Bước vào cõi Phật – Quyển 2 – Bài 9.
Cố
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
. 9. HƯƠNG VÂN ĐẠI ĐẦU
ĐÀ
Người Việt Nam chúng ta rất hãnh diện về nhiều trang sử vẻ vang và oai
hùng, trong những trang sử vẻ vang ấy, phải kể đến ba lần chiến thắng quân Mông
Cổ (chúng là người Mông Cổ đã sang chinh phục nước Tàu mà lập nên nhà Nguyên,
cho nên mới có tên Nguyên-Mông). Ba lần
này đều do nhà Trần lãnh đạo, lần đầu (1257) dưới triều vua Trần Thái Tông, hai
lần sau (1285 và 1288) dưới triều vua Trần Nhân Tông, với vị tổng chỉ huy là
Hưng Đạo đại vương (húy Trần Quốc Tuấn).
Vua Thái Tông (húy Trần Cảnh, 1225 – 1258) nhường ngôi cho con là Thánh
Tông. Vua Thánh Tông (húy Trần Hoảng, 1258 – 1278) là anh ruột các vị Trần
Quang Khải , Trần Nhật Duật ... , vua lấy chị họ (bà này là em ruột Tuệ Trung
thượng sĩ Trần Quốc Tung và Hưng Đạo đại vương). Vua Thánh Tông nhường ngôi cho
con trưởng là Nhân Tông. Vua Nhân Tông (húy Trần Khâm, 1279 – 1293) lấy con gái
ngài Hưng Đạo đại vương. (Sử gia cho rằng
những cuộc hôn nhân này là trái luân lý, kể cả việc ngài Quốc Tuấn lấy cô ruột
là Thiên Thành công chúa).
Vua Nhân Tông sinh năm 1258. Lúc nhỏ
thích ăn chay nên gầy gò, và mong đi tu nên muốn nhường chỗ hoàng thái tử cho
em nhưng vua cha không chịu. Đã có lần,
ngài trốn khỏi hoàng cung tìm đường lên núi Yên Tử nhưng không thành công vì
vua cha tìm được khi ngài trú tại một ngôi chùa trên lộ trình và bắt trở về. Năm 1279, ngài lên ngôi, vua cha làm thái thượng
hoàng cùng lo việc nước. Năm 1293, ngài nhường ngôi cho thái tử Trần Thuyên, tức
vua Anh Tông, làm thái thượng hoàng được 6 năm thì đi tu và viên tịch năm 1308
tại núi Yên Tử, thọ 51 tuổi.
Vua Nhân Tông là một vị minh quân, thông minh, quả cảm, nhân từ, lại được
thái thượng hoàng cố vấn việc triều chính và nhiều người tài giỏi bên cạnh giúp
đỡ như ngài Hưng Đạo đại vương. Chúng ta
luôn luôn nhớ đến hội nghị Bình Than và hội nghị Diên Hồng. Bình Than là một địa điểm gần nơi sông Đuống
đổ vào sông Thái bình, nơi đó vua triệu tập các vị tướng lãnh và tôn thất tới họp
để quyết định chính sách đối phó với quân Nguyên, tất cả cương quyết
“đánh”. Trần Quốc Toản còn ít tuổi không
được vào họp, uất ức lắm, tay cầm quả cam mà bóp nát lúc nào không hay, về
chiêu tập được hơn một ngàn quân tham gia kháng chiến, lập nhiều công. Diên Hồng là tên một điện trong hoàng
cung. Vua triệu tập bô lão đến để hỏi ý
kiến nên hòa hay nên chiến. Tất cả đồng
thanh “quyết chiến!”. Vua thuận lòng dân, lòng chư tướng và tôn thất, cương quyết
chống giặc. Nay ai cũng phải chịu rằng ở
cuối thế kỷ XIII, nơi nơi còn là chế độ phong kiến, thế mà ở nước ta, đã có dân
chủ!
Dười triều vua Nhân Tông, việc văn học thịnh đạt lắm. Ông Nguyễn Thuyên dùng chữ nôm, gây được một tinh thần tự chủ trong nền văn học nước ta,
người ta theo vua Nhân Tông mà gọi ông là Hàn Thuyên vì ông đã làm bài Văn tế cá sấu để đuổi nó đi, như ông Hàn
Dũ đã làm ở bên Tàu.
Nhà vua thấy giặc bên Ai Lao tràn qua biên giới cướp bóc và sát hại dân
lành nên phải xuất quân tiễu trừ. Khi đã
đi tu rồi, vào năm 1301 ngài có sang thăm Chiêm Thành xem phong cảnh, hội kiến
cùng vua Chế Mân nước đó và hẹn gả cháu nội (con vua Anh Tông) là công chúa Huyền
Trân cho. Sau khi Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý làm đồ dẫn cưới, vua
Anh Tông chấp thuận (1306) gả công chúa cho Chế Mân; hơn một năm sau Chế Mân chết,
tội nghiệp cô công chúa! May mà không bị
lên đài hỏa thiêu theo chồng, vì vua ta cho người sang tìm cách đưa công chúa hồi
hương.
Sử ghi rằng vua Nhân Tông chỉ làm thái thượng hoàng đến năm 1299 thôi, sau
đó xuất gia lên tu ở núi Yên Tử. Ngài
chuyên tu theo hạnh đầu đà, nghĩa là
tu khổ hạnh. Hiệu của ngài là Hương Vân đại đầu đà. Ngài còn được gọi
là Điều ngự Giác hoàng, tên này không
phải ngài tự đặt mà là do vua cha đặt, Điều ngự
là một trong thập hiệu của đức Phật, giác hoàng là ông vua giác ngộ. Theo đúng hạnh đầu đà, ngài từ chối mọi tiện
nghi dành cho một quốc vương, không dùng xe, ngựa mà chỉ đi bộ. Ngài lập chùa, độ tăng, người theo học rất
đông. Sau, ngài về quê ở phủ Thiên Trường,
tỉnh Nam Định, lập giảng đường ở chùa Phổ Minh, truyền dạy Phật pháp tại
đó. Rồi ngài trụ tại am Tri Kiến. Ngài
khuyên dân chúng bỏ những nơi thờ tà thần, và hành thập thiện. Ngài truyền bá Thiền tông nhưng đối với những
ai căn cơ chưa đủ, ngài dạy tu thập thiện, dễ dàng hơn. Sau, ngài lại cho đệ tử giảng kinh, như kinh Pháp Hoa. Ta thấy rõ ngay rằng chủ trương của ngài là thiền giáo song tu.
Tại sao xuất gia trong một thời gian ngắn mà trình độ của ngài lại cao như
vậy? Lúc nhỏ ngài đã tìm hiểu Phật pháp,
khi lên ngôi, ngài luôn luôn đến chùa Tư Phúc trong hoàng cung để tu tập và đàm đạo với các thiền sư. Nhờ thông minh nên ngài thông suốt mau lẹ
sách vở thánh hiền và kinh điển. Ngài gọi
Tuệ Trung thượng sĩ là bác, nhưng về phương diện đạo pháp ngài tôn Tuệ Trung
làm thày [mới đây, 1999, một người cho tôi biết rằng Tuệ Trung là con đức Hưng
Đạo chứ không phải là anh, vậy Tuệ Trung vừa là anh họ vừa là anh vợ của vua
Nhân Tông. Điều này cần xét lại
sau]. Khi còn ít tuổi, chưa làm vua,
ngài thỉnh ý Tuệ Trung thượng sĩ thế nào
là yếu chỉ thiền, và được trả lời: “Phản
quang tự kỷ”(quay ánh sáng lại xét mình), ngài tu theo đường lối đó và ngộ
đạo. Người ta cho rằng ngài đắc đạo là
do tu từ các kiếp trước rồi, căn cứ vào lời truyền rằng ngài nằm mơ thấy hoa
sen mọc nơi bụng, trên hoa có Phật đứng và khi đó ngài nghe thấy tiếng nói ngài
là Phật (ngài kể cho vua cha nghe, vua cha mừng và gọi ngài là Điều ngự Giác
hoàng vì lẽ đó).
Ngài nhập diệt tại am Ngọa Vân trên núi Yên Tử năm 1308, thọ 51 tuổi.
Chúng ta biết rằng Thiền tông vào Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước nhà Trần,
có ba phái Vô Ngôn Thông, Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi, Thảo Đường. Đầu thế kỷ thứ XIII, ba phái gộp lại thành một
tông, ở núi Yên Tử, vì thế gọi là phái
thiền Yên Tử. Mở đầu cho việc thống nhất là ngài Thường Chiếu (mất
1203). Sơ tổ là ngài Hiện Quang (mất
1221) Truyền mấy đời, qua các ngài Đạo Viên, Huệ Đăng, Tiêu Diêu, Huệ Tuệ, đến
ngài Hương Vân, sách gọi tổ thứ 6 này là Trúc
Lâm. Chủ trương thiền giáo song tu là một sáng tạo đặc biệt nên từ đó nước ta có một
môn phái độc lập với Thiền tông Trung Hoa, đó là Trúc Lâm Yên Tử, sơ tổ chính là ngài Trúc Lâm (= Điều ngự Giác
hoàng = Hương Vân đại đầu đà), nhị tổ là ngài Pháp Loa, tam tổ là ngài Huyền
Quang.
[Theo Nguyễn Lang, viết trong Việt
Nam Phật giáo sử lược, thì Đạo Viên hay Viên Chứng hay Trúc Lâm quốc
sư là một người, đã gặp vua Trần Thái
Tông khi vua bỏ hoàng cung trốn lên núi Yên tử, để “tìm Phật”].
Sơ tổ đã soạn những tác phẩm sau này:
1/ Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục. 2/ Trúc Lâm Hậu Lục. 3/ Thạch Thất Mỵ Ngữ. 4/ Đại Hương Hải Ấn Thi Tập. 5/ Tăng Già Toái Sự. Những tác phẩm này không còn đầy đủ, chỉ còn
rải rác ở các nơi trích lại. Có vài bản
chữ Nôm, nay người ta biết một bài phú và một bài ca: Cư Trần Lạc Đạo Phú và Đắc
Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca.
Đọc những chỗ ngài dạy môn đồ với tư cách
một thiền sư, chúng tôi không hiểu.
Đây là một thí dụ:
Pháp Loa hỏi: Thế nào là Phật? Ngài
đáp: Tấm cám ở dưới cối.
- Thế nào là ý tổ sư từ Ấn sang? -
Bánh vẽ.
- Thế nào là đại ý Phật pháp? -
Cùng hầm đất không khác.
- Xưa, khi một vị tăng hỏi Triệu Châu rằng con chó có Phật tánh không, thì
ngài trả lời rằng không, như vậy ý chỉ thế nào? - Chất muối ở trong nước.
Khi được giảng thì tôi thấy lóe ra một chút như sau: - Trả lời câu thế nào là Phật , sơ tổ nói tấm
cám dưới cối là muốn bảo rằng Phật là tâm, tâm là Phật, hai mà là một. Trả lời rằng ý tổ sư từ Ấn Độ sang là bánh vẽ,
sơ tổ muốn bảo rằng bánh vẽ ăn không no đâu, hãy quay vào mà tìm Phật tánh ở
bên trong mình, đó mới là bánh thật.
“Cùng hầm đất không khác” nghĩa là cũng giống như câu hỏi trên, vì đào đất
thì các tảng đất giống nhau cả. Còn câu
cuối, ý ngài bảo rằng trong nước biển có sẵn muối rồi, trong chúng sinh có Phật
tánh rồi, nhìn ngoài không thấy, phải tu quay vào trong mới thấy.
Có vị tăng hỏi: Thế nào là Phật?
Sơ tổ đáp: - Nhận đến như xưa vẫn chẳng phải.
- Thế nào là Pháp? - Nhận đến
như xưa vẫn chẳng phải.
- Thế nào là Tăng? - Nhận đến
như xưa vẫn chẳng phải.
Khó hiểu quá! Trong nhà thiền, thày
trò người ta hiểu nhau, “thông tin” với nhau bằng trực giác, và cũng có khi trò
không lĩnh hội nổi. Nghe chuyện thiền,
muốn thưởng thức, chắc phải đến một mức ngộ nào đó, hoặc là phải có thiền sư giảng
cho như nhờ thày toán tặng cho lời giải đáp một đề toán khó. Bài toán này, chúng tôi may, gặp được lời giải
như sau: Nhận một cái gì tức là cái đó
có từ bên ngoài. Phật tánh ở bên trong
mà, nhận sao được! Pháp và Tăng ở
ngoài, thế thì nói sao? Không, Phật là
Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh, cả ba thu về một, nên câu trả lời như nhau,
có vậy thôi!
[Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh, đó là lời của Lục tổ Huệ Năng].
Đây là một bài thơ dịch từ chữ Nho, đầu đề là Xuân vãn (Cuối xuân)
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá Đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
|
Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,
Xuân về hoa nở rộn tơ lòng.
Chúa xuân nay bị ta khám phá,
Nệm cỏ ngồi yên, ngó cánh hồng.
|
Lúc trẻ, chưa hiểu Phật pháp, sắc không là gì, nên khi xuân về thì lòng hớn
hở. Đến khi đã khám phá ra bộ mặt thật của
chúa xuân rồi, tức là đã ngộ rồi thì đứng trước cảnh, tâm không lay động, ngồi
yên trên nệm thiền nhìn hoa rơi!
Việt Nam Phật giáo sử luận , tập 1, trang 314, có
ghi vài lời thuyết pháp của sơ tổ, như sau: “Đạo lớn bao la, làm sao ràng buộc
được bằng ý tưởng, thể tính lặng yên, không thiện không ác, hễ phân biệt thì sẽ
xuất hiện nhiều mối phức tạp, hễ khởi ra một mảy may quan niệm thì tự khắc tan
biến. Phàm và thánh cùng chung một mối,
thị và phi đâu phải hai đường, cho nên hãy biết rằng trong tự tánh thì tội phúc
vốn không, nhân quả chẳng thật. Ai ai
cũng có đủ thể tính ấy, người người đều đã viên thành. Phật tính và Pháp thân như hình với bóng, tùy
lúc chìm tùy lúc hiện, không phải một, cũng không phải hai, ở ngay trước mặt
ta, ở ngay dưới mũi ta, vậy mà dương mắt nhìn dễ gì trông thấy, bởi đã có ý đi
tìm sẽ không bao giờ thấy đạo. Ba ngàn
pháp môn đều ở trong gang tấc, hằng sa hiệu dụng đều có sẵn ở nguồn tâm. Cái gọi là giới môn, định môn, tuệ môn, các vị
không ai là không có đủ. Nên trở về quan
sát nơi tự tâm: khi nghe âm thanh, khi thấy hình sắc, khi tay cầm, chân bước,
thì đó là công dụng của thể tính nào?
Tính ấy thuộc về tâm nào? Tâm và
tính cùng rõ ràng thì cái gì là phải, cái gì là không phải? Pháp tức là Tánh, Phật tức là Tâm, vậy thì
tánh nào không phải pháp, Tâm nào không phải Phật? Phật cũng là Tâm, Pháp cũng là Tâm ...”
Lời dạy của ngài thúc đẩy chúng ta “phản quang tự kỷ”, tìm Phật tánh, Chân
tâm ngay bên trong chúng ta, chẳng nên lăng xăng tìm cầu ở bên ngoài.
Chúng ta học tập như vậy, nghe giảng như vậy, có thể là đã biết như vậy, thế
mà phàm vẫn hoàn phàm, lý do đơn giản là chưa chịu “phản quang tự kỷ” nên bờ
giác ngộ hãy còn xa!
Tượng thờ Hương Vân Đại
Đầu Đà – Trần Nhân Tông
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét