Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

CỤ BÀ 121 TƯỞI

 Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam có cả trăm con cháu
-o0o-
Dù đạt tới độ đại thượng thọ, 121 tuổi nhưng cụ bà Nguyễn Thị Trù ở xã Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM) còn lưu lại trên gương mặt, cử chỉ nét tinh anh.
Hiện cụ Trù đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam. Sắp tới, tổ chức Kỷ lục Việt Nam sẽ đề nghị tổ chức Kỷ lục châu Á cũng như tổ chức Kỷ lục Thế giới công nhận cụ Trù là người phụ nữ thọ nhất thế giới.
Mối tình đi làm đồng
Căn cứ để xác lập kỷ lục là giấy chứng minh nhân dân số 021172033 do Công an tỉnh Long An cấp ngày 25/7/1979. Theo giấy CMND này, cụ Trù sinh năm 1893, quê quán là huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Nơi thường trú là ấp 1 (nay là ấp 5), xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Cụ Trù đang sống cùng người con trai út là ông Nguyễn Hữu Phương (72 tuổi) và vợ ông là bà Nguyễn Thị Đoàn (75 tuổi). Theo quan sát của chúng tôi, cụ Trù hiện vẫn có thể đi được, nhưng rất yếu, tay chân cụ đã teo tóp, mắt cụ vẫn còn sáng, giọng nói vẫn còn chuẩn, riêng tai thì có hơi lãng.
Ông Phương cho biết, mẹ ông sinh 11 người con, ông là út. Hiện tại, anh chị em của ông chỉ còn lại 3 người gồm 1 người chị thứ Tám, người anh thứ Chín (theo cách gọi của người miền Nam-PV) và ông. Cũng theo ông Phương ông không nhớ chính xác là người anh đầu mình sinh năm bao nhiêu. Vì khi ông sinh ra và lớn lên, người anh này đã không còn. “Lúc đó, tôi có hỏi là anh bao nhiêu tuổi thì bị mẹ xách cây đánh túi bụi. Thời đó, không biết mẹ kiêng kỵ điều gì mà không cho tôi hỏi”, ông Phương nói.
Ông Phương kể: “Lúc còn nhỏ thỉnh thoảng có nghe ba kể về mẹ là một thiếu nữ đẹp và giỏi giang ở Cần Giuộc, Long An. Ba kể, trong lúc đi làm đồng đã gặp mẹ nên đem lòng yêu thương bởi cái tài và sắc. Một mình mẹ gặt lúa bằng gấp đôi người khác, bắt cá cũng rất giỏi. Về nhà ba nói với ông bà nội xuống đó xin cưới mẹ chứ nhất quyết không chịu cưới ai khác”.
Sau khi lấy nhau cụ Trù theo quê chồng về trên Sài Gòn sống và lập nghiệp ở đây. Hàng ngày cụ Trù cùng chồng chăm lo mảnh ruộng gần nhà. Từ cày cuốc đến sạ giống, làm cỏ,…lúc nào trên cánh đồng cũng có hai người. Sau vụ lúa cả hai cụ đi lưới cá dưới sông, cắt bồn bồn, hái rau dại về ăn, về bán. Cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
Tảo tần sớm hôm nhưng nhờ thiên nhiên ưu đãi, cuộc sống của gia đình không đến nỗi khiến cho cụ phải nhiều lo nghĩ. Năm 1963 chồng cụ Trù mất do bị té ngã trong lúc đi làm đồng. Một mình cụ Trù làm việc và sống với các con đến tận ngày hôm nay. Cũng theo ông Phương, trong giấy tờ, ông năm nay 72 tuổi nhưng tuổi thật của ông là 74 tuổi.
 Ở vào cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”, hai vợ chồng ông Phương vẫn chăm sóc cụ Trù với lòng đầy tôn kính, thương yêu.
Ông Phương cho biết: "Tôi không nhớ là mình có bao nhiêu đứa cháu. Nhưng mỗi lần cúng giỗ hoặc nhà có công chuyện gì thì con cháu về trong căn nhà hơn 100m2 không có chỗ đứng. Đó là còn chưa kể những đứa đi làm xa hoặc bận công việc không về được. Nếu tính hết cũng hơn cả trăm đứa. Riêng vợ chồng tôi có 7 đứa con đều đã lập gia đình với hơn 30 thành viên. Tôi đã có hơn chục đứa cháu nội và có hai đứa cháu gọi tôi bằng ông cố”. 
Chưa một lần nhập viện
Theo ông Phương, cụ Trù hay ăn vặt. Hằng ngày ngoài những bữa ăn chính như sáng ăn cháo hoặc hủ tiếu, trưa ăn cơm và tối cũng ăn cơm với đầy đủ rau, thịt cá. Xen lẫn những bữa ăn chính cụ thường ăn trái cây, bánh ngọt. Ông Phương cho biết: “Mẹ tôi rất “hảo” ngọt và thích uống nước ngọt. Lúc còn trẻ một mình cụ có thể ăn một lần 3, 4 bát chè mà không biết ngán".
 Giấy chứng minh nhân dân do Công an tỉnh Long An cấp ngày 25/7/1979. Theo giấy CMND này, cụ Trù sinh năm 1893, quê quán là huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Hơn trăm năm qua, cụ Trù có sức khỏe khá dẻo dai. "Mấy chục năm nay mẹ chồng tôi chưa một lần nào bệnh phải đi viện cả. Năm ngoái, cụ có bị cảm nên mua một vài liều thuốc uống thì khỏi luôn”, bà Đoàn vợ ông Phương cho biết.
Theo ông Phương, sở dĩ cụ Trù sống thọ do cuộc sống thanh bình, môi trường sống trong lành, con cháu hiếu thảo, gia đình hòa thuận. Hơn nữa cụ Trù cũng không giận hờn ghét ai nhiều. Cuộc sống của cụ khá vô tư nên mới đạt tới cảnh giới đại thượng thọ.
Chúng tôi ra về đúng vào giờ cơm trưa của cụ Trù, hai vợ chồng ông Phương lọ mọ lấy thức ăn và cơm đến bên cụ nói nhỏ nhẹ: “Con mời mẹ ăn cơm”. Ở vào cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” nhưng hai vợ chồng ông Phương vẫn chăm sóc cụ Trù với lòng đầy tôn kính, ngập tràn yêu thương...
Thứ Tư, ngày 30/07/2014- Dương Thanh

---ooo0ooo---