Bước vào cõi Phật – Quyển 2 – Bài 10.
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
10. ÔNG VUA THIỀN SƯ
Chúng ta đều biết rằng đức Phật Thích-Ca nguyên là một
thái tử đả cương quyết rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan để đi tu,
tìm đường thoát khổ cho chúng sinh và ngài đã thành Phật do nỗ lực của bản
thân. Trong lịch sử nước Việt Nam ta,
vào đầu thế kỷ thứ XIII, có một ông vua đã bỏ ngai vàng lên núi mong tu thành
Phật nhưng lại bị bó buộc trở về cai trị muôn dân, làm một minh quân trong quốc
sử đồng thời là một thiền sư, đã để lại nhiều tác phẩm rất có giá trị, còn lưu
truyền đến ngày nay. Đó là vua Trần Thái
Tông, mà chúng tôi gọi là ông vua thiền
sư, bắt chước cách nói của một vị hòa thượng đã viết nhiều về Thiền tông Việt
Nam.
Vua cuối cùng nhà Lý (1010 –1225) là Lý Huệ Tông, lấy bà
Trần Thị Dung, sanh ra hai công chúa Thuận Thiên và Chiêu Thánh. Anh họ của bà Dung là Trần Thủ Độ được vua
tin dùng, trao cho quyền chức lớn; ông này là một người mưu trí, nếu không dùng
chữ gian hùng. Ông có hai người cháu họ
là Trần Liễu và Trần Cảnh, ông thu xếp cho Trần Liễu lấy công chúa Thuận Thiên
và Trần Cảnh lấy công chúa Chiêu Thánh.
Vua Huệ Tông (khùng khùng, say suốt ngày) nhường ngôi cho
Chiêu Thánh, tức là Lý Chiêu Hoàng. Được
một năm (1224 - 1225), bà nhưỡng ngôi cho chồng, trở thành hoàng hậu. Trần Cảnh
là vua đầu tiên của triều Trần, tức vua Trần Thái Tông.
Sốt ruột vì hoàng hậu mãi chưa có con để nối dõi nhà Trần,
Thủ Độ ép vua bỏ hoàng hậu để lấy chị dâu là Thuận Thiên đang có mang! Trần Liễu nổi loạn nhưng sau cũng yên. Nhà Trần hết sức mang tiếng về những việc hôn
nhân trái luân lý như thế, chỉ vì sợ người ngoài họ vào cướp ngôi, y hệt
như mình đã cuớp ngôi nhà Lý (nhưng năm
1400, cũng bị mất ngai vàng về tay ngoại thích họ Hồ).
Vua Trần Thái Tông
Trần Thái Tông là một ông vua thông minh, tài giỏi và
can đảm. Nhà vua đã xâm nhập đất Tàu, bấy
giờ do nhà Tống cầm quyền, quân địa phương đóng cọc giăng xích qua sông để chặn
đường rút của vua, thế mà vua nhổ luôn cả cọc mang về! Bao giờ hành quân, vua cũng đi tiên
phong. Dưới triều vua, vào năm 1257,
quân Mông Cổ kéo từ Vân Nam xuống vào tận Thăng Long cướp phá, nhưng bị quân ta
phản công đánh rát quá chạy không kịp cướp, nên dân gọi chúng là “giặc Phật”.
(1)
Phải công nhận là Trần Thủ Độ cũng có công. Với tư cách Thái sư thống quốc hành quân chinh thảo sự do vua ban, ông giúp vua
làm cho việc triều chính, cai trị, binh bị cải tiến, vào quy củ. Văn học cũng thịnh, luật pháp rất nghiêm, đôi
khi quá nặng (trộm cắp bị chặt tay ...).
Vua Trần Thái Tông sinh năm 1218, lên ngôi năm 8 tuổi, ở
ngôi 33 năm (1225 – 1258), nhường ngôi cho thái tử Trần Hoảng (Trần Thánh Tông)
năm 41 tuổi, làm thái thượng hoàng 19 năm (1258 – 1277) và băng hà khi 60 tuổi. [Nhà Trần có lệ nhường ngôi cho con, lên làm
thái thượng hoàng nhưng vẫn coi việc nước cùng với con].
Chắc chắn nhà vua có nhiều tâm sự: chịu sự “chỉ huy” của
ông chú xảo quyệt chỉ biết quyền lợi họ Trần, phải bỏ hoàng hậu “vô tội” để lấy
chị dâu (bà này là vợ ông Trần Liễu, là người sẽ sinh ra Trần Quốc Tuấn, tức
Hưng Đạo đại vương), mất mẹ năm 16 tuổi.
Một đêm kia (mùng ba tháng tư Bính Thân, 1236), nhà vua cùng tùy tùng vượt
sông Cái (sông Hồng), đi theo sông Đuống (sông này nối sông Hồng với sông Thái
Bình), tới Phả Lại thì bảo tùy tùng trở lại, một mình qua đò, lấy áo che mặt để
dấu thân thế của mình, rồi một mình một ngựa men theo núi mà tìm đường lên núi
Yên Tử. Qua nhiều vất vả, cuối cùng vua
gặp quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư hỏi nhà
vua mong cầu điều gì thì nhà vua trả lời cầu làm Phật. Quốc sư bảo: “Trong núi không có Phật, Phật
chỉ ở trong tâm”.
Tượng vua Trần Thái Tông
Trần Thủ Độ rượt theo tới nơi thuyết phục mãi, mời vua về,
nhưng vua không chịu, may nhờ quốc sư khuyên: “Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy
ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của
mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ trở về,
bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu kinh điển, mong bệ hạ đừng sao
lãng”. Những chi tiết này ghi trong Thiền
tông chỉ nam tự (tự = bài tựa) do chính
nhà vua soạn. Vua viết tiếp: “Trẫm
tập họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền, hỏi đạo và các kinh đại thừa ... Đọc kinh Kim Cang đến câu “ưng vô sở trụ nhi
sanh kỳ tâm”, trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ ...”
Nhà vua viết nhiều về Phật pháp, không riêng gì về Thiền. Cứ xem bảng kê sau đây thì thấy sự phong phú
của ngọn bút ngài: bài tựa Thiền tông chỉ
nam, Bốn núi (= sinh, lão, bệnh, tử), Năm giới, Nói về sắc thân, Khuyên phát
tâm bồ đề, Luận về thọ giới, Luận về tọa thiền, Luận về giới định tuệ, Luận về
gương tuệ giáo, Luận về Niệm Phật, Tựa Sáu thời sám hối, Sáu thời sám hối, Tựa
Bình đẳng sám hối, Tựa kinh Kim Cang tam-muội, Nói về Một đường hướng thượng,
Ngữ lục vấn đáp, Niêm tụng kệ. Vậy
chúng ta có thể nói nhà vua là một thiền sư thượng thặng, đã giác ngộ qua câu “ưng
vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” giống Lục tổ Huệ Năng, và đã viết rất nhiều. Khi tôi thỉnh ý HT Viện chủ thì HT bảo rằng
văn chữ Hán của nhà vua hay vô cùng. Tôi chỉ đọc các bản dịch mà đã thấy văn
hay vượt bực, chưa kể đến ý.
Cách đây mấy chục năm, chỉ có cuốn Văn học đời Trần của Ngô Tất Tố
(nhà sách Khai Trí ở Saigon in lại năm 1960) dịch một số bài của vua Trần
Thái Tông mà thôi. Gần đây, vào năm
1989, nhà xuất bản Khoa học xã hội ở Hà nội cho ra mắt mấy tập lớn Thơ văn Lý Trần, dịch toàn bộ thơ văn của
nhà vua thiền sư và mới đây tôi được một bạn quý tặng cuốn Khóa hư lục giảng giải của HT Thanh Từ (1996).
Chúng tôi xin hiến quý đạo hữu vài dòng trích trong BỐN
NÚI: “Nguyên là, tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có. Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự hư
không. Vọng ấy từ không, không hiện vọng,
vọng sanh các sắc. Đã trái không sanh
không hóa, mải làm có hóa có sanh. Không
sanh thì không hóa ... Luôn luôn chìm đắm nơi bến mê, mãi mãi trôi lăn trong bể
khổ. Mờ mờ mịt mịt nào biết nào hay rối
rắm lăng xăng chẳng tỉnh chẳng ngộ... Khiến phải qua lại sáu đường, xuống lên bốn
núi, sanh già bệnh chết...
Kệ bốn núi
Bốn núi cheo leo vạn khóm tùng,
Ngộ xong chẳng có, muôn
vật không.
Mừng được ba chân lừa có
sẵn,
Cỡi lên thúc mạnh vượt
cao phong.
(HT Thanh Từ dịch)
|
Bài kệ về bốn núi
Bốn núi cheo leo vạn
khóm xanh,
Muôn loài không cả, hiểu
cho rành.
Lừa ba chân đó may tìm
được, (2)
Lên thẳng non cao, sấn bước nhanh.
(trong Thơ văn Lý Trần)
|
Xin quý
vị đặc biệt chú ý đến tính cách quan trọng của chữ “không” trong đạo Phật mà
nhà vua vừa mới nhập đề là nói ngay lập tức. Vọng là “giả, không thật”, cái mà
chúng ta nghĩ là thật thì chính ra nó là giả.
Nhận giả làm chân, nên thân khẩu ý gây ra nghiệp, do cái nghiệp đó mà
trôi lăn mãi trong sinh tử luân hồi. Muốn
bất tử thì phải tìm đường vô sanh, chứ tìm thuốc trường sanh thì vô ích vì “trường”
bao nhiêu rồi cũng đến lúc “đoạn”! Bài kệ
bảo rằng sinh lão bệnh tử vất vả lắm, khi ngộ rồi thì biết hết thảy là
không. Gặp lừa ba cẳng thì vượt lên cao vút. Lừa thì phải bốn cẳng, nói lừa ba cẳng là thứ
không có. Cái gì đối với người phàm là không có? Phật tánh!
Có Phật tánh thật, nhưng người phàm đâu biết! Khi biết được thì tu, rồi ngộ, nhờ đó mà vút
lên cao, thoát sinh tử luân hồi.
Xin
trích vài bài của nhà vua thiền sư, rất coi trọng việc lễ bái.
Dốc lòng tùy hỷ
Ta nay theo Phật lòng hoan hỷ,
Thành kính hôm mai sửa lỗi lầm.
Mong sớm được lên thang thập địa,
Dốc lòng gìn giữ lấy chân tâm.
[thập địa: 10 địa vị của bồ
tát]
|
Kệ dâng hoa
Đất tâm hoa nở sắc khoe tươi,
Thơm ngát ngàn hoa khắp cõi trời.
Muôn đóa đem dâng trên điện Phật.
|
Trích một
bài Tâu bạch: “... Hỡi các Phật tử! Bóng ác giữa trời thì xế; người đời khi thịnh
có khi suy. Hình thể chẳng lâu dài, giàu
sang không vững mãi. Mau chóng như nước
trên sông, giây lát như mây đỉnh núi.
Lúc thường chẳng
tạo
nhân lành; ngày khác ắt về lối khổ. Nên
nảy niềm tin; bỏ trừ nghi hoặc. Sớm mở
tâm châu của chư Phật, soi tan thùng sơn nơi chúng sinh....”
[tâm
chúng sinh ví như thùng sơn đen kịt, chùi rửa không hết ; khi có tâm sáng của
Phật soi thì mới sạch. Có chỗ chú thích
rằng chữ thùng sơn này cũng giống như chữ
túi da chứa đồ dơ. HT Thanh từ nói rằng
“đập bể thùng sơn” là danh từ nhà Thiền].
Đây là bài Sám hối tội do căn tai: “Dốc lòng sám hối, chúng con từ bao kiếp tới
nay, bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.
Đọa ba đường khổ, bởi sáu căn sai.
Nếu không sám hối trước; khôn đường ăn năn sau. Nghiệp căn tai là: ghét nghe tiếng pháp,
thích lắng lời tà; mê mất chính tâm, đuổi theo ngoại vọng. Sáo đàn inh ỏi, cho là êm tai; văn vẳng mõ
chuông, coi như tiếng ếch. Câu nhảm bài ca, bỗng nhiên để dạ; lời kinh câu kệ,
không chút lắng tai. Thoáng nghe lời
khen hão, khấp khởi mưu cầu; biết rõ lời nói lành, nào từng ưng nhận. Vài ba bạn rượu; dăm bảy khách quen, tán ngắn
bàn dài, châu đầu nghe lắng. Gặp thày gặp
bạn, dạy bảo lời hay, lẽ hiếu lẽ trung, che tai bỏ mặc. Khi nghe tiếng xuyến, bỗng nảy lòng tà; được nửa
câu kinh, bỗng thành tai ngựa. Những tội
như thế, vô lượng vô biên; đầy ắp bụi trần, kể sao cho hết. Sau khi hết kiếp, rơi xuống ba đường; hết khổ
đầu thai, phải làm người điếc. Nếu không
sám hối, sao được tiêu trừ. Đứng trước Phật đài, thảy đều sám hối.” [tiếng xuyến:
nhắc việc người kia nghe thấy tiếng xuyến lách cách trên cổ cô gái đi ngang qua
phòng mà động tâm!].
Kệ khuyên mọi
người lúc hoàng hôn
Bóng ngả nương dâu tối,
Vầng ô đã lặn rồi.
Quang âm nào đứng mãi,
Già ốm dễ trêu người.
Giờ chết khoan sao được,
Ngày đi hết cách lôi.
Ai ơi nên để mắt,
Chớ vấn vương cảnh đời.
|
Kệ vô thường
Mặt trời đã lặn tối lem
nhem
Đường tối bồn chồn lại tối
thêm.
Đuốc của người ngoài
chăm gợi thắp,
Đèn nhà mình đó chẳng
soi xem.
Lừ đừ bóng ác non tây lẩn,
Lấp lánh vầng trăng ánh
bể lên.
Sống chết đổi thay đều
thế cả,
Quy y Tam bảo mới là yên.
|
(theo bản dịch của Thiều Chửu, trong tập san Đuốc Tuệ)
Vì không đủ thì giờ nên chúng tôi không dám trích thêm mặc
dù thâm tâm còn mong giới thiệu thêm nhiều nữa.
Kính chào quý vị. □
CHÚ THÍCH.
(1) Mông Cổ ở phía Bắc nước Tàu, sang đánh chiếm được miền
Bắc nước Tàu, nhà Tống phải lùi xuống phía Nam nên có tên là Nam Tống. Mông Cổ, vì đánh vòng xuống, nên đến Vân
nam. Hai lần sau, chúng lại sang đánh ta
nữa, nhưng do đường phía Tây và đường biển, lần nào cũng thua đậm. “Bách chiến bách thắng” nhưng “tam bại” ở VN!
(2) HT Thanh Từ giảng: “ ... Có người tới hỏi thiền
sư Dương Kỳ: Thế nào là Phật? Ngài đáp: Con lừa ba chân chạy tứ tung. Vua
Trần Thái Tông mượn câu chuyện đó ... Trong nhà Thiền, nói đến chỗ cứu kính, đó
là chỗ vô lý hay phi lý. Tại sao? Vì tất
cả lý lẽ chúng ta bàn luận ở thế gian đều tương đối, có phải có quấy. Nếu ai nói phải thì cho là hợp lý, nói quấy
là phi lý. Nhưng cứu kính tuyệt đối là
cái phi lý, tức là cái không suy lường được.
Thường người ta nói tu là làm lành, là giúp kẻ khổ, nhưng đối với chỗ cứu
kính, tu lại là buông, là bỏ, buông những tưởng niệm lành dữ, bỏ những tâm thiện
ác. Lành dữ thiện ác đều buông bỏ thì có
lý hay phi lý? Từ cái phi lý mới đi đến
chỗ cứu kính được, còn nằm trong đối đãi thì chưa đến cứu kính. Con lừa ba chân là chỉ cái phi lý. Đạt được cái phi lý mới lên tận ngọn núi cao
phong. Trái lại nếu chưa đạt được thì
chưa lên được. Đó là ý nghĩa thâm sâu
trong nhà Thiền.”
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét