Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

THIÊN TÀI ÂM NHẠC (1)

NHỮNG THIÊN TÀI ÂM NHẠC (1)
-o0o-
1. Johann Sebastian Bach (1678-1750)
Johann Sebastian Bach sinh ngày 21 tháng 3 năm 1678 trong một gia đình âm nhạc tại thành phố Eisenach, Weimar, Ðức Quốc. Năm lên 7 tuổi, Bach vào học ở một trường La Tinh. Những lúc đó, cha mẹ ông tiếp nhau qua đời, cho nên phải đến ở nhà người anh là Ohrdruf.
Ở đây với thành tích ca hát giỏi cho nên được vào học tại một trường địa phương. Ðể có hoc phí đóng tiền trường, Bach làm nghề thủ công và đi hát dạo trong những giờ nghỉ. Trong thời gian này, ông lén người anh, lấy từ trong tủ sách ra một bản chép tay những bài nhạc của một bậc thầy lớn tại Ðức thời đó là Froberger. Ông lén chép trong lúc trăng sáng, trong suốt tháng trời mới xong. Chính việc làm nầy đã khiến cho thị giác của ông yếu dần. Về sau ông bị mù hẳn.
Khi lên 15 tuổi, khi người con thứ 5 của người anh sinh ra, cuộc sống khó khăn, cho nên Bach phải ra đi, sống với thân côi cút. Bach chuyển đến học tại một trung tâm âm nhạc thuộc tôn giáo ở miền Bắc nước Ðức của nhà thờ Thánh Michael Skirche. Nhờ có tài ca hát cho nên Bach được giữ nhiệm vụ trưởng đội hợp xướng tại trường này. Ðội này thường phải tổ chức đi hát ở những nhà giàu có để kiếm tiền cho nhà thờ.
Những biến cố liên tiếp đã khiến cho Bach luôn luôn kiên cường trong thời niên thiếu và trở thành con người có tính độc lập. Trong thời gian này, nhà soạn nhạc Georg Bohm đã giúp đỡ Bach rất nhiều. Nhà soạn nhạc này rất yêu mến Bach đã giới thiệu cậu bé tới người thầy của mình là Johann Adam Reinken để học đàn phong cầm.
Nhưng Bach vẫn chưa hài lòng về việc trau dồi âm nhạc. Ðể có thể vào được cung đình để nghiên cứu âm nhạc của Pháp, Bach buộc phải gia nhập đội nhạc tại đó với cương vị là một nhạc sư sơ tập.
Nhờ vậy, Bach có cơ hội để tiếp xúc với Jean Baptiste Lully là một nhạc sư giỏi để học về cách soạn nhạc cho đàn giây và violon. Với lòng nhiệt thành và say mê, Bach đã hấp thu thành tựu nghệ thuật của phái âm nhạc ở Âu Châu thời bấy giờ và từ đó ông tự vươn theo một đường riêng biệt.
Năm 18 tuổi, vì để mưu sống, Bach chưa tốt nghiệp xong bậc Trung Học, đã phải đi tìm việc để mưu sinh. Giáo hội Armstadt bằng lòng bỏ một số tiền để mời Bach về giữ chức vụ thầy dạy đàn phong cầm. Khi nhận lãnh công việc này, Bach đã bộc lộ cá tính của mình một cách rõ rệt: ông thường cho thấy một sức sống và sự sáng tạo nhiệt tình của mình qua những buổi diễn tấu phong cầm ở giáo đường.
Ông cũng đã sáng tác một bản đại hợp xướng cho ngày lễ Phục sinh, nhan đề “Ngài đừng bỏ rơi linh hồn của chúng con trong địa ngục”. Trong bài hợp xướng này, ông đã đưa vào âm nhạc tôn giáo một kịch tính hiếm có.
Ngoài ra, với tư cách là một nhà soạn nhạc tôn giáo được nhà thờ mời, Bach thường vào cung đình để sáng tác những loại nhạc thế tục. Bản nhạc nổi tiếng của ông trong thời này có nhan đề “Cảm nghĩ khi anh em chia tay” cho đến nay vẫn còn lưu truyền. Nhạc phẩm này có chất trữ tình đặc biệt.
Từ những bản nhạc đầu tay này đã cho thấy Bach là người giỏi thể hiện đời sống và những tình cảm của những con người bình thường trong âm nhạc. Trong những lúc diễn tấu, ông thường đưa vào âm nhạc những âm hưởng kỳ lạ.
Ðiều này đã khiến cho một số người quen lối nhạc giáo đường không chấp nhận. Họ lên tiếng bài xích, để loại Bach ra.
Lại có chuyện không may cho ông, khi ông dẫn một phụ nữ vào nhà thờ tham gia đội hát, khi chưa được phép của Giáo hội địa phương. (Người phụ nữ này có tên là Maria Barbara, sau này là vợ của Bach).

Bach bỏ ra đi, và lợi dụng trong thời giờ nhàn rỗi này để đến Lubeck để nghe Dietrich Buxtehude, một danh cầm số một trong nước trình diễn phong cầm. Ðể nghiên cứu sáng tác và kỹ thuật diễn tấu, Bach đã lưu lại tại đây trong suốt mấy tháng trời để nghiên cứu. Do bị giáo hội khiển trách, cho nên Bach xin từ chức.
Sau đó, ông đến Muhlhausen, giữ vai trò dạy phong cầm cho nhà thờ Blausiuskirche. Ông sống tại đây trong vòng một năm với những vui thích của mình, nhất là làm lễ thành hôn với cô Maria Barbara. Hai vợ chồng này đã sinh được 7 người con; người con lớn và người con thứ sau này đều trở thành những nhà âm nhạc xuất sắc. Cuộc hợp tác với đội nhạc giáo đường cũng không lâu dài vì ông cảm thấy đã bỏ phí nhiều thì giờ vốn cần thiết cho nghiên cứu và sáng tác tự do của mình.
Tháng 7 năm 1708, Bach đến Weimar và tại đây, ông trở thành một nhà diễn tấu phong cầm bằng ống đồng có tên tuổi lừng lẫy và cũng thành nhạc sư phong cầm phát âm bằng ống đồng trong nhà thờ cung đình. Ðời sống tương đối sung túc hơn trước, nhưng về sau, vì muốn phát triển nghệ thuật của bản thân, ông lại xin từ chức. Ðơn của ông đệ trình nhiều lần nhưng không được chấp nhận; sau cùng ông đành bỏ trốn đi.
Ông lại bị bắt giam hơn một tháng, nhưng công tước Weimar cũng đành chấp nhận cho ông từ chức.
Trong bất cứ trường hợp nào, giáo đường cũng như cung đình, Bach luôn luôn bảo vệ và phát triển cá tính trong sáng tác và bảo vệ lòng tự trọng của mình. Có nhiều nhạc phẩm của ông sáng tác trong thời kỳ này, mặc dù phổ biến rộng rãi trong các giáo đường, tuy nhiên tất cả các tác phẩm đó đều được sáng tác với cảm xúc và suy tư của bản thân mình, cũng như sáng tác cho toàn thể nhân loại.
Ðối với một bậc thầy lớn về các mặt nghệ thuật, thì bất luận là sống ở đâu, Thượng đế của nghệ thuật vẫn luôn luôn là của mình”, Bach thường hay tự nhủ bản thân mình như vậy, trong suốt đời sáng tác.
Cả một cuộc đời của ông, mặc dù phần lớn thời gian phục vụ ở các giáo đường, nhưng thiên tài của ông bắt rễ từ dân gian, từ phong tục của từng lớp bình dân, và nó luôn luôn thở chung một hơi thở với nhân dân trong thời đại đó.
Trong những “nhạc khúc tôn giáo lớn” của ông như “Tiểu Khúc Mi-Sa” (Misa in B Monor) và “Bản Thánh Ca John thụ nạn”, ông vẫn dựa vào “tư tưởng và tinh thần thoáng rộng của mình”.
Nhằm đối phó với công việc bận rộn ở nhà thờ, ông thường xuyên đem thể loại nhạc Cantata nhờ các bạn của mình viết lời ca thế tục rồi sửa nó thành loại nhạc Cantata tôn giáo (Sacred Cantata). Ông mạnh dạn hát to những bài Cantata tôn giáo đó: “Hỡi những thú vui trụy lạc! Tôi không muốn tìm từ ngươi cái gì cả!”. Theo cách lảm nầy, trong một số bài hát khác của ông, Bach đã dùng một thủ pháp miêu tả cảnh vui thế tục để miêu tả Thượng Ðế. Theo ông, dù trong môi trường nào, vẫn có thể diễn đạt tư duy của cá nhân mình.
Bà Maria Barbara qua đời năm 1719, là nỗi đau thương ray rức mãi cho ông trong thời gian dài. Về sau, ông lại kết hôn với Anna Magdalena, một ca sĩ có giọng nữ cao. Họ có thêm 13 người con nữa. Ông muốn xa rời những kỷ niệm đau thương cũ.
Sau đó ông lại ra đi. Sau khi rời Weimar, Bach lại đến cung đình Kothen làm việc liên tục 6 năm, để rồi tới năm 1723 (38 tuổi) lại đến Leipzig. Tại đó, ông từng làm nhạc trưởng, làm nhà soạn nhạc của cung đình cho tới khi qua đời, trước sau kéo dài 27 năm.
Vào năm 54 tuổi, Bach đã có một sự lựa chọn quan trọng: ông từ bỏ mọi chức tước công khai, chỉ còn giữ lại chức vụ tại trường Thomas Kirche; với chức vụ này, ông trao hết công việc cho người phụ tá, riêng mình thì dồn hết thì giờ cho việc sáng tác, không quan hệ gì với việc nhà thờ nữa. Ðây là giai đoạn sáng tác sung sức nhất. Với phong cách sáng tác của một nhạc sĩ tự do, ông viết những nhạc phẩm lừng lẫy nhất “Nông dân”, “Cà phê” theo thể điệu bình dân Cantata. Ở đây, với niềm vui thú trong sáng tác của mình, ông rất trung thực với nguồn nhạc dân gian, thể hiện trọn vẹn cuộc sống tự do của mình.
Trong những nhạc phẩm của ông trong thời kỳ này, hầu hết đều được dùng trong những vũ khúc dân gian. Theo ông đó là cách thực hiện đầy đủ nhất nguồn biểu cảm chân thành của mình. Những thể điệu được dùng như điệu Waltz, vũ khúc Ba Lan, điệu Sarabande, điệu Mazurka và những điệu dân ca Ðức thịnh hành nhất bấy giờ đều được ông phát triển toàn diện.
Có nhiều thể điệu uyển chuyển, liên tục, thậm chí có đến 23 nhạc khúc liên tiếp. Trong nhạc ông, bao giờ cũng dùng bằng chất thơ hay cộng tác với các thi nhân để hợp soạn.
Lối biến điệu của Bach trong bất cứ thể loại nào cũng rất phong phú. Cả ngay những nhạc phẩm dùng trong giáo đường như “Tổ Khúc nước Pháp” (French Suites), “Tổ khúc kèn và đàn dây theo điệu C trưởng và B thứ”, “Khúc ảo tưởng nửa âm giai Fugu”, “Nhạc khúc bình quân luật cho dương cầm”...
Bach là một nhạc sĩ mộ đạo, theo tinh thần phóng khoáng; quan điểm này đã phản ánh khá rõ trong âm nhạc của ông; với ông, âm nhạc vốn cũng là một thứ tín ngưỡng.
Các tác phẩm của Bach trong lãnh vực này phải kể: Bản Concero Brandenburg, các Bản Thánh ca, Thánh John, Thánh Mathew. Một đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của ông là vào năm 1747 (3 năm trước khi qua đời) nhà vua Phổ Frederich Ðại Ðế đón tiếp ông cực kỳ long trọng, khi ông được mời đến Postdam. Sau đó ông bị đau mắt nặng rồi mù hẳn.
Dù mất đi, nhưng ảnh hưởng của Bach vẫn còn âm vang trong thế giới âm nhạc Tây Phương thế kỷ XVIII, XIV, cả đến ngày nay nữa.
Kiêm Thêm

---ooo0ooo---