BƯỚC
VÀO CỬA PHẬT
Hoằng hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
30.
PHẬT TÁNH
Chúng ta hay được nghe nhắc đến câu:
“Ai ai cũng có Phật tánh” [thật ra trong kinh Phạm Võng, câu đó có nghĩa rộng
hơn, như sau: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, Tất cả chúng sanh đều
có tánh giác ngộ nơi mình”; theo Phật học Từ điển Đoàn Trung Còn]. Nói nhiều lần rồi quen đi, nhưng tôi vẫn
không hiểu kỹ Phật tánh là gì.
Khi tụng kinh Phổ Môn, đến câu “nguyện
cho con sớm được đồng thân Pháp tánh” tôi thắc mắc thế nào là Pháp tánh, có
khác Phật tánh không, tại sao nói “đồng thân”?
Và trong mấy chữ “tu tâm dưỡng tánh” thì tánh này là gì?
Nghe nói về tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma và Thiền
tông, lại biết câu: “kiến tánh thành Phật”, tôi tự hỏi “tánh” là gì, có khác
“tâm” không. Chắc quý vị cũng muốn hiểu
một chút như chúng tôi, cho nên tôi tra cứu trong vài cuốn sách để tìm tài liệu.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma
Trước hết, chúng ta bỏ ra ngoài chữ
“tánh” nói thường ngày: tánh nóng nảy, tính trầm lặng, tính hồ đồ, tính bốc đồng,
tính dữ tợn, tính hiền lành v.v ... Đó là nói về tánh nết, tánh người.
Rồi chúng ta phân biệt hai chữ Pháp
tánh và Phật tánh. Pháp tánh là một thứ
gì đó mà đạo Phật nói rằng thấm nhuần vạn sự vạn vật, còn Phật tánh thì chung cho chúng sinh. Vậy thì hơi có sự khác nhau giữa hai chữ
đó. Tuy nhiên trên thực tế, không thấy
phân biệt gì lắm, trừ khi muốn nhấn mạnh.
Muốn “đồng thân Pháp tánh” là muốn “nhập” vào cái Pháp tánh đó, nôm na
là muốn thành Phật, muốn lên Niết-bàn.
“Người ta cũng dùng chữ Pháp tánh để gọi Niết-bàn của Phật, vì nó là cái
thể tánh thường trụ chẳng biến đổi” (Đ.T.Còn) [Niết-bàn của Phật là rốt ráo,
cao hơn Niết-bàn của các vị thanh văn chẳng hạn].
Bắt gặp chữ “thể tánh” vừa rồi, tôi
tìm ngay cuốn Thế giới quan Phật giáo của
HT Thích Mật Thể, và thấy: “Đi vào Phật giáo, ta thấy có hai nguyên lý căn bản:
1/ Hết thảy hiện tượng đều chuyển biến
vô thường
2/ Bản thể bất sinh bất diệt.”
Thật là gọn,
thật là rõ, hay quá. Phật tánh mà chúng ta nghe nói luôn luôn đó chính là cái bản
thể mà HT Mật Thể vừa nêu ra. Vậy quý bạn
thanh niên ở đây chắc vui bụng, các phénomènes thì vô thường, còn essence của
chúng là bất sinh bất diệt. Nếu các bạn
cần cho người Canadien ở đây nghe một chút thì không cần dùng chữ
nature-de-Bouddha tiếng Pháp (hay chữ Buddha-nature tiếng Anh), nên dùng chữ
essence, hay chữ noumène. Nói rằng họ có nature-de-Bouddha thì chắc họ
không thích vì họ có phải là bouddhistes đâu!
Đạo Phật
lấy một hình ảnh rất hay như sau: Tất cả các hiện tượng trên thế gian khác biệt
nhau, được ví với muôn vàn ngọn sóng trên mặt đại dương. Bao nhiêu sóng đó có một thứ chung, đó là nước. Nước dụ cho bản thể. Cần nhấn mạnh thêm vào lập trường sau này của
đạo Phật: sóng và nước không rời nhau, nghĩa là chớ tách riêng hai thứ hiện tượng
và bản thể, chúng là hai mặt của một đồng tiền, có cái này là có cái kia. Sở dĩ cần nói vậy vì ở ngoài đời có phái cho
rằng bản thể có trước, có phái cho rằng hiện tượng có trước.
Sóng – Nước
HT Mật Thể
viết tiếp: “Bản thể ấy, Phật giáo gọi là Tâm.
Chớ hiểu lầm chữ tâm theo nghĩa chật hẹp của triết học là tinh thần chủ
quan sinh ra vũ trụ khách quan, lại không nên hiểu lầm tâm là ý tưởng thuần túy
của nhà triết học duy tâm Hégel là ý niệm của cộng đồng khách quan. Theo nghĩa của Phật giáo, tâm là ‘bản thể
chung của vũ trụ’.” ... “Chỉ có một bản
thể bình đẳng như nhất, Phật giáo thường gọi bản thể này là ‘chân không’ hay
‘không tướng’, như trong Bát-nhã tâm kinh nói ‘ thị chư pháp không tướng bất
sinh bất diệt’ nghĩa là ‘tướng chân không của các pháp (= hiện tượng) không
sinh không diệt. Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘
thể tính của cái sắc bản nhiên trong sạch trùm khắp pháp giới (= vũ trụ) ”.
Nói một
chữ tâm không thôi thì dễ hiểu lầm, cho nên người ta phải dùng chữ kép “chân
tâm” hay viết theo kiểu mới Tâm với chữ T hoa, T lớn. Cái tâm mà chúng ta nói đến hàng ngày, cái
tâm “con vượn chuyền cành” của người phàm như chúng ta thì được gọi là vọng tâm
hay chúng sinh tâm.
Bây giờ đến
một thắc mắc: “Phật tánh là bản thể. Làm sao mà thấy? Không tai nghe mắt thấy thì tin sao được! Nếu cứ bắt công nhận mà không chứng minh thì
đúng là ‘giaó điều’ mất rồi.”. Câu hỏi
này hay lắm vì nó bộc lộ điều thắc mắc của một số đông. Bản thể là một cái gì tuyệt đối, không dùng
ngôn ngữ nơi thế gian tương đối của chúng ta (đen trắng, xấu đẹp, cao thấp,
ngày đêm, yêu ghét ...) mà mô tả được, vì thế Tâm kinh đưa ra một loạt những phủ
định “không thêm không bớt, không nhơ không sạch, không sinh không diệt...”. Người ta còn trích dẫn câu đầu trong Đạo Đức
Kinh của Lão Tử nói về Đạo của Lão Giáo: “Đạo khả đạo phi thường Đạo”, Đạo mà
đem ra nói được thì không còn là Đạo thường nữa.
“Này chư
tỳ-khưu, chính Như Lai cũng đã chịu cảnh sinh lão bệnh tử, phiền não và ô nhiễm. Nhưng Như Lai đã sớm nhận thức đặc tánh vô
thường của vạn pháp, thấy rằng tất cả đều phải chịu chung cảnh sinh lão bệnh tử,
phiền não và ô nhiễm. Vì nhận thấy như vậy,
Như Lai đi tìm trạng thái tuyệt đối châu toàn, vô sanh bất diệt, không bệnh,
không già, không phiền não, không nhiễm ô và Như Lai đã thành tựu đạo quả Niết
-bàn, không sanh, không chết, không phiền não, không nhiễm ô. Như Lai đã thấy và đã chứng nghiệm. Như Lai đã hoàn toàn giải thoát. Đây là kiếp sống cuối cùng của Như Lai và khi
nhập diệt rồi, Như Lai không còn trở lại nữa” (Lời Phật dạy).
Điều ấy
chưa đủ thuyết phục các bạn trẻ, được huấn luyện trong duy lý và thực nghiệm,
trong khi sự chứng Niết-bàn đòi hỏi sự tu hành đắc trí huệ bát-nhã khác hẳn
phàm trí. Cái trí do thiện tri thức,
thày, tổ, Phật luyện cho mà có gọi là trí hữu sư, có thấy tánh cũng chỉ phần
nào thôi; cái trí do mình tu hành cao mà được gọi là trí vô sư, có cái trí này
mới thấy tánh một cách trọn vẹn. Dùng lý
luận thì không thấy tánh, dùng trực giác ở một độ cao nào đó thì thấy tánh, lúc
ấy gọi là ngộ; ngộ một phần gọi là giải ngộ, ngộ toàn phần gọi là chứng ngộ; ngộ
thì tự mình biết. Ai ăn thì người đó no,
tả cho người khác thì chỉ tàm tạm thôi, khi nào chính cái người khác đó no thì
người ấy biết. Xưa kia nghe nói “lạnh thấu
xương”, nay tới Canada không cần ai mô tả cũng biết thế nào là lạnh! Chính mình trực tiếp với cái lạnh mà.
Chúng ta
lại đi tìm thêm. Trong sách Yếu chỉ Thiền
tông, HT Thích Thanh Từ giảng như sau: “Giác tánh (hay tánh giác) và chân tâm
là hai tên mà một thể. Nhận ra chân tâm
là thấy giác tánh. Vọng tâm là tâm phức
tạp, dao động, không thực. Chân tâm là
tâm chân thực, không dao động, thường hằng ... Lấy thí dụ về mắt, mắt thấy cảnh,
cảnh đổi thay trăm ngàn thứ, nhưng cái thấy không đổi. Có cảnh thì mắt thấy cảnh, không cảnh thì mắt
thấy không cảnh, cảnh khi có khi không, cái thấy lúc nào cũng có. Mở mắt thấy sáng, nhắm mắt thấy tối. Thấy sáng thấy tối là do sự mở nhắm của con mắt,
chớ không can hệ gì đến cái thấy. Ví như
bóng đèn với điện. Gắn bóng thì sáng, bỏ
bóng thì tối. Sáng, tối do bóng đèn gắn
vào hay tháo ra, không can hệ gì đến điện.
Cái thấy không thuộc về cảnh, không thuộc về con mắt, nó chính là tâm,
vì có thấy là có biết, biết tức là tâm.
Lấy thí dụ về tai: tiếng có đến trăm ngàn nhưng cái nghe vẫn là một, cái
nghe quả thực là tâm. Thế là tâm thấy,
tâm nghe vẫn hiện hữu thường trực nơi chúng ta. Nhưng tối kỵ khi có ý thức hợp
tác với nó, vì ý thức là cái so lường phân biệt, luôn luôn biến động không dừng.
Tuy
nhiên, có một cái gì bên trong chúng ta nó theo rõi được sự rong ruổi của ý thức,
nó thấy được vọng niệm khi dấy khi lặng.
Cái biết được vọng, nó không phải là vọng, nó chính là tâm vậy. Vọng dấy lên là do vin theo bóng dáng trần cảnh,
nó do nhân duyên, có hợp có tan, có còn có mất, có sanh có diệt. Cái biết vọng chưa từng dấy lên, chưa từng
vin theo trần cảnh, không thuộc nhân duyên, nó thường hằng, bất biến, chân thực,
nó chính là chân tâm.
Vì thể nó
rỗng lặng nên gọi là Pháp thân thanh tịnh, thể này hằng giác tri nên gọi là Phật
tánh, chân tâm. Mắt tai mũi lưỡi thân ý
đều hiển lộ tánh giác nên nơi mắt gọi là tánh thấy, nơi tai gọi là tánh nghe,
nơi mũi gọi là tánh ngửi, nơi lưỡi gọi là tánh nếm, .... sáu nơi để sáu chữ
giác đứng đầu, tất cả đều do tánh giác phát ra. Trên dụng, dường như có sáu, bản
thể vẫn là một. Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Từ
một tinh minh sinh sáu hòa hợp’... Các thiền sư thường dùng xảo thuật để làm
cho đệ tử nhận ra tánh giác của mình qua biểu hiện ở sáu căn, đặc biệt ở hai
căn dễ nhận nhất là mắt và tai....”
---ooo0ooo---