Bạn Phan Lục (Chicago) thân chuyển
ĐÁNG VINH DANH
Huy
Phương
Từ một đứa trẻ mồ côi, nghèo khó
phải đi chăn trâu, Hồ Văn Trung, một người tỵ nạn CS ở Úc đã phấn đấu để trở
thành chủ tịch một tập đoàn thương mại mang tên Trang' Group, hiện có 5 nhà máy
sản xuất thực phẩm ăn liền tại Úc, Việt Nam và Trung Quốc, cung cấp thực phẩm
“fast food” cho toàn thế giới.
Báo chí Úc
Châu loan tin về chiếc máy làm “chả giò” tự động của Hồ Văn Trung.
(Hình: Huy Phương)
|
Sinh ra tại một làng nghèo miền Trung, thuộc huyện Hương
Trà, Thừa Thiên, mẹ cậu là một người đi làm thuê, không có nỗi một nơi gọi là
nhà, mà chỉ có một túp lều tranh che tạm. Ngày cậu bé ra đời cũng là ngày cha
cậu qua đời, trong cảnh quê mùa, túng thiếu người mẹ cũng không nghĩ đến phải
đặt cho con một cái tên, và cũng không ai chỉ dẫn, do vậy mãi đến 5 năm sau,
cậu bé cũng không có được một cái giấy khai sinh. Ðến mùa khai giảng năm ấy,
cậu bé hí hửng theo mẹ đến trường, nhưng không được vào lớp vì không có khai
sinh. Cuối cùng nhờ có một vị trí thức hảo tâm trong làng đặt cho cậu bé một
cái tên và ông thân hành đi lập tờ khai sinh cho cậu, và từ đó người ta gọi tên
cậu là Hồ Văn Trung.
Gia đình Trung bữa đói bữa no, chủ yếu sống nhờ những bữa
cơm rau từ món tiền làm thuê của mẹ, tuy vậy bà quyết tâm cho con, dù chân đất
phải đến trường để kiếm chút vốn chữ nghĩa, hầu thoát ra cảnh nghèo đói triền
miên. Lên trung học, mỗi ngày Trung phải đi bộ từ ngôi làng quê đến ngôi trường
ở Huế và trở về trên đoạn đường 26 km, mãi về sau mới nhờ được bạn học cùng lớp
chở cho đi trên một chiếc xe đạp, rồi trên một chiếc xe mobylette. Trung mang
đầy mặc cảm vì cảnh nghèo khó của mình, mỗi ngày với nắm cơm vắt và muối mè để
hoàn tất việc học vấn. Thỉnh thoảng phải nhờ đến những bữa cơm “tế bần” do Ty
Xã hội Huế cung cấp. Trung theo học Ðại Học Khoa Học, Huế, rồi Saigon, nhiều
lúc phải nhịn đói lả người không có hạt cơm, cuối cùng anh kiếm được một chân
gia sư (precepteur) để có thể đeo đuổi xong chương trình đại học.
Bìa của cuốn sách “Gian Truân Chỉ Là Thử
Thách.” (Hình: Huy Phương)
|
Trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, Trung hoạt động trong nhóm
sinh viên tại đại học xá Minh Mạng, bị vào tù vì tội chống chính quyền, sau
ngày Saigon thất thủ, Hồ Văn Trung bị vào tù “cải tạo” trong phong trào sinh
viên, rồi tiếp đến ở tù lần thứ ba vì chuyện vượt biên.
Cuối cùng năm 1980, Hồ Văn Trung đến được Sydney, Úc Châu,
vừa đi làm vừa vào đại học, trong khi vợ ông đi rửa chén trong nhà hàng. Hai
năm sau. Hồ Văn Trung mở nhà hàng ăn ở Wollongon vừa có dự tính muốn làm kỹ
nghệ chế biến thức ăn đóng hộp nhờ chịu khó và học hỏi kỹ thuật ở Mỹ và Âu
Châu. Năm 1985. Trang Foods Company ra đời, và ba năm sau, thành công nổi tiếng
với chiếc máy tự động làm chả giò từ khâu xay, trộn thịt, làm bánh tráng và
cuốn bánh, với năng suất 45 cuốn trong một phút.
Hiện nay Trang's Group với các sản phẩm đóng hộp (ăn liền)
như cơm chiên, cá hấp, chả giò, đùi gà bọc bột chiên... đã có mặt với đại diện
công ty tại Úc, Mỹ, Anh Pháp, Trung Hoa và tận đến Phi Châu với 4 nhà máy ở
Sydney (Úc,) Anh, Saigon, Tuy Hòa (Việt Nam) và Sing Tao (Trung Quốc).
Ðể trao lại cho giới trẻ kinh nghiệm của một người nghèo
khó, cơm không có ăn, không có nỗi một chiếc xe đạp đi học, đã phấn đấu để trở
thành một giám đốc tập đoàn thương mại có sản phẩm cung cấp cho toàn cầu, Hồ
Văn Trung đã hoàn thành tập hồi ký “Gian Truân Chỉ Là Thử Thách” được phát hành
rộng rãi trong các cộng đồng người Việt trên thế giới.
Một vài sản phẩm “thực phẩm ăn liền” của Trang's
Group. (Hình: Huy Phương)
|
Ðể trả món nợ ân tình từ thuở ấu thời
khốn khó, Hồ Văn Trung đã mở những quán cơm xã hội tại quê nhà ở Huế cho học
sinh và sinh viên nghèo. Từ Sydney đến, trong buổi ra mắt sách được tổ chức đơn
giản tại một nhà hàng tại Fountain Valley vào đầu Tháng Tư năm 2013, điều làm
cho người tham dự cảm động nhất là có sự hiện diện của những người bạn thuở hàn
vi, như người bạn nghèo đã chở ông đi học trên những đoạn đường dài, người anh
cô cậu đã bảo bọc giúp đỡ ông, gia đình một người hảo tâm đã đem Hồ Văn Trung
về làm gia sư, sau khi biết được người học trò nghèo này ba ngày đói xỉu vì
không có một hột cơm bỏ bụng.
Ðiều hiếm hoi ở đây không phải vì Hồ Văn Trung ngày nay đã
có sự nghiệp, giàu có, mà đây là một người luôn luôn không quên dĩ vãng, không
giấu giếm những bất hạnh, với cảnh gia đình nghèo khổ. Khi chúng tôi hỏi Hồ Văn
Trung vì sao ông chọn ngành sản xuất thực phẩm, ông trả lời có thể vì cuộc đời,
thuở nhỏ bị ám ảnh bởi cái đói và miếng ăn!
Ðơn giản trong cuộc sống, luôn luôn trọng tình nghĩa, mặc
dầu ngày nay ông đã trao tất cả sự nghiệp thương mãi cho con, dành thời gian đi
làm việc xã hội, giúp cho những người nghèo khó bất hạnh.
Theo lời phát biểu của một quan khách, cái “có” của ông Hồ
Văn Trung không phải là sự thành công, giàu có hay quyền lực, mà ngày nay, sau
nhiều biến cố thời gian, chiến tranh và ly tán, hôm nay ông còn có được một mẹ
già tuổi đã cao để phụng dưỡng, có những ân nhân thời thơ ấu đã giúp ông từng
bữa ăn để nói một lời cám ơn. Hồ Văn Trung là một người thành công nhưng biết quay
nhìn lại con đường mình đã đi qua.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét