Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

CỤ BÀ 110 TUỔI

Cụ bà 110 tuổi có biệt tài cộng tiền… nhanh hơn máy tính
---ooo0ooo---
Bước sang tuổi 110, cụ Dương Thị Chạo (SN 1904, Vĩnh Phúc) khiến nhiều người bất ngờ khi tiết lộ thói quen tắm nước lạnh, bất kể trời nóng hay lạnh cắt da, cắt thịt.
Biết chuyện, nhiều người tỏ ra ái ngại, thậm chí khuyên cụ nên bỏ thói quen này để đảm bảo sức khỏe. Nhưng chia sẻ với chúng tôi, cụ Chạo lại khẳng định: “Tắm nước lạnh là bí quyết giúp tôi sống khỏe, trẻ lâu”.
Trăm năm cơ cực

Nằm sâu trong một ngõ thuộc làng Hòa Loan (xã Lũng Hòa, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), căn nhà theo lối kiến trúc cổ của gia đình cụ Chạo yên lặng nép mình dưới những tán cây lớn. Khuôn viên căn nhà rộng rãi, khang trang, sân nhà lát gạch đỏ không một rác bẩn. Trên nhà ngang, cánh cửa mở rộng đón những cơn gió mát lành lùa qua hàng cau. Không khí trong nhà mát mẻ, thanh bình, đối lập hoàn toàn với tiết trời oi ả. Khi chúng tôi đến, cụ Chạo đang dùng bữa sáng cùng con dâu là bà Dương Thị Thịnh (70 tuổi, vợ ông Nguyễn Văn Thăng, người con trai hiện đang phụng dưỡng cụ Chạo - PV). Nhìn tác phong nhanh nhẹn của cụ, người không biết chắc khó đoán nổi năm nay cụ đã bước sang tuổi 110.
Tuổi trẻ của cụ Chạo là những tháng ngày cực nhọc. Cụ lập gia đình từ năm 19 tuổi. Do điều kiện chăm sóc sau khi sinh không tốt, những người con cụ sinh ra đều lần lượt ra đi khi chưa tròn 1 tuổi. Mãi đến ông Thăng, cụ mới thôi không phải chịu nỗi đau mất con. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, giữ được tính mạng con thì người chồng lại đột ngột qua đời. Vậy là gần trăm năm qua, cụ ở vậy làm lụng, nuôi dạy các con nên người. Trong kháng chiến chống Pháp, sống ở vùng địch tạm chiếm, cụ Chạo làm đủ thứ việc để kiếm cái ăn cho các con, từ xay lúa, giã gạo, kiếm củi, mò cua bắt ốc… đến bốc vác – công việc nặng nhọc thường chỉ dành cho cánh đàn ông
Những năm tháng đói kém, công việc để lại trong cụ Chạo nhiều hoài niệm nhất là “nghề” nhá cơm thuê. Ngày đó, những gia đình có điều kiện thường mướn cụ đến nhá cơm cho trẻ. Cụ kể hài hước: “Cực nhất là lúc ấy mình đang sung sức, lại thường xuyên lao động nặng nhọc, bụng đói cồn cào nhưng không được nuốt hạt cơm nào. Tôi phải nghĩ tới các con để không “vi phạm” quy tắc nghề nghiệp”. Không chỉ đảm việc nhà, cụ còn tự tay đào hầm nuôi giấu cán bộ ngay trong nhà.
Ngày Mỹ đưa máy bay đánh phá miền Bắc, cụ Chạo vừa tích cực tham gia công việc trong hợp tác xã, vừa phụ giúp con dâu Dương Thị Thịnh những công việc gia đình. Bà Thịnh là một trong số những người được chính quyền cử đi học ngành y rồi trở về đảm nhiệm công tác phục vụ sức khỏe cho nhân dân trong xã. Ngày ngày, bà phải đến từng nhà trong làng vận động quyên góp tiền mua bông băng, thuốc đỏ.
Tối đến, những người đau yếu trong làng lại kéo đến nhờ bà chữa bệnh chật kín trước sân. Chính vì vậy, những việc cơm nước trong nhà, một tay cụ Chạo khi ấy đã ngoài 60 tuổi phải thay con dâu lo liệu.
“Ngày đó, mỗi khi có báo động, tôi phải chạy đây chạy đó vận động xã viên xuống hầm trú ẩn, băng bó sơ cứu cho những người bị thương, không còn thời gian để ý đến mẹ chồng và các con ở nhà. Mẹ tôi lại quẩy đôi quang gánh, đưa các cháu cùng chăn chiếu, cơm nước ra hầm trú ẩn. Buổi tối khi tình hình tạm yên, tôi vừa xong công việc trở về đã thấy mẹ cùng các cháu ở nhà, cơm nước tươm tất cả”, bà Thịnh xúc động kể.

Vất vả tới tận khi bóng xế nhưng đến tuổi ngoài 100, cụ Chạo vẫn rất khỏe mạnh. Nước da hồng hào, giọng nói không một lần hụt hơi, rõ ràng, sang sảng. Cụ vẫn thường một tay cắp đứa chít nhỏ, tay kia chống gậy bước thoăn thoắt lên bậc thang. Trí tuệ cụ cũng minh mẫn đến không ngờ. Đàn con, cháu, chắt trong nhà, không có ai cụ quên tên, quên tuổi. Có lần cách đây vài năm, gia đình nuôi lợn nái, bán lợn con, mọi người còn đang loay hoay với chiếc máy tính thì cụ đã tính xong số tiền. Tính nhẩm là một biệt tài mà ai cũng phải nể phục ở cụ Chạo.
Theo bà Thịnh thì đó là “di sản” mà cụ Chạo còn giữ được từ những năm tháng tuổi trẻ phải lăn lộn kiếm tiền. Năm nay, dù sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng chân tay cụ Chạo vẫn rất nhanh nhẹn, vệ sinh cá nhân cụ vẫn tự làm, không cần phiền đến cháu con. “Ngày 1/1/2014 vừa rồi, mẹ tôi chính thức được Hội Người cao tuổi Việt Nam trao giấy mừng đại thọ và chứng nhận đạt 110 tuổi. Bà vui lắm, từ dạo ấy cứ đội cái khăn đỏ mừng đại thọ mãi không thôi”, bà Thịnh cho biết.
Tắm nước lạnh quanh năm
Buồng ngủ của cụ Chạo ở ngay cạnh phòng khách. Đó là một căn buồng rộng rãi, thoáng mát, không khí hết sức trong lành. Phía sau căn buồng, người con trai chu đáo xây riêng cho cụ một phòng công trình phụ để cụ tiện thay giặt. Mọi việc vệ sinh cá nhân cụ đều tự làm lấy, không bao giờ phải phiền đến ai.
Sau khi tắm xong, quần áo cụ đều tự giặt. Nói về chuyện sinh hoạt của mẹ chồng, bà Thịnh làm chúng tôi đặc biệt chú ý khi nhắc tới sở thích tắm nước lạnh cụ Chạo. Tắm nước lạnh là thói quen cụ Chạo duy trì từ lâu. Ngày còn trẻ, bất kể mùa đông hay mùa hè, cụ không bao giờ dùng đến nước nóng. Khi về già, cụ vẫn giữ thói quen ấy.
“Tôi không tắm vào sáng sớm hay tối muộn mà thường vào lúc nửa buổi khi mặt trời đã lên. Như vậy sẽ tránh được bị cảm lạnh. Trước khi tắm, tôi cho bàn tay và bàn chân vào nước trước cho quen với nhiệt độ, sau đó mới dội nước. Tắm nước lạnh là thói quen của tôi từ ngày trẻ. Không biết có liên quan gì tới tuổi thọ không, nhưng tôi nghĩ đơn giản rằng, cơ thể tiếp xúc với điều kiện khắc nghiệt nhất sẽ ngày càng gia tăng sức đề kháng. Nước lạnh cũng không làm ảnh hưởng đến làn da”, cụ Chạo cho biết. 

Về sở thích đặc biệt của mẹ chồng, bà Thịnh cho hay: “Sợ mẹ cảm lạnh nên nhiều lần, con cháu cũng khuyên cụ nên dùng nước nóng. Nhưng đáp lại, cụ nhất quyết không chịu. Cụ bảo, tắm nước lạnh cũng là cách tự chăm sóc sức khỏe. Vậy là khi trời rét căm căm, mọi người áo đơn, áo kép thì mẹ tôi vẫn xối nước lạnh ào ào. Không cản được mẹ, ông nhà tôi xây cho bà phòng tắm ngay trong phòng cho kín gió”.
Ngoài thói quen tắm nước lạnh, bà Thịnh cho rằng, sự trường thọ của cụ Chạo là “phần thưởng” nhận được nhờ lối sống lành mạnh, điều độ cả về dinh dưỡng, sinh hoạt và tinh thần. Bà cho biết: “Tắm nước lạnh có lẽ cũng là một cách khiến mẹ tôi rèn luyện sức đề kháng với thời tiết khắc nghiệt. Nhưng tôi nghĩ để giữ gìn sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cần nhiều yếu tố khác nữa. Mẹ tôi ăn, ngủ rất điều độ. Sáng bà dậy sớm, đêm không bao giờ thức khuya. Dù giờ tuổi đã cao nhưng bữa ăn hàng ngày của bà không thể thiếu cơm và rau xanh. Tính tình bà cũng rất ôn hòa, được lòng mọi người. Từ ngày về làm dâu trong nhà, tôi chưa bao giờ thấy mẹ to tiếng với ai. Ngày còn trẻ, mỗi khi làm việc bà lại ngâm nga hát ví, bây giờ, bà thường nghe cải lương từ chiếc radio treo cao trên đầu giường. Đến tối gia đình quây quần đông đủ, bà lại ra phòng khách cùng chúng tôi xem thời sự. Có lẽ đời sống tinh thần cũng giúp ích cho mẹ tôi rất nhiều”.

---ooo0ooo---