TẠI SAO ? (46-50)
-o0o-
46 - Vì sao ngài tằm đẻ trứng xong
là chết ngay ?
Hầu
hết các loài sinh vật đều sinh sản và đợi con non cứng cáp rồi mới chết. Nhiều
loài còn đợi được đến các thế hệ cháu chắt sau lũ lượt ra đời. Thế nhưng, ngài
tằm vừa đẻ trứng xong là chết ngay. Tại sao lại như vậy?
Khi
con ngài bay bổng trên bầu trời, ấy là nó đã trải qua một "kiếp" tằm.
Tằm ăn lá, nhả tơ, quấn kén, rồi thành ngài. Khi đó, nó đã ở giai đoạn cuối
cùng của một đời sống sinh vật. Lúc này, miệng của nó đã bị thoái hóa,
không thể ăn được gì nữa.
Trong
khi mang trứng, ngài đã dự trữ khá nhiều chất dinh dưỡng cho sứ mệnh
cuối cùng của nó - sứ mệnh truyền giống. Khi đẻ trứng, nó bị kiệt sức
rất nhanh. Và khi quả trứng cuối cùng ra đời, nó lặng
lẽ giã từ sự sống. Đó cũng là định mệnh của họ hàng nhà tằm.
47 - Tính tuổi của cây bằng cách
nào?
Trong
thiên nhiên có cây to, cây nhỏ, cây sống nghìn năm, cây sống mấy chục năm. Làm
thế nào để biết tuổi của chúng? Phương pháp tin cậy nhất là đếm số
vòng tròn trong thân cây khi cắt ngang. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, bạn có
thể nhầm đấy!
Nếu
cắt một lát mỏng ngang qua thân cây, dưới kính hiển vi có thể quan sát thấy
từng bó mạch gỗ. Lớp ngoài bó mạch gỗ là phloem, lớp trong là xylem, giữa lớp
phloem và xylem là lớp thượng tầng. Thân cây to lên được là nhờ có lớp
thượng tầng này. Hàng năm nó đều phân chia tế bào, sản sinh ra lớp phloem và
xylem mới nên thân cây cứ mỗi năm lại to dần ra.
Trong
điều kiện thời tiết khác nhau, lớp thượng tầng cũng phát triển khác nhau. Từ
mùa xuân đến mùa hè, cây sinh trưởng thuận lợi, nên tế bào thượng tầng phân
chia nhanh, vách tế bào mỏng, xenlulô ít, các ống mạch dẫn nước nhiều. Chất gỗ
tạo ra trong mùa này gọi là gỗ mùa xuân hay gỗ đầu năm. Đến mùa thu - đông,
thời tiết khắc nghiệt hơn, các tế bào thượng tầng phân chia chậm, vách tế bào
dày, xenlulô nhiều, mạch dẫn ít. Chất gỗ tạo ra trong mùa này gọi là gỗ mùa
thu, hay gỗ cuối năm.
Khi
cưa ngang thân gỗ, bạn sẽ thấy chất gỗ và màu sắc mỗi vòng khác nhau. Trong đó,
thớ gỗ thô, màu nhạt chính là gỗ xuân; thớ mịn, màu thẫm chính là gỗ thu. Một
vòng tròn gồm màu nhạt và thẫm chính là một vòng tuổi, do cây tạo ra trong một
năm. Vì vậy, dựa vào số vòng này, người ta có thể đoán ra tuổi cây.
Tuy
nhiên, không thể dùng công thức này để tính tuổi tất cả các loại cây. Ví dụ một
số cây như cam, quýt, mỗi năm có tới 3 lần sinh trưởng, vì thế số vòng tuổi
được gọi là “vòng tuổi giả”. Tức là, 3 vòng chỉ tương đương với 1 tuổi
thôi.
48
– Tại sao trong sa mạc có ốc đảo?
Giữa
sa mạc mông mênh cát trắng, không một giọt nước, thỉnh thoảng lại xuất hiện
những ốc đảo xanh tươi với nhiều động thực vật đa dạng. Tại sao ở đây có
nhiều nước như vậy, dù rất ít mưa?
Đa
số các ốc đảo đều dựa vào núi cao, hướng ra sa mạc. Vào mùa đông, băng tuyết
đọng lại trên đỉnh núi. Đến mùa hè, băng tan ra, chảy thành sông. Do địa thế
dốc nên nước chảy xiết, mang theo bùn đất, thậm chí cả các tảng đá lớn từ trên
núi. Nhưng khi đến cửa sông, địa thế đột nhiên bằng phẳng, bùn đất lắng đọng
lại hai bên bờ, tích tụ dần thành những khu vực đất đai màu mỡ.
Đa
số các dòng nước không đủ mạnh để chảy ra biển, mà chỉ chảy một đoạn rồi thấm
vào đất cát thành các mạch nước ngầm. Ở hai vùng bờ sông, gần các mạch nước
ngầm, cây cối mọc xanh tươi. Đó chính là các ốc đảo.
49 – Tại sao vẹt, yểng học được
tiếng người?
“Mấy giờ rồi?”, “chào bác!’”, “ăn cơm chưa?”,
“tạm biệt”… Có tiếng ai the thé thốt lên từ góc vườn, nhìn ra, bạn sẽ kinh ngạc
khi thấy đó không phải là tiếng của chủ nhà, mà là tiếng một chú vẹt tinh
nghịch. Làm sao nó nói được nhỉ?
Thực
ra, đại não của vẹt không phát triển như đại não của người, không có sẵn điều
kiện để biết nói. Những câu phát âm đơn giải của chúng chỉ là
một kiểu bắt chước vô thức, mà phải do người dạy mới hình thành. Trong trạng
thái hoang dã, hiếm thấy con vẹt nào nói được.
Chỉ một vài loài
chim biết hót như vẹt, yểng, khướu là có thể học nói được.
Ngôn
ngữ là sản phẩm chỉ có trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Ngoài
sự cần thiết phải nhờ thanh đới (thông qua cử động nhịp nhàng của họng, lưỡi,
răng, môi) để phát âm, còn cần sự kết hợp từ vựng và quy luật ngôn ngữ mới có
thể biểu đạt tốt những điều nghĩ ra trong óc. Các loài vẹt, yểng có thể “nói”
được những câu đơn giản, chẳng qua là chúng có cái lưỡi vừa nhọn vừa nhỏ, mềm
và đầy thịt, nên chỉ biết lặp lại một chuỗi âm tiết mà người ta dạy cho nó
thôi. Chưa bao giờ người ta thấy chúng nói được những câu phức tạp cả.
Nhìn
chung, loài chim sinh ra là có thể phát âm. Khi người ta thường xuyên lấy vài
âm tiết nào đó để gây ảnh hưởng với chúng, lâu ngày chúng sẽ bắt chước được.
Tình huống này gọi là phản xạ nói vô điều kiện. Sau này, mỗi khi gặp người, do
bị kích thích mà sinh ra phản ứng, chúng nhắc lại mấy âm tiết đơn giản đã học
được, đây là phản xạ có điều kiện.
Trong
giới động vật, chỉ có loài chim (nhất là những loài biết hót) là có thể bắt
chước âm thanh của đồng loại và tiếng kêu của các động vật khác. Còn học nói
tiếng người chỉ giới hạn ở vài loài biết hót, như vẹt, yểng, khướu.
50-
Vì sao trong bụng nhặng xanh có rất nhiều dòi?
Một con nhặng xanh có
thể mang trong bụng hàng trăm con dòi.
Khi
bạn dùng vỉ đập chết một con ruồi nhà, trong bụng nó không có gì. Nhưng khi
đánh một con nhặng xanh thì từ bụng nó thường chui ra rất nhiều dòi. Có người
nói rằng vì nhặng xanh ăn phân, bụng thối rữa nên mới sinh ra nhiều dòi như
vậy...
Có
người lại bảo nhặng xanh ăn phải trứng ruồi, và trứng này nở thành dòi trong
bụng chúng. Thực ra, cả hai cách nói này đều sai.
Ruồi
nhà và nhặng xanh khác nhau ở chỗ: Ruồi nhà đẻ trứng còn nhặng xanh "đẻ
con". Nói đúng ra, nhặng xanh không đẻ trứng mà đẻ ra ấu trùng: dòi. Bởi
thế, trong bụng một con nhặng mẹ thường có rất nhiều dòi.
Rệp cây
Trong
thế giới côn trùng, hiện tượng "đẻ con" như nhặng xanh không phải
hiếm. Ví dụ, loài rệp cây ký sinh trên các cây lương thực cũng đẻ ra ấu
trùng. Tuy nhiên, hiện tượng "mang thai" của côn trùng khác hẳn với
các loài động vật có vú. Trứng của động vật có vú rất nhỏ, nhỏ đến mức mắt
thường khó nhìn thấy. Nhưng khi được thụ tinh, trứng này sẽ phát triển thành
phôi, và phôi ngày một lớn dần thành thai non. Còn trứng của côn trùng lớn hơn
rất nhiều, chất dinh dưỡng bên trong đủ nuôi để con non phát triển, không cần
mẹ. Thực tế, hiện tượng "đẻ con" của côn trùng chỉ là giả, và về bản
chất, nó không khác gì đẻ trứng, chỉ khác chăng một đằng là con non nở trong
bụng mẹ, một đằng là nở ở ngoài mà thôi.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét