Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

TÉT TRUNG THU HÀN QUỐC

TẾT TRUNG THU CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC
-o0o-
         Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản mà Hàn Quốc cũng ăn tết Trung thu với những tập tục nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và các sản vật do thiên nhiên ban tặng. Tết Trung thu - lễ Chuseok là ngày tết lớn thứ hai trong năm, chỉ sau tết Nguyên đán thường được tổ chức từ những đêm trước ngày rằm và chỉ kết thúc sau ngày 15-8 âm lịch. Vào dịp này, người Hàn Quốc luôn dành ba ngày nghỉ lễ để quây quần bên gia đình, bè bạn.

Ngày lễ Chuseok đã có cách đây khoảng 2000 năm. Theo lịch sử Hàn Quốc, lễ hội Chuseok bắt nguồn từ thời Gabae, thời trị vì của các vị vua thuộc vương quốc Silla (từ năm 57 trước CN đến năm 935). Vị vua đời thứ III ở Silla, Yuri (24-27) là người đầu tiên tổ chức ngày lễ Chuseok với ý nghĩa ban đầu là một cuộc thi tài. Theo truyền thuyết, vào thời Gabae, trong thời gian từ 16-7 đến 14-8, phụ nữ của kinh thành được chia thành nhiều đội để dệt quần áo. Đội nào dệt được nhiều quần áo nhất sẽ chiến thắng, được đội thua chiêu đãi một bữa tiệc với đầy đủ các món ăn và rượu.
Chuseok nghĩa đen là đêm mùa thu, đêm trăng rằm đẹp nhất trong năm, là lễ hội chính của người Hàn Quốc, diễn ra vào ngày 15-8 âm lịch (giống như ngày tết trung thu ở Việt Nam). Trước kia, Chuseok là lễ hội diễn ra vào mùa thu, mùa thu hoạch lúa và các nông sản khác. Do đó, ngày lễ này còn mang ý nghĩa là lễ thu hoạch, hay hội mùa. Người Hàn Quốc sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, các loại rau, hoa quả, bánh gạo... để chế biến các món ăn kính dâng lên tổ tiên.
Tục ngữ Hàn Quốc có câu: Nông dân tháng 5, thần tiên tháng 8 , ngụ ý rằng vào tháng 5, người nông dân phải vất vả, bận rộn với mùa màng nhưng đến tháng 8, khi việc đồng áng trong một năm đã dần bước vào giai đoạn thu hoạch thì có thể rảnh rang nghỉ ngơi như thần tiên, vụ xuân cũng sẽ nhàn nhã hơn, không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt nữa.
Các hoạt động vào ngày Chuseok
Múa ganggangsullae
Vào dịp Chuseok, trong số nhiều trò chơi dân gian, điệu múa ganggangsullae luôn được tổ chức ở khắp các địa phương trên xứ sở kim chi. Vào buổi tối trung thu, phụ nữ Hàn Quốc mặc những bộ hanbok đẹp nhất rồi tụ họp lại giữa sân làng, nắm tay nhau xếp thành vòng tròn, vừa hát vừa nhảy múa. Trong xã hội nông nghiệp, trăng rằm được coi là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, rất tương đồng với chức năng và biểu tượng sinh sản, gieo mầm và phát triển sự sống của người phụ nữ. Bởi thế, ngày mãn nguyệt (ngày trăng tròn) còn được ví như người phụ nữ đến kỳ khai hoa nở nhụy. Trò chơi ganggangsulae trong ngày rằm là sự thăng hoa, là bài ca về cái đẹp của thiên nhiên và người phụ nữ. Có một câu chuyện liên quan đến nguồn gốc của điệu múa này, đó là vào khoảng hơn ba thế kỷ trước, có vị đô đốc hải quân tên là Lee Sun Shin và binh lính của ông đã đánh nhau với quân đội Nhật. Những người phụ nữ ở gần nơi chiến sự đã tụ tập nhau lại thành từng nhóm đứng trên những ngọn đồi dọc bờ biển, vừa hát gangangsulle, vừa nhảy múa vòng tròn quanh đống lửa để bọn Nhật tưởng rằng vùng bờ biển vẫn bình yên và mục tiêu của chúng vẫn được bảo vệ tốt. Do đó, quân Nhật không phòng bị gì khi bị quân của Lee Sun Shin đánh bất ngờ.
Trò chơi rùa
Ở các làng quê, người Hàn Quốc rất thích mặc trang phục cải trang thành bò hay rùa rồi đi khắp làng, vừa đi vừa hát bài nongak. Hai người đàn ông trên hai tay và từ hai đầu gối trở lên được bọc một miếng vỏ lớn như mai rùa làm bằng rơm rạ. Hai con rùa này được một nhóm người đàn ông khác dắt từ nhà này sang nhà kia. Đến mỗi nhà, người lái rùa lại nói với chủ nhà cho rùa chút gì để ăn và chủ nhà mang ra bánh, thức ăn và hoa quả. Sau đó người lái rùa lại nói với con rùa: thưa ông rùa, ông sẽ ăn một bữa no nê và nhảy múa nhé . Con rùa sẽ đứng dậy và nhảy múa một lúc rồi sang nhà khác và lặp lại như thế. Trò chơi này xuất phát từ niềm tin rằng rùa sẽ mang đến cho mỗi nhà tuổi thọ, sự may mắn, đồng thời xua đuổi những linh hồn xấu xa.

Trò đấu vật
Trong những ngày tết Chuseok, môn đấu vật là trò chơi không thể thiếu để các chàng trai thể hiện sức mạnh của mình. Trên bãi cỏ hoặc bãi cát, cuộc thi đấu sẽ được tổ chức theo hình thức loại trực tiếp, người chiến thắng được tôn vinh là jangsa (tráng sĩ) và được nhận nhiều giải thưởng của dân làng như vải vóc, gạo hay con bê.
Ngoài ra, vào dịp Trung thu, người Hàn Quốc cũng hay lên chùa cúng lễ. Đặc biệt, ở các ngôi chùa còn có một hoạt động rất thú vị, đó là viết lời chúc đến gia đình và bạn bè lên những tấm ngói mới. Một thời gian sau, nhà chùa sẽ dùng chính những tấm ngói này để tu sửa chùa.

Vào ngày lễ Chuseok, nhiều sự kiện cũng được tổ chức tại các địa điểm văn hóa như tại cung điện lớn ở Seoul, làng văn hóa Hàn Quốc, Viện bảo tàng dân tộc Hàn Quốc, làng Namsangol Hanok. Tại các địa điểm này, người dân có thể tham gia miễn phí nhiều trò chơi như cùng nhảy ganggangsullae truyền thống và chơi các trò chơi dân gian như neolttwigi (chơi đu nhảy), tuho deonjigi (ném tên), jegichagi (tâng cầu), paengi chigi (chơi con quay)…
Văn hóa dân gian là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng lao động. Mặc dù đều chịu sự ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước, ngày lễ Chuseok mang nhiều nét văn hóa độc đáo của xứ sở kim chi. Đây là dịp để người Hàn Quốc thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, đất trời, là cơ hội để gặp gỡ người thân, bạn bè, là dịp để truyền lại cho thế hệ sau những nét đẹp văn hóa ẩm thực, các hoạt động dân gian truyền thống. Chính nhờ sự lưu truyền những nét đẹp văn hóa này, nên ngày lễ Chuseok đến nay vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Hàn Quốc.
---ooo0ooo---