là không nói dối, không vu khống, không nói thô lỗ cục cằn, không nói để gây bất hòa giữa những người khác, là nói thật, nói ôn hòa, nhã nhặn, và đặc biệt là biết nhịn, bớt nói hay không nói vì “im lặng là vàng”.
Do biết suy nghĩ, cân nhắc mà con người biết hành động, nhưng hành động lợi mình có khi hại cho chúng sinh. Cho nên phải chánh nghiệp, tạo nghiệp lành bằng cách nghiêm trì ngũ giới.
Trong xã hội, ai ai cũng phải phấn đấu để sinh tồn, nhưng cách mưu sinh không được hại đến người khác. Vì thế, phải chánh mạng nghĩa là chọn nghề lành, không buôn bán độc dược, ma túy, khí giới,không gá bạc, mở sòng, không mổ thịt súc vật đem bán ..., không buôn người, mua nô lệ ... và không gây chiến tranh giết chóc.
Thực hành Định như thế nào? Bằng chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.  Chánh tinh tấn là đem ý chí thi hành bốn câu: - điều ác đã sinh thì gắng chấm dứt.  – điều ác chưa sinh thì gắng đừng cho sinh.  – điều thiện chưa làm thì gắng làm.  – điều thiện làm rồi thì gắng phát triển thêm.  Đó gọi là tứ chánh cần.
Niệm là nhớ nghĩ.  Chánh niệm là biết đầy đủ và trọn vẹn các hoạt động của thân và của tâm, chúng phát sinh ra sao, thay đổi ra sao, biến đi thế nào.  Quan sát rành rẽ, chỉ huy được, ta trở thành điềm đạm hơn, không phát ngôn và hành động vội vàng.
Chánh định là giữ cho tâm không chạy lăng xăng, tránh “tâm viên ý mã”. Thiền định, chỉ quán cần phải có thiện tri thức chỉ dạy cho, không thể coi thường được.
Huệ gồm có chánh kiến và chánh tư duy.  Chánh tư duy là tư tưởng chân chánh.  Tư tưởng là gốc của hành động và lời nói.  Phải tư tưởng về những đề mục cao siêu, như từ bi hỷ xả, tư tưởng về dứt bỏ ái dục, tư tưởng về giải thoát.
Chánh kiến trước hết là tìm hiểu tứ diệu đế, đem ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày để rút ra các bài học thực tế cho bản thân, sách đã nói phải tránh tình trạng “nhìn người khác ăn” vì làm như thế thì mình không no được; chính mình biết mới là”của mình”.  Chánh kiến là nhìn sự vật theo lời Phật dạy.  Lúc tâm an trụ đến một trình độ cao thì sẽ không còn vô minh, và sẽ xem xét sự vật theo đúng thực tướng của chúng,
Nói giới, định, huệ theo thứ tự đó, có người nghĩ rằng phải có đủ giới đức rồi thì tâm mới định, khi tâm định rồi thì sau đó mới phát trí huệ.  Các vị cổ đức dạy rằng ba điều giới định huệ nương tựa lẫn nhau, sư phát triển của một thứ sẽ ảnh hưởng đến hai thứ kia.  Cho nên phải thi hành tam học song song, đồng thời.
(Không nên lầm tam học gồm giới, định và huệ với tam huệ gồm văn huệ, tư huệ và tu huệ, nói ngắn là văn, tư, tu).
Trình bày bát chánh đạo không phải là việc khó khăn nặng nhọc, vì sách đã viết nhiều về vấn đề đó rồi.  Hiểu bát chánh đạo thì khó hơn, tuy vậy cố gắng kiên trì có thể “vỡ” ra được một phần nào.  Khó nhất là thực hành, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “nói mà không chịu làm”.  Con đường đã được vạch sẵn, công việc đầu tiên là phải đặt chân lên đường rồi cất bước mà đi, tự mình đi, không ai đi hộ được; đức Phật chỉ đường cho ta rồi, con đường ấy chính ngài đã đi rồi, ngài không đi giúp chúng ta được.  Nhanh hay chậm là tùy ở ta, đến nơi hay không cũng tùy ở ta. 
Kính chúc quý đạo hữu luôn luôn tinh tấn tu và hành.
---ooo0ooo---




Không có nhận xét nào: