10 vị đại đệ tử của
Phật
3. Tôn Giả Ma Ha Ca
Diếp - Đầu Đà Đệ Nhất
Hòa Thượng Tuyên Hóa
-o0o-
“Ma Ha Ca Diếp”: Ma Ha, nghĩa là “đại” (lớn); Ma Ha Ca Diếp chính là
“Đại Ca Diếp”. Ca Diếp dịch là “ẩm quang”, còn gọi là “quang ba” ; lại còn một
tên gọi nữa là “Đại Quy Thị”. Đại Quy Thị là họ của Tôn giả, vì tổ tiên của Tôn
giả khi tu đạo, có một con rùa (quy) lớn ngậm một bức họa đến cho tổ tiên của
Tôn giả xem, cho nên tổ tiên của Tôn giả mới lấy “Đại Quy Thị” làm họ cho giòng
tộc. Nhưng theo người Trung Hoa mà nói thì “quy” luôn là chữ dùng để mắng
người; ví như người Trung Hoa nói: “Mày là đồ con rùa”. Đây là câu mắng người.
Họ của Tôn giả Đại Ca Diếp là “Đại Quy”, tên là “Tí Đa La”. Tí Đa La là tên của
một loại cây, vì cha mẹ Tôn giả khấn cầu dưới cây này mà sinh ra Tôn giả, cho
nên lấy tên cây làm tên cho Tôn giả.
Tại sao gọi là “ẩm quang”? Vì trên thân Tôn giả Ca Diếp
có ánh sáng có thể che mờ tất cả các ánh sáng khác, giống như uống lấy tất cả
các ánh sáng vậy. Tại sao trên thân Tôn giả phát ra ánh sáng? Bàn đến vấn đề
này, lại có một công án. Vợ trước đây của Tôn giả chính là Tỳ kheo ni Tử Kim Quang.
Vào thời Đức Phật Tỳ Bà Thi, sau khi Đức Phật này diệt độ, có người vì Phật lập
tháp, xây chùa, tạo tượng thờ phụng. Nhưng trải qua một thời gian lâu sau, chùa
bị hư hoại, tháp cũng đổ nát, không biết ai đó đã đội lên cho tượng Phật một
chiếc nón lá để che mưa. Vì sao gọi là “chiếc nón lá”? Vì chiếc nón này dùng lá
kết lại mà thành, đội lên đầu có thể che mưa. Vào mùa xuân ở phương Bắc của
tôi, những người con gái trong gia đình đều dùng cây cao lương (một loại cây
nếp dùng để cất rượu) kết nên loại nón như thế rồi đem ra thành phố bán; đội
chiếc nón đó lên giống như che dù vậy, sẽ không còn sợ mưa.
Nhìn tượng Phật được đội lên một chiếc nón như vậy, có
một cô gái thấy liền phát khởi tâm từ bi nghĩ rằng: “Mình nhất định phải xây
một ngôi chùa cho Phật, Phật ở đây sẽ bị nắng táp mưa sa, tình trạng như vầy
làm sao có thể được chứ? Mình nhất định sẽ thếp vàng cho tượng Phật!” Thế là cô
gái đi khắp nơi hóa duyên. Cô gái là một người rất nghèo khổ, tiền xin được mỗi
ngày, cô đều đem đi mua vàng, trải qua thời gian khoãng mười mấy năm, vàng cô
tích lũy được rất nhiều; cô để dành được rất nhiều vàng, lần này có thể đủ để
xây chùa và cũng đủ để thếp áo vàng cho Phật.
Cô liền mời một người thợ kim hoàn, nấu vàng chảy ra, rồi
thếp lên tượng Phật. người thợ kim hoàn nhìn thấy cô có nhiều vàng như thế,
liền hỏi: “Làm sao cô có được nhiều vàng như vậy?” Cô gái trả lời: “Lúc trước,
nhìn thấy áo vàng trên thân của tượng Phật này bị tróc ra hết, tôi liền phát
tâm đi hóa duyên, trải qua hơn mười mấy năm mới để dành được nhiều vàng như
vậy.” Cô vừa nói như thế, người thợ kim hoàn liền phát tâm nói rằng: “Công đức
này không chỉ một mình cô làm, tôi cũng có một phần trong đó. Nó là của chung
hai người chúng ta!” Kỳ thật người thợ kim hoàn này khi nhìn thấy cô gái phát
tâm xây chùa, thếp áo vàng cho tượng Phật, có một tâm hạnh rất tốt, cho nên
khởi tâm yêu mến cô gái. Đã sanh tâm yêu mến thì nhất định trước tiên phải lấy
lòng cô gái, cho nên anh chàng mới nói công đức này là của hai người làm, chứ
không phải chỉ một mình cô gái làm. Tổ sư Ca Diếp chắc chắn là có ý nghĩ như
thế!
Thế là tượng Phật đã thếp xong, chùa cũng đã xây dựng
hoàn tất, người thợ kim hoàn liền ngỏ lời cầu hôn với cô gái: “Tâm địa của cô
thật tốt! Cả đời này tôi chưa từng gặp ai tốt hơn cô! Tôi vốn định sống độc
thân suốt đời, hôm nay mới gặp được một người bạn tri âm, tri kỷ như cô, cô có
bằng lòng kết hôn với tôi không?” Cô gái nghe xong liền nghĩ: “Ồ! Tâm địa của
anh chàng cũng không tệ, mình mời anh ta đến thếp áo vàng cho tượng Phật, anh
ta chỉ lấy một nửa tiền công. Tấm lòng của người con trai này thật tốt!” Nghĩ
vậy, cô liền bằng lòng, hai người kết hôn với nhau. Kết hôn rồi vẫn không muốn
rời, hai người liền phát nguyện đời đời kiếp kiếp đều muốn làm vợ chồng với
nhau. Qúy vị thấy không! Loại mãnh lực ái tình này thật là ghê gớm! Hai người
kiếp nào sanh ra cũng đều phải làm vợ chồng!
Do nhân duyên thếp áo vàng cho tượng Phật, nên trên thân
hai người luôn phát ra ánh sáng màu vàng kim và cũng do vậy mà tên của tôn giả
được gọi là “ẩm quang”, nghĩa là có khả năng nuốt hết tất cả các ánh sáng khác.
Trong kiếp hiện tại, khi Tôn giả Ca Diếp vừa chào đời, trên thân đã có ánh sáng
màu vàng; sau khi lớn lên, cha mẹ của Tôn giả muốn tìm một cô gái tốt cưới cho
con trai mình, Tôn giả bảo: “Không thể được! Trên thân con có ánh sáng màu
vàng, con nhất định phải tìm một cô gái cũng có ánh sáng màu vàng mới được; nếu
không, con thà theo chủ nghĩa độc thân!” Sau đó, quả nhiên tìm thấy được môt cô
gái trên thân cũng có ánh sáng màu vàng giống như Tôn giả tại một đất nước
khác, hai người liền kết hôn với nhau. Lời ước nguyện quả thật không sai, khi
hai người chứng được đạo quả A la hán liền thấy biết được đã từ nhiều kiếp hai
người luôn làm vợ chồng của nhau. Nhưng thấy người ta làm vợ chồng với nhau,
quý vị không nên hiểu lầm mà nghĩ rằng: “Sau này gặp được một người con trai,
mình cũng sẽ cùng với anh ta phát nguyện như thế, là đời đời kiếp kiếp đều làm
vợ chồng!” Người ta phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng là vì vấn đề tu
đạo; đời đời kiếp kiếp đều phải tu đạo, đều phải quy y Tam bảo và xuất gia. Qúy
vị không nên phát nguyện đời đời kiếp kiếp cùng làm vợ chồng, vì càng làm càng
xa đạo, đến một lúc nào đó sẽ rơi vào địa ngục! nhất định là phải có tu đạo mới
được!
Do vậy mà Tôn giả Ca Diếp và vợ đều cùng quy y Phật, đều
chứng được Thánh quả, Tôn giả làm vị Tổ sư đầu tiên; vị Tổ đầu tiên chính là
Tôn giả Ma Ha Ca Diếp. Qúy vị có muốn nhìn thấy tôn giả Ma Ha Ca Diếp không?
Tôn giả Ma Ha Ca Diếp hiện giờ vẫn còn ở trên thế gian, trong núi Kê Túc thuộc
tỉnh Vân Nam Trung Hoa, Tôn giả vẫn đang tĩnh tọa, nhập định tại đó, đợi đến
sau này khi Phật Di Lặc ra đời thành Phật, Tôn giả sẽ đem y bát của Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni giao lại cho Phật Di Lặc. Hiện tại Tôn giả vẫn chưa nhập niết
bàn, vẫn chưa viên tịch, Tôn giả vẫn còn ở trên thế gian này. Qúy vị khi đến
núi Kê Túc lễ bái tôn giả Ma Ha Ca Diếp, nếu ai có tâm thành thì sẽ được diện
kiến Tôn giả.
Từ “ẩm quang” này, không phải nói là uống ánh sáng vào
bụng, không hề có ý nghĩa này; mà là nói ánh sáng trên thân của Tôn giả có thể
nuốt hết tất cả các ánh sáng khác. Ánh sáng này trên thân Tôn giả siêu vượt tất
cả các ánh sáng; giống như ánh sáng của ngọn đèn điện 500W, khi tôn giả Ca Diếp
đến chỗ này thì ánh sáng 500W kia sẽ không còn sáng nữa, ánh sáng trên thân của
Tôn giả mạnh hơn 500W, có thể là 1000W, 2000W, thì sẽ uống được ánh sáng 500W
này—không phải là dùng miệng uống, mà là ánh sáng trên thân Tôn giả phát ra
vượt trội hơn bất kỳ ánh sáng nào, che mờ tất cả các ánh sáng khác, giống như
nuốt các ánh sáng khác vậy. Mỗi người chúng ta đều phải hiểu rõ điểm này, không
nên cho rằng tôn giả Ca Diếp không uống nước mà là uống ánh sáng, đây là cái
hiểu lệch lạc.
Vị Tôn giả Ca Diếp này có tuổi đời lớn nhất trong số các
đệ tử của Phật; tuy lớn như thế, nhưng tuổi càng cao Tôn giả càng minh mẫn,
càng mạnh khỏe, làm bất cứ việc gì đều không từ nan. Tôn giả vốn sinh trưởng
tại nước Ma Kiệt Đề (Đà), cha mẹ đều là người rất có tiền, sự giàu sang có thể
sánh ngang hàng với vua chúa, vua nước Ma Kiệt Đề lại muốn bái Tôn giả làm thầy;
nhưng sau khi xuất gia tu đạo theo Phật, Tôn giả nghĩ: Người tu đạo phải “an
bần lạc đạo, an bần lạc đạo”, không thể ham tiền, cho nên Tôn giả đem hết tài
sản của mình ra bố thí, một thân tu đạo, chuyên tâm thực hành hạnh đầu đà khổ
hạnh.
Thế nào gọi là “hạnh đầu đà khổ hạnh”? Tức là ăn cũng
không ăn ngon, mặc cũng không mặc đẹp, ở cũng không ở chỗ tốt, tự mình phải
kham khổ, nhẫn chịu lao nhọc, không được sợ khó. “Khổ hạnh” có nghĩa là càng
khổ càng phải nhẫn thọ, phải kham chịu lao khổ. Tất cả những hưởng thụ của đời
người đều không ngoài 3 thứ: y, thực, trụ. “Y” chính là y phục để mặc; “thực”
chính là thức ăn để ăn; “trụ” chính là nơi để ở. Tôn giả đối với ba việc này
luôn thích kham khổ. Tuổi của Tôn giả tuy lớn như thế, nhưng vẫn thực hành hạnh
đầu đà khổ hạnh.
Có một hôm, Đức Phật đang thuyết pháp, Tôn giả đi đến,
Phật liền nhường nửa tòa ngồi cho Tôn giả. Tòa ngồi rất lớn, Phật liền chia nửa
tòa bảo Tôn giả rằng: ‘Ca Diếp, hãy đến ngồi bên cạnh Như Lai!” Tôn giả cùng
ngồi với Phật. Vì sao Phật lại chia nửa tòa ngồi cho Tôn giả Ma Ha Ca Diếp? Vì
lúc này tuổi của Tôn giả đã rất lớn, khoãng 140 tuổi. Phật khuyên Tôn giả:
“Tuổi của ông đã quá lớn, tinh thần cũng sẽ không được sung mãn lắm; ông nên ăn
thêm chút vật ngon, mặc thêm ít đồ tốt, ở phòng tiện nghi hơn một chút, không
nên hành hạnh đầu đà nữa! Như vậy thật là vất vả! Tuổi ông đã quá lớn, sợ không
kham nổi!” Tuy Phật đã khuyên như thế, Tôn giả cũng không nghe theo, vẫn thực
hành theo hạnh đầu đà. Do vẫn thấy Tôn giả hành theo hạnh đầu đà, vẫn sống khổ
hạnh, kham chịu nhọc nhằn như thế, nên Phật đã tán thán Tôn giả một cách sâu
sắc rằng: “Pháp của Như Lai trụ lâu ở đời, phần lớn có liên quan đến sự thực
hành hạnh đầu đà của Tôn giả Ca Diếp. Tôn giả Ca Diếp có thể thực hành hạnh đầu
đà như thế, pháp của Như Lai chắc chắn có thể trụ lâu dài trên thế gian!” Cho
nên ở trong số đệ tử của Phật, Tổ sư Ca Diếp là “Đầu đà đệ nhất”, đứng đầu về
thực hành hạnh đầu đà.
Có một lần, lúc Đức Phật đang thuyết pháp, có một vị Phạm
Thiên đem hoa Kim Ba La đến cúng Phật; vị Phạm Thiên này nằm dài trên đất, dùng
thân làm tòa ngồi, thỉnh Đức Phật ngồi lên thân mình, thuyết pháp cho chúng
sanh nghe. Phật liền ngồi lên mình Phạm Thiên, tay cầm đóa hoa đối trước trăm
vạn chúng trời người mỉm miệng cười. Phật vừa mỉm cười, Trưởng lão Ca Diếp cũng
mỉm cười theo, cho nên sự kiện này được gọi là “niêm hoa vi tiếu truyền”
(truyền pháp bằng cách giơ đóa hoa lên mỉm cười); truyền cái gì? Truyền pháp
môn tâm ấn của Phật. Phật bảo: “Như Lai có kho tàng con mắt chánh pháp, diệu
tâm niết bàn, vô tướng thực tướng, truyền ngoài ngôn giáo, lấy tâm ấn tâm
(chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, giáo ngoại biệt
truyền, dĩ tâm ấn tâm) nay đem giao phó lại cho Tôn giả Ma Ha Ca Diếp.” Như Lai
đã truyền pháp cho Ma Ha Ca Diếp, cho nên Tôn giả là Tổ sư đầu tiên tại Ấn Độ.
Thế nào gọi là “Tổ”? Phật đem tất cả phật pháp truyền lại
cho đệ tử; người đệ tử được truyền pháp này gọi là Tổ Sư. Chế độ “Tổ” tại Ấn Độ
là một đời chỉ truyền cho một người, gọi là truyền đơn, cho nên Phật chỉ truyền
cho Ca Diếp, Tổ Ca Diếp lại chỉ truyền cho A Nan làm nhị tổ, nhị tổ A Nan lại
truyền cho Thương Na Hòa Tu làm tam tổ, tam tổ Thương Na Hòa Tu lại truyền cho
Ưu Ba Cúc Đa làm tứ tổ…; mỗi đời mỗi đời truyền xuống đều là pháp môn tâm ấn tâm
này.
Từ Tổ đầu tiên truyền đến Tổ Bồ Đề Đạt Ma thứ 28; Tổ Bồ
Đề Đạt Ma lại mang toàn bộ pháp môn tâm ấn của kho tàng con mắt chánh pháp,
diệu tâm niết bàn, vô tướng thực tướng, truyền ngoài ngôn giáo đến Trung Hoa
truyền cho Thần Quang làm nhị tổ; Nhị tổ Thần Quang lại truyền cho Tam Tổ, cứ
thế truyền đến Tứ Tổ, Ngũ Tổ, cho đến Lục Tổ; về sau “hoa khai ngũ diệp” (một
hoa nở ra năm cánh—chỉ cho Tổ Bồ Đề Đạt Ma là người Ấn Độ và năm vị Tổ kế là
người Trung Hoa) mới chia ra thành năm tông phái lớn là “tông Lâm Tế, tông Tào
Động, tông Quy Ngưỡng, tông Vân Môn và tông Pháp Nhãn” và cho đến hôm nay thì
Phật pháp đã truyền đến phương Tây. Đây là ý nghĩa tổng quát của “sự truyền
thừa giáo pháp từ Đức Phật đến chư Tổ”.
Vừa rồi giảng đến chữ “đầu đà”, thường người ở Trung Hoa
gọi đầu đà là “đầu đà tăng”; vậy thì chữ “đầu đà tăng” phải giải thích như thế
nào? Không chỉ nói người bình thường, mà một số người có học vấn, nhưng chưa
nghiên cứu qua Phật học cũng đều không hiểu được ý nghĩa này, chỉ biết gọi là
“đầu đà tăng”. Đầu đà là tiếng Phạn, dịch là “đẩu tẩu” (làm cho phấn chấn);
“đẩu tẩu tinh thần” chính là một ngày bảy thời tĩnh tọa của chúng ta, chính là
điều tôi thường nói “làm cho tinh thần phấn chấn lên”. Câu “làm cho tinh thần
phấn chấn lên” là muốn quý vị không sợ khổ, sợ khó, càng khổ càng tiến tới,
càng khổ càng phải làm, giống như Tổ sư Ca Diếp vậy. Qúy vị xem, Tổ sư Ca Diếp
đã lớn tuổi như thế mà vẫn thực hành hạnh đầu đà, làm cho tinh thần phấn chấn
lên. Ở đây chia hạnh đầu đà ra làm 12 loại:
Thứ nhất, Trước bá
nạp y, chính là nói y phục
dùng để mặc. Mặc y phục gì? Mặc “nạp y” (y phục vá); trên y phục, trái vá một
miếng, phải vá một miếng, vá víu không biết bao nhiêu mà kể, y phục như vậy gọi
là “y bá nạp” hay “y phấn tảo”.
Tại sao gọi là “y phấn tảo”? Loại y phục này được tạo
thành như thế nào? Đây là y phục mà người bình thường không chịu mặc, vứt nó
vào bãi rác; thế là người xuất gia liền đến bãi rác, nhặt lấy những tấm vải
rách bị quẳng vào đây, giặt sạch chúng, rồi nối lại với nhau làm thành y phục
để mặc, đây gọi là “y phấn tảo”. Mặc loại y phục này có lợi ích gì? Nếu nói về
mặt lợi tích cực thì có rất nhiều; nếu nói về mặt lợi tiêu cực cũng không ít.
Tại sao nói có rất nhiều mặt lợi tích cực? Qúy vị mặc vào y phục này, bản thân
đã không không khởi tâm tham, lại còn diệt trừ được tâm tham của chính mình và
cũng sẽ không nói: “Qúy vị xem, tôi mặc bộ y phục này đẹp quá! Đáng giá nhất
đây!” không khởi lên tâm kiêu ngạo, chế ngự được tâm tham của mình. Người xung
quanh vừa nhìn thấy quý vị: “Ô! Vị tu hành này, mặc y phục rách rưới như thế,
không mặc y phục đẹp! đây mới thật sự là người tu đạo, chúng ta nên học theo vị
ấy!” Vậy là trừ diệt được tâm tham cho người; vì sức ảnh hưởng này của quý vị
cũng sẽ khiến cho các Tỳ kheo khác đều phát khởi tâm đạo. Cho nên đã dừng được
tâm tham của mình, lại còn dứt được tâm tham cho người, đây há chẳng phải là
lợi ích sao? Quý vị nói xem lợi ích này có hạn lượng không? Cho nên nói lợi ích
này rất lớn!
Lại nói đến mặt lợi
tiêu cực cũng không ít, mặc lợi tiêu cực
đó là gì? Quý vị mặc y phục rách này, bọn thổ phỉ cướp bóc chắc chắn sẽ không
cướp đồ của quý vị. Như năm 1948, khi tôi còn ở tại chùa Nam Hoa thì có cướp
đến cướp chùa, bọn chúng phá toang cửa tiến vào, bảo tôi đưa chi phiếu ra. Tôi
bảo bọn chúng: “Các vị xem tôi mặc đồ như thế này có giống người có tiền
không?” Bọn họ nhìn lại y phục tôi mặc—y phục tôi mặc lúc đó không lành lặn
giống như y phục tôi mặc bây giờ. Y phục lúc đó chính là bộ đồ tôi mặc khi còn
đang thủ hiếu bên cạnh mộ mẹ; sau khi thủ hiếu xong, tôi mặc mãi bộ đồ ấy để kỷ
niệm mẹ tôi. Vì bộ đồ đó rách tả tơi, cho nên khi tôi còn ở Đông Bắc, những
người đệ tử quy y với tôi đều muốn lắp thêm vào cho tôi một miếng vá vuông lớn;
ai quy y với tôi cũng sẽ vá cho tôi một miếng, cho nên bộ đồ vá víu chằng chịt.
Ở chùa Nam Hoa, bọn cướp nhìn thấy tôi mặc chính là bộ đồ
vá đó, tôi bảo họ vào phòng: “Trong phòng tôi có bảo vật, các vị hãy vào đó mà
lấy!” Nhưng bọn họ lại không vào. Lúc đó, trong phòng tôi quả thật có 2 “bảo
vật”—bảo vật sống đấy! Đó là 2 chú Sa di, lúc ấy hãy còn nhỏ. Do mặc đồ như
vậy, cho nên bọ cướp sẽ không lấy đồ của quý vị. Lại còn, những người có tiền
sẽ tránh quý vị rất xa; lại còn một điểm rất quan trọng là những cô gái cũng sẽ
tránh quý vị rất xa. Quý vị tu đạo, luôn mặc bộ đồ như thế, sẽ có một mùi hương
“rất thơm”; nhưng “mùi thơm” đó sẽ làm cho những cô gái bình thường cho là mùi
thối, cho nên không thể không tránh xa quý vị một chút. Cho nên mặc y phấn tảo
có rất nhiều lợi ích như vậy, ở đây tôi chỉ đơn cử một số như thế.
Thứ hai, đản tam y. Đản chính là “chỉ có”; chỉ có ba y, không có những vật
khác. Nên nói “bên mình không có những vật làm chướng ngại, thì bản thân không
sanh khởi phiền não”; Tỳ kheo thực hành hạnh đầu đà, chỉ được phép có ba y. Ba
y là:
(1) Tổ y: là y lớn nhất trong ba y, còn gọi là “Đại y”. tiếng Phạn
là “Tăng già lê”, dịch là “y 25 điều” (nhị thập ngũ điều y). 25 điều này, mỗi
một điều có 4 ô dài một ô ngắn, tính chung có tất cả là 125 ô, đây là biểu hiện
cho hình dáng của những thửa ruộng, cho nên còn gọi là “Phước điền y” (y ruộng
phước). Khi đi vào cung vua, hoặc thăng tòa thuyết pháp hay ôm bát đi khất thực
đều có thể đắp y Tổ này.
(2) Thất y: Y 7 điều, trong mỗi một điều có 2 ô dài một ô ngắn, tổng
cộng có 21 ô. Tiếng Phạn là “Uất đa la tăng”, dịch là “Nhập chúng y” (y vào
trong chúng). Tại sao gọi là Y vào trong chúng? Tỳ kheo khi lễ bái, tụng kinh,
dự trai đàn, nghe thuyết giảng kinh pháp đều phải đắp y này.
(3) Ngũ y: Y năm điều, trong mỗi một điều có một ô dài một ô ngắn,
tổng cộng có 10 ô. Tiếng Phạn là “An đà hội”, dịch là “Tác vụ y” (Y làm việc).
Tác vụ chính là làm việc, chấp lao phục dịch; ở mọi lúc, mọi nơi đều có thể đắp
y Ngũ này.
Tỳ kheo muốn thực hành hạnh đầu đà chỉ nên có ba y này.
Cái gọi là “Tam y bát cụ” (ba y, bình bát, tọa cụ), tấm vải dùng trãi lễ bái
trên điện Phật gọi là “cụ”; chén Tỳ kheo dùng ăn cơm gọi là “bát”. Đây là 2
hạnh có liên quan đến vấn đề mặc y phục trong 12 hạnh đầu đà. Ngoài mặc y phục
ra, cái quan trọng hơn, không gì quan trọng bằng ăn cơm—cái con người ta xem
trọng nhất là mặc đồ và ăn cơm, ăn cơm lại quan trọng hơn mặc đồ. Cho nên có
đến 5 loại hạnh đầu đà có liên quan đến vấn đề ăn uống.
Thứ ba, Khất thực: chính là ôm bát đi xin cơm, còn gọi là “Thường khất
thực”. Là mỗi ngày đến giờ thọ trai, bèn đi xin cơm, chứ không tự mình nấu, nên
ăn những thức ăn có sẵn—người ta làm xong, quý vị đến đó để xin. Ở các nước
Xiêm La (Thái Lan), Miến Điện, Tích Lan, gia chủ làm cơm xong đều chuẩn bị
riêng một bát đặt ở bên cạnh; vị tu sĩ nào đến trước thì sẽ khất thực ở đây,
gia chủ quỳ trên đất, đội bát cơm chay lên đầu, sau đó trút vào trong bát của
vị tu sĩ, tiếp theo khấu đầu 3 cái, biểu hiện cúng dường Tam bảo. Mỗi một gia
đình ở các nước Xiêm La, Miến Điện, Tích Lan đều làm như thế để cúng dường Tam
bảo.
Thứ tư, Thứ tự khất: là khất thực không được chọn lựa. Giống như trong kinh
Lăng Nghiêm nói “ Tức thời Anan, chấp trì ứng khí, ư sở du thành, thứ đệ tuần
khất. Tâm trung sơ cầu, tối hậu đàn việt, dĩ vi trai chủ, bất vấn tịnh uế, sát
lợi tôn tánh, cập chiên đà la, phương hành đẳng từ, bất trạch vi tiện, phát ý
viên thành, nhất thiết chúng sanh, vô lượng công đức.” Anan cầm lấy bình bát,
trong lòng nghĩ rằng, ai cúng dường thức ăn cho ta, đó chính là trai chủ tối
hậu của ta. Không quan tâm là sạch hay dơ, cũng không để ý là dòng dõi Sát đế
lợi nhiều tiền hay giai cấp Chiên đà la nghèo hèn nhất; không hỏi giàu nghèo,
không hỏi thí chủ là người có tiền hay không có tiền, cứ như thế khất thực, ban
cho tất cả chúng sanh vô lượng công đức. Theo thứ lớp khất thực, tức là không có
tâm phân biệt, thực hành bình đẳng, làm cho tất cả chúng sanh đều có cơ hội
gieo trồng công đức, không có tâm lựa chọn, đây chính là chí công vô tư vậy.
Thứ năm, nhật trung
nhất thực. Tức là buổi sáng
không ăn, buổi tối cũng không ăn, chỉ ăn một lần vào buổi trưa. Ngày ăn một bữa
là rất tốt, đáng tiếc là không dễ thực hiện. vì sao vậy? Người ta lấy ăn làm
gốc, tất cả mọi người đều muốn ăn thức ăn, đều có ham muốn được ăn thức ăn, đói
một chút liền nghĩ đến ăn. Sáng sớm dậy cũng đói, buổi tối cũng đói; cho nên
tốt thì rất tốt (所以好是最好),
nhưng không dễ gì làm được. Tốt cái gì? Giảm bớt được rất nhiều phiền toái; quý
vị bớt ăn hai buổi sẽ giảm bớt được đại tiện, tiểu tiện vài lần. Công đức của
“Ngày ăn một bữa” không thể nào kể hết. Tóm lại, quý vị ăn ít một chút sẽ ít
phiền toái một chút; ăn quá nhiều, phiền toái sẽ càng nhiều.
Đặc biệt là lúc Tỳ kheo dùng cơm phải có 3 loại niệm và 5
loại quán tưởng. 3 loại niệm này là gì?
(1) Nguyện đoạn nhất
thiết ác: nguyện đoạn tận tất
cả ác.
(2) Nguyện tu nhất
thiết thiện: nguyện làm tất cả
điều lành.
(3) Nguyện độ nhất
thiết chúng sanh: Nguyện độ tất cả
chúng sanh đều được lìa khổ được vui.
Năm loại quán tưởng là gì?
(1) Kế công đa thiểu lượng bỉ lai xứ. Đầu tiên, phải tính xem thức ăn mình sắp ăn cần phải có
bao nhiêu người làm mới có thể làm thành? Giống như hạt gạo này, đem gieo xuống
đất, lại phải vun bón, tưới tẩm, sau đó gặt về xay—bây giờ dùng máy, còn trước
kia phải dùng cối xay để mài—tuốt vỏ nó ra, rồi nấu thành cơm mới có thể ăn.
Quý vị tính thử xem phải trải qua bao nhiêu công đoạn mới có thể trở thành hạt
gạo như vầy? Cho nên phải nghĩ đến người làm ra nó. Người Trung Hoa thời xưa có
những câu nói như vầy:
Cày ruộng giữa ban trưa, đẫm mồ hôi gieo hạt;
Ai hay cơm trong bát, hạt hạt thấm gian lao.
(Sừ hòa nhật đương ngọ, hãn thích hòa hạ thổ
Thùy tri bàn trung san, lạp lạp giai tân
khổ.)
Ở Trung Hoa xưa kia đều làm ruộng theo cách đó, dùng bừa
cuốc đất; ngay lúc khí trời đang nóng bức, mặt trời đứng bóng. Đẫm mồ hôi gieo
hạt, mồ hôi của người làm ruộng này nhỏ xuống đất ruộng giống như nước nhỏ giọt
tí tách tí tách. Ai hay cơm trong bát, hạt hạt thấm gian lao, mỗi một hạt cơm
đều được làm ra từ trong khổ nhọc.
Cho nên chúng ta ở bất kỳ đất nước nào, thuộc bất kỳ dân
tộc nào, đối với vật chất được làm ra đều nên tiết kiệm, đều nên quý tiếc,
không được tuỳ tiện đạp bỏ những đồ vật còn xài được! nên nghĩ đến nó được tạo
ra không phải dễ. Vì sao có những quốc gia trên thế giới hiện nay không có cơm
ăn? Vì đồ vật bị lãng phí quá nhiều cho nên không có cơm ăn. Chúng ta là những
người tin Phật, đặc biệt phải hết sức cẩn thận, chú ý đối với vấn đề nhân quả,
không nên lãng phí bất kỳ vật gì. Những thức ăn thức uống, tiền tài vật chất
quý vị có thể dùng được thì dùng, không thể dùng thì cho người khác dùng, không
được tùy tiện đạp bỏ. Có câu nói “trong bếp cơm dư thừa, trên đường có người
đói”, trong nhà của chúng ta có cơm thừa, trái lại bên ngoài có người bị đói;
nên đem cơm thừa cho người không có cơm ăn, không được vứt bỏ. Do vậy khi ăn
thức ăn, phải nghĩ đến nó được làm ra không phải dễ.
(2) Thổn kỷ đức hạnh,
toàn khuyết ứng cúng. Thổn là suy xét, xét
nghĩ; xét nghĩ mình có đức hạnh gì mà có thể nhận đồ cúng dường của thí chủ các
nơi mang đến? Toàn khuyết là đức hạnh của mình đủ hay không, là toàn hay là
khuyết? Nếu như đức hạnh không đủ thì phải nhanh chóng dụng tâm tu đạo.
(3) Phòng tâm ly quá
tham đẳng vi tông. Phòng tâm là phải
phòng bị tâm này của mình; ly quá là phải xa rời những lỗi lầm. Xa rời những
lỗi lầm nào? Xa rời 3 loại lỗi lầm “tham, sân, si”. Khi ăn thức ăn không được
tham, không được nói thức ăn này ngon, tôi phải ăn nhiều một chút; thức ăn kia
dở, tôi không ăn, trong ăn uống phải bình đẳng, không nên phân biệt mùi vị ngon
hay dở.
(4) Chính sự lương
dược vi liệu hình khô. Tỳ kheo khi đang dùng
cơm thì phải quán tưởng thế nào? Phải nghĩ thức ăn là vị thuốc: vì sao mình
phải ăn thức ăn này? Đây chính là phương thuốc thật sự! Nếu mình không dùng
phương thuốc này thì thân thể này của mình sẽ khô héo, sẽ không thể tồn tại
được.
(5) Vị thành đạo nghiệp,
ứng thọ thử thực. Vì sao tôi nên ăn cơm
này? Ồ! Vì tôi nghĩ phải dụng công tu đạo, nếu tôi không ăn cơm thì đứng cũng
không đứng nổi, ngồi cũng không ngồi vững—có thể ngủ, nhưng đó không phải là
cách thức tu đạo; do vì tôi muốn tu đạo cho nên không thể không ăn cơm này.
Tỳ kheo khi dùng cơm đều nên có 3 niệm, 5 quán này. Đây
là hạnh “ngày ăn một bữa”, cách này có lợi ích vô cùng!
Thứ sáu, Tiết lượng
thực. Tiết là “có tiết chế”; lượng là “có số
lượng”. Ăn thức ăn không nên nói thức ăn này ngon, dùng xong lại muốn dùng nữa,
đó là không có tiết độ. Bất luận là món ăn ngon như thế nào, nếu như mỗi ngày
tôi ăn 2 chén cơm thì tôi sẽ nhất định ăn 2 chén; không thể nói thức ăn này
không ngon nên chỉ ăn 1 chén, còn thức ăn ngon thì ăn 3 chén, như thế bản thân
sẽ không có sự tiết độ. Mỗi một người xuất gia hành hạnh đầu đà, vốn ăn 2 chén
có thể no, nhưng bây giờ tôi chỉ ăn 1,5 chén, ăn ít một chút, đây gọi là “ăn
uống có tiết độ”.
Thứ bảy, Qúa ngọ bất
ẩm tương. Qua sau giờ ngọ
không uống nước cơm—ngay cả sữa bò, nước trái cây cũng đều không uống. Nhưng
điều này quá khó! Việc làm này là không phải dễ, trà cũng được tính là một loại
thức uống (tương), nên ngay cả trà cũng không thể uống. Đây là năm loại hạnh
đầu đà có liên quan đến vấn đề ăn uống.
Khi Phật còn tại thế, Tôn giả Ca Diếp là “Đầu đà đệ
nhất”; đầu đà có 12 loại, chúng ta đã giảng xong 7 loại. Còn lại 5 loại thuộc
về vấn đề ở.
Thứ tám, Trụ a lan
nhã. A lan nhã là tiếng Phạn, dịch là “tịch
tĩnh xứ” (nơi vắng lặng ); tịch tĩnh chính là nơi không có sự ồn ào, không có
bất kỳ âm thanh nào. Nơi này là ở trong rừng núi, cách thành thị rất xa; gọi
đây là “A lan nhã”, còn gọi là “A luyện nhã”, chính là một nơi tu đạo tốt nhất
cho hành giả. Ở nơi tịch tĩnh này phải có một địa điểm nhất định.
Thứ chín, Thọ hạ túc.
Vì sao lại phải ở dưới gốc cây? Vì người tu
đạo lấy trời đất làm lều, lấy bốn biển làm nhà, đi đến đâu cũng đều có thể ở. Ở
bên dưới cây như vậy, đã có thể tránh mưa, lại còn rất mát, cho nên có thể ở
dưới gốc cây. Nhưng dưới mỗi gốc cây không thể ở quá 3 ngày, chỉ có thể ở 2
đêm. Vì sao không thể vượt quá 3 ngày? Vì những Tỳ kheo thật sự tu đạo, phẩm
hạnh thanh cao sẽ tránh những nơi nào có duyên, tránh để người nhận ra và đến
cúng dường mình, cho nên tại mỗi một nơi chỉ ở 2 đêm rồi đi. Nếu như có người
nhận ra, muốn đến cúng dường thì vị ấy đã đi rồi. Đây là vì không cầu bất kỳ sự
cúng dường hậu hĩ của người nào, cho nên ở dưới gốc cây.
Thứ mười, Lộ địa túc. Ở dưới gốc cây, vẫn có lá cây che chắn gió mưa; còn ở ngoài đồng trống, lúc này thật sự là lấy trời đất làm căn phòng lớn cho mình, cuộc sống như thế vô cùng tự tại. Ngủ ngoài đồng trống, vừa có trăng sáng, vừa có sao soi; cho nên nói: “Lúc trăng treo giữa trời, gió lùa qua mặt nước; một làn hương thanh lạ, cảm nhận được mấy ai.” Khi vầng trăng tỏ rạng giữa trời không, cũng là lúc có một làn gió lướt qua mặt nước, cuộc sống của thiên nhiên như vậy, nhưng rất ít ai có thể lãnh hội được điều mầu nhiệm này.
Thứ mười, Lộ địa túc. Ở dưới gốc cây, vẫn có lá cây che chắn gió mưa; còn ở ngoài đồng trống, lúc này thật sự là lấy trời đất làm căn phòng lớn cho mình, cuộc sống như thế vô cùng tự tại. Ngủ ngoài đồng trống, vừa có trăng sáng, vừa có sao soi; cho nên nói: “Lúc trăng treo giữa trời, gió lùa qua mặt nước; một làn hương thanh lạ, cảm nhận được mấy ai.” Khi vầng trăng tỏ rạng giữa trời không, cũng là lúc có một làn gió lướt qua mặt nước, cuộc sống của thiên nhiên như vậy, nhưng rất ít ai có thể lãnh hội được điều mầu nhiệm này.
Thứ mười một, Trủng
gian trụ. Trủng chính là “phần
mộ” (mồ mả), nghĩa là cùng ngủ chung với người chết. Ngồi trong nghĩa trang làm
bạn với những ma quỷ. Tại sao như vậy? Vì ngồi bên cạnh mộ rất thích hợp cho
việc “quán vô thường”—biết đời người là vô thường, bất luận sớm tối mau chậm
đều sẽ chết; sau khi chết sẽ trở thành một cái gò mả, thân thể bên trong biến
thành một đống xương trắng. Ngồi bên cạnh mộ tu đạo có thể giác ngộ được tất cả
đều là vô thường, sẽ không phát khởi vô số tâm tham, vô số tâm sân, vô số tâm
si và sẽ không bị dính mắc vào bất kỳ vật gì.
Thứ mười hai, Hiếp
bất trước tịch. Hiếp là “xương
sườn”. Hiếp bất trước tịch (lưng không dính chiếu) chính là “thường ngồi không
nằm”, tức nói vị ấy luôn luôn ngồi. Ở Ấn Độ có một vị tên Hiếp Tôn Giả, suốt
đời vị ấy không bao giờ nằm mà chỉ ngồi. thường ngồi không nằm cũng là một
trong những hạnh đầu đà. Vì người ta nằm sẽ dễ ngủ, mà đã ngủ thì lại càng muốn
ngủ, không chịu dậy dụng công tu hành. Thường ngồi không nằm, vị ấy ngồi ngủ
một giấc thì tỉnh lại, sẽ rất dễ dụng công tu hành, tham thiền tĩnh tọa. Cho
nên cách thức “thường ngồi không nằm” này rất có lợi cho người tu hành.
Đối với 12 hạnh đầu đà, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp đều có thể
hành trì. Có người thực hành hạnh đầu đà, chỉ hành một hạnh; hoặc là chỉ mặc “y
phấn tảo”, hoặc là “chỉ có 3 y”, hoặc chỉ thực hành “thường đi khất thực”, hoặc
“khất thực theo thứ lớp”, hay chỉ tu “ngày ăn một bữa”, hoặc chỉ tu “tiết độ
trong ăn uống”, hoặc “ở tại gò mả”, hoặc “thường ngồi không nằm”. Tôn giả Ma Ha
Ca Diếp tuy tuổi đã rất lớn, nhưng đều có thể hành trì như pháp 12 hạnh đầu đà,
cho nên Tôn giả mới được tôn xưng là “Đầu đà đệ nhất”.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét