Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

LỄ HỘI CHỢ ĐÌNH BÍCH LA



LỄ HỘI CHỢ ĐÌNH BÍCH LA
---o0o---
Nếu có dịp ghé về Bích La (Triệu Phong, Quảng Trị) ngày này, bạn sẽ có cảm nhận riêng về một lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc riêng của một miền quê. Ở đó, bạn được tham gia lễ cầu rùa, lễ cầu may và có thể bạn sẽ tìm lại tuổi thơ của mình bằng việc làm giản dị là mua một con gà đất…
Cầu rùa ở Chợ Đình Bích La.
Người đi chợ khăn áo chỉnh tề, đi chợ cốt để bán may và mong cho khách mua rẻ, mua may. Đó là lễ cầu may mà chủ ý của người Bích La, chủ ý của người bán là muốn vừa lòng khách, giao đãi thân tình với khách, mong khách biết đến những sản vật của vùng đất Bích La và mong năm sau khách trở lại với chợ đình.
Du khách đổ về chợ đình đa phần không phải để mua sắm mà đi chợ để xem chợ và tận hưởng cái không khí tết đêm. Nhưng với người Bích La, đêm chợ đình lại hết sức quan trọng.
Dân làng từ bậc cao niên đến con cháu, dâu rể của 14 họ tộc nối gót về đây với tâm thức hướng thiện và với tấm lòng thành kính trước vong vị tổ tiên. Có lẽ, không nơi nào có 14 dòng họ cùng các vị thần cùng an tọa chung trong một khuôn viên chợ đình như ở Bích La. Du khách sẽ ngạc nhiên trước cách bài trí vừa đình, vừa chợ, vừa là nơi quần tụ miếu thờ các họ tộc. Lối kết cấu này hoàn toàn là dụng ý của người Bích La.
Chợ đình Bích La nguyên sơ từ khi xây dựng vào năm 1527 cho đến nay vẫn giữ nguyên kết cấu hình chữ nhất, xung quanh không có tường bao. Thiết kế theo dạng “đình mở” không rào dậu như thế, từ xa xưa người Bích La đã hướng đến một ngôi nhà chung; họ coi trọng sự cố kết cộng đồng, sức mạnh cộng đồng, và rõ ràng, chợ đình đã xóa đi ranh giới giữa các họ tộc.
Du khách có thể ghé chợ, thăm đình, có thể mua và làm quen thêm bầu bạn, thậm chí có thể thắp một nén nhang thổ lộ tấm chân tình của mình trước một ban thờ họ tộc nào đó để cầu an, cầu phúc. Người Bích La cùng khách hòa nhập với nhau trong đêm hội chợ đình bằng tình bằng hữu, nhưng dù không phân định ngôi khách chủ thì cá tính của người Bích La, đất Bích La vẫn không vì thế mà mai một.
Tò he - sản vật dân gian ở Chợ Đình Bích La.
Cho chữ ở Chợ Đình Bích La.
Hàng nghìn đời nay, dù lịch sử thăng trầm dâu bể, chợ đình vẫn chính là nguồn cội và chưa bao giờ chợ đình Bích La khai cuộc vắng tiếng gà! Đây đó trong không gian chợ đình thoang thoảng mùi hương, tiếng gà quê to te vừa thực vừa ảo… và chủ, và khách chỉ cần nghe âm thanh ấy, tiếng to te đã có thể quay trở thời gian để mỗi người có thể sống lại với quá vãng thời gian và với tuổi thơ của chính mình.
 
Đêm Chợ Đình dường như thức trắng. Trước sân đình đã tái hiện lễ cầu rùa. Nếu như đêm chợ đình mang ý nghĩa cầu may và giao đãi giữa chủ với khách, thể hiện cuộc sống cộng đồng sung túc và tri ân, báo hiếu tổ tiên gia tộc thì lễ cầu rùa lại mang sắc thái tín ngưỡng thờ thần đậm nét của người Bích La xưa
---ooo0ooo---


Không có nhận xét nào: