Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

TẠI SAO ? (41-45)

TẠI SAO ? (41-45)
Sưu tầm từ VietSciences. Free
-o0o-
41- Tại sao cá sống dưới băng thường tụ tập đến các lỗ thủng?
Về mùa đông, nhiệt độ ở các nước hàn đới xuống rất thấp, thường dưới 0 độ C nên ao hồ sông ngòi đều bị phủ một lớp băng dày. Trong thời gian này, cá sống dưới đáy hồ rất thích bơi đến những lỗ thủng của lớp băng và liên tục sủi tăm. Tại sao vậy?
 

Chúng ta đều biết nước có thể hòa tan một phần ôxy trong không khí. Nói chung nước ở các ao hồ sông ngòi có thể tự cung cấp ôxy đủ để cá thở.
Khi nước mới đóng băng, lượng oxy hòa tan còn nhiều, cá dồn xuống đáy hồ sống ở tầng nước ấm áp, lúc này chúng hoạt động rất ít, quá trình thay đổi tế bào diễn ra chậm hẳn lại. Nhưng lớp băng mỗi ngày một dày, ôxy trong không khí rất khó hòa tan vào nước. Mặt khác, hàm lượng oxy trong nước giảm dần do bị các loài tiêu thụ và do quá trình phân huỷ các chất hữu cơ ở đáy hồ. Đồng thời, hàm lượng carbonic trong nước tăng dần, nếu vượt quá giới hạn sẽ khiến cá không sống được.
Hiện tượng thiếu oxy xuất hiện trước tiên ở tầng nước sâu, và lan dần lên các tầng trên. Do khó thở ở tầng đáy hồ, cá phải ngoi lên cao. Nhưng lượng oxy ngày càng giảm khiến cá hô hấp rất khó khăn, bởi vậy chúng thường tập trung ở xung quanh những lỗ thủng của lớp băng để thở, thậm chí có con còn nhảy lên miệng hố.
Một nguyên nhân khác của hiện tượng này là vì cá rất thích ánh sáng. Tầng nước sâu ở dưới lớp băng thường tối mờ, trong khi ở dưới những lỗ thủng thường có nhiều ánh sáng mặt trời chiếu xuống.
Để bổ sung ôxy cho hồ nuôi cá, ở các nước hàn đới, về mùa rét người ta phải đục thủng nhiều lỗ ở lớp băng trên hồ, nhờ thế đàn cá sẽ an toàn sống đến mùa xuân.
42- Nhảy xuống từ một toa xe đang chạy, phải làm thế nào ?
Nếu ta nhảy về đằng trước khi xe đang chạy, dĩ nhiên là không những không trừ được vận tốc mà ngược lại, làm tăng nó lên. Lập luận như vậy, ta sẽ suy ra rằng phải nhảy về phía sau. Bởi vì khi đó, vận tốc nhảy trừ vào vận tốc của xe, nên khi chạm đất, thân ta sẽ phải chịu lực ít hơn. Nhưng trên thực tế, nhảy như vậy lại rất nguy hiểm. Tại sao? 
Câu trả lời là, dù nhảy về đằng trước hay đằng sau, ta cũng đều có cơ bị ngã, vì khi chân chạm đất dừng lại rồi thì phần trên của thân người vẫn chuyển động. Vận tốc của chuyển động này khi nhảy về phía trước quả là có lớn hơn nhảy về phía sau, nhưng điều quan trọng ở đây là ngã về đằng trước ít nguy hiểm hơn hẳn ngã về đằng sau.
Khi ngã về phía trước, do chuyển động đã thành thói quen, ta thường bước chân lên phía trước (nếu xe chuyển động nhanh ta sẽ chạy theo vài bước), và nhờ thế mà không ngã. Chuyển động đó đã thành thói quen, vì cả đời ta đã thực hiện nó trong lúc đi (theo quan điểm cơ học, đi chẳng qua là một loạt các động tác ngã thân người về đằng trước và được đỡ lại nhờ việc bước chân lên phía trước). Còn khi ngã đằng sau, do không có chuyển động cứu nguy như vậy của chân, nên nguy hiểm hơn nhiều. Mặt khác, còn một điều quan trọng nữa là, dù bị ngã thì ngã về đằng trước, nhờ có tay chống, cũng đỡ nguy hiểm hơn ngã về đằng sau.
Tóm lại, nhảy ra khỏi xe về đằng trước ít nguy hiểm hơn là do cấu tạo cơ thể chúng ta chứ không phải do quán tính. Rõ ràng là đối với những vật vô tri thì quy luật đó không áp dụng được: Một cái chai ném ra khỏi xe về đằng trước dễ bị vỡ hơn khi ném về phía sau. Vì vậy, nếu phải nhảy khỏi toa xe vì một lý do nào đó, bạn nên ném đồ về phía sau, còn chính mình thì phải nhảy về phía trước.
Nếu có kinh nghiệm và bình tĩnh hơn, bạn hãy nhảy lùi: Nhảy về phía sau nhưng vẫn quay mặt về phía trước.
43- Vì sao một số thực vật rỗng thân ?
Cùng một lượng vật liệu, nếu đúc thành chiếc cột chống to và rỗng thì chịu lực khỏe hơn nhiều so với chiếc cột đặc nhưng nhỏ. Các loài cây họ hòa thảo như ngô, lúa nước, lau sậy, tre, nứa… đã áp dụng đúng bí quyết xây dựng này, trở thành nhóm thực vật tiến hóa cao nhất.
Nếu cắt ngang thân cây, quan sát mặt cắt, có thể thấy cấu tạo chung của thân cây như sau: Ngoài cùng là một lớp biểu bì, đôi khi phủ lông hoặc gai nhọn. Mặt trong biểu bì là tầng vỏ, chứa mô vách mỏng và mô chống đỡ vững chắc. Cả tầng vỏ và biểu bì đều mỏng. Bên trong hai tầng này là tầng trụ. Đây là nơi quan trọng nhất trong thân cây, chứa các bó mạch, vận chuyển nước và thức ăn. Trong cùng của phần trụ là tủy cây, nơi dự trữ thức ăn.
 
Cây ngô thuộc Họ Hòa Thảo có thân rỗng
Các loại cây họ thảo rỗng thân, đó là vì phần tủy cây đã sớm bị thoái hóa. Khi còn non, thân cây vốn đặc, nhưng sau quá trình tiến hóa lâu dài, phần tủy này tiêu biến theo hướng có lợi cho cây. Mô chống đỡ và bó mạch gỗ trong thân cây giống như giầm trong kiến trúc bê tông cốt sắt, có nó cây mới đứng thẳng không đổ. Nếu thân cây được tăng cường mô chống đỡ và bó mạch gỗ giảm bớt, thậm chí tiêu biến đi, bộ phận tủy cây mềm nhũn, cây sẽ có kết cấu hình ống, như vậy lực chống đỡ sẽ lớn, lại tiết kiệm được nguyên liệu.
44- Tại sao muỗi thích đốt người mặc đồ sẫm màu ?
Đôi khi bên bàn ăn, bạn bị muỗi đốt chí tử, trong khi nhưng người khác vẫn bình an vô sự. Có thể bạn cho rằng máu mình "ngọt" hơn, nên chúng thích tìm đến. Thật ra, đó là vì màu quần áo bạn rất hợp "gu" của chúng.
Muỗi ít khi đốt người mặc đồ sáng màu, vì chúng bị lóa mắt.
Khả năng phân biệt màu sắc nằm ở đôi mắt muỗi. Đôi mắt này rất to, chiếm tới ¾ diện tích phần đầu, gồm nhiều mắt nhỏ ghép thành, gọi là “mắt ghép”. Mắt muỗi không những phân biệt được các vật khác nhau mà còn có thể nhận biết màu sắc và cường độ ánh sáng mạnh yếu.
Đa số các loài muỗi đều thích ánh sáng mờ; tối quá hoặc sáng quá đều không hợp "gu" của chúng. Khi chúng ta mặc quần áo sẫm màu, ánh phản quang hơi tối rất hợp với tập tính hoạt động của muỗi.
Ngược lại, quần áo màu trắng phản quang mạnh sẽ xua đuổi muỗi  tránh xa. Vì thế, người mặc quần áo sẫm màu dễ bị đốt nhiều hơn.
Đương nhiên do muỗi có nhiều loài khác nhau nên cường độ ánh sáng ưa thích của mỗi loài không giống nhau. Ví dụ, phần lớn loài muỗi vằn thích hoạt động ban ngày, còn các loài muỗi khác thích hoạt động vào lúc sẩm tối hoặc rạng sáng. Nhưng dù là loài muỗi nào, chúng cũng đều lẩn tránh nơi có cường độ ánh sáng cao. Ngay cả loài muỗi vằn thích hoạt động ban ngày thì cũng phải sau 3-4 giờ chiều mới tung hoành.
45. Tại sao nước biển mặn?
Có người nói nước biển mặn vì hòa tan rất nhiều muối. Nhưng đó không phải câu trả lời, bởi muối ở đâu mà ra? Không lẽ nước sông, nước hồ không có muối hòa tan mà chỉ có nước biển?
Trung bình, trong 1 kilogram nước biển có 35 gram muối.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Có hai giả thuyết:
- Giả thuyết thứ nhất cho rằng ban đầu nước biển cũng ngọt y hệt nước sông, nước hồ. Sau đó, muối từ trong nham thạch và các lớp đất xói mòn, theo mưa chảy ra các dòng sông. Rồi các dòng sông đổ về biển cả. Nước biển bốc hơi, trút xuống thành những cơn mưa. Mưa lại đổ ra các dòng sông... Cứ như vậy, theo thời gian, muối đã lắng đọng dần xuống biển, khiến biển ngày càng mặn hơn. Theo đó, dựa vào hàm lượng muối trong nước biển, người ta có thể tính ra tuổi của nó.
- Giả thuyết thứ hai cho rằng, ngay từ đầu nước biển đã mặn như vậy. Lý do là các nhà khoa học thấy rằng, hàm lượng muối trong nước biển không tăng lên đều đặn theo tuổi của trái đất. Khi nghiên cứu những lớp đất đá trong các hang động bị nước biển tràn vào, người ta thấy rằng, hàm lượng muối trong nước biển luôn thay đổi, khi lên khi xuống chứ không cố định. Đến nay, người ta vẫn chưa biết tại sao lại như vậy.

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: