KỂ CHUYỆN TAI NẠN MÁY BAY MYANMAR
Bạn
Nam
Ma (Houston)i sưu tầm từ các báo mạng
---o0o---
Máy bay vỡ đôi, va vào xe máy ở Myanmar
Một máy bay Myanmar chở 65 hành khách trong đó đa số là khách du lịch nước ngoài, vừa va chạm khi hạ cánh, làm hai người chết và 11 người bị thương.
Khói bốc lên từ hiện trường tai nạn máy bay chở khách Air
Bagan gần sân bay Heho, bang Shan, miền đông Myanmar ngày 25/12.
Ảnh : AFP
Hãng hàng không Air Bagan cho biết chiếc máy bay cũ loại Fokker-100 bị
buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở một nơi cách sân bay Heho 3 km, nơi là cửa ngõ tới
một địa danh du lịch nổi tiếng, hồ Inle, miền đông Myanmar.
"Một hành khách được tìm thấy chết trong máy bay. Chúng tôi vẫn
đang cố gắng xác định danh tính nạn nhân", hãng hàng không thông báo trên
mạng xã hội Facebook. Theo Bộ Thông tin Myanmar, nạn nhân là một bé 11 tuổi, và
có 4 khách nước ngoài trong số những người bị thương. Trên máy bay có tổng cộng
51 du khách nước ngoài. Một người nữa chết khi máy bay đâm vào xe máy trên
đường gần sân bay.
Máy bay gặp tai nạn khi đang đi từ Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar tới sân
bay Heho ở bang Shan. Hoàn cảnh diễn ra vụ tai nạn vẫn chưa thực sự rõ ràng,
nhưng một quan chức chính phủ cho rằng một ngọn lửa bùng phát tại một trong các
động cơ khi máy bay đến gần sân bay Heho vào khoảng 9 giờ sáng nay.
"Vì phải hạ cánh khẩn cấp, máy bay vỡ đôi", AFP dẫn lời một quan chức giấu tên nói và
cho hay các hành khách đã được sơ tán. Một hướng dẫn viên du lịch địa phương
đang chờ hành khách của chuyến bay hãng Air Bagan đến cho biết "ngọn lửa
đã thiêu đốt gần hết máy bay".
Phát ngôn viên hãng hàng không Air Bagan, Ye Min Oo cho biết hai phi
công đều bị thương và đã được chuyển tới bệnh viện, tuy nhiên tình trạng của họ
chưa được báo cáo. "Nguyên nhân vụ tai nạn chưa rõ ràng. Chỉ có các phi
công biết nguyên nhân, nhưng chúng tôi không thể liên hệ với họ vì họ đã được
đưa tới bệnh viện", anh nói.
Air Bagan là một trong số vài hãng hàng không nội địa kiếm lời từ sự bùng nổ du lịch ở Myanmar sau cải cách chính trị. Nhu cầu du lịch bằng máy bay tăng cao đã gây sức ép lên hạ tầng cơ sở hàng không ở Myanmar, đặc biệt tại những sân bay xa xôi. Hãng hàng không Air Bagan đưa vào vận hành hai chiếc Fokker 100, loại hiện không còn được sản xuất.
Air Bagan là một trong số vài hãng hàng không nội địa kiếm lời từ sự bùng nổ du lịch ở Myanmar sau cải cách chính trị. Nhu cầu du lịch bằng máy bay tăng cao đã gây sức ép lên hạ tầng cơ sở hàng không ở Myanmar, đặc biệt tại những sân bay xa xôi. Hãng hàng không Air Bagan đưa vào vận hành hai chiếc Fokker 100, loại hiện không còn được sản xuất.
Nguồn : vnexpress.net – Trọng Giáp
---o0o---
Người Việt kể chuyện sống sót trên máy bay Myanmar
Ông Dương Đình Giao – hành khách Việt thoát chết trong vụ máy bay lao
xuống đất và cháy ở Myanmar
kể lại những trải nghiệm khó quên…
Dưới đây là một phần nội dung bài viết của hành khách Dương Đình Giao, một
trong 5 người Việt Nam và hơn 60 người khác đã thoát chết như phép mầu sau vụ
máy bay Myanmar bị nạn phải đáp khẩn cấp rồi bốc cháy và vỡ ở giữa thân khiến 2
người chết, 11 người bị thương. Ông đã trải qua những giờ phút kinh hoàng nhưng
lại có những trải nghiệm, ấn tượng khó quên về đất nước và con người ở đây:
Ngày 25/12, ngày thứ hai của hành trình của tôi tại Myanmar, máy bay của hãng hàng không Air Bagan đưa chúng tôi đi từ Yangon đến Heho, nơi có hồ Inle nổi tiếng. Theo lịch trình, chuyến bay sẽ đến Heho lúc 9h, sau khi dừng lại ở sân bay Mandalay để đón và trả khách trong khoảng 30 phút. Khi máy bay hạ độ cao chuẩn bị xuống sân bay Heho, tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy là 8h55.
Ngày 25/12, ngày thứ hai của hành trình của tôi tại Myanmar, máy bay của hãng hàng không Air Bagan đưa chúng tôi đi từ Yangon đến Heho, nơi có hồ Inle nổi tiếng. Theo lịch trình, chuyến bay sẽ đến Heho lúc 9h, sau khi dừng lại ở sân bay Mandalay để đón và trả khách trong khoảng 30 phút. Khi máy bay hạ độ cao chuẩn bị xuống sân bay Heho, tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy là 8h55.
Một lát sau, tôi cảm thấy một cú tiếp đất mạnh hơn bình thường khi máy
bay hạ cánh. Ngay sau đó là những rung lắc liên tục trong vòng khoảng 10 giây.
Đang bất ngờ vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra, tôi nghe thấy một tiếng thét ở
phía sau. Biết là đã có chuyện, tôi nhắc mọi người bình tĩnh và đứng lên bật
nắp khoang hành lý để lấy ba lô của mình. Nhưng nắp vừa bật, tôi bị đẩy ngã
nhào về phía trước.
Đứng lên, quay lại nhìn phía sau, tôi thấy các thành viên trong gia đình
mình đã rời khỏi ghế và ra được lối đi. Bước lên mấy bước, tôi chợt ngửi thấy
mùi khói. Một ý nghĩ thoáng qua "Chỉ cần một tiếng nổ là tất cả sẽ chấm
hết!". Xuống khỏi thang máy bay, tôi mới thấy máy bay đã không hạ cánh
trên đường băng bê tông mà đang nằm trên một cánh đồng, phía đuôi máy bay đang
bốc cháy, khói nghi ngút.
May mắn bất ngờ, tất cả chúng tôi, gồm 6 người trong gia đình và hai mẹ
con bà thông gia người Australia
đều an toàn. Tôi vội giục mọi người nhanh chóng chạy ra xa.
Trên chuyến bay có 65 người, kể cả phi hành đoàn, ngoài 5 người Việt Nam
trong gia đình tôi tất cả đều là khách du lịch từ các nước Mỹ, Pháp, Hà Lan,
Hàn Quốc...
Nơi máy bay hạ cánh khẩn cấp cách sân bay khoảng 3 km và cách đường ô tô
khoảng 200 m. Khi ra tới nơi, mấy xe cứu hỏa đã có mặt và đang tìm cách tiếp
cận với đám cháy, nhưng vì không có lối vào, phải nối dài vòi rồng nên việc cứu
chữa không thật hiệu quả.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay của
hãng Air Bagan gần thành phố Heho khiến hai người thiệt mạng. Ảnh: AFP
Trên đường, chúng tôi
nhìn thấy nhiều biển tên khách của các công ty du lịch, khách sạn mà khách du
lịch trên chuyến bay đã đặt chỗ. Họ nhanh chóng tiếp cận với khách của mình. Sự
có mặt của họ dù là những người chưa quen biết cũng khiến chúng tôi yên tâm
hơn, vì đã có người sẵn sàng hỗ trợ khi khó khăn nơi đất khách quê người. Nhiều
xe máy, ô tô đã dừng lại chứng kiến đám cháy, trong đó có cả nhiều người dân Myanmar đang
làm việc trên cánh đồng.
Lúc này dù đã hơn 9h nhưng mặt trời vẫn chưa kịp xua tan sương mù. Trời
khá lạnh. Thật cảm động khi thấy những người nông dân lam lũ, cởi những chiếc
khăn choàng khoác lên vai, trùm lên đầu những đứa trẻ, bỏ những đôi dép mình
đang đi cho những phụ nữ phương Tây xa lạ đang chịu cảnh rét mướt.
Trên đường thoát hiểm, nhiều túi, mũ, ba lô bị rơi được mọi người tập
hợp bên lề đường để người thất lạc đến nhận. Rất nhiều người dân Myanmar có
mặt, nhưng không hề thấy ai để có ý định cướp giật gì.
Một lát sau, hai xe khách loại lớn đưa tất cả về sân bay Heho. Khi xe
dừng lại bên ngôi chùa gần sân bay, tôi nghĩ người dân Myanmar sùng đạo Phật đã
đưa chúng tôi đến đây để tạ ơn Trời Phật giúp thoát nạn. Nhưng không phải! Hãng
hàng không đã nhanh chóng liên hệ với chính quyền sở tại mượn ngôi chùa làm nơi
cho chúng tôi tạm nghỉ, tránh cái lạnh giá ngoài trời. Xuống xe, chúng tôi lại
thấy những người dân bình thường đang mang đệm, chăn của gia đình mình trải
trên nền chùa bằng gạch men.
Khi mọi người đã vào hết trong chùa, các nhân viên y tế có mặt. Họ thăm
khám, đo huyết áp, băng bó cho những người bị thương nhẹ. Những người bị thương
nặng đã ngay lập tức được đưa về Yangon. Riêng
hai khách người Mỹ bị bỏng nặng được đưa sang Bangkok bằng trực thăng. Nước uống, bánh trái
được mang đến.
Lúc 10h, tức là sau khi sự cố xảy ra một giờ, ông chủ tịch huyện sở tại
cũng đã đến thăm hỏi những người gặp nạn. Lúc này, cảnh kẻ nằm người ngồi trong
chùa vô cùng lộn xộn. Việc kiểm đếm những hành khách có mặt thật khó khăn.
Những người có trách nhiệm có lẽ vì tôn trọng đã không yêu cầu chúng tôi ngồi
cho ngay hàng thẳng lối. Họ cứ đếm đi đếm lại, người đếm bằng tiếng Myanmar,
người đếm bằng tiếng Anh. Có lúc thấy ba bốn người cùng đếm. Sau tôi mới hiểu,
họ cần nhanh chóng xác định số người có mặt ở đây để có thể phát hiện số người
mất tích nếu có.
Phải đến khi có danh sách hành khách từ sân bay Yangon và Mandalay gửi
tới, việc kiểm đếm mới chấm dứt. Lúc này công việc đơn giản hơn. Những người có
mặt được dánh dấu vào danh sách. Nhưng việc này cũng được thực hiện tới ba bốn
lần bởi những người khác nhau, chứng tỏ họ rất thận trọng.
Đến 11h, chúng tôi được đưa tới phòng khách của sân bay. Ở đây có bia,
nước ngọt và những thức ăn nhẹ. Họ thông báo cho chúng tôi biết, ai muốn trở về
Yangon sẽ được bố trí một chuyến bay riêng, còn những ai muốn ở lại sẽ được đưa
tới một khu nghỉ dưỡng bên hồ Inle chờ đợi giải quyết hậu quả. Gia đình chúng
tôi quyết định ở lại và được đưa tới khu nghỉ dưỡng bằng hai xe con.
Ở đây, chúng tôi đã được đón tiếp chu đáo, hai hoặc ba người được bố trí
ở trong một biệt thự. Sau khi tạm nghỉ ngơi, đến 3h, chúng tôi được báo đi ăn
cơm. Ai cũng nghĩ chắc sẽ được một bát mỳ hoặc cái gì đại loại như thế, nhưng
thật bất ngờ, tất cả được mời một bữa tiệc buffe thịnh soạn, trên bàn ăn còn có
cả hoa và thắp nến. Người quản lý giải thích "vì hôm nay là Noel”.
Sau khi ăn xong, mỗi người chúng tôi được phát quần áo và một ít tiền
(tiền Myanmar
và đôla Mỹ) đủ để mua sắm lại những hành lý đã mất và tiếp tục hành trình nếu
muốn. Ai cũng bất ngờ trước sự thu xếp nhanh gọn này.
Đến 19h mọi người lại được mời ăn cơm. Lại tiệc buffe, hoa và nến, có
thêm rượu champagne và rượu vang. Ông chủ tịch Tập đoàn HTOO mà Air Bagan là
một trong nhiều công ty con đã từ Yangon vượt
gần một nghìn cây số tới thăm hỏi những người gặp nạn. Sáng hôm sau, chúng tôi
lại được nhận thêm một số quần áo và tiền.
Nhân viên cứu hỏa dập tắt đám cháy và tìm kiếm các nạn nhân.
Hãng hàng không có máy
bay gặp nạn lo chu đáo và có trách nhiệm giải quyết hậu quả của vụ tai nạn.
Trong suốt thời gian ở lại 5 ngày, ở Heho hay khi đã trở về Yangon, tất cả hành
khách trên chuyến bay đều được ăn ở tại những nơi tương đương khách sạn 5 sao,
được hưởng các dịch vụ như giặt là, điện thoại quốc tế... hoàn toàn miễn phí.
Tôi vốn mơ ước một cuộc sống bình dị, rất sợ tất cả những gì là hào
nhoáng, bóng bẩy, nay trong hoàn cảnh không một xu dính túi, trên người chỉ độc
một bộ quần áo, hành lý và túi xách tay đều đã cháy cùng máy bay, ngay cái máy
ảnh đeo trên cổ cũng chỉ còn sợi dây đeo, kính cận cũng rơi mất, lại được ăn ở
như thế này thật cũng là một bất ngờ thú vị. Chúng tôi không phải bước chân ra
khỏi khách sạn, mọi công việc cần thiết đều do nhân viên của họ giải quyết.
Ngay việc làm giấy thông hành để sử dụng khi còn trên đất Myanmar cũng
được thực hiện ngay tại nơi ở.
Theo họ, chỉ hai việc chúng tôi phải có mặt đó là đi kiểm tra sức khỏe
và làm lại hộ chiếu. Nhưng với hai việc này, họ đều cho xe đưa đón và cử nhân
viên đi theo hỗ trợ khi cần thiết. Họ đã hợp đồng với bệnh viện tốt nhất Yangon để giám đốc bệnh viện có mặt bất cứ lúc nào chỉ
đạo việc thăm khám và chữa trị khi có khách do họ đưa đến.
Những nhân viên đi theo cũng ngồi đó chờ đợi và đưa khách về tận nơi ở
sau khi việc thăm khám kết thúc. Vợ tôi và bà thông gia người Australia sau
khi gặp chấn động mạnh bị đau lưng. Hai người được khám suốt hơn ba tiếng, mỗi
người được làm đủ các loại xét nghiệm, chụp 4 tấm phim cỡ 50x50. Khi thấy không
có vấn đề gì trầm trọng, họ đã cho mỗi người một cái đai bó lưng và thuốc giảm
đau các loại. Bà xã nhà tôi cũng phải thốt lên "Cả đời gần 70 tuổi, chưa
bao giờ được thăm khám kỹ càng như thế!"...
Sau khi về Yangon, hãng hàng không đã tập hợp mọi người để thông báo về
việc giải quyết bảo hiểm cho hành khách đi trên chuyến bay, giải quyết vụ việc
với đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Địa chỉ và số tài khoản của hành khách được
ghi lại để nhận kết quả sau khi một công ty bảo hiểm của Anh tiến hành bồi
thường.
Không chỉ những người có trách nhiệm, suốt 5 ngày, dù ở đâu, chúng tôi
cũng đón nhận được sự ân cần chu đáo của các nhân viên hãng hàng không và khu
nghỉ dưỡng. Họ dìu những người bị đau khi lên xuống các bậc thềm, đưa chúng tôi
đến tận nơi, mở cửa, bật đèn rồi giơ tay mời vào khi hỏi đến nơi nào đó. Thấy
trên tay ai có mấy túi nilon, vỏ hoa quả, họ đều nhanh chóng giơ tay đón lấy
mặc dù thùng rác ở ngay trước mặt. Những cử chỉ ấy tôi hiểu không chỉ vì phương
châm coi "khách hàng là Thượng đế" mà còn biểu hiện tấm lòng người
giàu trắc ẩn.
Khi vào một làng dệt lụa thủ công trên hồ Inle, khi được biết chúng tôi
là những người vừa gặp nạn, chủ cửa hàng lập tức hạ giá 30% cho toàn bộ sản
phẩm mà chúng tôi mua. Số tiền thực ra không nhiều nhưng cử chỉ ấy của họ cũng khiến
chúng tôi phải xúc động.
Sau 5 ngày, mọi thủ tục đã xong. Gia đình tôi được đưa ra sân bay. Ở
đây, nhân viên của họ làm tất cả mọi thủ tục cho chuyến bay và chỉ ra về sau
khi chúng tôi tạm biệt để vào phòng cách ly.
Từ Myanmar trở về, tôi cứ bâng khuâng và ân hận, vì sao một đất nước
chẳng cách xa chúng ta là mấy, một xứ sở có những người dân giàu lòng nhân hậu,
vị tha như thế mà tôi chưa hiểu biết được bao nhiêu.
Trong cuộc đời chưa bao giờ gặp một tai họa lớn và lại thoát hiểm ngoạn
mục như vậy, chúng tôi cảm thấy biết ơn ông bà, cha mẹ đã ăn ở hiền lành, tu
nhân tích đức dù trong biết bao vất vả thiếu thốn để con cháu bây giờ được
hưởng phúc.
Tôi muốn cảm ơn những người dân Myanmar đã giang vòng tay che chở
khi gia đình tôi gặp nạn. Và tôi thầm nghĩ, chuyến đi hôm nay của chúng tôi
dang dở, nhưng nhất định sẽ có chuyến đi khác. Một đất nước với những con người
như thế xứng đáng để chúng ta khám phá./.
Dương Đình Giao
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét