Nhạc sĩ Tô Vũ qua đời
vnexpress.net
-o0o-
3h30 sáng 13/5, tác giả
"Em đến thăm anh một chiều mưa" ra đi tại nhà riêng, trong vòng tay
người thân. Ông hưởng thọ 91 tuổi.
Rạng sáng 13/5, Tô Vũ, một trong những nhạc
sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam qua đời tại nhà riêng ở TP HCM vì bệnh
già, sức yếu. Từ ngày 28/2, do chứng xuất huyết bao tử, ông được người nhà đưa
nhập viện ở bệnh viện Quân dân Miền Đông, TP HCM. Sau đó, vì tình trạng sức
khỏe liên tục chuyển biến xấu, ông được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất, TP
HCM.
Sau một thời gian nằm viện, dù được các bác
sĩ tận tình cứu chữa, đến ngày 12/5, ông được bệnh viện cho về nhà.
Chia sẻ với VnExpress,
chị Hoàng Hương, con gái của nhạc sĩ Tô Vũ cho biết, khoảng thời gian
cuối đời, nhạc sĩ Tô Vũ thường rơi vào tình trạng hôn mê nên không trò chuyện
nhiều. Dù vậy, từ khi thấy sức khỏe mình có dấu hiệu yếu đi, ông đã dặn dò con
cháu mọi chuyện hậu sự cũng như nhắn gửi tất cả những điều cần thiết. "Bố
tôi nằm xuống rất thanh thản", chị Hương bộc bạch.
Lễ phát tang được thực hiện tại nhà riêng
vào 14h ngày 13/5. Sau đó linh cữu ông được đưa đến Nhà tang lễ TP HCM. Lễ
viếng bắt đầu từ 8h đến 17h ngày 14/5. Sau đó, linh cữu ông được đi hỏa táng ở
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, TP HCM. Ngoài ra, lễ viếng nhạc sĩ còn được thực
hiện ở nhà riêng tại Hà Nội vào ngày 16 và 17/5. Sau đó, vào 8h sáng 18/5, hài
cốt ông được an táng tại nghĩa trang Phi Liệt, thành phố Hải Phòng.
Nhạc sĩ
Tô Vũ sinh năm 1923 tại Bắc Giang nhưng từ khi còn nhỏ ông đã chuyển đến sống
tại Hải Phòng cùng bốn người anh em ruột. Ông tên thật là Hoàng Phú, là một
nhạc sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu âm nhạc đương đại của Việt Nam. Cùng người anh
là nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả ca khúc Cô láng giềng nổi tiếng), Hoàng Phú góp mặt từ những
ngày đầu tiên của tân nhạc Việt Nam.
Trong
số các anh em, Hoàng Quý và Hoàng Phú đặc biệt say mê âm nhạc. Hai anh em học
được những kiến thức âm nhạc đầu tiên (violin) qua một phụ nữ người Pháp tên là
Leprêtre - chủ cửa hiệu Orphée, chuyên bán nhạc cụ và sách nhạc Tây ở Hải Phòng
thời đó. Tuy nhiên, người tích cực khuyến khích hai anh em họ Hoàng đi theo “âm
nhạc cải cách” (tân nhạc) là thầy dạy môn văn chương Pháp tên là Ngô Đình Hộ
(tức nhạc sĩ Lê Thương), để cùng thầy biểu diễn trong các tiết mục văn nghệ của
trường.
Năm
1939, Hoàng Quý và Hoàng Phú quy tụ một số bạn bè trong đó có Phạm Ngữ, Canh
Thân và Văn Cao để lập ra nhóm nhạc Đồng Vọng. Nhóm Đồng Vọng sinh ra từ phong
trào hướng đạo sinh do Hoàng Quý làm trưởng nhóm với ý nghĩa như là tiếng gọi
tập hợp thanh niên lại với nhau. Từ phương châm này, nhóm Đồng Vọng đã góp phần
cổ súy cho nền tân nhạc Việt Nam. Nhóm sáng tác được khoảng 60 ca khúc mang nội
dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng dân tộc. Ngoài ra, một số
tình khúc của nhóm như Cô láng giềng của Hoàng Quý và Bến
xuân của Văn Cao cho
đến nay vẫn được coi như những tuyệt phẩm của nền tân nhạc Việt Nam.
Dù nhận
được học bổng du học Pháp, do anh trai là nhạc sĩ Hoàng Quý mất sớm nên Hoàng
Phú quyết định ở lại Hải Phòng để lo cho những người em còn lại. Ông xin vào
dạy hợp đồng ở trường Bình Chuẩn (tiền thân là Trường Bonnal, sau này đổi tên
là PTTH Ngô Quyền). Năm 1948, Hoàng Phú được chọn là đại biểu của Chiến khu 3
đi dự Đại hội Văn hóa Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất. Năm 1950, Viện Nghiên
cứu Văn hoá Nghệ thuật được thành lập, ông được mời tham gia trong ban nghiên
cứu âm nhạc do nhạc sĩ Văn Cao làm trưởng ban.
Ông
cũng từng đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Viện âm nhạc cơ sở 2 tại TP HCM, Thư
ký Đoàn Nhạc sĩ Khu 3 đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và là một trong những
người đầu tiên góp phần xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam (Học viện Âm nhạc Quốc
gia sau này). Ông còn là một nhà nghiên cứu có thâm niên và uy tín trong lĩnh
vực âm nhạc dân tộc (nhạc truyền thống) cũng như âm nhạc hiện đại. Bên cạnh đó,
ông cũng có công lớn trong việc đào tạo nhiều tài năng thế hệ sáng tác nhạc sau
này. Sau khi nghỉ hưu, ông sống tại TP HCM.
Các
nhạc phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Tô Vũ gồm có: Em đến thăm anh một chiều mưa (1947), Tạ
từ, Tiếng chuông chiều thu, Cấy chiêm, Nhớ ơn Hồ Chí Minh,
Tiếng hát thanh xuân, Như hoa hướng dương, Nông thôn đổi mới (tác phẩm khí nhạc), Ngày
xưa...
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét