Trang

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM



Bạn Phan Lục (Chicago) thân chuyển
Vườn quốc gia Tràm Chim – Đồng Tháp
-o0o-
Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) là vùng cảnh quan thiên nhiên nguyên thủy còn sót lại của Đồng Tháp Mười. Không chỉ được coi là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, Tràm Chim còn là địa chỉ quen thuộc của các nhà khoa học.
Với diện tích hơn 7 ngàn ha, Tràm Chim là nơi sinh sống của trên 130 loài thực vật bậc cao, chia thành nhiều quần xã. Chiếm diện tích lớn nhất là quần xã rừng tràm, khoảng 3 ngàn ha. Ngoài ra còn nhiều quần xã khác như quần xã sen, quần xã cỏ năn, lác, cỏ ống…
Tràm Chim có hơn 200 loài chim, trong đó có 16 loài quý hiếm như ô tác, te vàng, già đãy, choi choi… Ngoài ra, tại đây còn có 55 loài cá, gần 400 loài động vật nổi, động vật đáy và hơn 50 loài thú, lưỡng cư, bò sát… Đặc biệt, từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 là lúc sếu đầu đỏ bay về Tràm Chim cư trú. Nếu đến Tràm Chim vào thời gian này, bạn sẽ được chứng kiến những vũ điệu huyền ảo của loài chim quí tộc này.
Hướng dẫn viên sẽ dùng tắc ráng đưa chúng ta đi tham quan Tràm Chim giữa mênh mông sông nước Đồng Tháp Mười. Trước mắt chúng ta dần hiện ra bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp với nhiều sắc màu đa dạng: những thảm hoa vàng rực của loài rong cán, những cánh đồng sen bất tận. Hình như không ở đâu hoa sen lại đẹp như ở Đồng Tháp. Có nhiều lọai sen: sen trắng, sen hồng, sen nửa trắng nửa hồng… chấp chới, lao xao giữa những vồng lá xanh thẳm. Hoa súng của Tràm Chim cũng đặc biệt: bông hoa rất to, cánh dày, xếp thành nhiều lớp. Màu hoa cũng thật ấn tượng : súng trắng thì trắng muốt, súng tím thì tím ngát, súng phai thì e ấp màu tím nhạt, đẹp đến nao lòng.
Dọc hai bên bờ kênh là những khu rừng tràm rậm rạp nối dài, tít tắp mênh mông một màu xanh ngút mắt. Mỗi khi tắc ráng lướt tới, trong những bụi tràm, từng đàn chim đồng lọat bay vút lên. Chấp chới trong nắng mai là những đôi cánh màu trắng phau của cò, màu đen của cồng cộc, màu xám của chiền chiện… Cò có nhiều lọai: cò trắng, cò quắm, cò bợ, cò liềm, cò lửa, cò ốc… Không phải như người ta nói là cò nào cũng trắng. Có loại cò lông màu hung, có lọai nâu nhạt hay màu vàng, màu xám. Trong đám chim đang bay kia, nếu tinh mắt, có thể phân biệt được sự khác nhau giữa cò thìa và cò quắm, giữa diệc và cò trắng, giữa sếu và giang sen...
Chúng ta đến thăm trung tâm của Tràm Chim, nằm trong khu rừng tràm bạt ngàn. Giữa mênh mông màu xanh của tràm, ngôi nhà sàn bằng gỗ tràm nổi lên như một nét chấm phá ấm áp. Tại đây, chúng ta có thể thấy những chùm hoa tràm với vẻ đẹp giản dị và mộc mạc. Hương tràm chỉ thơm thoang thoảng, nhưng hương bay rất xa, lôi kéo những đàn ong tíu tít bay tới, tạo nên thứ mật ong tràm ngọt ngào thơm phức- đặc sản nổi tiếng của Đồng Tháp Mười.
Để tiện cho việc quan sát chim, những người quản lý Tràm Chim đã dựng nên những cái chòi cao 20 mét gọi là đài Vọng Cảnh. Từ nơi này, chúng ta có thể phóng tầm mắt bao quát cả không gian bao la với những đàn chim đủ loài đang chao liệng. Chúng liên tục biểu diễn những vũ điệu kỳ lạ, lúc bay từ bờ nọ sang bờ kia, khi lại lao thẳng xuống mặt nước, rồi đồng lọat phóng vút lên…
Thỉnh thoảng, một vài con tách đàn, phóng thẳng xuống mặt nước rồi bay vọt lên. Trên mỏ là một con cá vảy óng ánh, lấp lánh dưới nắng. Những tiếng kêu tìm mồi ríu rít, tiếng gọi bầy táo tác, tiếng tìm bạn dè dặt… Tất cả các âm thanh pha trộn, quấn quýt, hỗn độn, làm náo lọan cả không gian mênh mông.
Một điều rất thú vị nữa ở Tràm Chim là ngắm hòang hôn Đồng Tháp Mười. Mặt trời như một quả cầu tráng ánh bạc với những vầng hào quang đủ màu rực rỡ bao quanh từ từ chìm xuống phía đường chân trời. Cả một vùng sông nước chợt hồng lên, rạng rỡ.
Ráng chiều hắt lên mặt nước những mảng màu loang lổ bởi sự pha trộn màu đa sắc, huyền ảo: vàng tươi, hồng cam, trắng sáng… Du khách sẽ lặng đi trước tuyệt tác ấy của thiên nhiên – một điều không dễ gì tìm thấy giữa bộn bề phố thị.
(Trích tư liệu Hội trại Sức trẻ Saigontourist “Hào khí phương Nam”)
---o0o---
VIDEO

VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM - TRAM CHIM NATIONAL PARK – ĐỒNG THÁP

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét