Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

NẤC CỤT

Tại sao người ta lại bị nấc cụt?
Nấc cụt là sự co thắt đột ngột, không tự ý của cơ hoành, tống khí ra khỏi buồng phổi, luồng khí khi đi ngang qua dây thanh âm tạo thành tiếng nấc cụt. Nấc cụt nếu chỉ xảy ra thỉnh thoảng, kéo dài vài phút thì thường là không ảnh hưởng đến sức khỏe, gọi là nấc cụt tạmthời và không cần điều trị; nhưng nấc cụt nếu kéo dài hơn 1,2 ngày hoặc tái phát có chu kỳ thì thường là do nguyên nhân bệnh lý và cần phải điều trị.

Nấc cụt có nhiều nguyên nhân, đa số do rối loạn đường tiêu hóa, ví dụ: ăn nuốt quá nhanh, ăn nhiều thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh, thực phẩm có nhiều gia vị, uống nhiều nước có gas, nuốt quá nhiều không khí vào bao tử; hoặc một số nguyên nhân bệnh lý khác như các biến chứng phẫu thuật, nhiễm trùng não... Ở trẻ em, nấc cụt đa số là do bé bú quá no làm căng dãn gây rối loạn vận động co thắt của cơ hoành, trường hợp bệnh lý có thể là do trào ngược dạ dày - thực quản, viêm phổi hay bị phản ứng thuốc.

Những trường hợp nấc cụt tạm thời hoặc nấc cụt do các rối loạn đường tiêu hóa thì nấc cụt có thể sẽ tự hết hoặc người bệnh cần chú ý và điều chỉnh lại chế độ ăn uống của mình. Nấc cụt tạm thời có thể chữa hết bằng các mẹo nhỏ, như: cố gắng hít thật sâu và nín thở thật lâu, nuốt hơi liên tục nhiều lần trong lúc đang nín thở, uống một ly nước lạnh thật nhanh và nín thở thật lâu sau đó, hít vào bằng mũi thật sâu rồi thở ra từ từ bằng miệng… mục đích để kéo dãn cơ hoành, tạo lại hoạt động bình thường cho cơ hoành. Còn nấc cụt do có bệnh lý cụ thể thì cần điều trị triệt để nguyên nhân.


---o0o---