Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

LỰC LƯỢNG UAE

Lực lượng quân đội hùng mạnh nhưng "kín tiếng" nhất thế giới
-o0o-
Một quốc gia rất ít khi xuất hiện trên trường quốc tế lại là nước đang sở hữu những vũ khí tối tân, tiến hành luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc và luôn sẵn sàng sử dụng quân đội khắp khu vực. Đó là UAE.
Thái tử Mohammed Bin Zayed Al Nahyan của Abu Dhabi xem lễ bế mạc buổi tập trận chung giữa quân đội của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Pháp tại sa mạc Abu Dhabi ngày 2/5/2012
Một quốc gia từng rất ít khi xuất hiện trên trường quốc tế lại là nước đang sở hữu những vũ khí tối tân, tiến hành luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc và phát triển hạm đội máy bay chiến đấu cũng như xe tải hạng nặng. 
Một đất nước có chưa đến 10 triệu dân nhưng được cho là luôn sẵn sàng sử dụng quân đội khắp khu vực.
Dấu hiệu lớn nhất của việc này bắt đầu từ tháng 8, khi UAE hợp tác với Ai Cập ném bom vào quân đội Hồi giáo để chiếm thủ đô Libya. UAE đã đóng góp 12 máy bay cho chiến dịch quốc tế để hạ bệ Muammar Gaddafi năm 2011. Cũng trong năm này, họ đã đưa quân đội tới lực lượng đa quốc gia để tiêu diệt cuộc nổi dậy ở Bahrain và đất nước cũng tham gia vào các chiến dịch chống Tổ chức Hồi giáo IS.
Năm 2013, UAE xếp thứ 15 trong số những quốc gia chi tiêu lớn nhất vào quân đội, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm. Chi tiêu quân sự của họ gần gấp đôi thập kỷ trước. Và có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 trong số các “đại gia dầu mỏ” của vịnh Ba Tư với mức 14 tỷ USD chỉ sau Arab Saudi. 
UAE đang từng bước trở thành quốc gia nhập khẩu thiết bị quốc phòng lớn thứ 3 trên thế giới vào năm 2015.
Một mạng lưới các thành quốc quân chủ bao gồm Dubai và Abu Dhabi hiện giờ đang tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực Trung Đông.
Máy bay chiến đấu F-16 của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) thả tên lửa trong cuộc tập trận quân sự chung với quân đội Pháp ở sa mạc Abu Dhabi ngày 2/5/2012
UAE đã hỗ trợ triển khai quân sự bằng một chính sách đối ngoại quyết đoán và tư duy độc lập.
Cả Ai Cập và UAE đều không báo trước cho Mỹ về các cuộc không kích nhằm vào Tổ chức Hồi giáo ở Libya. AFP đưa tin rằng các cuộc tấn công này “báo hiệu một bước hành động trực tiếp của những nước Ả-rập trước đó đã tham gia vào chiến tranh ủy nhiệm ở Libya, Syria và Iraq để giành quyền lực và ảnh hưởng”.
Cùng lúc đó, Mỹ cùng đồng minh UAE đã tham gia chiến tranh chống IS. Đây là một trong 5 nước Ả-rập tham gia chiến dịch không kích chống lại tổ chức này và cho phép máy bay chiến đấu của Australia bay qua lãnh thổ của mình. Mỹ cũng đặt cơ sở máy bay ở căn cứ không quân Al Dhafra, ngoại ô Abu Dhabi.
UAE còn tham gia vào các hoạt động tình báo để ngăn chặn sự phát triển của IS. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahyan đã cảnh báo về khả năng tăng kết nối giữa IS và nhóm khủng bố al-Shabab - một nhánh của Al Qaeda ở bán đảo Somali.
“Khi các nhóm như Daesh (IS) phát triển các mối quan hệ với mạng lưới tội phạm và mạng lưới vũ khí như al-Shabab, là lúc chúng ta cần ngăn chúng bành trướng các hoạt động ở biển và đe dọa những con kênh quan trọng như Eo biển Hormuz, Biển Đỏ, Bab al Mandab và vịnh Aden”, Ông Zayed al-Nahyan phát biểu tại phiên họp chống cướp biển ở Dubai.
Các thành viên của lực lượng vũ trang UAE tham gia lễ khai mạc Triển lãm quốc phòng quốc tế (IDEX) ngày 17/2/2013
UAE, Ai Cập, Saudi Arabia, và Kuwait vẫn đang đàm phán để hình thành một liên minh “không định can thiệp vào Iraq hay Syria, nhưng sẽ hành động riêng biệt để nhằm vào nhiều điểm nóng khác của phần tử cực đoan”, theo AP. Một sĩ quan giấu tên của quân đội Ai Cập cho biết những xung đột đang nhen nhóm ở Libya và Yemen - nơi lực lượng Hồi giáo Shia đang tiếp quản thủ đô.
Iran thực sự có thể giải thích được lý do tại sao UAE lại đẩy mạnh phát triển quân đội nhanh đến vậy.
Người ta hầu hết chỉ biết đến UAE như một cường quốc kinh tế vì Dubai là một trung tâm tài chính của thế giới. Hơn nữa, đất nước này còn có các mỏ dầu, khí đốt cùng nhiều bến cảng sầm uất nhất khu vực Trung Đông. Nhưng chỉ ngay bên kia vịnh Ba Tư là Iran, đang có một số tranh chấp biên giới cần giải quyết với UAE.
UAE đã mua nhiều tàu và máy bay mới từ Mỹ. Trong đó, bản nâng cấp của máy bay chiến đấu F-16 được giới thiệu là phiên bản hiện đại nhất của loại máy bay đang được sử dụng ở khắp nơi trên thế giới này. Thêm vào đó, UAE cũng đang quan tâm đến thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 F-35. Những điều này có thể mang lại cho UAE khả năng quân sự ưu việt hơn người hàng xóm rộng lớn và hay can thiệp vào địa chính trị của họ.

UAE cũng có thể tận dụng thời gian chuẩn bị cho quân đội để lên kế hoạch tăng cường và đẩy mạnh uy tín trong cộng đồng toàn cầu mở rộng hơn. Điều này có thể giải thích tại sao Abu Dhabi lại muốn được ca tụng đến thế về niềm tự hào của quốc gia - thám hiểm vũ trụ. Tháng 7, nước này đã công bố thành lập một trạm vũ trụ vào năm 2021 và dự kiến đưa một máy thăm dò lên sao Hỏa.
Mirage 2000 (Pháp) và F-16 (Mỹ) của lực lượng UAE tham gia vào cuộc tập trận quân sự chung với quân đội Pháp ở sa mạc của Abu Dhabi ngày 2/5/2012.
Nhưng UAE cũng nên nhìn gần hơn một chút.
Mùa xuân Ả-rập đã chứng tỏ rằng không có lãnh đạo nào trong khu vực này có thể hoàn toàn yên tâm về các xung đột nội bộ và môi trường an ninh, chính trị của Trung Đông có thể biến động theo những cách không thể đoán được.
UAE đã dùng biện pháp đàn áp nội bộ để củng cố tình hình tại các khu vực bất ổn, bắt giữ hàng chục nhà hoạt động Hồi giáo và trục xuất những lãnh đạo thế tục đối lập như trường hợp của lãnh đạo làn sóng cách mạng “Mùa xuân Ả-rập” Iyad al-Baghdadi.
Các lãnh đạo thủ cựu của đất nước coi người Hồi giáo là mối đe dọa với chế độ hiện giờ ở Trung Đông. Điều này có thể giải thích cho việc UAE sẵn sàng tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS ở Libya và Syria cũng như thái độ thù địch của họ với các nhóm Hồi giáo ở ngay trong đất nước.
Cũng tại mặt trận trong nước, UAE đã đưa ra chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc tháng 6 vừa rồi với nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 30. Những ai học trung học phải thực hiện nghĩa vụ trong vòng 9 tháng, nếu không thì phải thực hiện đủ 2 năm.
UAE vẫn giữ được chế độ chuyên quyền tại thời điểm Trung Đông không có sự thống trị nào hoàn toàn chắc chắn. Và đây cũng thực sự là một quốc gia tương đối thịnh vượng trong một khu vực có các mối đe dọa có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không có cảnh báo.
Đẩy mạnh quân phiệt hóa và chính sách an ninh quyết đoán là cách giúp họ duy trì được trong môi trường bất ổn này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…
Huỳnh Linh (lược dịch)

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: