Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

22. VUA A DỤC

Bước vào cõi Phật – Quyển 2 – Bài 22. Vua A Dục
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
22. VUA  A-DỤC
1.  Nói đến Ấn-Độ là nói đến một nước rất lớn, lớn đến nỗi sách vở gọi là một “tiểu lục địa”. Nước Ấn Độ rộng 3.268.000 km2 (gấp 10 lần Việt Nam). Dân số là 1.100 triệu (gấp 13 lần Việt Nam). Có rất nhiều tiếng địa phương, nhưng ngôn ngữ chính thức là tiếng hindi. Hiện nay, tôn giáo chính là Ấn-Độ giáo.
Lịch sử Ấn-Độ là một lịch sử lâu dài, nền văn minh lưu vực Ấn Hà hiện hữu từ 25 thế kỷ trước Tây lịch (tr.TL). Ấn Hà tức là sông Indus.
Trong khoảng thời gian 560-480 tr.TL, sự kiện nổi bật nhất là giáo chủ Mahāvīra của đạo Kỳ-Na (Jainisme) và giáo chủ Thích-Ca Mâu-Ni của đạo Phật ra đời truyền đạo. Sở dĩ người ta nhắc đến hai vị giáo chủ vì hai đạo chủ trương bình đẳng trong một xã hội phân chia giai cấp rất nặng nề.
Vào khoảng thời gian 320-176 tr.TL, triều đại Mô-Ri-A (Maurya, ta gọi là Khổng Tước) được thiết lập ở xứ Ma-Kiệt-Đà (Magadha). Người sáng lập ra vương triều này là vua Candragupta. Ông chinh phục hết các nước nhỏ yếu xung quanh và là người đầu tiên thống nhất được nước Ấn-Độ. Ông truyền ngôi cho con là Bindusara, ông này ngự trị trên một vùng lãnh thổ mênh mông do cha truyền lại và tiếp tục chính sách của cha. Ông có rất nhiều vợ (16 bà!) và cả trăm người con (101 người!), một trong các người con đó là A-Dục (khoảng 300-232 trước Tây Lịch). A-Dục hay A-Du-Ca là do chữ Asoka - còn viết là Ashoka -  phiên âm ra. A-Dục có nghĩa là vô ưu, thoát khỏi sầu não. 
2.  Theo Từ Điển Phật học Hán Việt thì: Lúc nhỏ, A Dục tàn bạo lắm nên vua cha không ưa và muốn chọn người anh là Tu-Tư-Ma  để truyền ngôi. Nhân có nước nhỏ Đức-Xoa-Thi-La nổi loạn, vua sai A-Dục đi bình định mà chỉ cấp cho rất ít khí giới với mục đích cho A-Dục chết trận. Nào ngờ, A-Dục thành công và cầm quyền nơi xa đó; làm phó vương miền Điểu-Xà-Diễn-Ma, lo thu thuế. Khi nghe tin vua cha bệnh nặng, A-Dục vội vàng về kinh đô chuẩn bị lên nối ngôi. Trong việc “nối ngôi” này, có những điều mờ ám, thí dụ như việc tất cả các anh em của A- Dục đều bị giết, kể cả Tu-Tư-Ma, trừ một người tên là Tì-Đại-Du-Ca sau tu thành la-hán.
Từ Điển nói trên ghi thêm một thuyết khác: “Ông đánh úp và giết chết Tu-Tư-Ma, tự lên ngôi vua. Chỉ trong vòng bốn năm, ông trừ khử người em cùng mẹ là Để-Tu, giết 99 người anh em khác mẹ, rồi lên ngôi vua, đó là khoảng 280 năm sau khi đức Phật nhập Niết-bàn”. Việc này cần phải tìm tòi thêm vì người ta nói rằng trên một cột đá, ông có nhắc đến anh em của ông.
Vua A-Dục sinh năm 304 tr.TL, lên ngôi năm 269 tr.TL lúc 35 tuổi, trị vì được 38 năm và mất năm 232 tr.TL, thọ 73 tuổi. Thật ra, năm lên ngôi cũng như năm đăng quang của vua A-Dục không được chính xác lắm. Nơi thì ghi là vua lên ngôi năm 270 tr.TL, nơi khác ghi là 265. Sách này ghi rằng vua băng hà năm 230 tr.TL, sách khác lại ghi là 232 hoặc 238. Lễ đăng quang cử hành 4 năm sau khi vua lên ngôi.
Phật học Từ Điển của Đoàn Trung Còn ghi: “Chép theo những sự khảo cứu trên những cột đá do vua dựng lên trong xứ thì vua lên ngôi năm 273 tr.TL. Vua đóng đô tại thành Hoa Thị”.
Vua A-Dục được xem là ông vua vĩ đại nhất của nước Ấn-Độ. Mới lên ngôi, vua dùng vũ lực mở mang bờ cõi, vương quốc trải rộng từ Afghanistan đến Bengal, bao gồm luôn đồng bằng sông Hằng. Tuy nhiên, trong một trận xâm chiến nước Kalinga tại bờ biển phía Đông vào năm 262 tr.TL, quân sĩ và dân chúng chết quá nhiều, kẻ còn lại thì cực kỳ lầm than. Kalinga là tiểu bang Orissa của Ấn Độ ngày nay. Một tài liệu ghi: một trăm ngàn người bị giết, năm chục ngàn người bị bắt làm tù binh và một số nhiều hơn thế chết thảm. Nhà vua động lòng thương cảm và tỏ ra hối hận vì đã gây nên binh đao và khổ đau, chết chóc. Khi vua gặp được cháu mình là tu sĩ trẻ tuổi Ni-Cù-Đà thì ông này đem Phật pháp giáo hóa cho thì vua tỉnh ngộ, có một sự biến chuyển về tâm linh và  vua quy y Tam Bảo vào năm 261 tr.TL. Điều này thì có người đặt chấm hỏi. Một tài liệu khác mang tính kỳ bí hơn: Nhà vua thấy một tỳ-khưu thi triển thần thông làm cho nước sông Hằng chảy ngược nên ngưỡng mộ Phật pháp!
Không những bản thân thực hành Phật pháp mà nhà vua còn áp dụng Phật pháp trong việc trị vì đất nước. Ngưng hẳn việc dùng vũ lực chiếm đóng đất đai, nhà vua dùng mọi phương tiện để đào giếng, làm đường, xây trường học và nhà thương, trồng dược thảo, phát thuốc v.v... cho dân, nhà vua gọi đó là “chinh phục bằng giáo pháp”. Lại gửi các quan đi khắp nơi để khuyên bảo dân chúng ăn ở hiền lành, thực hành Phật pháp.
3.  Về việc hoằng pháp, người ta kể rằng khi được nghe nói rằng đức Phật thuyết 84 ngàn pháp, nhà vua đã cho xây cất rất nhiều chùa, tháp, con số lên tới 84 ngàn! Những tháp này có tên là stupa, phiên âm thành phù đồ (dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người). Nhiều tảng đá và cột đá được dựng lên khắp nước để đề cao các giá trị Phật giáo. Thí dụ “làm lành, tránh dữ, sống từ bi, trong sạch”. Lại cho in kinh sách để cho sư sãi đọc tụng và để cho dân chúng theo đó mà tu tập.
Nhưng cũng nên nói rằng nội dung các tảng và cột đá đó (gọi chung là các sắc chỉ trên đá, rock edicts) không phải chỉ nói về Phật pháp mà còn nói đến sự nghiệp nhà vua cùng những lời khuyên răn về đạo đức, về lòng hiếu thảo, từ bi, sự tương kính giữa các tôn giáo v.v... Có một vài nhà khảo cứu nhận xét rằng: không thấy tảng đá hay cột đá nào khắc Tứ Diệu Đế cả! Và ngay cả chữ Pháp (Dhamma) dùng lúc ấy có hẳn là Phật pháp chăng? Có thể rằng ông vua khôn ngoan đó tránh va chạm người ngoại đạo trên lãnh thổ mênh mông của ông! Chưa thể đoan chắc được.
P0213.JPG (44200 bytes)
Đầu trụ cột đá Vua A-Dục được làm bằng
một khối đá lớn, khắc bốn đầu sư tử ở bốn mặt,

đặt trên pháp luân, đây cũng là quốc ấn của triều đại của Vua A-Dục
Các nhà nghiên cứu thường ghi ra những câu sau này trên một cột đá, cốt nói lên lòng khoan dung rất đáng ca ngợi của vua A-Dục: “Không được vinh danh riêng tôn giáo của mình và dè bỉu tôn giáo của người khác, phải vinh danh các tôn giáo khác vì lý do này hay lý do khác. Làm như vậy là giúp cho tôn giáo của mình phát triển đồng thời giúp cho các tôn giáo khác. Nếu làm khác thì chỉ là đào hố chôn tôn giáo của mình và làm hại các tôn giáo khác … Hòa hợp là điều tốt lành: tất cả chúng ta đều phải lắng nghe và muốn lắng nghe các chủ thuyết mà tha nhân rao giảng”.
Ở một cột khác, người ta thấy:“Trước đây, ở các nhà bếp trong cung, mỗi ngày có hàng trăm ngàn sinh vật bị giết thịt. Nhưng nay, khi viết những dòng chữ này về Giáo Pháp, chỉ còn ba con vật bị hạ thôi, hai con công và một con nai, và về sau thì sẽ không hạ con nào nữa”.
Và: “Bất cứ nơi nào trên vương quốc của ta, các hàng quan lại cứ năm năm thì phải đi kinh lý một lần để dạy Giáo pháp cho dân và dạy nhiều điều khác nữa. Vâng lời cha mẹ, bạn bè và bà con, cúng dàng các bậc bà-la-môn và sa-môn, không sát sinh là những điều tốt. Tiêu xài ít đã là tốt, mà sở hữu  tài sản tối thiểu cũng là tốt …”.
Người ta đã liệt kê được những sắc chỉ trên đá: 16 tảng đá lớn, 4 tảng đá nhỏ, 4 tảng đá nhỏ nói riêng về Phật giáo và 7 cột đá, vậy là tổng cộng có 31 tảng và cột, có thể sau này còn tìm được thêm.

4.  Năm 273 tr. TL., trong các chuyến hành hương đến các thánh địa Phật giáo, vua A-Dục đã đến viếng Lâm-Tì-Ni, để thành kính đảnh lễ nơi đản sanh đức Thích-Ca Mâu-Ni. Để đánh dấu việc này, nhà vua cho dựng nơi ấy một cột đá trên có khắc chữ đại ý nói rằng: “Hai mươi năm sau khi đăng quang, Nhà Vua đã đến hành hương nơi này là nơi đản sanh đức Phật. Làng Lâm-Tì-Ni được miễn thuế má, chỉ phải đóng một phần tám số lợi tức về đất đai thay vì đóng đày đủ như thường lệ”.
Khi quân Hồi xâm chiếm Ấn-Độ vào thế kỷ 13 sau TL thì họ tàn phá các chùa chiền, thánh tích Phật giáo. Lâm-Tì-Ni bị bỏ hoang phế, rừng cây che lấp hết. Năm 1896, nhà khảo cổ học người Đức là TS Alois A. Fuhrer tới Nê-Pan tìm tòi thì phát hiện được một cột đá với những chi tiết xác nhận rõ ràng nơi ấy chính thực là nơi đản sinh đức Phật.
Năm 259 tr. TL., vua A-Dục hành hương đến Bồ-đề Đạo tràng, Trên một cái bệ đắp nổi thấp (bas-relief ) tại tháp Bharhut ở Madhya Pradesh, người ta thấy hình đắp ghi lại đền và các tòa nhà khác tại Bồ-đề Đạo tràng mà vua A-Dục đã cho xây dựng.
Năm 249 sau đó, vua A-Dục hành hương đến Sārnāth là nơi đức Phật khởi đầu chuyển pháp luân, thuyết Tứ Diệu Đế cho nhóm năm anh em ông Kiều-Trần-Như. Nhà vua đã cho dựng nhiều công trình để kỷ niệm chuyến hành hương này, đặc biệt là cho dựng cột đá nổi tiếng gọi là Sārnāth Lion Capital (= Đầu cột đá có tượng Sư Tử tại đô thị Sārnāth), trên đầu cột đó có tạc bốn con sư tử quay lưng vào nhau, bốn con nhìn ra bốn phương. Bệ của tượng sư tử này là một hình trụ đá, có khắc nổi hình bánh xe pháp. Hình bánh xe được dùng trên lá quốc kỳ hiện nay của Ấn-Độ. Còn Sārnāth Lion Capital thì được dùng làm quốc huy hiện nay của Ấn Độ. Du khách thời nay muốn coi tượng Sư Tử này phải tới Viện Bảo Tàng Sārnāth.
Cũng vào năm 249 ấy, nhà vua hành hương đến Câu-Thi-Na là nơi đức Phật đại bát-niết-bàn và cho dựng tại đó nhiều cột đá.
Như vậy là tất cả tứ động tâm (nơi đản sinh, nơi thành đạo, nơi khởi chuyển pháp luân và nơi đại bát-niết-bàn của đức Phật) đều được nhà vua tới chiêm ngưỡng và dựng cột đá đánh dấu kỷ niệm. Phật tử từ xưa đến nay đều nô nức theo vết chân quý hóa ấy.
5.  Sự nghiệp đáng kể nhất của vua A-Dục là đề xuất và tài trợ tổ chức Hội Kết Tập thứ ba của Phật giáo tại thành Hoa Thị, mục đích là thanh lọc Giáo Hội, loại trừ những tu sĩ giả hiệu và những tà thuyết. Tại sao có việc này?
Khi nối ngôi của ông nội và cha thì vua A-Dục vẫn theo đường lối của các vị ấy là nâng đỡ Tam Bảo và luôn cả các môn phái của những tôn giáo khác. Sau khi hối hận về các việc ác đã phạm và được cảm hóa theo Phật pháp thì nhà vua không còn chú ý nhiều đến các nhóm khác mà chỉ chủ yếu yểm trợ Phật giáo mà thôi và yểm trợ một cách hào phóng ngoài sự tưởng tượng. Thí dụ như nhà vua ban phát tứ sự cho các nhà xuất gia một cách hết sức rộng rãi, rộng rãi đến nỗi nhiều kẻ lười biếng lợi dụng, len lỏi vào hàng ngũ tu sĩ để mong hưởng lợi, đắp y mà chẳng theo một quy tắc nào, đồng thời do ngu dốt hay do xúi dục mà mang vào Giáo Hội những tà thuyết như là sự trường tồn của linh hồn chẳng hạn.
Khi nhận thấy uy tín của Giáo Hội xuống thấp, nhiều vị tăng đứng đắn từ chối dự lễ bố-tát với các tu sĩ giả hiệu. Nhà vua nghe thấy vậy, bèn cho một vị thượng quan đi thu xếp thống nhất Tăng-già, nhưng mà lệnh không rõ ràng nên khi vị quan này thấy các nhà sư đứng đắn nhất định không ngồi chung với các nhà sư giả hiệu thì ông nổi giận, tuốt kiếm chém đầu luôn hết người này đến người khác. Đến khi trông thấy sư Tỳ-Đại-Du-Ca thì quan ngạc nhiên, dừng tay lại. Tại sao? Vì Tỳ-Đại-Du-Ca là em ruột của nhà vua. Vị quan vội về tâu vua, vua bèn vời trưởng lão Mục-Kiền-Liên-Tử Đế-Tu đến để hỏi ý kiến, bàn bạc kế hoạch. Từ đó phát xuất việc triệu thỉnh một ngàn vị tăng về tham dự một Hội Kết Tập do trưởng lão Mục-Kiền-Liên-Tử chủ trì và nhà vua bảo trợ, nhằm mục đích loại bỏ các tăng giả hiệu và mọi tà thuyết. Đây là Hội Kết Tập lần thứ ba của Phật giáo, tổ chức vào năm 326 tr.TL, tại Asokārāma, thuộc thành Hoa Thị. Hội Kiết Tập kéo dài 9 tháng, với việc đọc tụng và duyệt lại Kinh tạng và Luật tạng. Để bảo vệ tính trung thực của Giáo pháp, đích thân trưởng lão đã soạn thảo một cuốn sách tên là Kathavatthu, đả phá các tà thuyết, gồm 23 chương, về sau cuốn sách này được thêm vào thành quyển thứ năm trong số bảy quyển của Vi Diệu Pháp.
Một trong các hệ quả của hội Kết Tập này là việc vua A-Dục cử các phái đoàn đi truyền bá Phật pháp khắp nơi trên đế quốc rộng lớn của ngài.
Đặc biệt nhất là phái đoàn sang nước Sư Tử tức là nước Tích Lan, Sri Lanka ngày nay, trong đó có hoàng tử Ma-Hê-Đà và công chúa Tăng-Già-Mật (con của nhà vua), là những người đã gia nhập Tăng-già từ lâu. Nơi đây, một nhánh cây bồ-đề được mang từ Bồ-đề Đạo tràng sang trồng, cây này nay vẫn còn! Phật giáo được quảng bá nhanh chóng và rộng rãi, được nhận là quốc giáo. Chùa chiền, bảo tháp được tân tạo rất nhiều.
Hội Kết Tập thứ tư được tổ chức tại Tambapanni, Tích Lan, vào năm 29 tr.TL, do quốc vương Vattagami bảo trợ. Vì ngại rằng lâu ngày, kinh điển sẽ bị quên lãng từng phần, nên trưởng lão Maharakkhita cùng 500 chư tăng tụng lại toàn bộ Tam Tạng, nhờ thế mà kinh điển được điển chế đầy đủ và đặc biệt là được ghi lên lá bối bằng chữ pali của Tích Lan.
Cho đến nay, bộ kinh điển này còn được lưu trữ nguyên vẹn và tất cả đã được Pali Text Society dịch sang tiếng Anh trong một thời gian kéo dài cả trăm năm. Phật giáo Tích Lan, với Tam Tạng đó, được gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravāda).
6.  Một ông vua từ tàn ác trở thành nhân từ, từ ông ác trở thành ông thiện, từ một nhà vua đầy quyền uy trở thành một Phật tử thuần thành, sống theo chánh pháp, làm việc theo chánh pháp, cho con trai, con gái, em xuất gia, cai trị muôn dân với lòng nhân ái từ bi, chinh phục lòng người bằng đạo pháp, đem ánh sáng của Phật giáo trải khắp các nước xung quanh, hỗ trợ Hội Kiết Tập Pháp lần thứ ba để bảo vệ Giáo pháp và chỉnh đốn Tăng già, rõ ràng vua A-Dục là một vị đại đế xứng đáng với lòng tôn kính của mọi Phật tử và của mọi người. □
Phái đoàn Phật giáo Việt Nam dưới cột đá Vua A Dục
PHỤ  LỤC. 
Trên một cột đá, có ghi chỉ dụ sau đây nói về sự rạn nứt trong tăng đoàn, đã được dịch ra tiếng Anh. Trong cuốn sách Vườn Nai, Chiếc Nôi Phật Giáo của Ni cô Thích Nữ Giới Hương, Tủ Sách Bảo Anh Lạc, Chhatra Marg, Delhi-7, India, 2005, chúng ta thấy bản dịch ra tiếng Việt của cô. Cô có ghi bản dịch của HT Thích Minh Châu, đã in trong cuốn Hành Hương Xứ Phật, khác khá nhiều. Chúng tôi xin trích in vào đây để rút ra một kinh nghiệm chung: có thể tin các tài liệu đến đâu?
---ooo0ooo---



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét