Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

DI SẢN TG TẠI ISRAEL (14.2)

DI SẢN TG TẠI CHÂU Á VÀ CHÂU ĐẠI DƯƠNG
BKTT Wikipedia
-o0o-
Tại Israel (14.2)
Đường hương liệu – Các thành phố hoang mạc vùng Negev là tên một nhóm các thành phố trong vùng hoang mạc Negev ở miền nam Israel, nơi xưa kia là đường buôn bán hương liệu từ bán đảo Ả Rập tới vùng Địa Trung Hải. Khu vực này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 2005.
Các địa điểm linh thiêng của đạo Bahái tại Haifa và Tây Galilea
UNESCO đã công nhận các địa điểm linh thiêng của đạo Baha’i ở Haifa phía Tây Galilee của Israel là Di sản văn hóa thế giới năm 2008.
Baha’i là một tôn giáo lớn trên thế giới, hoạt động độc lập với các tôn giáo khác và có tín đồ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Theo tiếng cổ ngữ của Ả Rập thì Baha’i có nghĩa là Người noi theo ánh sáng của Thượng đế. Tôn giáo này ra đời năm 1863 tại Ba tư cũ nay là Iran, người sáng lập là Baha’u’llah. Tôn giáo Baha’I bắt nguồn từ tôn giáo Babi.
Các địa điểm linh thiêng của tôn giáo Baha’i ở Haifa phía Tây Galilee gồm 02 Thánh Lăng là Thánh Lăng Đức Báb và Thánh Lăng Đức Bahá'u'lláh hay còn được gọi là lăng mộ của Bahá'u'lláh .Thánh Lăng Đức Báb được đặt tại Haifa còn Thánh Lăng Đức Bahá'u'lláh được đặt tại Acre.
Thánh Lăng Đức Báb là nơi đặt di hài của Báb – người sáng lập ra tôn giáo Báb – cũng có xuất xứ từ tôn giáo Baha’i. Đây được coi là nơi linh thiêng thứ 2 chỉ sau đền thờ Bahá'u'lláh. Vị trí chính xác của Thánh Lăng Báb  nằm trên núi Carmel do người sáng lập Baha’u’llah giao cho con trai cả của ông là Abdu’l – Baha xây dựng năm 1891. Abdu’l – Baha đã hoàn thành bản thết kế và kế hoạch chi tiết cho công trình. Di hài của Báb được đặt yên nghỉ ngày 21 tháng 03 năm 1909 trong một lăng tẩm có 06 phòng được xây dựng bằng đá địa phương.
Kiến trúc Thánh Lăng Đức Báb  với một mái vòm bằng vàng và những bức tường ốp đá xung quanh điện thờ được hoàn thành năm 1953. Những mái vòm bằng vàng tại Thánh Lăng là những viên ngói bọc vàng ròng nguyên chất đầu tiên được sử dụng để xây dựng trong công trình kiến trúc tôn giáo Baha'i. Đá cẩm thạch trắng được sử dụng ốp tại đền thờ được lấy từ núi Penteliko của Hy Lạp. Mái vòm công trình đứng trên một kết cấu hình trụ có 18 cửa sổ. Năm 2008, một dự án trùng tu cả bên trong và bên ngoài Thánh Lăng Đức Báb đã được tiến hành, và dự án hoàn thành vào tháng 04 năm 2011. Núi Carmel rất thiêng liêng đối với tín đồ tôn giáo Baha’i. Vị trí nơi Thánh Lăng Đức Báb được xây dựng là do đích thân người sáng lập tôn giáo Baha’i lựa chọn vì thế nó lại càng thêm phần ý nghĩa đối với các tín đồ của tôn giáo này.
Lăng mộ của Baha'i cũng chính là Thánh Lăng Đức Bahá'u'lláh – người sáng lập tôn giáo Baha’i ( Đức Giáo tổ Baha'i), cũng là người đứng đầu của tôn giáo Baha’i. Tại đền thờ này di hài của nhá sáng lập tối cao Bahá'u'lláh đã được chôn cất. Hàng năm có hàng chục nghìn tín đồ vẫn tìm đến đây để cầu khấn cho đấng tối cao của họ.
Khi Baha'u'llah qua đời, quyền lãnh đạo Baha'i được truyền cho trưởng nam của ông là Abdu’l – Baha (1844 - 1921) (nghĩa là tôi tớ của Thượng đế). Trước khi chết,  Abdu’ l – Baha đã chỉ định cháu ngoại của mình là Shohoghi - Effend (1897 - 1957) làm Giáo hội và thủ lĩnh tinh thần tôn giáo Baha'i. Sau khi Shoghi- Effendi qua đời, nền quản trị được chuyển sang một Hội đồng Quốc tế, từ đây tôn giáo Baha'i đã hình thành và phát triển.
Hiện nay, tôn giáo Baha’i có tín đồ ở phần lớn các nước Hồi giáo. Trước những năm 1950, trên 90% tín đồ Baha'i là người Iran, nhưng hiện nay chỉ chiếm khoảng 6% tổng số tín đồ trên thế giới. Ấn Độ là quốc gia có số lượng tín đồ Baha'i đông nhất thế giới, khoảng hơn 2 triệu người. Có những nghiên cứu cho rằng, phần lớn các tín đồ Baha'i trong các nước thuộc thế giới thứ ba là nông dân và công nhân ở đô thị, còn ở các nước Tây Âu thì tín đồ Baha'i phần lớn là thuộc tầng lớp trung lưu da trắng.
Năm 1921, tín đồ Baha’i có ở 35 nước trên thế giới. Năm 1990, có 4,9 triệu tín đồ ở 214 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm đại diện gần 2.000 sắc tộc và bộ lạc trên thế giới.
Năm 2000, có hơn 5 triệu tín đồ ở 235 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cho đến năm 2010, Baha’I đã có khoảng 7 triệu tín đồ ở 235 quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc hơn 2.100 sắc tộc.
Các địa điểm linh thiêng của tôn giáo Baha’i ở Haifa phía Tây Galilee được Unesco công nhận là Di sản thế giới dựa theo các tiêu chí:
Tiêu chí (iii): Thánh Lăng Bahá'u'lláh và Thánh Lăng Bab, là nơi linh thiêng nhất của tôn giáo Baha’i.  Hàng năm có hàng ngàn lượt người hành hương về đây từ khắp nơi trên thế giới.
Tiêu chí (vi): Hai Thánh Lăng này là những tài sản hữu hình thể hiện sự lớn mạnh của tôn giáo Baha’i.
Cho đến nay, hai Thánh Lăng này không những là biểu trưng của tôn giáo Baha’I mà còn là những kiến trúc đẹp cho du khách quốc tế khi đến thăm Israel.

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: