Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

NHỮNG PHIÊN CHỢ 1 LẦN MỖI NĂM

Những phiên chợ chỉ họp một lần mỗi năm
-o0o-
Không có cảnh chen lấn, không kỳ kèo trả giá, người bán và người mua ở các phiên chợ đều đến để cầu may, mong một năm đầy may mắn, tài lộc.
1. Chợ tình Khâu Vai
Vào gần cuối tháng 3 âm lịch, trên cao nguyên đá Hà Giang, những thiếu nữ, chàng trai, người già người trẻ, khách du lịch ở khắp nơi đổ về Khâu Vai làm nên một phiên chợ tình thật đặc sắc có một không hai ở Việt Nam.
Chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào 27/3 âm lịch, nằm cách thành phố Hà Giang gần 200 km. Phiên chợ này đã có từ lâu, là đêm chợ truyền thống của người dân tộc Mông. Ban đầu những người đến đây đều là những người có tình yêu dang dở, vì lý do nào đấy mà không đến được với nhau. Họ đến, trao nhau những yêu thương sau một đêm, rồi sáng mai khi phiên chợ tan, tình tan, họ lại trở về sống với người chồng, người vợ, mà không có sự hờn ghen hay trách móc. Ngày nay, chợ là nơi để mọi người tụ tập, giao lưu và cũng là nơi trao đổi các mặt hàng hóa.
2. Chợ Viềng Nam Định
Cũng chỉ họp duy nhất một lần trong năm, đây là phiên chợ có từ lâu đời, thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi năm về đây để "mua may, bán rủi".
Chợ họp đêm mùng 7, ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, tại huyện Nam Trực và Vụ Bản.
Cả người bán lẫn người mua khi đi chợ đều không đặt nặng vấn đề mua bán, lời lãi, họ đi chợ để cầu may, với mong muốn bước sang một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt. Trước đây, chợ Viềng chỉ bán nông cụ, đặc biệt nổi tiếng với dao, rìu, lưỡi cày… nhưng ngày nay người ta đã mang đến nhiều sản phẩm phong phú làm cho phiên chợ càng thêm sôi động.
3. Phiên chợ đồ cổ, Hà Nội
Họp duy nhất một lần trong năm, từ 23 đến 30 tháng Chạp, phiên chợ họp ngay ngã 5 phố cổ Hàng Mã, Hàng Lược... chủ yếu bày bán đồ giả cổ, đồ đồng có niên đại hàng chục đến vài trăm năm. Gọi là chợ nhưng chỉ có khoảng hơn chục gian hàng nhỏ, không có biển hiệu. Khách hàng đến đây chủ yếu để mua đồ về trang trí trong nhà, cũng có những người đến đây chỉ để ngắm, đi chơi vào những ngày giáp Tết. Đây cũng là điểm hẹn cuối năm của những người mê đồ cổ.
Các mặt hàng bày bán tại đây đa dạng, phổ biến nhất là các loại đồ thờ, tượng phật hoặc tứ linh bằng đồng, đỉnh đồng..., ngoài ra còn có các đồ gốm sứ. Tuy nhiên, ở đây người đồ thật giả lẫn lộn nên chỉ những người am hiểu mới phân biệt và định giá chính xác được món đồ.
4. Chợ Âm Dương, Bắc Ninh
Phiên chợ diễn ra vào duy nhất đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 Tết ở làng Ó nay là làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Theo quan niệm của người dân trong vùng đây cơ hội hiếm có cho người chết và người sống được gặp nhau.
Chợ bắt đầu họp vào lúc trời tối, trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu linh thiêng. Đây là chợ mà không có lều quán, nhiều người đi chợ thường mang theo một con gà để làm vật tế thần. Người đi chợ không mặc cả, chỉ thấy tiếng thì thào to nhỏ. Người ta quan niệm, đi chợ là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian rất đặc trưng của vùng Kinh Bắc.
5. Phiên chợ Thiều, Thanh Hóa
Phiên chợ Thiều được tổ chức tại làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc, Hậu Lộc vào sáng 26 tháng Chạp. Các mặt hàng bán ở chợ chủ yếu đều là những sản vật vùng quê như gạo nếp, lá ong, các loại rau quả. Người đi chợ cũng không mặc cả, chủ yếu là về làng Thiều đi chợ cầu may.
Trước đây, chợ Thiều được họp ở ngay sát bờ sông để thuận tiện giao thông đường thủy. Hiện nay, làng thống nhất họp vào trong sân chùa. Du khách đến đây ngoài tìm hiểu nét văn hóa còn được ngắm vẻ cổ kính của chùa chiền.
6. Chợ đình Bích La, Quảng Trị
Phiên chợ đã tồn tại hàng trăm năm nay, như một nét văn hóa truyền thống của người dân huyện Triệu Phong. Chợ họp đêm mùng 2, rạng mùng 3 Tết Nguyên Đán hàng năm, người bán người mua đến đây để cầu may mắn, mặc nhiên không có chuyện kẻ mua người bán ngã giá, kỳ kèo.
Những thứ được bán ở chợ chỉ là những sản vật địa phương như cau trầu, muối, chè, mía..., cầu mong cho một năm may mắn, nhiều tài lộc.
7. Chợ Gò - Trường Úc, Bình Định
Không giống như các phiên chợ khác, phiên chợ Gò lại họp đúng vào ngày 1 Tết âm lịch hàng năm, được tổ chức như một lễ hội, một nơi giao lưu văn hóa độc đáo ở miền đất võ Bình Định.
Hàng hóa mang đến chợ cũng chỉ là con cá, mớ rau hay những hoa quả trong vườn nhà và đó chỉ là cái cớ để người đi chợ gặp nhau, chúc tụng nhau một năm mới tốt lành.
---ooo0ooo---



Không có nhận xét nào: