THÍ SINH KHÔNG TAY THI ĐỖ ĐẠI HỌC
---o0o---
“Biến” đôi chân thành đôi tay
Đến UBND xã Thạnh Mỹ Tây, chúng tôi theo con đường đất ngoằn ngoèo dẫn
vào nhà em Nguyễn Minh Trí - cậu học trò bị khuyết 2 tay ngay vừa trúng tuyển
vào Trường ĐH An Giang ngành Công nghệ Thông tin.
Từ đầu kênh số 10 (ấp Tây An) đến nhà em Trí khoảng 3km, tuy nhiên do
trời mới mưa xong nên mất gần 30 phút, chúng tôi mới đến nơi. Nhà em Trí ở là
một căn nhà sàn, mái lá nằm ở ngã ba sông.
Ông Nguyễn Văn An (sinh năm 1958) - cha em Trí kể: “Mới sinh ra, cháu
Trí không có hai cánh tay như bao đứa trẻ khác. Nói thật, lúc đầu vợ chồng tui
buồn lắm, vì lo sợ khi con lớn lên, nó chịu nhiều thiệt thòi hơn với người ta.
Nghĩ thế, vợ chồng tui tự an ủi nhau và dành cho cháu sự quan tâm thương yêu
nhiều hơn!”.
Từ khi em Trí sinh ra, không chỉ ba mẹ em theo sát Trí mà 4 anh em trong
nhà cũng luôn “kề vai, sát cánh” bên Trí để giúp đỡ, hướng dẫn Trí “biến” đôi
chân thành đôi tay, có thể viết chữ, cầm nắm dụng cụ, gõ vi tính... một cách
thành thạo như bây giờ.
Lúc sinh ra, Trí đã không có 2 cánh tay như các em bé khác
“Khi được 6 tuổi, Trí rất hiếu
động, thấy các anh của nó viết bài, Trí tinh nghịch dùng chân kẹp bút vẽ rồng, rắn…
trên nền nhà, trên giấy. Dần dần các nét vẽ thành hình như những vật dụng mà
Trí nhìn thấy. Các anh của Trí thấy thế nên tập cho Trí viết 24 chữ cái và
không ngờ chỉ một thời gian ngắn, Trí đã viết thành thạo và bắt đầu đòi đi học
như các anh” - bà Quang Thị Hây, mẹ em Trí cho biết.
Qua thời gian khổ luyện, đôi chân của Trí giờ đây chẳng khác
nào đôi tay
có thể cầm nắm, viết chữ, gõ vi tính... một cách thành thạo.
Tuy nhiên vì gia đình khó khăn, ba mẹ em Trí phải đi làm thuê nên không
thể đáp ứng yêu cầu của Trí. Nhưng vì thích học nên hàng ngày, Trí lẽo đẽo theo
các anh của mình đến trường rồi đứng bên ngoài nghe và nhớ những gì các thầy cô
giảng dạy. Về nhà, Trí viết lại rồi lấy sách của các canh tập viết, tập học.
Mãi đến khi 10 tuổi, Trí không bỏ ý định đi học nên đến ba mẹ đưa em đến Trường
tiểu học Thạnh Mỹ Tây xin cho em học chữ.
Không chỉ viết chữ nhanh, Trí còn sử dụng được vi tính và gõ văn bản.
“Thầy cô thấy cháu không có hai tay nên tỏ ý không nhận. Lúc đó, cháu
Trí khóc, đòi bằng được đi học nên thầy cô cũng cảm động và sau 2 lần kiểm tra
khả năng viết của Trí, thầy cô mới nhận lời và cho Trí vào học lớp 1 hệ phổ
cập. Đến năm lớp 3, Trí vừa học hệ phổ cập vừa học hệ chính quy lớp 3 nên cuối
năm Trí lên thẳng lớp 5 và theo kịp bạn bè cho đến khi tốt nghiệp lớp 12” - ông
An cho biết.
Dù không có 2 tay, viết chữ bằng chân nhưng trong suốt 12 năm học Trí
luôn là học sinh khá giỏi, trong kỳ thi tốt nghiệp 12 vừa rồi, Trí đạt 41 điểm.
Ý thức bản thân khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn Trí đăng ký duy nhất
một ngành học là Công nghệ Thông tin của Trường ĐH An Giang và với số điểm 13,
Trí trúng tuyển vào trường trong sự ngỡ ngàng và khâm phục của thầy cô, bạn bè
Trường THPT Thạnh Mỹ Tây.
Trí chia sẻ: “Khi em suy nghĩ được, em thấy với thân thể khuyết tật như
mình muốn thay đổi số phận, có một tương lai tốt hơn thì không có cách nào khác
là phải học hành. Chính vì nghĩ điều này và sự động viên khích lệ của ba mẹ,
anh em, thầy cô và bạn bè…, em mới có đủ sức vượt lên mọi khó khăn, từng bước
leo lên từng nấc thang của tri thức dù phía trước còn lắm gian nan nhưng em sẽ đi
đến cùng”.
Trước nghị lực và tinh thần hiếu học của em Trí, cha mẹ em quyết tâm dù
có vay tiền lãi suất cao vẫn phải lo cho em hoàn thành được ước mơ trở thành kỹ
sư tin học.
Nỗi lo trước ngày đặt chân vào giảng
đường
Có tận mắt chứng kiến em Trí dùng chân lấy sách vở, viết bài, đánh máy
vi tính… bằng chân một cách thành thạo, nhanh nhẹn thế nào, chúng tôi mới thấy
hết được sự nỗ lực của cậu học trò không tay. Bởi thế, bà con trong xóm thường
gọi Trí với những cái tên thân thường “Trí vươn lên", "Trí hiếu học”.
Trí và cha mình đăm chiêu lo nghĩ về sự học còn
mịt mù phía trước.
Ông An kể: “Lúc nhỏ, Trí đi học với các anh, đến khi học cấp 2, các anh
cháu phải nghỉ học ở nhà phụ vợ chồng tui đi làm thuê kiếm tiền sinh sống. Tuy
nhiên, hôm nào Trí không nhờ được bạn bè thì các anh đưa Trí đến trường. Vì
đường đất, nên hôm nào trời không mưa thì đi bằng xe đạp, hôm nào trời mưa thì
phải bơi xuồng đến trường. Các cháu ở đây đến giờ này việc đi học còn vất vả
lắm...”.
Trí ngồi làm bài dự thi tại kỳ thi tuyển
sinh đại học năm 2013
Gia đình ông An có 5 đứa con, hai người con lớn đã có gia đình, trong
nhà còn lại 5 miệng ăn quanh năm cả nhà sống nhờ vào tiền công làm thuê của anh
Nguyễn Văn Kha và Nguyễn Văn Cuội (con thứ 3 và thứ 4 của ông An - PV) nên cuộc
sống lâu nay vẫn thiếu trước hụt sau. Riêng ông An, khi hết tuổi lao động, ông
tự tìm hiểu cách nuôi chim câu, gà kiểng… để kiếm thêm thu nhập, hụ hợ tiền chợ
mỗi ngày.
Cầm giấy báo nhập học của em Trí, bà Hây chia sẻ: “Cháu nó đỗ đại học,
vợ chồng tui mừng lắm nhưng nghĩ đến chuyện tiền nong sắp tới cho cháu ăn học
trong 4 năm liền vợ chồng tui đến giờ này cũng chưa có phương cách nào để kiếm ra
số tiền bạc triệu mỗi tháng cho cháu! Nhưng thấy con không tay, quyết tâm học
hành như thế, dù phải hỏi vay lãi cao cũng cam chịu, miễn sao cháu kịp thời làm
hồ sơ nhập học, giúp cháu hoàn thành ước mơ giảng đường!”.
Về nơi ở bà Hây cũng cho biết, ban đầu gia đình định xin nhà trường cho
em Trí vào KTX để ở, nhưng gia đình nghĩ lại, em Trí khuyết tật nếu ở chung với
bạn bè, em Trí có thể mặc cảm, nhất là trong sinh hoạt, ít nhiều Trí phải làm
phiền mọi người. Do đó, gia đình quyết định cho Trí ra ở trọ bên ngoài gần
trường cùng với một người bạn học phổ thông để tiện bề sinh hoạt.
Trí chia sẻ: “Hồi học lớp 8, một nhà hảo tâm có mua cho em một bộ vi
tính để bàn, nhờ đó mà em mới có cơ hội làm quen với bàn phím, con chuột. Tuy nhiên,
hiện tại bộ máy này không còn hoạt động nữa, bởi vậy em cũng đang lo với ngành
học của mình thì cần phải có một cái vi tính mới nhưng thấy ba mẹ đang lo
chuyện tiền bạc làm hồ sơ nhập học nên em cũng chưa dám xin ba mẹ”.
Chúng tôi ra về, trời bỗng đổ mưa, con đường đất trở nên lầy lội và
chúng tôi vất vả lắm mới ra đến đầu lộ. Nhiều lần trơn trượt, xe lao xuống lề,
tông vào bụi chuối… Tuy nhiên, trong một chút khó nhọc đó, chúng tôi cũng nhận
ra sự “vượt lên” của chúng tôi hoàn toàn không thể so sánh với sự nỗ lực của
Trí trong suốt 12 năm qua để đến giờ em đã đỗ vào ĐH. Nghĩ đến điều này, chúng
tôi chỉ biết cảm phục và chúc ước mơ trở thành một lập trình viên giỏi của Trí sớm
thành hiện thực.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét