Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

DI SẢN THẾ GIỚI (20)

 DI SẢN TG TẠI CHÂU Á VÀ CHÂU ĐẠI DƯƠNG (20)
BKTT Wikipedia
-o0o-
Tại Mông Cổ
Lưu vực hồ Uvs Nuur
Hồ Uvs Nuur là trung tâm của lòng chảo Uvs Nuur, với diện tích của lòng chảo này là khoảng 700.000 km² và là một trong những cảnh quan thào nguyên tự nhiên được bảo tồn khá tốt của đại lục Á-Âu. Ngoài hồ Uvs Nuur, vùng lòng chảo này còn có một số hồ nhỏ khác, đáng chú ý là hồ Ureg Nuur, nằm ở cao độ 1.450 m trên mực nước biển.Do các hồ này nằm về phía bắc của các biển nội địa khác của khu vực Trung Á , nên chúng là các môi trường quan trọng cho các loài thủy cầm di cư.
Do lòng chảo này nằm trong ranh giới địa khí hậu giữa Siberi và Trung Á, nên nhiệt độ của nó dao động trong khoảng từ -58 °C về mùa đông tới 47 °C về mùa hè. Mặc dù khí hậu khắc nghiệt như vậy, nhưng trong khu vực của hồ này lại có một tiểu khí hậu thích hợp cho nhiều loài động và thực vật. Đây là quê hương của khoảng 173 loài chim và 41 loài động vật có vú, bao gồm các loài có mức độ đe dọa tuyệt chủng cao toàn cầu như báp tuyết, cừu aga  hay dê rừng châu Á.
Năm 2003, UNESCO đã liệt kê lòng chảo Uvs Nuur là di sản thế giới thiên nhiên.
Thung lũng Orkhon
Thung lũng Orkhon trải dọc theo  bờ sông Orkhon ở miền trung Mông Cổ , cách thủ đô Ulanbator  360 km về phía tây.
Các cảnh quan và công trình trong thung lũng Orkon bao gồm:
Các đài kỷ niệm của người Turk đầu thế kỷ 8  dành cho Bilge Khan  (Bì Già Khả Hãn) và Kul Tigin  (Khuyết Đặc Lặc) với các ký tự Orkhon, là các đài kỷ niệm được thừa nhận là ấn tượng nhất từ đế quốc Turk  du mục của người Đột Quyết  (Göktürk hay Kök-Türk). Chúng đã được các nhà khảo cổ học Nga khai quật và giải mã trong giai đoạn 1889-1893.
Các di tích của Khar Balgas , kinh đô thế kỷ 8 của đế quốc Duy Ngô Nhĩ , trên diện tích 50 km² với nhiều bằng chứng của các cung điện, cửa hàng, đền miếu, chùa chiền...
Các tàn tích của kinh đô Karakorum của Thành Cát Tư Hãn, có lẽ bao gồm cả cung điện nổi tiếng Xanadu.
Tu viện Erdene Zuu, tu viện Phật giáo đầu tiên tại Mông Cổ. Nó bị chính quyền cộng sản phá hủy một phần vào giai đoạn 1937-1940.
Tu viện Tuvkhun là một tu viện nổi tiếng khác, nằm trên một ngọn đồi ở độ cao 2.600 m trên mực nước biển . Nó cũng đã bị những người cộng sản phá hủy gần như hoàn toàn.
Các di tích của cung điện Mông Cổ thế kỷ 13 và 14 ở đồi Doit, được cho là nơi ở của đại hãn Oa Khoát Đài (Ögedei).
Cảnh quan văn hóa thung lũng Orkhon được UNESCO  công nhận là di sản văn hóa  do đây là đại diện cho sự tiến hóa của các truyền thống của dân du mục chăn thả kéo dài trong hơn 2.000 năm.
Tranh khắc đá trên dãy núi Altai
Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã công nhận Tranh khắc đá trên dãy Altai của Mông Cổ là Di sản văn hóa thế giới năm 2011.
Altai theo tiếng Mông Cổ có nghĩa là “vàng”, nếu ai đã từng đặt chân đến Altai sẽ đều công nhận rằng Altai là một vùng đất huyền thoại, nơi mà truyền thuyết có thể biến thành hiện thực. Dãy Altai là một trong những khu vực hiếm có trên trái đất, nơi mà thiên nhiên trong sạch nhất.
Các bức tranh khắc đá trên dãy Altai được tìm thấy là những minh chứng minh họa cho sự phát triển của nền văn hóa ở Mông Cổ trong khoảng thời gian khoảng 12.000 năm trước.
Các bức tranh khắc trên đá đều tập trung mô tả cuộc sống hàng ngày của người nguyên thủy, cảnh săn bắt, hái lượm…Những bức tranh sau đó cho thấy sự chuyển đổi sang đời sống chăn nuôi gia súc và mô hình này tiếp nối nhiều thế kỷ sau đó. Những bức tranh khắc đá tiếp theo cho thấy những cư dân thời cổ đại đã biết chăn thả ngựa và bắt đầu chuyển sang đời sống du canh du cư.
Cả dãy Altai có ba khu vực có tranh khắc đá đó là Khu Bayan – Ulgii; Khu Tsagaan Salaa – Baga Soum; Khu Upper Tsagaan Gol. Cả ba khu vực này đều có những bức tranh khắc đá thể hiện đời sống của cư dân tiền sử tại vùng đất Mông Cổ và trên dãy Altai.
Ba khu vực có tranh khắc đá này cũng đồng thời đều nằm trong các thung lũng cao tách khỏi dòng sông băng bên dưới. Các bức tranh đều mô tả tập tục sinh hoạt, các nghi lễ, cảnh săn bắn và sự phát triển nói chung của văn hóa loài người trong khoảng thời gian cách đây 12.000 năm.
Có một mối quan hệ bền vững và mật thiết giữa nghệ thuật khắc đá với tính chất địa lý của dãy núi, nồng độ chất ăn mòn từ dòng sông băng và đời sống, tập tục sinh hoạt của cư dân thời kỳ đó.  Các bức tranh khắc đá trên dãy Altai là một bản ghi nhớ đầy đủ nhất về lịch sử của cư dân khu vực giao điểm giữa miền Trung và Bắc Á.
Tranh khắc đá trên dãy Altai được công nhận là Di sản Unesco bời các tiêu chí:
Tiêu chí (iii): Tranh khắc đá trên dãy Altai của Mông Cổ cung cấp những tài liệu đặc biệt quan trọng trong sự tiến hóa của cộng đồng từ hàng chục nghìn năm trước đặc biệt là sự phát triển của cộng đồng cư dân tại các giao điểm miền Trung và miền Bắc Á.
Những bức tranh khắc đá cũng cho các nhà khoa học biết về những động vật đã từng sống trong khu vực dãy Altai như voi ma mút, đà điểu, tê giác, voi, hổ…Những con vật này được vẽ đơn giản với các đường nét cấu hình tĩnh. Bên cạnh tiêu chí trên, tranh khắc đá trên dãy Altai còn được công nhận bởi tính toàn vẹn của di sản này. Cả ba khu vực đều có lưu giữ được đầy đủ những bằng chứng khoa học về sự tiến hóa của cộng đồng. Cả ba khu vực đều là một bản ghi đầy đủ về văn hóa của con người trong thời gian khoảng 12.000 năm trước.
Không phải đến khi được công nhận là Di sản thế giới thì những bức tranh khắc đá mới nhận được sự quan tâm mà từ trước đó Chính phủ Mông Cổ đã rất chú trọng đến việc bảo tồn di sản này. Năm 2008, theo quy định của Luật bảo vệ Di sản văn hóa Mông Cổ, toàn bộ cả ba khu vực gồm Khu Bayan – Ulgii; Khu Tsagaan Salaa – Baga Soum; Khu Upper Tsagaan Gol đều được liệt vào danh sách những khu vực cần được bảo vệ đặc biệt. Trong điều luật quy định rất rõ về việc bảo vệ môi trường tự nhiên bao gồm cả nguồn nước, bầu không khí cũng như sự hạn chế trong việc phát triển đô thị.
Năm 2012, Luật bảo vệ Di sản văn hóa của Mông Cổ được Chính phủ sửa đổi. Theo đó, các quy định về bảo tồn di sản được đưa ra khắt khe và chi tiết hơn. Điều được đặc biệt chú ý là để bảo vệ tính toàn vẹn của Di sản văn hóa thế giới này, các nhà quản lý đã đưa ra ý kiến cần phải bảo vệ cả truyền thống sinh hoạt của người dân địa phương, bởi đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc Unesco lựa chọn cũng như công nhận Di sản. Những cư dân du mục được tuyên truyền và học về sự quan trọng của di sản cũng như ý thức trong việc giữ gìn di sản nơi họ sinh sống.
Mặc dù chưa thực sự thu hút đông du lịch song khu vực dãy núi Altai nói chung và những tranh khắc đá trên dãy Altai nói riêng là những tiềm năng du lịch lớn của đất nước Mông Cổ.
Theo Cinet.vn

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: