Bạn
Phan Lục (Chicago) chuyển tiếp
CÂU CHUYỆN CÁI BANG
(2)
Trúc Giang Minnesota
---o0o---
4* Ăn mày chê tiền
Có câu “Ăn mày mà còn đòi xôi gấc”. Mới nghe
tưởng như việc lạ đời nhưng thật ra nó đã xảy ra ở nhiều nơi trong xã hội Việt
Nam ngày nay, làm cho người bố thí phiền hà không ít.
“Cho hai
nghìn không đủ mua mớ rau”
Một bà ăn
mày nói với cô sinh viên: “Cô tính thế nào chứ hai nghìn bây giờ không đủ mua
mớ rau, lần sau mất công cho thì cho tử tế nhé”. Câu nói của bà lão ăn xin làm
cho nhiều người phải sốc. Cô sinh viên giải thích: “Bà thông cảm cho, cháu chỉ
còn mấy đồng để đi xe bus, nếu có hơn, cháu đã cho bà rồi”. Chứng kiến cảnh
trên, một người nói “Ăn mày mà còn đòi xôi gấc”.
Anh Hoàng
Anh Tuấn (Cổ Nhuế, Từ Liêm) chia sẻ: “Lần trước đi chùa. Có người xin tiền. Tôi
mở ví ra nhưng không ngờ không còn tiền lẻ, tôi đành cáo lỗi, thì anh ta bảo:
“Không sao, anh đưa tiền chẵn đi, tôi sẽ thối tiền lại cho”.
Chị Hương
(Cầu Giấy, Hà Nội) góp ý: “Nói thật, có lần tôi gặp chị em nhà này đi ăn xin.
Thương tâm quá, tôi rút ví cho ba nghìn lẻ. Ngay lập tức, nó gọi tôi lại, giơ
tờ 5 ngàn của nó lên bảo : “Cho thêm hai nghìn mới đủ mua mớ rau nhé”.
Xã hội bây
giờ thay đổi nhiều quá, ăn mày cũng thay đổi thái độ, nhiều khách cho ít tiền
bị ăn mày tỏ thái độ khinh rẻ, chửi mắng.
Tại bến xe
Mỹ Đình. Khách đang chờ xe. Bố con ăn mày đến. Người cho chục nghìn, người năm
ba nghìn, một người cho hai nghìn thì người ăn mày bèn tỏ thái độ. Hắn đưa cái
nón đựng tiền ra nói “Không thấy người ta cho bao nhiêu đây sao mà vứt hai
nghìn vào đây?”. Nói xong, anh ta nhặt tờ giấy bạc trả lại người cho.
5* Ăn mày thời hê lô, thanh kiu
Việt Nam
mở cửa hội nhập thế giới, ăn mày cũng “ăn theo”, ăn mày quốc tế. Ăn mày thời hê
lô, thanh kiu.
Ở Hà Nội,
một cặp du khách người Tây vừa bước xuống taxi thì một bà ăn mày sà đến, bập bẹ
vài tiếng Tây ba rọi. Bà lão rách rưới, dơ bẩn bám miết cặp vợ chồng Tây.
Tờ một đô
la được nhận từ cái lắc đầu kèm theo thái độ và ánh mắt khó chịu của du khách,
nhưng bà lão ăn mày Việt Nam thì rất vui mừng, vì một khách Tây bằng mười khách
Việt. Một đô la ăn 16,000 đồng VN.
Ăn mày
thời hê lô, thanh kiu được huấn luyện chuyên nghiệp hơn. Cả một đội quân cái
bang, cụt chân, cụt tay, bó bột, quần áo dơ bẩn tả tơi, bu vào chèo kéo, bám
chân du khách, có người còn xổ một tràng tiếng Tây: “Hello sir, madam, please
give me some of your money pocket” có thể hiểu theo ý như sau, “ông bà Tây ơi,
cho tôi vài đồng lẻ đi”.
Một người
dân Huế thấy cái kịch bản ăn mày Hà Nội diễn ra ở đất Thần Kinh đã than thở
“Huế hết cái thời mộng mơ rồi!”
6* Câu chuyện về Làng ăn mày
6.1. Làng Ăn Mày Quảng Thái
Hồi tháng
6 năm 2012, bí thư đảng ủy xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho
biết: “Năm 1993, xã Quảng Thái nổi tiếng vì thành tích có đông người ăn mày
nhất nước. Chỉ có 9,000 dân mà đã có 700 trẻ em nghỉ học ra thành phố lang
thang đi ăn xin. Trường Phổ thông Cơ sở xã Quảng Thái lúc đó buồn thiu, chỉ còn
có hai lớp với vài chục học sinh”.
Nhắc lại
việc cả làng đi ăn mày, ông Cao Tiến Việt, Bí thư xã cho biết, đó là thành
hoàng của làng Quảng Thái là một ông tổ nghề ăn mày, nên được dân địa phương
coi nghề ăn mày là cha truyền con nối. Thật sự là từ nhiều đời, đình làng này
thờ thành hoàng là ông tổ nghề ăn mày.
Nhưng thực
tế không phải vậy. Người dân đi ăn mày là do hậu quả của nghèo đói. Xã không có
đất canh tác, địa phương phải hứng nhiều trận bão, cộng thêm thời kinh tế bao
cấp của Chủ Nghĩa Xã Hội, dân đói, nên đi xin ăn.
Chính
quyền xã không có biện pháp cứu trợ hoặc giúp đở vật chất, mà chỉ phát động
tuyên truyền, đến từng nhà động viên cha mẹ, nhờ họ kêu gọi con trở về tiếp tục
đi học. Chị Nguyễn Thị Dục, Chủ tịch Phụ Nữ xã cho biết, đi đến đâu cũng được
trả lời như nhau “Con tôi sinh ra, cho nó đi đâu, làm gì là quyền của tôi.
Không ai giúp đở chúng tôi thì xin đừng xía miệng vào. Kêu nó về thì lấy gì ăn,
tiền đâu mà đi học? Làng xã có cho chúng tôi đồng nào không?. Bộ chúng tôi muốn
cho con đi ăn mày lắm hay sao?
Trước tình
trạng đó, cơ quan văn hóa thông tin xã đi giải thích về việc cha mẹ phải bảo vệ
quyền trẻ em mà Liên Hiên Hiệp Quốc quy định, đó là: trẻ em có quyền được sống
với gia đình, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được đi học…, mà quốc tế công
nhận. Việc kêu gọi như thế là vô ích trước tình trạng của Làng Ăn Mày Quảng
Thái này.
Trong 400
hộ ở Quảng Thái có 249 hộ có người đi ăn xin chuyên nghiệp. Các nhà nghiên cứu
cho biết: năm 1995 có 571 lượt người đi xin ăn, năm 1998 có 167 lượt.
Quảng Thái
trở thành một “thương hiệu” của ăn mày. Bí thư Cao Tiến Việt cho biết, “Cái khổ
nhất là nhiều người ở tỉnh khác đi xin ăn đều bảo là người của Quảng Thái, có
nghĩa là ăn mày rặt nòi, chính hiệu, họ lấy cái danh mà thiên hạ đặt cho Làng
Ăn Mày để làm kế sinh nhai.
Cái khổ do
người ăn mày tạo ra chưa dứt, thì đến cái khổ của những tờ báo ngồi ở Hà Nội,
Sài Gòn viết về Quảng Thái, đó là tờ báo “T” ở Sài Gòn, báo “G” của một cơ quan
dân số, đã viết những bài hoàn toàn sai sự thật về Quảng Thái. Họ thêm mắm dậm
muối, nào là có “lớp dạy trẻ em ăn mày”, “trẻ em bỏ học để đi ăn mày”, “ăn mày
xây nhà 3 tầng”.
Năm 2004,
nước Hòa Lan đến giúp dân làng trong đề án C.A.M (Chống Ăn Mày). Đến năm 2012,
tỷ lệ nghèo đói vẫn còn cao là 26.3%
6.2. Huyền thoại về ngôi mộ ông tổ Cái Bang Làng
Quảng Thái
Trong dân
gian có lan truyền về câu chuyện bốc mộ thành hoàng.
Thành
hoàng là ông thần được thờ trong Đình làng, được tôn trọng, xem như thần hộ
mạng, bảo vệ đời sống sung túc và an cư lạc nghiệp của dân làng. Mỗi năm có tổ
chức lễ Kỳ Yên, tức là lễ cầu an, cúng bái, bày những trò vui chơi như hát
chèo, hát bội, chọi gà, chọi trâu, đánh cờ…
Câu chuyện
về thần ăn mày Quảng Thái.
“Đó là một
ngày rất xa xưa, khi người dân bốc mộ thành hoàng, thì bốc nhằm mộ của một
người ăn mày có tiếng tăm trong làng. Cả làng chưa biết làm sao thì các phụ lão
bảo phải mời thầy pháp, thầy phù thủy trong vùng đến xem xét lại long mạch và
chỉ lối cho dân làng phải làm gì.
Đứng trước
ngôi mộ mới đào lên, thầy phù thủy phán rằng: “Để cho linh hồn của người ăn mày
được bình yên, hài lòng và có đủ quyền uy bảo hộ bá tánh, thì từ nay trở đi,
hàng năm, cứ sáng mồng một Tết Nguyên đán, thì từ lý hào, điền chủ đến dân đen,
phải đóng cửa, đi ăn mày ở xứ người.” Huyền thoại cả làng đi ăn mày vào ngày
Tết bắt đầu từ đó, được truyền tụng trong dân gian”.
Hiện tượng
cả làng đi ăn mày vào ngày mồng một Tết là có thật trong quá khứ. Trước kia,
thời nhà Lê, vua Lê Thánh Tông cho thi hành chính sách “ngự binh ư nông” trên
mảnh đất vùng biển nầy, tức là cho quan quân triều đình đến trấn giữ bờ biển và
tự túc lương thực bằng nghề nông.
Một lần
khi Tết Nguyên đán gần kề, chánh sứ Tô Chính Đạo phải dẫn quân đi đánh Chiêm
Thành, khi chiến thắng trở về, tổ chức khao quân và ăn Tết vào tháng hai âm
lịch. Tục ăn Tết trễ được giữ những năm sau đó, có lẽ để nhớ ơn những người lập
ấp và giữ nước.
Lịch sử
ghi như thế, nhưng dân gian những thế hệ sau truyền miệng là dân làng bỏ Tết đi
ăn mày. Thật ra cũng không có gì lạ cả, do mê tín mà có nhiều làng sùng bái như
thờ cúng những người chết vào giờ trùng như “Thần chết nghẹn”, họ thờ “Thần Tà
Dâm”, Thần rắn“. Ở xã Lộng Khê, huyện Phủ Dực, tỉnh Thái Bình dân làng thờ
“Thần Ăn Trộm”, làng Đông Thôn, huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Đông dân làng thờ
“Thần trẻ con”…
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét