Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

NHẠC CỤ VIỆT NAM - 10. ĐÀN ĐÁY



NHẠC CỤ CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM (10)
10 - Đàn đáy
Giai điệu xanh
---o0o---
Cùng với cây đàn bầu, đàn đáy là một trong những nhạc cụ độc đáo của dân tộc Việt. Đàn có ba giây, thuộc bộ dây chi gảy. Ngoài tên gọi đàn đáy còn có tên gọi là vô đề cầm, đới cầm. Đàn đáy là một loại đàn đặc biệt do người Việt Nam sáng tạo, là loại nhạc khí chỉ có ở Việt Nam, trên thế giới không có một cây đàn nào giống cây đàn đáy về hình dáng, cách lắp phím và cách đánh. 
Ðàn đáy có đặc tính dân tộc rõ rệt với đặc điểm độc đáo là ở ngón nhấn ở mọi cây đàn khác âm thanh sẽ nghe cao lên trong lúc ở đàn đáy thì với ngón nhấn trong khi bấm lên dây, miết dây về phía bầu vang làm cho đoạn dây từ cung phím đến bộ phận mắc dây chùng xuống âm thanh sẽ nghe thấp đi, cách đàn có tiếng lia, tiếng vẫy, tiếng mượn.
Thùng đàn hay hộp đàn có hình thang cân với đáy lớn rộng khoảng 24 - 25 cm, đáy bé rộng khoảng 20 - 21 cm. Mặt đàn để mộc được làm bằng loại gỗ nhẹ, trên mặt đàn phía đáy bé có gắn một bộ phận dùng để mắc dây được gọi là ngựa đàn. Đáy đàn khoét một lỗ hình chữ nhật để thoát âm. Thành đàn cao khoảng 9 cm được làm bằng gỗ cứng.
Cần đàn (dọc đàn) : dài khoảng 116 – 120 cm được làm bằng gỗ cứng trên có gắn 10 - 12 phím bằng tre cao theo thang 7 bậc chia đều.
Đầu đàn hình lá đề, có 3 trục lên dây được làm bằng gỗ cứng cắm xuyên qua đầu cần đàn.
Dây đàn làm bằng sợi tơ se, lên dây theo quãng 4 đúng, khi ta bấm cả ba dây ở cung phím thứ nhất là sol, đô1, Fa1 . Ở đàn đáy không sử dụng dây buông.
Đàn đáy có thể dùng que gảy bằng tre, giang hay miếng gảy bằng nhựa, đồi mồi.
Đàn đáy có âm vực hai quãng 8.
Tư thế diễn tấu : ngồi xếp chân trên chiếu hay sập.
Âm thanh đàn đáy đục, ấm. Đàn đáy có thể chơi các kỹ thuật như đàn nguyệt, đàn tỳ bà và đàn tam. Đàn đáy là nhạc cụ dùng riêng cho hát ca trù. Trong diễn tấu ca trù, đàn đáy không chỉ là nhạc cụ đệm mà nó còn đóng vai rò là tiếng nói đối thoại với giọng hát, tiếng phách và tiếng trống chầu. Ngày nay đàn đáy còn được dùng để độc tấu, ngâm thơ, dàn nhạc nhưng không phổ biến, ít dùng. Đàn đáy là nhạc cụ chủ yếu do nam diễn tấu.
Kỹ thuật diễn tấu: Ðàn đáy do cần đàn rất dài, phím đàn rất cao nên có những ngón độc đáo như ngón nhấn, ngón láy, ngón chùng, tiếng đàn ngón luyến thấp nghe mềm mại, độc đáo.
Ngón nhấn: (nhấn bằng gân tay: nhấn và miết dây đàn cho chùng lại). Ngón nhấn tạo cho hai âm nối liền nhau, nghe mềm mại .
Ngón chùng: dùng đầu ngón tay (thường là 2 ngón) trong khi bấm lên dây, miết về phía bầu vang làm cho đoạn dây từ cung phím ấy đến bộ phận mắc dây (cái thú) chùng lại, âm thanh trở nên thấp hơn âm thanh thường đánh, đây là ngón độc đáo chỉ riêng đàn đáy mới có.
Ngón rung: là ngón tạo độ ngân dài của tiếng đàn và làm tiếng đàn mềm đi ở những âm cao, âm thanh đỡ khô khan, tình cảm hơn. Dây buông cũng rung được bằng cách nhấn nhẹ ở đoạn dây sát dưới trục dây.
Ngón mổ: tay trái ngón 1 bấm vào một cung phím, tay phải gảy dây, khi âm thanh vừa phát ra, ngón 2 hoặc 3 bấm mạnh vào cung phím khác (thường là liền bậc cao hoặc thấp) âm thanh từ cung phím này vang lên mà không phải gảy đàn. Âm luyến nghe được do một phần của dây đàn còn chấn động, một phần do ngón tay mổ vào cung phím tạo thêm chấn động. 

Vị trí đàn đáy trong các dàn nhạc
Đàn đáy thường được sử dụng để đệm cho Hát Ả Ðào, cùng với Phách (do người hát gõ), cùng với Trống Chầu (người thưởng thức đánh) và đôi khi đệm cho ngâm thơ. Gần đây có độc tấu đàn đáy, Ðàn đáy được đưa vào Dàn nhạc Dân tộc Tổng hợp là nhạc khí mang tính màu sắc.
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: