BƯỚC
VÀO CÕI PHẬT –Bài 47
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
47.
TAM QUÁN
Xưa kia, nghe kể chuyện cụ Trạng Trình, ngoài
các câu sấm liên quan đến thời thế, có một
lời tiên đoán về việc người ta làm đổ cái bia ở mộ của cụ: “Cha con thằng Khả,
làm đổ bia tao, làng nước xôn xao, bắt đền tam quán”. Quả nhiên, bao nhiêu năm sau, hai bố con một
người tên là Khả đi đào chuột hay rắn gì đó, làm đổ bia của cụ. Chức dịch trong làng phạt ba quan tiền, nhưng
vét hết tiền trong nhà, họ chỉ có đúng một quan tám mà thôi! Cụ Trạng đoán như thần: quan tám nói lái là
tam quán!
Mới đây, khi đọc mục “chùa chiền”
trong sách Nếp cũ của Toan Ánh, tôi thấy tác giả căn cứ vào bài “Vài nhận xét về
các tượng thờ và cách bài trí trong các chùa Việt Nam” của Đức Hòa đăng trong
Văn hóa nguyệt san số 58, tháng 2-61, Saigon, để nhận rằng chữ nhà tam quan của
nhà chùa gốc ở tam quan, ông nói đó
là không quan, giả quan và trung quan.
Tôi không biết chữ Hán nên không dám
bàn, xin được “dựa cột”. Chỉ xin kể chuyện
dính líu đến tam quan và tam quán.
Từ
điển Phật học Hán Việt ghi: Tam quan là ba cửa, chỉ ba cửa ải
huyền diệu, đó là nói về pháp môn. Tự điển ghi tiếp chuyện Lăng Nghiêm tam
quan, dùng chữ Lăng Nghiêm vì có dính líu đến một người chú thích kinh đó. Người ấy bị hỏi ba câu mà không trả lời nổi,
vậy là không qua nổi “ba cửa ải”. Lại có
chuyện Hoàng Long tam quan, dùng chữ Hoàng Long vì người đưa ra ba câu hỏi hóc
búa không ai trả lời được là thiền sư Hoàng Long (tức là Phổ Giác thiền sư ở
trên núi Hoàng Long bên Tàu, đời Tống), tam quan nghĩa là “ba cửa ải” cũng nghĩa
như chuyện trên. Tôi trộm nghĩ rằng trong chữ cổng tam quan hay nhà tam quan, quan có nghĩa là cửa.
Bây giờ nói về tam quán. Vẫn theo từ điển nói trên, ta thấy: tam quán là ba phép quán.
Trong các thuyết của các nhà nói về Tam quán thì thuyết Tam quán của tông Thiên Thai là phổ thông nhất.
Ngoài Thiên Thai tam quán, còn có Hoa
Nghiêm tam quán, Nam
Sơn tam quán và Từ Ân tam quán.
Thiên Thai là tên núi ở tỉnh Triết
giang bên Tàu. Ngài Trí Khải (538-597) đời nhàTùy (581-618) tới núi đó lập ra một
tông, tông này tên là tông Thiên Thai, người ta gọi ngài là Thiên Thai đại sư,
tên khác là Trí Giả đại sư. Tông này lấy kinh Pháp Hoa làm căn bản, luận Trí Độ
của ngài Long Thọ (tổ thứ 14 của Phật giáo) làm kim chỉ nam và thuyết minh diệu
lý “nhất tâm tam quán”. Trước tên là tông Pháp Hoa, sau tên là tông Thiên Thai. (Tông này
truyền sang Nhật bản, gọi là tông Thiên Đài).
Thật ra, ngài Huệ Văn mới là sơ tổ tông Pháp Hoa, ngài Huệ Tư là nhị tổ. Ngài Trí Khải là tam tổ, được tôn là giáo tổ,
ngài viết nhiều bộ sách rất có giá trị, nhờ đó mà tông Thiên Thai phát triển mạnh. Có nhiều sách xếp ngài Trí Khải là tổ thứ
tư vì tôn ngài Long Thọ làm sơ tổ mặc dù
ngài ở Ấn Độ, thế kỷ II và không lập ra tông Thiên Thai.
Để có một ý niệm về “nhất tâm tam
quán” tức là “Thiên Thai tam quán”, chúng ta nên biết thế nào là tục đế và chân
đế (chân đế còn được gọi là thật đế hay đệ nhất nghĩa đế) tức là Chân lý tương
đối và Chân lý tuyệt đối. Tục đế là chân
lý dành cho người phàm, còn sống trên cõi đời này, xử sự trên cõi đời này, còn
chân đế thì dùng cho cõi thánh, không còn bị ràng buộc vào thế gian này nữa. Trong Tâm kinh mà chúng ta vẫn tụng, ta thấy
“vô trí diệc vô đắc”, vài dòng sau lại thấy “đắc a-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề”.
Trên nói không đắc, ngay dưới lại nói có đắc, mâu thuẫn quá. Thật ra, đối với
người phàm thì gọi là đắc, đối với hàng Phật thì gọi là không đắc vì có gì đâu
mà đắc!
Nhìn sự vật (vạn pháp) theo con mắt
phàm, theo tương đối, theo tục đế, thì rõ ràng cái gì cũng hiện hữu, cũng chiếm
một chỗ trong không-gian, ngay cả ý nghĩ cũng hiện hữu. Ta nói rằng vạn pháp là CÓ.
Nhưng với sự “nhìn” theo chân đế, theo
tuyệt đối thì trong vũ trụ này, chẳng có cái gì đứng vững một mình và tồn tại
mãi mãi. Sự sự vật vật đều nương tựa vào nhau mà tồn tại, chẳng có tự-thể, mọi
thứ đều do nhân duyên mà thành. Chúng có
đấy, nhưng nhờ cái khác mà có, có một cách giả dối, có mà GIẢ, có mà như không,
cho nên bảo là KHÔNG. Không nghĩa là thiếu
vắng tự-thể, chứ chẳng phải là không có gì..
Với cái nhìn tương đối, vạn pháp là
CÓ. Với cái nhìn tuyệt đối, vạn pháp là
KHÔNG. Có, không chỉ là hai mặt của một
đồng tiền. Chấp nhận cả hai cái đó, cũng
như chấp nhận hai mặt sấp ngửa của một đồng xu, như thế gọi là TRUNG ĐẠO.
Tam quán của tông Thiên Thai bắt nguồn
từ đó:
1/
KHÔNG QUÁN: Theo chân đế, các
pháp vốn là không, nhưng vì chúng sinh mê lầm nên chấp là có thật. Nhờ quán KHÔNG mà phá mê lầm ngõ hầu thoát cảnh
sinh tử luân hồi.
2/
GIẢ QUÁN: Nhìn sự vật trên thế
gian, thấy là có, phải dùng phép quán GIẢ để nhận thấy rằng đó là GIẢ cả.
3/
TRUNG QUÁN: Vuợt lên cả hai thứ vừa
nói trên đây, phải nhờ phép quán TRUNG để thấy cả hai khía cạnh “có không” cùng
một lúc, hai cái không rời nhau, mục đích thoát ra ngoài các mâu thuẫn.
Dùng “một tâm” mà đồng thời thực hành
cả tam quán nên gọi là “nhất tâm tam quán”.
Từ cái cổng tam quan, mà nói lan man tới
đây là quá dài, xin tạm ngưng.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét