10
Vị ĐẠI ĐỆ TỬ CỦA PHẬT (4.3-4.4)
Việt
dịch: Cư Sĩ Hạnh Cơ
Hiệu đính: Nữ Cư Sĩ Tịnh Kiên
Hiệu đính: Nữ Cư Sĩ Tịnh Kiên
-o0o-
Tôn
giả A NA LUẬT
(Aniruddha
- Anurauddha)
(Mắt trời thấy suốt, không gì chướng ngại)
(Mắt trời thấy suốt, không gì chướng ngại)
4.3.- CỰ
TUYỆT LỜI CẦU HÔN CỦA MỘT THIẾU NỮ:
Sau khi xuất
gia, A Na Luật chỉ chuyên việc học kinh nghe pháp, sống đời đạm bạc, luôn luôn
vui vẻ thực hành các điều Phật dạy. Trong lòng vị tì kheo trẻ tuổi ấy lúc nào
cũng đầy ắp một niềm pháp lạc. A Na Luật cho rằng, việc Phật chấp thuận cho
mình xuất gia là một ân đức rất lớn lao, cho nên dù chưa chứng quả thánh, tôn
giả cũng muốn tham gia công tác hoằng pháp để báo đền ân đức của Phật, Đối với
những đệ tử có nhiệt tâm trong việc hoằng pháp lợi sanh như vậy, Phật rất hoan
hỉ và luôn luôn khuyến khích; vì do công tác hoằng pháp lợi sinh mà đức tin nơi
họ được trưởng dưỡng, mà đức tin càng được nâng cao, vững chắc, thì sự khai
ngộ, chứng quả mới dễ đạt thành.
Tôn giả A Na
Luật có nước da vàng, có chiếc mũi giống như mỏ chim anh vũ, có cái nghi biểu
trang nghiêm, một phong thái đẹp đẽ, đoan chính. Do vậy, trên đường hoằng hóa,
đã một lần tôn giả bị một thiếu nữ theo đuổi. Hôm ấy tôn giả từ tu viện Kì Viên
định đi về các thôn xóm trong nước Kiều Tát La để giáo hóa. Rủi thay, trên suốt
dọc đường không một nơi nào có am cốc tự viện gì cả. Không có cách nào khác,
tôn giả đành tìm đến đến nhà dân chúng để xin tá túc qua đêm. Đến một thôn
trang hoang dã kia, nhà cửa không nhiều, tôn giả vào một ngôi nhà xin ngủ nhờ.
Ngôi nhà này lớn lắm, rộng thênh thang, nhưng oái ăm thay, hôm đó lại không có
ai ở nhà, ngoại trừ một cô gái trẻ. Thật là một điều ngoài ý muốn! A Na Luật do
dự. Một vị tì kheo ở trong một căn nhà với chỉ một cô gái, nên hay không nên?
Vì lúc bấy giờ, trong giáo chế của Phật, không có điều nào đề cập đến điểm này.
Đã vậy, lúc đó trời bỗng nhiên mây đen vần vũ, hứa hẹn một cơn giông gió dữ dằn
sắp đổ ập xuống trong giây lát, tôn giả không còn chọn lựa nào khác, đành ở lại
đó.
Một lát sau,
lại có một cụ già vào xin tá túc, nhưng cô gái lại không cho vào. Cô gái đối xử
với người già như thế, làm cho tôn giả rất lấy làm bất nhẫn. Trong khi đó thì
cô đối đãi với tôn giả thật là ân cần, hết bưng trà nước lại hỏi han chuyện
trò, nhưng tôn giả chỉ một mực ngồi im lặng, nhiếp tâm quán tưởng niệm Tam Bảo,
trông cho mau sáng để lên đường ...
Đến nửa đêm,
ánh sáng của ngọn đèn dầu đã bắt đầu yếu ớt. Chợt trong vùng ánh sáng chập chờn
ấy, bóng dáng cô gái từng bước ẻo lả tiến đến trước mặt A Na Luật. Với giọng
nói ngọt ngào, nàng thỏ thẻ:
- Chàng quả
là một vị sa môn! Em biết rằng, có ý tưởng không phải đối với một vị sa môn là
tội lỗi lớn, nhưng từ lúc em trông thấy chàng thì em yêu chàng ngay. Em muốn đè
nén tình yêu ấy xuống mà không thể nào làm được. Xin chàng hãy tin em. Em không
phải là loại gái trăng hoa mất nết. Đã có nhiều vị công tử tài danh đến đây cầu
hôn mà em không chịu ai hết. Vậy mà hôm nay nhìn thấy dung mạo thanh tú và cử
chỉ đoan chính của chàng, em liền cảm thấy yêu thương rạo rực. Hiện tại em thấy
không có gì xấu hổ mà xin tự nguyện hiến thân cho chàng. Xin chàng từ nay hãy ở
luôn tại đây vói em, cha mẹ em chắc chắn sẽ rất vui mừng.
A Na Luật
vốn là một thanh niên anh tú, lại là một vương tử, xuất thân, nhưng đối với
tình yêu trái gái thì chàng hầu những không có kinh nghiệm gì, đứng trước sự tỏ
tình của các cô thì rất nhút nhát. Khi chưa xuất gia, vì nổi tiếng là vương tử
đẹp trai, tôn giả đã được không thiếu gì các thiếu nữ trong hoàng tộc bu quanh
để cầu hôn, nhưng tôn giả đã sớm biết rằng dục tình chỉ là khổ đau chứ không
phải là niềm vui chân thật; traí lại, sự tu hành an tịnh mới chính là niềm vui
chân thật. Trong giờ phút hiện tại này, khi lửa dục đã dâng cao trong người con
gái thì không dễ dàng gì mà dập tắt được. Biết vậy, A Na Luật chỉ ngồi nhắm
nghiền đôi mắt, tỏ ý không thèm quan tâm tới nàng, như vậy thì hi vọng nàng tự
biết xấu hổ mà bỏ đi. Nhưng khốn nỗi, cô gái lại hiểu nhầm thâm ý của tôn giả.
Cô nghĩ rằng, vì cô chỉ nói suông nên tôn giả không vui lòng; bởi vậy, cô
liền tới sát hơn và nắm lấy hai tay tôn giả! Nhưng tôn giả vẫn ngồi sừng sững
như núi cao, uy nghiêm bất động. Thấy vậy, cô gái lại tấn công mạnh bạo hơn, ôm
chặt lấy tôn giả! Không nhịn được nữa, tôn giả liền mở mắt ra, nghiêm nghị mắng:
- Cô nương!
Sao cô không biết xấu hổ! Những người đoan chính đâu có cử chỉ suồng sả như
thế! Huống chi tôi là một người đã xuất gia làm tì kheo, cô đối với tôi như vậy
thật là quá vô lễ! Cô nên biết, dục tình ở thế gian chính là nguồn gốc của khổ
đau, sinh tử. Tất cả những thị phi, phiền lụy ở thế gian đều do dục tình mà gây
ra. Nếu biết được như vậy, giờ đây xin cô hãy ngồi xuống, tự quán sát tâm niệm
mình, và cố gắng dập tắt ngọn lửa dục đang hực cháy trong lòng mình đi!
Cô gái như
bừng tỉnh! Lời lẽ nghiêm khắc của A Na Luật đã làm cho cô thực sự thấy hổ thẹn.
Cô cúi đầu thật thấp để ăn năn tội lỗi. Sau cùng, cô khẩn thiết xin tôn giả
hướng dẫn cho cô qui y Tam Bảo và cô trở thành một vị nữ cư sĩ của giáo đoàn.
Từ lần đó trở về sau, A Na Luật không bao giờ còn dám xin ngủ lại đêm ở nhà dân
chúng nữa.
4.4.- ỐC NẰM
TRONG VỎ CHỈ THÍCH NGỦ:
Trực diện
với sự cám dỗ mạnh bạo của nữ sắc mà không hề bị loạn động, điều đó chứng tỏ
cái tâm đạo của A Na Luật sáng rỡ, kiên cố biết chừng nào! Vậy mà có một lần,
vì cái tật mê ngủ mà tôn giả đã bị Phật quở tránh nặng nề.
Hôm ấy,
trong một thời giảng kinh của Phật, vì quá mệt mỏi và buồn ngủ, tôn giả đã ngồi
ngủ gục trong pháp hội. Phật nhìn xuống trông thấy liền quở:
- Ôi, thầy A
Na Luật! Sao mà mê ngủ như vậy! Rồi cũng giống như ốc nằm trong vỏ, ngủ vùi một
giấc cả ngàn năm, đến cả một danh hiệu của Phật cũng nghe thấy được!
Một vị ngồi
bên cạnh phải lay mãi, tôn giả mới tỉnh ngủ. Phật lại hỏi:
- A Na Luật!
Thầy vì sợ phép nước hay trộm cướp mà đi xuất gia phải không?
Tôn giả liền
đứng dậy thưa:
- Bạch Thế
Tôn!, không phải như vậy!
- Vậy thì vì
lí do gì mà thầy đi xuất gia?
- Bạch Thế
Tôn, vì con muốn được giải thoát khỏi những ràng buộc, những khổ đau của sinh
già bịnh chết.
- Tất cả đại
chúng đều khen ngợi thầy có phẩm hạnh thanh cao, bị nữ sắc cám dỗ mà giới thể
không hề hoen ố; thầy cho như thế đã là đầy đủ rồi phải không? Nếu không thì
tại sao trong khi Như Lai nói pháp mà thầy vẫn ngủ?
Tôn giả sợ
quá, vội vã quì ngay xuống, chắp tay thưa một cách cương quyết:
- Bạch Thế
Tôn! Cúi xin Thế Tôn từ bi tha thứ cho cái tội lười biếng ngu si của con. Từ
nay cho đến suốt đời, con nguyện sẽ không bao giờ ngủ gục nữa.
Thấy tôn giả
thành tâm hối lỗi, Phật rất hoan hỉ và khuyên bảo tôn giả nên cố gắng tu tập.
Nhưng cũng từ đó, tôn giả đã lập hạnh “không ngủ”! Suốt ngày, suốt đêm, tôn giả
chỉ cố công tu tập, không giờ phút nào chịu ngủ nghỉ. Một ngày, rồi hai ngày
... tôn giả cứ cố chịu đựng như thế, cho đến một hôm thì hai mắt của tôn giả
sưng vù!
Khi được tin
này, Phật lo lắng lắm, bèn đến khuyên bảo:
- Này A Na
Luật! Trong việc tu hành, sự bất cập cố nhiên là không được, nhưng sự thái qua
thì cũng không phải là điều tốt. Thầy nên bỏ cái cách tu ấy đi!
- Bạch Thế
Tôn! Nhưng con đã có lời nguyện kiên quyết với Thế Tôn trong pháp hội.
- Thầy không
nên câu nệ điều đó. Chính cặp mắt của thầy mới thật là quan trọng.
Tôn giả vẫn
không chịu. Phật phải bảo tiếp:
- A Na Luật!
Tất cả chúng sinh đều phải cần thức ăn để sống. Con mắt cũng phải có thức ăn
mới sống; thức ăn đó là giấc ngủ. Vậy thầy không nên nghĩ ngợi gì khác mà bây
giờ nên ngủ đi! Thầy phải biết rằng, chính niết bàn cũng vẫn cần có thức ăn!
- Thức ăn
của niết bàn là gì, bạch Thế Tôn!
- Thức ăn
của niết bàn là sự không buông lung. Phải không buông lung thì mới đạt tới cảnh
giới niết bàn.
Tuy A Na
Luật rất cảm kích đối với lòng ưa ái của Phật, nhưng lại không muốn làm ngược
lại lời nguyện của mình, nên vẫn nhất định không chịu ngủ nghỉ. Thấy cặp mắt
của tôn giả càng lúc càng trở nên trầm trọng, Phật cho người mời y sĩ Kì Bà
(Jivaka) đến chữa trị. Kì Bà khuyên tôn giả nên ngủ nghỉ trở lại bình thường
thì cặp mắt sẽ lành, nhưng tôn giả cũng không chịu. Chẳng bao lâu sau thì cặp
mắt của tôn giả bị mù!
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét