Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

KHU NHÀ Ổ CHUỘT LỚN NHẤT Ở SEOUL



KHU NHÀ Ổ CHUỘT LỚN NHẤT Ở SEOUL – HÀN QUỐC
http://m.go.vn - Phúc Duy - Ảnh AFP
Sát bên khu vực quận Gangnam giàu có ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) vốn trở nên nổi tiếng với bài hát Gangnam Style của ca sĩ xứ Hàn Psy là một khu ổ chuột với nhiều người cao tuổi đang sống trong những căn chòi tạm bợ.
Bà Kim Bok-Ja (75 tuổi) phải đi nhặt ve chai mỗi ngày để kiếm sống rồi quay trở về căn chòi tạm bợ ở khu ổ chuột Guryong sát bên quận Gangnam giàu có xa hoa, theo AFP.
“Đây là những gì tôi có thể làm được để sinh tồn cho đến lúc chết bởi vì tôi sống một mình và không có thu nhập ổn định”, bà Kim tâm sự khi bà đếm những đồng bạc cắc kiếm được từ đống ve chai mà bà thu nhặt được trong ngày.
Guryong (tạm dịch “Cửu Long”) là một khu ổ chuột lớn nhất ở Seoul (rộng 30 hecta), với những căn chòi dựng tạm bợ bằng những tấm gỗ và tấm bạt, vốn là nơi trú ngụ của những người dân Hàn có nhà bị giải tỏa ở các khu vực khác hồi năm 1988 để Seoul chuẩn bị cho Thế vận hội, theo AFP.

Mãi đến 25 năm sau, trên 2.000 người vẫn còn đang sinh sống tại Guryong có đời sống nghèo nàn, mất vệ sinh, ở dưới mức nghèo dành cho các nước thế giới thứ ba.
Nhưng kề bên khu ổ chuột Guryong lại là một quận Gangnam giàu có với những khu mua sắm, cửa hàng, quán bar, hộp đêm và nhà hàng xa xỉ, nơi mà giới sao Hàn thường xuyên ghé qua, theo AFP.
Quận Gangnam ngày càng trở nên nổi tiếng với thế giới nhờ vào bài hát Gangnam Style của ca sĩ Psy, vốn đang gây sốt trên thế giới trong thời gian gần đây.
Theo AFP, các tài xế taxi rất khó định vị chính xác khu Guryong, mặc dù nó và Gangnam chia cách nhau bởi một con đường cao tốc 6 làn xe.
“Guryong là khu ổ chuột lớn nhất Seoul nhưng hoàn toàn không xuất hiện trên bất kỳ bản đồ nào”, theo ông Lee In, một quan chức chính quyền địa phương ở Guryong.
Đa số các cư dân ở Guryong ở trong độ tuổi 50-80, sống một mình và không được hỗ trợ gì từ phía chính phủ.
“Nhiều cư dân ở đây phải làm những công việc cực nhọc để kiếm tiền trang trải hằng ngày. Nhưng họ không chết đói nhờ vào sự giúp đỡ của những người tình nguyện và các nhóm tôn giáo”, theo AFP dẫn lời ông Lee.
Người dân ở Guryong tận dụng những mảnh đất còn trống tại đây để trồng rau phục vụ cho bữa ăn hằng ngày.
Những căn chòi tạm bợ ở Guryong đều được xây dựng trái phép và tạm bợ, theo AFP.
Một trận lũ lụt do mưa lớn gây ra hồi tháng 7.2011 đã hủy hoại phần lớn Guryong, và tai họa vẫn chưa dừng ở đó.
Một trận hỏa hoạn hồi tháng 1.2012 thiêu rụi nhiều căn chòi tại Guryong.
Tuy nhiên, một lợi thế của những căn chòi này là chúng dễ dàng được thay thế.
“Căn chòi nào bị phá hủy trong ngày, chúng tôi dựng lại chúng vào ban đêm”, bà Kim Mi-Ran, một cư dân 54 tuổi ở Guryong, cho biết.
Thật ra mảnh đất Guryong do tư nhân sở hữu nhưng do những cư dân sống tại đây quá lâu nên các nhà đầu tư bao năm nay vẫn không thể thu hồi đất để thực hiện các dự án của họ.
Hồi năm 2011, chính quyền địa phương lại cấp giấy phép tạm trú cho người dân tại Guryong.
Buộc lòng các nhà đầu tư phải lên kế hoạch xây dựng những khu nhà tái định cư giá thấp cho cư dân Guryong nhằm lấy lại mảnh đất này, và chính quyền Seoul cũng có đề xuất tương tự nhưng cũng chẳng đi tới đâu.
“Chúng tôi không tin tưởng vào các chính trị gia chỉ biết hứa hẹn và chưa bao giờ biến lời hứa của họ thành hiện thực”, bà Kim Mi-Ran cho biết.
Cưỡng chế là biện pháp cuối cùng nhưng chính quyền địa phương rất thận trọng khi đưa ra những biện pháp mạnh, theo AFP.
Hồi năm 2009, một vụ xung đột có liên quan đến cưỡng chế tại một quận khác ở Seoul đã xảy ra, khiến năm người dân và một cảnh sát thiệt mạng.
Thị trưởng Seoul, ông Park Won-Soon từng khẳng định rằng bất kỳ giải pháp ở Guryong cũng phải thuận theo nguyện vọng và lợi ích của người dân tại đây.
Giáo sư Kim Kyo-Seong thuộc Khoa chính sách công tại Đại học Chung-Ang, cho biết: “Guryong là biểu tượng của sự bất bình đẳng trong xã hội Hàn Quốc”.
Giải thích về ý nghĩa của bài hát Gangnam Style gây sốt trên toàn thế giới, ca sĩ  Psy “quái đản” cho AFP biết, Gangnam là một quận ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc với nhiều người giàu có sinh sống tại đây.
Và anh muốn dùng bài hát Gangnam Style để gửi một thông điệp: hãy thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc.
----ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: