SỰ TÍCH ĐỨC QUAN THẾ
ÂM BỒ TÁT (1/2)
http://www.thienlybuutoa.org
-o0o-
Quán Âm Bồ Tát là danh hiệu của một vị Phật đáng lẽ đã
chứng quả Phật, nhưng còn nguyện lẫn lộn ở cõi ta bà để cứu độ chúng sinh.
Người ta cũng gọi Ngài là Quan Âm Phật, Quan Âm Như Lai, Quan Thế Âm, Quan Âm
Nam Hải, Phổ Đà Phật Tổ, v.v...
Quyền pháp năng lực của Ngài cao siêu.
Quyển kinh nói về Ngài, mà hiện nay phái Bắc Tôn (Trung
Hoa, Cao Ly, Nhựt Bổn, Việt Nam) còn truyền tụng là quyển “Diệu Pháp Liên Hoa
Kinh Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm”. Theo lời kinh Phổ Môn bất cứ là hạng nào
trong chúng sanh, bất cứ là ở vào tình cảnh nào, lúc nào, hễ cầu đến Ngài, niệm
danh hiệu Ngài thì đặng cứu ngay. Ngài dùng huyền diệu cứu vớt chúng sanh không
biết muôn ức nào mà kể. Nếu cầu Ngài với danh hiệu thuộc về một phân thân nào
của Ngài thì Ngài xuất hiện y theo phân thân ấy để cứu độ. Kinh Phổ môn có biên
rành 12 điều đại nguyện của Ngài.
Theo kinh truyện để lại, Ngài phân thân giáng trần 33
kiếp, khi thì mượn xác nam nhi, khi thì làm thiếu nữ, khi thì ở vào cảnh quyền
quý cao sang, khi thì vào hàng bần cùng cơ khổ, khi thì sanh làm đạo sĩ, khi
thì làm tỳ khưu, v.v...
Hiện nay đời còn truyền tụng hai kiếp giáng trần làm phụ
nhơn của Ngài là: kiếp thứ mười làm bà Thị Kính, kiếp chót làm bà Diệu Thiện.
Sau khi thoát kiếp chót này Ngài được chứng quả Phật Tổ tại Phổ Đà Sơn (Nam
Hải).
SỰ TÍCH THỨ NHỨT:
QUÁN ÂM THỊ KÍNH
Trước kia Đức Quan Âm Bồ Tát tu đã đặng tám kiếp rồi. Qua
tới kiếp thứ chín Ngài phân thân nam nhi đi tu chứng bực tỳ khưu. Khi kiếp thứ
chín của Ngài gần mãn thì Đức Thích Ca giáng xuống thử lòng. Đấng Thế Tôn hiện
ra một người con gái tới lần khân ép nài vị tỳ khưu kia kết duyên với mình. Vị
này mới thốt rằng: “Có chăng họa may là kiếp sau, chớ kiếp này vì lời thề
nguyện tu trì thì không thể nào đặng.” Vì lời hứa ấy mà sau khi mãn kiếp thứ
chín rồi vị tỳ khưu kia phải giáng trần đầu thai làm thiếu nữ, suốt đời phải
chịu trăm điều cay đắng về vấn đề tình duyên để thử lòng Ngài coi ra sao.
Ấy là phép Phật định vậy.
Vâng lịnh của Đức Phật Tổ chơn linh vị Bồ Tát kia bèn
giáng trần đầu thai làm con gái nhà họ Sùng là Sùng Ông, một nhà giàu có ở xứ
Cao Ly lại là nhà từ tâm chưởng đức. Hai ông bà tuổi đã cao mà không con nên đi
cầu tự và sanh ra nàng Thị Kính, dung nghi đẹp đẽ, tướng mạo đoan trang. Hai
ông bà mừng được chút gái để có người hôm sớm trong lúc tuổi già. Khi nàng đã
đúng tuần cập kê thì gần đó có chàng Thiện Sĩ, con nhà quyền quý trâm anh cậy
mai đến nói. Vợ chồng Sùng Ông thấy phải đôi vừa lứa bèn chịu gả con gái mình.
Đến ngày nạp thái vu quy nàng Thị Kính buồn tủi muôn
phần! Buồn là vì thấy mình là con một, một khi đã xuất giá rồi thì bề nhà sau
trước quạnh hiu, lấy ai mà thần tỉnh mộ khang thế cho mình! Tủi là lỡ sanh làm
con gái thì đúng tuổi phải xuất giá tòng phu rủi may phải chịu và ơn sanh thành
không sao trả đặng! Cha mẹ nghe nàng than thở làm vậy bèn kiếm lời khuyên giải và
nói rằng: Cha mẹ sanh con là gái, thì khôn lớn có nơi có chốn làm đẹp mặt nở
mày mẹ cha đó là đủ rồi. Con chẳng nên lo điều chi khác nữa! Vả lại nhà bên
chồng con cũng gần đây thì sự thăm viếng cũng thuận tiện. Nghe vậy nàng mới an
lòng chiều ý muốn của cha mẹ. Từ khi về nhà chồng, nàng giữ một mực tôn kính,
phụng sự nhà chồng, trong êm ngoài ấm, ai nấy đều khen.
Một ngày kia nàng đương ngồi may, chàng Thiện Sĩ sau khi
đọc sách mỏi mệt mới ra gần chổ nàng may mà nằm nghỉ, luôn dịp ngủ quên. Từ khi
về nhà chồng đến giờ nàng chưa có dịp nhìn chàng cho chính đính. Nay có cơ hội
đưa đến nàng, nhơn lúc chàng ngon giấc mà nhìn kỹ mặt đức lang quân. Chợt thấy
dưới cầm chàng có mọc một sợi râu và biết coi tướng ít nhiều, nàng thấy quả là
sợi râu bất lợi! Nhơn cầm sẵn cái kéo trong tay nàng mới đưa kéo ra cắt lấy.
Đương lúc ấy, chàng Thiện Sĩ giựt mình thức dậy, thấy vợ cầm kéo đưa ngay cổ
mình, vụt la hoảng lên rằng: “Vợ tôi muốn giết tôi.” Trong nhà vỡ lở, cha mẹ
gia tướng chạy đến gạn hỏi. Nàng tình thật cứ nói ngay, không ngờ cha mẹ chồng
quá ư nghiêm khắc bắt tội nàng có ngoại tình và mưu giết chồng. Nhơn cớ ấy cha
mẹ chồng buộc chàng Thiện Sĩ làm tờ để vợ và mời vợ chồng Sùng Ông đến lãnh con
về. Vợ chồng Sùng Ông hơ hãi tới nơi mới tường tự sự. Hai ông bà kêu con ra
hỏi, rầy la than trách một hồi rồi lãnh con về.
Lúc ấy Thiện Sĩ lòng như dao cắt, tưởng là việc đáng bỏ
qua không dè đến nỗi rẽ thúy chia loan thì chàng ăn năn vô ngần, châu rơi lã
chã. Khi nàng Thị Kính lạy từ công cô và chàng ra về, vì sợ uy cha mẹ chàng
chẳng dám hở môi nói bào chữa nàng một lời nào.
Về nhà, nàng Thị Kính buồn bã muôn phần. Một là buồn cho
số phận long đong, tình duyên trắc trở; hai là buồn cho cha mẹ phải mang điều
phiền não trong lòng.
Vì nàng là một người đàn bà chân chính may rủi một chồng
mà thôi, nàng khăng khăng không chịu “ôm cầm thuyền ai”. Nàng than rằng nếu có
anh em đông thì nàng cũng đành nhắm mắt cho rồi để khỏi mang tiếng nhơ. Nhưng
vì nàng là con một, nàng không nỡ hủy mình, sợ e thất hiếu, mà ở như vậy thật
rất khổ tâm cho nên nàng quyết chí xuất gia, noi gương Phật Tổ, tu hành cho đắc
đạo rồi trở về độ lại mẹ cha.
Một hôm, nàng lén cải trang nam tử, rồi bỏ nhà trốn đi.
Hay tin cha mẹ nghi nàng vì buồn tình xưa mà sanh nhẹ dạ theo người và sai
người đi kiếm cùng nơi mà không gặp.
Từ khi nàng lìa gia đình ra đi thì nàng có ý tìm một cảnh
chùa để gởi thân. Đến ngôi chùa được chọn nàng gặp giờ sư cụ đang thuyết pháp.
Nàng trộm xem tướng mạo thì thấy rõ đó là một bậc chơn tu, đạo pháp khá lớn.
Nàng bèn xin thọ pháp quy y. Sư cụ ban đầu rất nghi ngờ nàng, bèn ngọn hỏi
ngành tra vì sợ e trang thiếu niên kia sau này bán đồ nhi phế mà đắc tội với
Phật Trời. Nàng thì một mực nói mình là một thư sanh, con nhà quyền quý, lòng
chán công danh nên vào nương nhờ cửa Phật để gột rửa lòng phàm.
Thấy chí quả quyết của vị thiếu niên, sư ông mới vui nhận
cho làm đệ tử và ban pháp danh là Kính Tâm.
Vì sãi Kính Tâm là nữ trá hình cho nên dung mạo khôi ngô
kiều mị, làm cho hàng tín nữ trầm trồ, nhất là nàng Thị Mầu, con của một vị phú
ông trưởng giả vùng ấy. Mượn cớ ra vô trong chùa, nàng Thị Mầu lắm khi đưa tình
trêu ghẹo sãi Kính Tâm, nhưng nàng vẫn trơ trơ như không hay không biết. Thất
vọng, Thị Mầu mới quay lại tư tình với đứa ở của nàng. Khi thai đã gần già, khí
sắc nàng đổi, làng xã thấy thế mới đòi phú ông và nàng ra hỏi.
Chịu đòn không kham, Thị Mầu túng phải cung xưng. Trong
khẩu cung Thị Mầu quả quyết rằng mình có tư tình với sãi Kính Tâm nên mới ra cớ
đỗi và xin làng rộng lượng cho sãi Kính Tâm hoàn tục kết duyên với mình.
Trống mõ inh ỏi, cửa thiền xưa nay êm lặng phút chốc trở
nên huyên náo, sóng dậy ba đào. Người nhà làng đến chùa đòi sư ông và sãi Kính
Tâm ra nghe dạy việc.
Thầy trò cùng dắt nhau đi. Đến nơi mới hay tự sự! Tá hỏa
tâm thần, thầy hỏi trò có sao nói thiệt. Trò một mực kêu oan chớ không nói điều
chi thêm nữa. Hương đảng đông đủ tra hỏi sãi nhỏ đủ điều, khi dọa, khi khuyên
nhủ rằng: Nếu nói thật thì làng cũng chứng cho để lập gia thất. Kẻ thì mai mỉa:
Sãi kia tu có trót đời không? Rốt cuộc vì không chịu xưng tội tình và một mực
kêu oan cho nên sãi Kính Tâm phải bị đem ra tra tấn.
Đứng trước cảnh thịt nát máu rơi và thấy trò bất tỉnh, sư
ông mới động mối từ tâm đứng ra xin bảo lãnh cho trò để sau này về nhà khuyên
nhủ dạy răn.
Thấy thế hương đảng cũng niệm tình ưng thuận cho sư tiểu
cùng về. Đến chùa, Sư ông dạy tiểu ra ở ngoài tam quan để tránh tiếng không tốt
cho chùa.
Thời gian qua, Thị Mầu đến ngày mãn nguyệt khai hoa, hạ
sanh đặng một mụn con trai. Nàng bèn bồng hài nhi đến cửa tam quan bỏ đó rồi
về, nói rằng: “Con của ngươi, đem trả cho ngươi.” Sãi Kính Tâm đương tụng kinh
nghe đứa nhỏ bị bỏ dưới đất giãy giụa khóc la, động mối từ tâm người bèn ra ẵm
đứa bé vào, mướn vú nuôi bên tự. Mẹ vò nuôi con nhện lắt lẻo qua ngày.
Hết thời trì kinh thì sãi Kính Tâm lại phải giữ gìn bồng
bế đứa trẻ. Nghe vậy, sư cụ mới vời sãi Kính Tâm vào mà trách rằng: “Trước kia
con nói rằng con bị hàm oan, mà nay như thế thì chính thầy đây cũng phải nghi
ngờ nữa là ai?”
Sãi Kính Tâm bèn bạch rằng: “Bạch sư phụ, khi xưa sư phụ
có dạy đệ tử rằng cứu đặng một người, phước đức hà sa. Đệ tử vâng lời
thầy mới cứu mạng đứa trẻ này, chớ kỳ trung con không có ý chi hết.”
Tuy vậy sãi Kính Tâm cũng không đặng phép vô ra trong
chùa để tránh tiếng cho chùa.
Đứa trẻ khi đặng hai, ba tuổi đã có vẻ thông minh và
giống sãi Kính Tâm như hệt. Khi hài nhi đúng ba tuổi thì sãi Kính Tâm đến ngày
phải theo Phật. Biết trước giờ phân ly, sãi Kính Tâm mới viết hai bức thơ gởi
lại, một kính gởi cho sư cụ, còn một bức thì gởi cho cha mẹ ruột. Khi sãi Kính
Tâm tắt hơi thì đứa nhỏ y như lời cha dặn đem bức thơ vào dâng cho sư cụ.
Xem thơ xong, sư ông rất ngậm ngùi, bèn phái vài vị ni cô
ra coi tẩm liệm. Khám xét xong thì mới hay sãi Kính Tâm là nhi nữ trá hình.
Tin ấy truyền ra hương lân nhóm lại đòi cha con Thị Mầu
đến buộc tội cáo gian và phạt phải chịu tổn phí về các cuộc tống táng và làm ma
chay cho sãi Kính Tâm. Bằng chứng sờ sờ phú ông phải chịu, Thị Mầu xấu hổ muôn
phần bèn quyên sinh để trốn khổ nhục.
Đến ngày an táng sãi Kính Tâm thì thiên hạ đồng thấy Phật
hiện trên mây rước hồn sãi Kính Tâm là nàng Thị Kính. Hai vợ chồng Sùng Ông và
Thiện Sĩ đặng thơ và hay tin đau đớn này đồng có đến dự. Sau cuộc tống táng vợ
xưa Thiện Sĩ ăn năn lỗi trước bèn phát nguyện tu hành.
Tục truyền rằng Thiện Sĩ sau đắc quả thành con chim ngậm
xâu chuỗi bồ đề, đậu một bên Đức Phật Quan Âm, Đức Phật Quan Âm cũng độ luôn
con của Thị Mầu đắc quả hầu gần bên Ngài.
Ngày nay, người xứ ta và người Tàu khi họa tượng Phật
Quan Âm thì thường họa một bà đội mũ ni xanh hoặc đen, ngồi trên tòa sen hoặc
thạch bàn, bên tay mặt có một con chim mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề, dưới có đứa trẻ
bận khôi giáp chắp tay hầu. Ấy là con của Thị Mầu.
Huệ Lương
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét