Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

LUOC SU DUC PHAT THICH CA

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
-o0o-
1. LƯỢC SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH-CA
 Cách đây trên 25 thế kỷ, vào thời mà nước ta có quốc hiệu là Văn Lang, và do các  vị vua cuối của 18 đời vua Hùng Vương trị vì, thì tại thành Ca-Tì-La-Vệ của một  tiểu vương quốc ở phía Bắc nước Ấn-Độ, có một vị Phật ra đời, đó là đức Phật  Thích-Ca Mâu-Ni.  

ĐỨC PHẬT THÍCH -CA MÂU-NI
Thân sinh Ngài là vua Tịnh-Phạn; thân mẫu Ngài là hoàng hậu Ma-Da. Hoàng hậu  nằm mơ thấy một con voi trắng sáu ngà từ hư không đi xuống chui vào hông bên  hữu của bà rồi từ đó bà có thai, và theo lệ cổ, bà về quê bà ở xứ Câu-Ly để chờ  ngày sanh. Trên đường đi, hoàng hậu ghé vào vườn Lâm-Tì-Ni để thưởng ngoạn  mùa hoa nở. Đến một gốc cây, khi hoàng hậu đang đưa cánh tay mặt vin cành  xuống thì hạ sanh một thái tử, mà nhà vua đặt tên là Tất-Đạt-Đa, họ Cồ-Đàm,  thuộc bộ tộc Thích-Ca. Hôm đó là ngày trăng tròn tháng hai Ấn-Độ, tức rằm tháng  tư âm lịch, vào năm 623 trước Tây lịch. Vậy thái tử Tất-Đạt-Đa sinh trước chúa  Giê-Su Ki-tô 623 năm, sinh trước đức Khổng-Tử chừng 100 năm, sinh trước giáo  chủ đạo Hồi chừng 1000 năm.  
 Khi thái tử đản sanh, các vị trời Đế-Thích trải hoa sen đầy mặt đất, thái tử chân  đạp hoa sen, bước đi bảy bước, nhìn khắp bốn phương, một tay chỉ trời, một tay  chỉ đất, nói rằng: “Trên trời dưới trời, chỉ có Ta là quí hơn cả!”.

THÁI TỬ ĐẢN SANH
Bảy ngày sau, hoàng hậu Ma-Da lìa trần. Vị thái tử mồ côi mẹ được dì ruột là Ba-  Xà-Ba-Đề nuôi dưỡng, bà này là một vương phi của vua Tịnh-Phạn (về sau bà  lãnh đạo Tỳ-khưu-ni trong Giáo Hội).


BÀ BA-XÀ-BA-ĐỀ - THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA

Vua Tịnh-Phạn tuy vui mừng vì có thái tử nối dòng nhưng vẫn âm thầm lo nghĩ vì  các đạo sĩ đến xem tướng thái tử đều căn cứ vào 32 tướng tốt của ngài mà kết luận  rằng Ngài sẽ tu thành Phật chứ không nối ngôi vua để mà trị vì xứ Ca-Tì-La-Vệ.
 Khôn lớn lên, thái tử tỏ ra thông minh tuyệt đỉnh, văn võ toàn tài, nhưng điểm nổi  bật nhất nơi cá tính Ngài là Ngài không ưa cảnh ồn ào náo nhiệt, không ưa những  thú vui tầm thường, mà lại thích trầm tư mặc tưởng, tham thiền nhập định.  Năm 16 tuổi, thái tử kết hôn với công chúa Da-Du-Đà-La xinh đẹp và đức hạnh.  Thái tử ra chơi các cửa thành, gặp cảnh lão, bệnh, tử, thì sinh lòng nghĩ ngợi.


MINH HỌA "SINH-LÃO-BỆNH-TỬ"
Một  lần Ngài gặp một vị sa-môn ôm bình bát, chống tích trượng khoan thai bước tới,  dáng điệu vô cùng ung dung tự tại. Ngài nảy ý xuất gia từ lúc đó. Cung vàng điện  ngọc, các thú vui trần tục không còn có gì hấp dẫn thái tử được nữa và, vào năm  29 tuổi, khi người con duy nhất là La-Hầu-La chào đời, thì Ngài từ bỏ hết để đi  tìm chân lý và giải thoát. Sau này, đức Phật độ cho vợ con xuất gia. Bà Da-DuĐà-  La đắc quả thánh, La-Hầu-La là một trong mười đại đệ tử của Phật.
“Đây là một sự từ khước chưa từng có trong lịch sử, vì không phải Ngài khước từ  cuộc sống vương giả trong lúc tuổi già sức yếu mà giữa thời niên thiếu xuân xanh,  không phải trong cảnh đói rách nghèo nàn mà trong lúc ấm no sung túc”.  Ngài tới tham học hai đại sư trứ danh đương thời nhưng Ngài không được thỏa  mãn vì vẫn không tìm ra được đường giải thoát thích đáng.  
Ngài bên vào rừng sâu tu khổ hạnh trong sáu năm trường, mỗi ngày chỉ ăn uống  chút ít, đến nỗi thân hình chỉ còn da bọc xương, nhưng rốt cuộc cũng chẳng thành  công. Nhận thấy phương pháp khổ hạnh không phải là con đường chân chính,  Ngài bên trở lại lối sống bình thường. “Lợi dưỡng làm chậm trễ tiến bộ tinh thần,  khổ hạnh làm suy giảm trí thức”. Con đường của Ngài là con đường Trung Đạo.  
Một mình ngồi dưới cội bồ-đề, Ngài vận dụng tâm trí quán sát tướng chân thật của  vũ trụ. Một hôm, Ngài bừng ngộ, thấy rõ chân lý của cuộc đời, biết rằng con  người có đủ khả năng thành Phật, nghĩa là khả năng giác ngộ và giải thoát khỏi  vòng sinh tử luân hồi. Ngài đã giác ngộ, Ngài đã thành Phật vào lúc 35 tuổi.  “Không phải Ngài sinh ra là Phật, mà Ngài tu hành trở thành Phật do nỗ lực của  chính mình”.


DƯỚI CỘI BỒ ĐỀ
Sau 45 năm trường hoằng dương đạo pháp, cũng như tất cả mọi người trên thế  gian, chịu sự chi phối của luật vô thường, Ngài tịch diệt trong rừng cây sa-la, gần  thành Câu-Thi-Na.  “Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni là một chúng sinh trong cảnh người. Ngài sinh ra như một người, sống như một người và chấm dứt cuộc đời như một người. Mặc  dầu là người, Ngài đã trở thành một người phi thường”, do đại hùng, đại lực, đại  từ bi, đã tìm ra chân lý, tìm ra đường giải thoát, đem truyền giảng cho chúng sinh,  dạy cho chúng sinh phải trông cậy vào chính mình để tự giải thoát, dạy cho chúng  sinh xem giáo pháp của Ngài là tôn sư của mình, dạy cho chúng sinh nhận biết luật  nhân duyên quả báo là một trong những định luật bất di bất dịch, chi phối khắp  càn khôn vũ trụ.
Có vài chi tiết ghi trong kinh sách mà một số người cho rằng có tính cách hoang  đường. Thật ra, mấy chi tiết đó chỉ là những điều tượng trưng nhằm nhấn mạnh  một điều gì đó trong giáo pháp của đức Phật mà thôi.  
 Hoàng hậu Ma-Da nằm mơ thấy “voi trắng sáu ngà”chui vào bụng bà và từ đó bà  có mang rồi sinh ra thái tử, sau là Phật Thích-Ca. Một trong các cách giải thích là  cho rằng voi sáu ngà tượng trưng cho đạo bồ-tát với lục độ ba-la-mật: bố thí, trì  giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Voi là con vật khỏe hơn cả, khôn  hơn cả, biết sống thành đoàn có kỷ cương, biết chở nặng, nó tượng trưng cho  người hành đạo bồ-tát theo lý thuyết đại thừa, biết tự độ và độ tha.  
Khi mới sinh ra, thái tử bước bảy bước trên hoa sen. Sao lại “bảy bước”? Sao lại  “hoa sen”? Chúng ta có thể hiểu rằng Ngài đã vượt qua sáu cảnh giới địa ngục,  ngã quỷ, súc sanh, a-tu-la, người, trời rồi. Ngài đã lên bước thứ bảy, tức là đã  nhập thánh đạo, không còn vướng vòng sinh tử luân hồi. Hoa sen tượng trưng cho  sự thanh tịnh, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.  Tại sao thái tử nói “Ta đáng tôn quí hơn cả”? Đây là nói đến TA với ý nghĩa Pháp  Thân. Phật có ba thân: báo thân, hóa thân, và pháp thân. Pháp thân là tuyệt đối, là  Phật tính, là Chân Như, là bản thể của vạn sự, vạn vật; Pháp thân, thấm nhuần vạn  pháp, là nguồn sống của vạn pháp, quí báu nhất trong vũ trụ nên trên trời dưới đất  không có gì sánh kịp.
Học lược sử đức Thế Tôn, Phật tử chúng ta cố học lấy bài học đại hùng, đại lực, đại từ bi của đấng Từ Phụ, phát nguyện tu trì theo đường Ngài đã chỉ, hồi hướng  công đức đến khắp mọi chúng sinh để tất cả mau chóng đến được bờ giải thoát.
Học Phật, tu Phật, chúng ta vừa tìm hiểu vừa tu hành, để cho lý và sự viên dung,  không để cho lý che lấp mất sự, và cũng không để cho sự lấn át mất lý, cốt sao cho  phước và huệ ngày càng tăng tiến song song, mỗi giây mỗi phút bước gần đến  Phật, mà Phật đâu có ở xa, Phật ở ngay trong tâm chúng ta đây. Chỉ vì chúng ta hướng ra ngoại cảnh quá nhiều, ham muốn quá nhiều, nên quên mất nội tâm, quên  mất Phật tánh trong chính mình. Học lược sử đức Thế Tôn, để tỏ lòng thành kính  và biết ơn Ngài, chúng ta hãy gạt bỏ dần dần tam độc tham sân si, thanh tịnh hóa  dần dần thân khẩu ý, màn vô minh sẽ dần dần được vén lên. Như thế mới xứng  đáng là Phật tử.   
Ghi chú. Những câu trong ngoặc kép được trích từ Phật Học Tinh Hoa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần.

---ooo0ooo---


------ooo0ooo------

Không có nhận xét nào: