10 VỊ ĐẠI ĐỆ TỬ CỦA
ĐỨC PhẬT
Nguyên
tác Hán Văn: Tinh Vân Pháp Sư
Việt
dịch: Cư Sĩ Hạnh Cơ
Hiệu
đính: Nữ Cư Sĩ Tịnh Kiên
-o0o-
4.
Tôn giả A NẬU LÂU ĐÀ/A NA LUẬT
(Aniruddha
- Anurauddha)
(Mắt
trời thấy suốt, không gì chướng ngại)
4.1 - TUỔI THƠ KHÔNG LO LẮNG:
4.1 - TUỔI THƠ KHÔNG LO LẮNG:
Trong 16 vị A La Hán được ghi trong
kinh A Di Đà, có một vị tên là A Nậu Lâu Đà, đó chính là tôn giả A Na Luật vậy.
A Na Luật đã được sinh ra trong
vương tộc, vốn là em chú bác ruột của Phật. Sau khi vua Tịnh Phạn (Suddhodana,
phụ hoàng của đức Phật) thăng hà, người lên ngôi kế vị là đại tướng Ma Ha Nam
(Mahanama). Ông này chính là anh ruột của tôn giả A Na Luật. (Ma Ha Nam là
cháu kêu vua Tịnh Phạn bằng bác ruột. Có thuyết cho rằng, ông Ma Ha Nam này với
tì kheo Ma Ha Nam, một trong năm vị đệ tử A La Hán đầu tiên của đức Phật, là
một người. Theo đó, sau khi vua Tịnh Phạn băng, vì xét thấy cả Nan Đà và La Hầu
La không có khả năng kế vị, nên đức Phật đã cho phép Ma Ha Nam hoàn tục để kế
thừa trị vì vương quốc Thích Ca. Thuyết này có lẽ không đúng. Ma Ha Nam ở đây
với A Na Luật là hai anh em ruột. Gia đình chỉ cho phép một trong hai người đi
tu, cho nên A Na Luật đã đi tu thì Ma Ha Nam phải ở nhàn để quản lí việc nhà.
Ông là một cư sĩ thuần thành, thường cúng dường cơm áo và thuốc men cho tăng
chúng. Tì kheo Ma Ha Nam trong nhóm Kiều Trần Như là một người khác, còn có tên
là Ma Ha Nam Câu Lị - Mahanamakoliya - Chú thích của người dịch).
Từ thuở ấu thơ, A Na Luật đã là một
cậu bé hết sức chân thật, nhưng cũng rất thông minh, mẫn tiệp và hoạt bát; đối
với âm nhạc, ca múa thì lại càng tỏ rõ là có thiên tài. Lúc bảy, tám tuổi, cậu
đã từng cao giọng ca hát, cũng như từng biểu diễn nhiều trò vui nho nhỏ một
cách rất tự nhiên trước mọi người; cho nên ai cũng yêu mến cậu. Suốt ngày cậu
chỉ quanh quẩn bên cạnh các cung nữ hầu cận hoặc các vương tử cùng trang lứa
khác, hết ăn uống lại nô đùa, nô đùa xong lại ăn uống. Trò chơi thích thú nhất
của cậu là đánh cuộc ăn thua. Trong cung lúc nào cũng sẵn bánh kẹo. Mỗi lần
chơi thua ai thì cậu lấy bánh chung cho người đó. Có ngày cậu thua đến năm, sáu
lần, và cứ phải làm nũng để xin mẹ cho bánh.
Một hôm, khi cậu bị thua đến lần thứ
tư, chạy đến xin bánh mẹ thì bà bảo: “Đã hết rồi!”, nhưng vì tình tình
còn quá chơn chất, cậu không hiểu câu “Đã hết rồi”, có ý nghĩa gì, bèn chẩu mõ
lên nũng nịu:”Thì mẹ cho con cái bánh ‘đã hết rồi’ ấy đi!” Bà mẹ chỉ biết bật
cười, đưa cái đĩa trống không cho cậu thấy, để cậu biết là bánh ngày hôm ấy đã
hết. Nhưng thật là kỳ lạ, không biết do phước báo gì của A Na Luật, khi bà mẹ
vừa mở cái nắp đậy ra thì trong đĩa lại có đầy bánh. Cậu mừng lắm. Thế là hôm
ấy cậu đã có được rất nhiều cái bánh “đã hết rồi”, tha hồ mà chung cho chúng
bạn.
Từ sau khi sự việc lạ lùng này xảy
ra, mẹ của A Na Luật không còn coi con
mình là một đứa bé tầm thường nữa. Bà thấy rằng, con mình chắc phải có một lai
lịch bất phàm, trong tương lai thế nào cũng có nhiều phước báo.
A Na Luật tuy rất thông minh, nhưng
vì được nuôi nấng quá kỹ càng, suốt ngày cứ quanh quẩn trong cung điện, cho nên
mãi đến tuổi mười lăm mà cậu vẫn không biết được một chút gì về cái thế giới
của xã hội ở bên ngoài vương cung. Một hôm, A Na Luật, Bạt Đề (Bhaddiya) và
Kiếp Tân Na (Kalpina - Kapphina), nhân lúc cùng chơi đùa với nhau, họ đố nhau
rằng: “Gạo từ đâu mà có?” Kiếp Tân Na trả lời trước:
- Gạo từ trong cái chậu vo gạo mà
có. Chính mắt tôi đã một lần trông thấy cung nữ vo gạo.
Bạt Đề xua tay cho rằng Kiếp Tân Na
nói không đúng, và bảo:
- Gạo có từ trong nồi. Chính mắt tôi
đã thấy cung nữ xới cơm ra từ cái nồi.
A Na Luật, liền chê cả hai người,
nói với vẻ đầy hiểu biết và tự tin:
- Gạo đã từ trong cái bát vàng mà
ra.
Mỗi lần tôi ăn cơm, chính cung nữ đã
lấy cơm cho tôi từ trong cái bát bằng vàng.
Đấy! Đại khái là kiến thức về xã hội
của các vương tử, vương tôn ấu trĩ đến như thế! Các vương tử, vương tôn con này
không hề biết gì về các điều thường thức của đời sống xã hội, nhưng những hưởng
thụ vật chất như cơm ăn, áo mặc, nhà ở thì sang quý tột bậc; mọi thứ đều được
dâng đến tận tay, không bao giờ phải lo nghĩ gì cả.
Kiến thức của các cậu bé vương tộc
ấy nông cạn như thế là vì sao? Nguyên vì lúc trước, thái tử Tất Tạt Đa, sau khi
dạo chơi bốn cửa thành, trông thấy các cảnh khổ của sinh già bệnh chết rồi than
thở chán chường, đến nỗi đã bỏ cả việc thừa kế để đi xuất gia học đạo; từ đó,
vương cung ra luật lệ, nghiêm cấm các vương tử, vương tôn không được phép ra
ngoài thành du ngoạn, cứ phải sống kín cổng cao tường trong cung vi; cho nên dù
có thông minh đĩnh ngộ, các cậu bé ấy cũng không có chút hiểu biết nào về thế
giới bên ngoài.
4.2 -.- NÓNG
LÒNG MUỐN XUẤT GIA:
Vài năm sau khi thành đạo, đức Phật
về cố hương Ca Tỳ La Vệ để thăm hoàng tộc và giáo hóa chúng sinh. Sức cảm hóa
của thật mạnh mẽ, cho nên chẳng bao lâu, đã có rất nhiều thanh niên trong hoàng
tộc xin xuất gia theo Phật. Trước hết là thái tử Nan Đà (Nanda, người sẽ thừa
kế ngôi vua của vua Tịnh Phạn), rồi kế tiếp là hoàng tôn La Hầu La (Rahula), và
sau nữa là các thanh niên khác của hoàng tộc.
Lúc bấy giờ vương tử A Na Luật đã
trưởng thành. Chàng không còn là một cậu bé “không biết gì” của tuổi ấu thơ
nữa, mà đã trở nên là một thanh niên chững chạc, nghi hiểu đường đường, có được
những hiểu biết chín chắn về cuộc sống thế gian. Phong trào xuất gia của các
thanh niên trong hoàng tộc đã làm cho tâm hồn chàng bị chấn động. Chàng cũng
lập chí xuất gia, bèn nói anh là Ma Ha Nam:
- Anh ạ! Vừa rồi Phật về thăm hoàng
cung, đã có nhiều anh em trong dòng họ Thích Ca theo Phật xuất gia. Em nghĩ,
làm một vị sa môn, đem pháp cam lồ của Phật truyền bá bốn phương, thì cuộc sống
ấy có ý nghĩa biết bao! Thái tử Nan Đà đã bỏ người vợ sắp cưới vô cùng xinh đẹp
là Tôn Đà Lỵ để đi xuất gia; vương tôn La Hầu La tuổi nhỏ như vậy mà cũng biết
theo Phật tu học. Nếu hai anh em mình không có một người đi xuất gia thì khó
coi lắm ý anh thế nào?
Ma Ha Na lúc bấy giờ đã là một tướng
quân anh dũng của triều đình vua Tịnh Phạn, nghe A Na Luật nói thế thì trả lời:
- Em nói rất hợp ý anh. Chính anh
cũng muốn gặp em để bàn chuyện này. Trong hai anh em mình, nhất định phải có
một người đi xuất gia. Vậy thì sự hiếu dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi già xin nhờ
em gánh vác, để cho anh được yên tâm xuất gia theo Phật tu học nhé!
A Na Luật lắc đầu lia lịa:
- Anh đi xuất gia không được đâu!
Quốc gia đang rất cần những người như anh. Em thì lại khác. Võ học em thua kém
anh rất xa. Vả lại, hiện giờ em rất nhàm chán nếp sống vương giả và chỉ thích
nếp sống thanh tịnh của tăng đoàn. Xin anh thương, để cho em được xuất gia.
Thấy ý chí xuất gia của em mình quá
mạnh, Ma Ha Nam đành chiều theo, để cho A Na Luật đi xuất gia. Nhưng lúc đó
Phật đã qui định, những người trẻ tuổi còn cha mẹ, muốn đi xuất gia phải có sự
chấp thuận của cha mẹ; cho nên A Na Luật cũng phải xin phép cha mẹ. Nhưng vì
lòng thương con quá nặng, đã ba lần chàng xin phép đều bị cha mẹ từ chối cả ba.
Cuối cùng, vì sợ chàng làm liều, mẹ chàng đành phương tiện bảo:
- Con hãy đến rủ vương tử Bạt Đề,
nếu nó cũng thích xuất gia thì mẹ sẽ cho con cùng đi với nó. Nếu nó không chịu
thì con đừng có hi vọng gì nữa.
Sở dĩ bà bảo thế là vì bà nghĩ, việc
Bạt Đề đi xuất gia là một việc không thể nào xảy ra được. Số là, sau khi cả Nan
Đà và La Hầu La đều theo Phật xuất gia thì vua Tịnh Phạn đã chọn Bạt Đề lập làm
thái tử, sẽ thừa kế ngôi vị quốc vương sau này khi nhà vua thăng hà. Như vậy
thì chắc chắn Bạt Đề không thẻ nào đi xuất gia được! Nhưng A Na Luật nào để ý
đến điều đó. Khi nghe mẹ bảo thế thì mừng lắm, bèn chạy ngay đến vương phủ của
Bạt Đề, bày tỏ ý chí của mình, đồng thời thuyết phục Bạt Đề cùng đi xuất gia.
Nói xong, chàng cứ ngồi đó chờ đợi Bạt Đề trả lời.
Trái lại với A Na Luật, Bạt Đề cảm
thấy việc xuất gia thật khó thực hiện vô cùng. Làm sao chàng có thể bỏ được bao
nhiêu dục lạc và vinh hoa phú quí của thế gian để đi xuất gia làm sa môn! Nhưng
đối với một người bạn chí thân và đáng quí mến như A Na Luật thì từ chối cũng
không đành. Sau một hồi lâu suy nghĩ, chàng miễn cưỡng nói:
- A Na Luật! Một khi đã xuất gia làm
sa môn thì không còn có thể luyến ái dục lạc ở thế gian. Chúng ta tuổi còn rất
trẻ, làm sao đủ nghị lực chịu đựng điều đó! Thôi thì bạn hãy gắng đợi thêm bảy
năm nữa đi, để cho tôi tận hưởng hoan lạc rồi chúng mình sẽ cùng nhau đi xuất
gia.
Tuy biết Bạt Đề có ý chối từ, nhưng
A Na Luật vẫn cố gắng thuyết phục bạn bằng cách trưng ra nhiều lý lẽ để chứng
minh nếp sống xuất gia cũng rất sung sướng, rất ích lợi. Chàng nói năng khéo
léo đến nỗi, từ bảy năm Bạt Đề giảm xuống còn một năm; từ một năm giảm xuống
còn một tháng; rồi từ một tháng giảm xuống chỉ còn bảy ngày! Hai người bạn thân
thiết đồng ý với nhau là bảy ngày nữa thì cả hai cùng di xuất gia. Lúc bấy giờ
A Na Luật mới chịu vui vẻ chào bạn trở về nhà.
Thời hạn bảy ngày đã qua. Hôm ấy, A
Na Luật và Bạt Đề cũng rủ thêm A Nan (Ananda), Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), Kiếp
Tân Na, Bà Sa (Vaspa - Vappa) và Nan Đề (Nandi), cả thảy bảy vị vương tử cùng
nhau hân hoan rời nhà ra đi. (Có sách nói, trong bảy vị vương tử thì Nan Đà,
đã xuất gia ngay khi đức Phật còn ở Ca Tỳ La Vệ, cho nên lần đi này chỉ có sáu
người là A Na Luật, Bạt Đề, Đề Bà Đạt Đa, A Nan, Bà Cữu - Bhagu, và Kim Tỳ La -
Kimbila - Chú thích của người dịch). Họ lại còn dẫn theo chàng thanh niên
làm nghề thợ cạo tên là Ưu Ba Li (Upali) cùng đi xuất gia với họ.
Họ dõi theo bước chân hành hóa của
Phật và đi thẳng đến đó. Khi đến rừng A Nậu (Anupiya) thuộc ấp Di Na, họ cởi bỏ
y phục vương tử, nhờ Ưu Ba Li cạo sạch tóc, tự mặc áo ca sa, rồi cùng đến ra
mắt Phật, Nhưng Phật đã không chấp nhập cho họ gia nhập vào tăng đoàn ngay lúc
đó, mà bảo họ ở riêng trong một phòng trống, tĩnh tọa quán tưởng bảy ngày để
quên hẳn cái thân phận vương tử tôn quí của mình đi, bấy giờ họ mới chính thức
được Phật cho lễ xuất gia.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét