Lịch sử Đức Phật Thích
Ca (1/6)
-o0o-
1. Thái tử Tất Đạt Đa ra đời
Vào ngày rằm tháng 4,
năm 623 trước công nguyên tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) gần thành Kapilavastu
(Ca Tỳ La Vệ), một nơi hiện nay là vùng biên giới giữa Nêpan và Ấn Độ, Đức Phật
Thích Ca đã giáng sinh, làm Hoàng tử con vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và Hoàng
hậu Maha Maya (Ma Da). Vua Suddhodana trị vì một vương quốc nhỏ của bộ tộc
Sakya (Thích Ca).
Vì Hoàng hậu Maha Maya
qua đời bảy ngày sau khi Thái tử sinh ra, cho nên Thái tử được bà dì Maha
Pajapati Gotami (Maha Ba xà ba đề), trực tiếp nuôi nấng, dạy dỗ, còn người con
trai của Bà dì là Nanda thì được giao cho các bảo mẫu nuôi dưỡng.
Tên riêng của vị Phật
tương lai là Si Đác Ta (Tất Đạt Đa), tên giòng họ Ngài là Gotama (Cồ Đàm). Vì
giòng họ nầy thuộc bộ lạc Sakya (Thích Ca), cho nên sau nầy có danh hiệu Sakya
Muni (Thích Ca Mâu Ni). Muni là bậc Thánh, Sakya Muni là bậc thánh thuộc bộ lạc
Thích Ca.
2. Đạo sĩ A Tư Đà và
Thái tử
Ngày Thái Tử Si Đác Ta
đản sanh là ngày hội vui lớn của toàn vương quốc. Dân chúng xa gần kéo về kinh
đô Kapilavastu ăn mừng. Một vị Đạo sư già tên là Asita (A Tư Đà) cũng từ nơi
ông tu hành trên núi Himalaya (Hy mã lạp sơn) đến cung vua để chào mừng và xem
tướng Thái tử. Gặp Thái tử, đạo sĩ Asita bỗng nhiên chắp tay vái chào với thái
độ hết sức cung kính. Đạo sĩ tuy cuời mà vẻ mặt thoáng buồn. Được hỏi vì cớ
sao, Đạo sĩ Asita trả lời là ông mừng vì Thái tử tương lai sẽ thành Phật, bậc
giác ngộ và thượng, nhưng ông buồn vì ông tuổi đã quá cao, ắt phải qua đời mà
không được vị Phật tương lai trực tiếp giáo huấn, giác ngộ.
Trong kinh Sutta-Nipata (Kinh Tập, 101), có kể
truyện đạo sĩ Asita đang tu trên núi Tuyết sơn, được chư Thiên mách bảo, bèn
xuống núi, đến thành Kapilavastu xem tướng cho Thái tử.
"Thấy Thái tử chói
sáng
Rực rỡ như vàng chói,
Trong lò đúc nấu vàng,
Được thợ khéo luyện thành
Bừng sáng và rực rỡ,
Với dung sắc tuyệt mỹ...
Sau khi thấy Thái tử,
Chói sáng như lửa ngọn,
Thanh tịnh như sao Ngưu,
Vận hành giữa hư không,
Chói sáng như mặt trời,
Giữa trời thu mây tạnh.
Ấn sĩ tâm hân hoan
Được hỷ lạc rộng lớn".
Và đạo sĩ
Asita nói là Thái tử tương lai sẽ tu chứng Phật quả, vì lòng từ thương xót
chúng sanh mà truyền bá chánh pháp trên thế gian nầy.
"Thái tử này sẽ chứng,
Tối thượng quả Bồ đề
Sẽ chuyển bánh xe Pháp,
Thấy thanh tịnh tối thẳng
Vì lòng từ thương xót,
Vì hạnh phúc nhiều người,
Và đời sống phạm hạnh,
Được truyền bá rộng rãi".
Nhưng vì nghĩ mình đã
già, không còn sống được bao lâu nữa, để có thể trực tiếp nghe Đức Phật thuyết
pháp, cho nên đạo sĩ buồn và nói:
"Thọ mạng ta ở đời,
Còn lại không bao nhiêu,
Đến giữa đời sống Ngài
Ta sẽ bị mệnh chung.
Ta sẽ không nghe Pháp,
Bậc tinh cần vô tỷ,
Do vậy ta sầu não,
Bất hạnh và khổ đau..." (Kinh Tập, 103)
3. Cuộc sống của Thái tử trong thời niên thiếu
Thái Tử Si Đác Ta được
nuôi nấng, dạy dỗ, giáo dục một cách toàn diện về hai mặt: văn chương và võ
nghệ.
Khi Thái tử lên bảy
tuổi, những thầy giáo giỏi nhất trong xứ được mời đến hoàng cung dạy cho Thái
tử các môn học thế gian như Thanh minh (ngôn ngữ học và văn học), Công xảo minh
(Công kỹ nghệ học), Y phương minh (môn học chữa bịnh), Nhân minh (Luận lý học),
và Nội minh (Đạo học). Về Đạo học, Thái tử được dạy về 4 sách Thánh Veda, là
các sách Thánh của Bà la môn giáo. Sách kể rằng: chỉ trong khoảng thời gian từ
7 đến 12 tuổi, Thái tử đã học thông thạo 5 môn học trên và 4 sách Thánh Veda.
Đến năm 13 tuổi, Thái tử học võ thuật, theo truyền thống giòng giõi đẳng cấp võ
tướng (Ksatryas, Sát đế lỵ). Nhờ có sức khỏe phi thường, Thái tử học môn võ gì
cũng giỏi; về môn bắn cung, sách kể rằng, trong một cuộc hội thi, Thái tử đã
bắn một mũi tên xuyên 7 lớp trống đồng, trong khi người giỏi nhất tại cuộc thi
chỉ bắn xuyên được ba lớp trống đồng.
Vào tuổi 16, Thái tử
cưới công chúa Yasodhara (Da du đà la), đồng lứa tuổi với Thái tử. Và trong gần
13 năm, sau ngày cưới, Thái tử sống một cuộc đời hạnh phúc trong nhung lụa, vô
tư, không biết gì tới mọi nỗi khổ và bất hạnh ở đời. Về quãng đời ấy của Ngài,
Đức Phật kể lại như sau với các Tỷ kheo, đệ tử của Ngài:
"Này các Tỷ kheo,
Ta được nuôi dưỡng tế nhị, quá mức tế nhị. Trong cung của Phụ vương Ta, các hồ
nước được xây lên, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng,
tất cả đều phục vụ cho Ta. Không một hương chiên đàn nào Ta dùng, này các Tỳ
kheo, là không từ Kasi đến. Bằng vải Kasi là khăn của Ta, này các Tỳ kheo, bằng
vải Kasi là áo cánh, bằng vải Kasi là áo lót, bằng vải Kasi là áo khoác ngoài.
Đêm và ngày, một lọng trắng được che trên đầu Ta để tránh xúc chạm lạnh, nóng,
bụi, cỏ hay sương. Này các Tỳ kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái
cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa. Và Ta, này các Tỳ kheo,
tại lâu đài mùa mưa, Ta được các vũ nhạc công đờn, múa hát xung quanh
Ta..." (Tăng Chi 1, 161 - 162).
4. Quyết tâm xuất gia tầm đạo
Thế nhưng, với thời
gian, do năng khiếu suy tư sâu sắc và lòng thương người bẩm sanh, Thái tử không
thể nào cam tâm một mình sống mãi trong nhung lụa, giữa một xã hội bất công,
một thế giới đau khổ. Thái tử sớm giác ngộ về tính tạm thời, tầm thường của
hạnh phúc vật chất thế gian và có ý chí xuất gia cầu đạo giải thoát, tìm ra con
đường cứu vớt chúng sanh ra khỏi già, đau, chết và mọi nỗi bất hạnh khác của
đời người.
Một ngày nọ, Thái tử đi ra ngoài thành dạo chơi
và lần đầu tiên trong đời được tiếp xúc với những sự thật đen tối và đáng sợ:
Thái tử lần lượt gặp một người già yếu, một người bệnh tật, một xác chết và
cuối cùng là một vị tu sĩ với dung sắc giải thoát, khoan thai đi trên đường.
Thái tử nghiệm thấy mình dù là Thái tử con vua, cũng không thể thoát khỏi cảnh
già, đau, và chết; những hình ảnh siêu thoát của vị Tu sĩ đã giúp Thái tử sớm
thấy được con đường dẫn đến giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau và
bất hạnh của đời người, con đường dẫn tới cõi Niết bàn bất tử.
Từ đó, Thái tử nuôi
dưỡng quyết tâm từ bỏ gia đình, xuất gia cầu đạo. Nhưng, một tin đến, khiến
Thái tử không vui: công chúa Yasodhara mới hạ sinh một con trai. Thái tử nói:
"Một trở ngại (ràhu) đã được sanh, một ràng buộc đã xãy ra". Nhân đó,
ông nội, vua cha Suddhodana đặt tên cháu là Ràhula (La hầu la).
5. Sự từ bỏ vĩ đại
Lâu đài, cung điện không
còn là nơi ở thích hợp nữa cho Thái tử, lòng nặng chĩu tình thương chúng sanh
chìm đắm trong bể khổ và Thái tử càng thêm quyết tâm xuất gia cầu đạo, tìm con
đường cứu khổ cho muôn loài. Thế rồi vào một đêm Thái tử ra lệnh cho người nô
bộc trong thành là Channa (Xa nặc) thắt con ngựa Kantaka (Kiền trắc). Trước khi
xuất phát, Thái tử đi dọc theo hành lang nội cung, đến trước phòng công chúa
Yasodhara (Da du đà la) và người con trai đang ngủ thiếp. Thái tử hé cửa nhìn
vào, Thái tử rất yêu thương người vợ và con trai của mình, nhưng đối với nhân
loại đau khổ bất hạnh, lòng thương xót của Thái tử lại còn da diết hơn. Sau đó,
Thái tử một mình lên ngựa ra đi, vượt khỏi hoàng thành, theo sau, chỉ có người
nô bộc trung thành Channa.
Ra đi, Thái tử từ bỏ tất
cả, phụ vương, ngai vàng, vợ và con, cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc của một
hoàng tử. Không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già, đau ốm, một người
nghèo, bệnh tật, ngán ngẫm cuộc đời, mà là sự hy sinh từ bỏ của một vị hoàng tử
đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý giàu sang. Quả thật đó là một
sự từ bỏ, hy sinh vĩ đại, có một không hai trong lịch sử loài người.
Năm ấy, Thái tử tròn 29
tuổi. Khi tới bờ sông Anomà, Thái tử dừng lại, bỏ ngựa, cạo râu, tóc, trao y
phục và đồ trang sức cho Channa, lệnh cho Channa trở về. Còn Thái tử một mình
ra đi, với bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ, từ nay cuộc sống không nhà
của người xuất gia cầu đạo. Ngài không nơi ở cố định. Khi thì ngồi dưới bóng
cây, khi thì nằm nghỉ qua đêm trong một hang đá. Chân không và đầu để trần,
Ngài đi bình thản giữa nắng nóng cũng như trong sương đêm lạnh, tất cả mọi năng
lực và ý chí của Ngài đều hướng tới lý tưởng cao cả tìm ra sự thật tối hậu, lý
lẽ của sống và chết, ý nghĩa của nhân sinh, của cuộc đời, con đường dẫn tới
giải thoát, cõi Niết bàn bất tử.
6. Đến học hai đạo sĩ
Alara Kalama và Uddaka Ramaputta
Thời bấy giờ, tình hình
chính trị tại các xứ ở Ấn Độ khá ổn định, nhiều nhà tri thức lỗi lạc, xuất gia
tu đạo, trở thành đạo sư tâm linh với nhiều đệ tử theo học. Thái tử Si Đác Ta,
trên đường đi tầm đạo, đã tới thụ giáo với hai đạo sư danh tiếng nhất thời bấy
giờ là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Cả hai người đều tu theo phép Du già
và đều chứng được những cấp thiền định cao nhất thời bấy giờ. Alara Kalama
chứng được cấp thiền Vô sở hữu xứ, còn Uddaka Ramaputta thì chứng được cấp
thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là hai cấp thiền thuộc Vô sắc giới, hai
cấp thiền cao nhất mà tu sĩ Du già thời bấy giờ chứng đạt được.
Nhưng chỉ một thời gian
ngắn tu học, Thái tử cũng dễ dàng đạt được hai cấp thiền nói trên, và được hai
đạo sư mời ở lại, cùng với họ lãnh đạo chúng đệ tử. Thái tử biết rõ, các cấp
thiền mà Ngài chứng được chưa phải là chân lý tối hậu, Niết bàn, sự chấm dứt
sanh tử và mọi khổ đau. Cho nên, Ngài từ chối lịch sự, rồi lại lên đường tiếp
tục cuộc hành trình cầu đạo của mình. Qua thực nghiệm, Ngài thấy chân lý tối
hậu, Niết Bàn, chấm dứt mọi đau khổ của sinh tử luân hồi, không thể cầu được ở
bên ngoài, ở bất kỳ một bậc Đạo sư nào. Chân lý tối hậu đó phải chính do Ngài
tự tìm lấy, tự chứng ngộ lấy ở bên trong nội tâm của Ngài, không thể dựa vào
một tha lực nào khác.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tỳ kheo Thích Minh Châu
---ooo0ooo--
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét