LÀNG NGHỀ GỐM BIÊN HÒA
http://www.langnghe.org.vn
---o0o---
Có truyền thống từ thế kỷ XVII với đồ đất nung và sành nâu ... nhưng phải đến cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20, gốm Biên Hoà với các sản phẩm đồ gốm sành xốp mới trở nên nổi tiếng và đặc biệt đã giành được huy chương vàng tại các cuộc triển lãm gốm mỹ thuật quốc tế tại Paris năm 1990 và 1993. Đặc trưng của loại gốm này là sự kết hợp phong cách gốm Việt Nam, gốm Trung Quốc và gốm Limoge của Pháp.
Theo xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, tới lưu vực sông Đồng Nai, ta bắt gặp
những làng mạc trù phú với vô số lò gốm đang ngày đêm toả khói, đó là các làng
gốm Biên Hòa của Tỉnh Đồng Nai, nổi tiếng hơn cả là Cù Lao Phố, các làng Bình
Dương và Xuân An.
Điểm nổi bật của các sản phẩm gốm Biên Hòa là vừa có giá trị nghệ thuật
lại vừa có giá trị sử dụng cao. Chủ yếu là các loại đôn voi, đôn tròn, các loại
chậu hoa, tượng, thú... với nét trang trí canh tân hiện đại, tinh tế, sử dụng
men nhẹ lửa, màu men thanh thoát trắng sữa hay trắng ngà. Các đề tài trang trí
trên gốm sứ thường mang phong cách Trung Quốc như hình ảnh Tứ quý, Tứ linh,
những bài thơ vịnh bằng chữ Hán thường thấy trên các sản phẩm tráng men của
Biên Hòa.
Bên cạnh đó, dòng gốm mỹ thuật của Biên Hòa cũng rất nổi tiếng. Cách đây
hơn 20 năm, các nghệ nhân gốm Biên Hòa đã rất thành công trong việc vẽ, khắc
tranh dân gian trên gốm, hình thành một dòng tranh gốm rất phát triển cho đến
ngày nay. Các sản phẩm gốm mỹ thuật ở Đồng Nai rất phong phú: từ trường phái
khai thác văn hóa Chăm như hình ảnh tượng thần Vixnu, thần Xiva đang nhảy múa
đến các loại tượng dân gian Việt Nam như Mục đồng, Tố Nữ... Ngoài ra, Biên Hòa
còn nổi tiếng bởi các sản phẩm gốm đất nung (gốm đỏ) không phủ men mang vẻ đẹp
tự nhiên rất được thị trường ưa chuộng.
Hai yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của gốm Biên Hòa là nguồn
nguyên liệu cao lanh và đất sét màu chất lượng cao cộng với trình độ của đội
ngũ thợ gốm có tay nghề. Có thể nói, tài nghệ của thợ gốm Biên Hòa chính là ở
chỗ họ đã tiếp thu, hòa nhập được những nét tinh hoa của các nền văn hóa trong
các sản phẩm của mình. Qui trình sản xuất một sản phẩm gốm trước hết qua khâu
tạo dáng trên bàn xoay hoặc trong khuôn, được trang trí vẽ chìm, đắp nổi hoặc
trổ thủng sau đó phủ men màu lên những phần đã trang trí trước khi đưa vào lò
nung.
Các khu vực sản xuất gốm Đồng Nai hiện nay tập trung chủ yếu ở phía Nam
thành phố Biên Hòa, tại các xã Hóa An, Vũ Hòa, Tân Vạn, Tân Hạnh và Long Thành.
Trên địa bàn tỉnh có tới hàng trăm doanh nghiệp, các công ty TNHH và cơ sở sản
xuất gốm sứ. Hầu hết các cơ sở sản xuất lớn ở đây như Hợp tác xã Gốm Thái
Dương, Công ty TNHH Minh Đức, Công ty TNHH Việt Thành, Công ty THNH Đồng Thành
... đã đầu tư trang bị lò nung bằng ga, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng
đều và hạ giá thành sản xuất. Tham gia nhiều hội chợ quốc tế và các cuộc triển
lãm lớn trên thế giới, các sản phẩm gốm Biên Hòa ngày càng được nhiều bạn hàng
trên thế giới biết đến. Gốm Biên Hòa đã và đang được xuất khẩu đi hầu hết các
nước ở Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ, đem lại kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn
năm trước. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu gốm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh
đạt 6,683 triệu USD nhưng năm 2002 đã đạt tới 9,6 triệu USD.
Trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, Đồng Nai là một trong
những tỉnh rất có thế mạnh về đầu tư nước ngoài, trong đó các ngành nghề thủ
công truyền thống, đặc biệt là nghề gốm sứ đóng một vai trò quan trọng trong
việc thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Với lợi thế là một thành phố nằm ở
cửa ngõ của thành phố Hồ Chí Minh, thuận lợi về vận tải và kinh doanh xuất nhập
khẩu, ngành gốm Đồng Nai với truyền thống và phong cách riêng rất độc đáo hoàn
toàn có đủ điều kiện để giới thiệu và mở rộng thị trường của mình ra nhiều nước
trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét