Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

SAS

10 đội biệt kích tinh nhuệ nhất thế giới
1.   Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS)  
Là một trong những lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới, SAS - Special Air Service của Quân đội Hoàng gia Anh, có những phương pháp luyện tập và hoạt động được dùng làm hình mẫu cho rất nhiều lực lượng đặc nhiệm khác trên thế giới.
SAS được thành lập vào ngày 31/5/1950, là một bộ phận của lực lượng đặc nhiệm Vương quốc Anh. Trước đó, SAS đã bắt đầu được hình thành từ năm 1941, đến năm 1947 nó được sáp nhập vào quân đội dự bị của Anh dưới tên Tiểu đoàn 21, Trung đoàn SAS.
Trong khi đó, tiểu đoàn 22 SAS lại thuộc về quân đội chính quy và sau này trở thành đơn vị nổi tiếng nhất thế giới. Tiếng tăm của đơn vị này nổi lên sau vụ tấn công Đại sứ quán Iran tại London và giải cứu thành công các con tin trong vụ bao vây năm 1980.
Sau này, các tiểu đoàn SAS được mở rộng và nâng lên thành cấp trung đoàn với Trung đoàn 22 thuộc quân đội chính quy và trung đoàn 21, trung đoàn 23 thuộc quân đội dự bị của Vương quốc Anh. Nhiệm vụ chủ yếu của SAS là thực hiện các hoạt động chống khủng bố trong thời bình và các hoạt động đặc biệt trong lòng địch khi xảy ra chiến tranh.
Để vào được SAS, các binh sĩ phải vượt qua những giai đoạn luyện tập vô cùng gian khổ và rất nhiều người phải bỏ cuộc. Mỗi đợt tuyển chọn SAS có khoảng 125 ứng cử viên nhưng số người được phục vụ trong lực lượng này chỉ còn 10 người sau khóa huấn luyện.
Giai đoạn đầu của khóa huấn luyện có tên là "Những ngọn đồi". Đây là quá trình đào tạo khả năng chịu đựng về các sức khỏe và tinh thần của các binh sĩ. Để vượt qua giai đoạn này, đòi hỏi người lính phải có tính quyết đoán cao và khả năng tác chiến độc lập cực tốt.
Quá trình này kéo dài 3 tuần với những bài tập hành quân mang trang bị tăng dần về khối lượng và độ dài. Trong bài kiểm tra cuối cùng, các học viên sẽ phải mang 24,5kg trang thiết bị, hành quân 65km và phải hoàn thành dưới 24 tiếng mới đạt.
Sau đó, những người vượt qua bài tập sức chịu đựng sẽ được chuyển vào rừng cho khóa huấn luyện tiếp theo. Các học viên sẽ tìm cách để tồn tại và di chuyển trong rừng trong những điều kiện khắc nghiệt với giả thuyết đang ở sau phòng tuyến quân địch. Trong 4 tuần của giai đoạn 2, các học viên chỉ sống bằng đồ ăn sẵn, họ phải học các tồn tại trong rừng sao cho các trang thiết bị không bị khí hậu làm hư hỏng.
Bài huấn luyện trong rừng không chỉ đòi hỏi tính bền bỉ, khả năng thích nghi cao mà các học viên phải có sự chịu đựng tâm lý rất tốt. Cái mà SAS cần là sau khi huấn luyện, các chiến binh của họ có thể thi hành nhiệm vụ dưới môi trường áp lực cao, hoạt động hàng tuần sau lưng quân địch mà không có bất kỳ đường lui nào về căn cứ.
Sau khi trở về từ rừng sâu, số ít học viên đạt tiêu chuẩn sẽ đến với bài tập cuối cùng về kỹ năng lẩn trốn, đào tẩu và đặt câu hỏi và trả lời trong trường hợp bị khai thác thông tin. Với các đặc nhiệm SAS, hoạt động chủ yếu vẫn là trong lòng địch và những kĩ năng trên là tối cần thiết.
Kĩ năng lẩn trốn và đào tẩu của các học viên được đào tạo bởi chính các cựu binh SAS, thậm chí là những binh sĩ của các lực lượng đặc nhiệm khác đã từng lẩn trốn và đào tẩu thành công trong các tình huống thực tế.
Tiếp theo đó, họ sẽ đưa về vùng nông thôn, nơi các học viên phải mặc những đồng phục của thời thế chiến, di chuyển giữa các trạm kiểm soát mà không bị phát hiện bởi những người tìm kiếm do các binh sĩ SAS đóng vai. Sau 3 ngày, tất cả học viên sẽ trở về căn cứ để chuẩn bị cho bài học về đặt câu hỏi và trả lời để khai thác hoặc giấu thông tin trong trường hợp bị bắt giữ.
Ở đây, họ sẽ được huấn luyện để đối phó với các bài thẩm vấn của đối phương. Trong nhiều giờ liên tục, các học viên phải chịu áp lực tối đa do những câu hỏi, sự tra trấn của người huấn luyện kèm theo đó là những âm thanh gây căng thẳng liên tục được phát vào tai.
Cuối cùng, họ phải đạt được tiêu chuẩn khi chỉ trả lời 4 nội dung là tên, cấp bậc, số hiệu và ngày tháng năm sinh. Đối với mọi câu hỏi còn lại, chỉ được nói: “Tôi xin lỗi, tôi không thể trả lời câu hỏi này”. Nếu học viên nào không làm được điều đó sẽ bị loại ngay lập tức.
Tất nhiên, tất cả những gì diễn ra lúc đào tạo đều khác xa so với thực tế, mỗi cuộc thẩm vấn trong chiến tranh đều rất khắc nghiệt và tất cả các binh sĩ đặc nhiệm đều không biết họ có sống sót để trở về hay không.
Sau khi đã vượt qua được các bài huấn luyện thể lực và tinh thần, các học viên đạt yêu cầu sẽ bước vào khóa huấn luyện về các kĩ năng chiến đấu. Đầu tiên là bài học về tấn công mục tiêu trong các tòa nhà, đột nhập từ nóc sau khi rời trực thăng hoặc tấn công từ bên hông nhà bằng cách sử dụng các khối chất nổ bé.
Ngoài ra, các binh sĩ SAS sẽ được huấn luyện kỹ năng tấn công trong đường ống, đây là những kĩ năng sử dụng trong các trường hợp chống khủng bố trên tàu, xe buýt hay tàu điện ngầm. Bài học cuối cùng trong khóa huấn luyện kĩ năng chiến đấu là tấn công mục tiêu trên máy bay để áp dụng trong những vụ không tặc. Tất cả đều được luyện tập trên các máy bay thực với những nhân viên đóng vai khủng bố và con tin.
Hoàng Lê (Theo Nông Nghiệp Việt Nam)
---ooo0ooo---



Không có nhận xét nào: