TẠI SAO ? (21-25)
Sưu tầm từ VietSciences. Free
21- Vì sao chuông
nứt đánh không kêu ?
Cái chuông, khi đã bị nứt rồi, thì dù bạn có đánh hết sức
bình sinh vẫn chỉ nghe thấy những âm thanh rè rè mà thôi. Đó là do chỗ bị nứt
làm chuông mất đi sự đối xứng, độ đàn hồi và dao động riêng, chỗ đó không thể
cùng ba mặt khác dao động đồng bộ, tạo ra âm thanh.
Chuông hoạt động theo nguyên lý sau: khi bị ngoại lực
đánh vào, dao động của nó sẽ hướng về hai phía đối nhau từng đôi một. Chẳng
hạn, khi bạn gõ vào mặt phải, thì mặt phải và mặt trái sẽ đồng thời ép vào
trong, còn mặt trước và mặt sau thì dãn ra phía ngoài. Tiếp đó, hai mặt trái
phải lại dãn ra phía ngoài, đồng thời hai mặt trước sau lại ép vào phía trong.
Chính do dao động của các mặt chuông không ngừng đan xen nhau, lúc dãn ra phía
ngoài, lúc ép vào phía trong, mà chuông phát ra được âm thanh du dương rồi yếu
dần đi.
Nếu chuông được đúc dày mỏng không đều thì dao động của
hai mặt đối xứng sẽ không hòa nhịp, âm thanh phát ra không những khó nghe mà
thời gian ngân vang cũng ngắn.
22- Các hành tinh
trong vũ trụ liệu có va vào nhau ?
Nếu trái đất ở rất gần các hành tinh khác và chúng chuyển
động ngược chiều nhau thì khả năng đụng độ rất dễ xảy ra. Nhưng thực tế, trái
đất và các hành tinh đều ngoan ngoãn quay trên những quỹ đạo nhất định khiến
cho chuyện đó là không thể.
Mặt trăng là thiên thể gần trái đất nhất, cách chúng ta
384.000 km. Khoảng cách giữa mặt trời và trái đất là 149,6 triệu km (hãy tưởng
tượng muốn đi bộ tới quả cầu lửa này, bạn phải mất hơn 3.400 năm). Các hành
tinh khác trong hệ mặt trời cũng ở rất xa, và bởi chịu sức hút của mặt trời nên
chúng đều có một quỹ đạo ổn định. Do đó chúng không có cơ hội đụng độ với hành
tinh xanh.
Các ngôi sao khác trong vũ trụ cách trái đất còn xa hơn
nữa. Sao Biling là gần nhất, cách trái đất 4,22 năm ánh sáng, tức là từ vì tinh
tú này tới trái đất, ánh sáng phải “ì ạch” mất 4 năm 3 tháng.
Trong khoảng không vũ trụ gần hệ mặt trời, trung bình các
sao cách nhau khoảng trên 10 năm ánh sáng. Hơn nữa, chúng đều chuyển động theo
một quy luật nhất định. Mặt trời cũng như tất cả các sao trong dải Ngân Hà đều
chuyển động xung quanh trung tâm hệ theo một quy luật riêng chứ không phải là
hỗn loạn. Bởi vậy, rất ít khả năng các sao trong dải Ngân Hà va chạm nhau.
Theo tính toán của các nhà khoa học, trong hệ Ngân Hà
trung bình khoảng một tỷ tỷ năm mới xảy ra một va chạm giữa các sao. Tuy nhiên,
xác suất các sao chổi va quẹt vào hành tinh thì thường xuyên hơn nhiều.
Theo thống kê, hiện trên thế giới có gần 600 loại tên lửa
có tính năng, công dụng khác nhau. Dựa trên sự khác nhau của căn cứ phóng tên
lửa và vị trí mục tiêu tấn công, có thể chia tên lửa thành mấy loại sau.
1. Tên lửa không đối không : Là loại tên lửa được gắn trên máy bay tiêm kích, tiêm
kích ném bom và máy bay trực thăng vũ trang, dùng để tấn công các mục tiêu bay.
Người ta phân loại tên lửa theo tầm bắn gồm tên lửa ngăn chặn ở cự ly xa (100-200
km), tên lửa ngăn chặn ở cự ly trung bình (40-100 km), tên lửa đánh chặn ở cự
ly gần (8-30 km), tên lửa tấn công hạng nhẹ (5-10 km)... Phương thức dẫn đường
của các loại tên lửa này thường là sử dụng tia hồng ngoại, radar bán tự động,
radar tự động hoàn toàn..., xác suất bắn trúng thường đạt trên 80%.
2.
Tên lửa không đối đất và tên lửa không
đối hạm: Là loại vũ khí
trang bị cho máy bay, được trang bị trên các máy bay tác chiến hiện đại, như
máy bay ném bom, máy bay tiêm kích ném bom, máy bay cường kích, máy bay trực
thăng vũ trang và máy bay tuần tra chống ngầm. Loại này được dùng để tấn công các mục tiêu trên mặt đất,
trên mặt biển hoặc tàu ngầm chạy dưới nước.
Bộ phận đầu nổ của các loại tên lửa này đa phần sử dụng
thuốc nổ thường, một số ít cũng sử dụng đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, tầm bắn từ 6
đến 60 km, lớn nhất có thể đạt tới 450 km. Phương thức dẫn đường của tên lửa
không đối đất khá phong phú, như: sử dụng tia hồng ngoại, tia lade, sợi quang,
vô tuyến truyền hình, radar sóng milimet và ảnh hồng ngoại.
3. Tên lửa đất đối đất, tên lửa đất đối hạm,
tên lửa hạm đối hạm : Tên lửa đất đối
đất được phóng đi từ đất liền, dùng để tấn công các mục tiêu trên đất liền, như
nơi đóng quân, đoàn xe
bọc thép, sở chỉ huy mặt đất, trận địa phòng không, sân bay, kho tàng, nhất là
xe tăng... Căn cứ theo tầm bắn, tên lửa được phân loại thành
loại tầm xa (từ 100 km trở lên), tầm trung (30-100 km), tầm gần (4-30 km), sử
dụng nhiều phương thức dẫn hướng như bằng tia hồng ngoại, tia lade, sợi quang
và radar bán tự động...
Tên lửa hạm đối hạm được phân loại theo tầm bắn gồm tầm
xa (200-500 km), tầm trung (40-200 km), tầm gần (dưới 40 km). Tên lửa hạm đối
hạm áp dụng hai phương thức là dẫn bằng radar tự động và radar bán tự động.
Chúng thường bay với tốc độ dưới âm thanh, một số ít có tốc độ siêu âm.
4. Tên lửa đối không (bao gồm tên lửa đất
đối không và tên lửa hạm đối không) có thể
đánh chặn máy bay và
địch tập kích, tên lửa hành trình, tên lửa không đối đất, đất đối đất trên
đường bay. Tầm bắn cũng được chia thành 3 loại bao gồm: tầm xa
(từ 100 km trở lên), tầm trung (30-100 km), tầm thấp, rất thấp (4-30 km).
Phương thức dẫn của loại tên lửa này phần lớn là sử dụng radar bán tự động, vô
tuyến điện, tia hồng ngoại và tia lade...
Nhìn chung, tên lửa loại nào có ưu điểm của loại đó, phát
huy được bản lĩnh riêng trên các chiến trường khác nhau
Tốc độ viên đạn khi đi ra khỏi nòng súng là 900 mét/giây,
âm thanh ở nhiệt độ bình thường có tốc độ truyền đi là 340 mét /giây. Viên đạn
bay nhanh gấp 2 lần âm thanh, vì vậy, phải chăng là viên đạn bay nhanh hơn?
Không hẳn như thế. Bởi vì trong quá trình bay viên đạn
không ngừng ma sát với không khí, tốc độ của nó ngày càng chậm, còn tốc độ của
âm thanh trong không khí trên một đoạn đường không quá dài thì thay đổi rất ít.
Như vậy, muốn biết cái gì bay nhanh hơn, ta hãy xem cuộc chạy đua giữa chúng.
Ở giai đoạn thứ nhất, 600 mét sau khi viên đạn rời khỏi
nòng súng, tốc độ bay trung bình của đạn là khoảng 450 mét/giây. Viên đạn bay
nhanh hơn âm thanh nhiều, luôn luôn đi trước. Ở khoảng cách này, nếu nghe thấy
tiếng súng thì viên đạn đã bay qua bạn từ lâu về phía trước rồi.
Giai đoạn thứ hai, trong khoảng từ 600 đến 900 mét, sức
cản của không khí đã làm cho tốc độ của viên đạn giảm đi rất nhiều, âm thanh
dần đuổi kịp nó, hai bên hầu như kề vai nhau chạy tới đích 900 mét.
Giai đoạn thứ ba, từ 900 mét trở đi, viên đạn càng bay
càng chậm, âm thanh sẽ vượt nó. Đến chỗ 1.200 mét thì viên đạn đã mệt tới mức
sức cùng lực kiệt, không thể bay nổi nữa, âm thanh sẽ chạy xa lên phía trước.
Lúc này, nếu bạn nghe thấy tiếng súng và tiếng vèo vèo thì viên đạn còn chưa
tới trước mặt bạn.
Kết quả cuộc thi là viên đạn chỉ giành chức quán quân
trong phạm vi 900 mét đầu tiên mà thôi.
Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy một hiện tượng rất thú vị. Với
các loài thú ăn thịt như sư tử, hổ, báo, chó sói…, mắt của chúng đều nằm phía
trước phần mặt, còn vị trí mắt của các loài thú ăn cỏ như trâu, ngựa, dê… lại ở
hai bên.
Đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Không phải, điều
này có liên quan mật thiết với phương thức sinh sống của chúng.
Các loài ăn thịt trong tự nhiên đều là những kẻ tấn công
chủ động, tích cực. Một khi đã phát hiện thấy con mồi, chúng sẽ nhanh chóng
truy đuổi. Trong quá trình này, chúng không những cần cơ đùi khỏe, một cái
miệng rộng với hàm răng sắc nhọn, mà còn phải dùng đến đôi mắt để quan sát chăm
chú mục tiêu, ước lượng chính xác khoảng cách. Chính vì thế, mắt ở phía trước
mặt sẽ tạo thuận lợi cho quá trình săn đuổi này.
Các loài động vật ăn cỏ lại không giống như vậy. Số phận
của chúng là dễ trở thành mồi ngon cho các loài ăn thịt bất cứ lúc nào. Vì thế,
mắt hai bên sẽ tạo ra tầm nhìn rộng rãi (có con có tầm nhìn tới 360 độ), giúp
chúng nhanh chóng phát hiện ra kẻ địch và chạy trốn.
Vượn và khỉ tuy không hung dữ như các loài thú ăn thịt, nhưng
cũng có mắt mọc ở chính trước mặt. Đó là vì cấu trúc này có lợi cho chúng trong
việc xác định khoảng cách giữa các cành cây. Từ đó, chúng có thể nhanh chóng
lẩn tránh kẻ thù.
Gấu trúc tuy ăn tre, trúc nhưng lại có đôi mắt mọc ở phía
trước. Đặc điểm này là do chúng thừa kế được từ tổ tiên - những động vật chuyên
ăn thịt.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét