Trang

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

DANH NHÂN VN TUỔI NGỌ (1)




DANH NHÂN VIỆT NAM TUỒI NGỌ (1)
-o0o-

An Sinh Vương Trần Liễu – sinh năm Canh Ngọ (1210-1251)

Là con trưởng Thượng hoàng Trần Thừa, anh ruột vua Trần Thái Tông, Khâm Thiên tướng quốc Thái sư Trần Nhật Hiệu và công chúa Thuỵ Bà, sinh ra tại phủ đệ Tinh Cương, phủ Long Hưng (Nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Ông là người có chí lớn, ngày thường thì ung dung, hào hoa, gặp việc lớn thì sắt đá. Thời loạn lạc, phụ thân phải gánh vác việc nước, trọng trách trong nhà hầu hết đều do ông lo liệu.
Đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu
Cuộc đời An Sinh Vương sống đạm bạc, lấy việc xây trang ấp giàu mạnh, dân trang ấp no đủ làm vui, dạy các con phương trưởng là điều hạnh phúc. Trong việc khai hoá vùng sơn dã thành một trung tâm văn hoá, khoa bảng nở rộ, tăng viện huy hoàng, đạo quán rộng khắp nổi tiếng vương triều, đều có công mở đường của An Sinh Vương.
Năm Tân Hợi, mùa hạ, tháng 4, niên hiệu Nguyên Phong thứ nhất (1251), An Sinh Vương tạ thế tại phủ đệ Yên Phụ, hưởng thọ 41 tuổi. Vua Trần Thái Tông truy phong tước Đại Vương, cho sửa chữa phủ đệ trên đỉnh núi Yên Phụ (Kim Môn, Hải Dương) thành đền Cao để thờ.
Trần Liễu sinh được 7 người con (2 trai 5 gái). Hai con ông là Trần Quốc Tung (có bản chép Trần Trung) và Trần Quốc Tuấn sinh ra từ ấp A Sào, trưởng thành lại về A Sào, Long Hưng xây dựng phòng tuyến chống giặc và đánh giặc.

Trần Nhân Tông – sinh năm Mậu Ngọ (1258-1308)

Còn gọi Trần Sâm, hay Trần Khâm, vua thứ ba nhà Trần, miếu hiệu Nhân Tông, Thiền gia, cũng là nhà Phật học, đứng đầu Trúc Lâm tam tổ, phái Thiền Tông Yên Tử. Sinh ngày 11-10-1258, con trưởng Thánh Tông.
Năm Mậu Dần 1278, ông lên ngôi, cùng với cha và các đại thần Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải chấn chỉnh việc nước, vượt khó khăn, hai lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược 1285-1287.
Triều đại ông nổi bật tinh thần quân dân đoàn kết, nổi tiếng qua hai cuộc Hội nghị Diên Hồng và Bình Than.
Năm Quý Tỵ (1293)  ông nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (tức Anh Tông) làm Thái thượng hoàng, cùng con coi sóc việc chính trị.
Đến năm 1299, ông hoàn toàn phủi sạch trần tục, lên núi Yên Tử ẩn tu, pháp hiệu là Hương Vân đại đầu đà, khai sáng Thiền tông phái Yên Tử, cũng gọi là phái Trúc Lâm. Do đó, nhân dân cũng gọi ông là Trúc Lâm đại đầu đà hoặc Điều Ngự giác hoàng.
Ngày 3-10 Mậu Thân , ông mất tại Yên Tử, hưởng dương 50 tuổi.

Nguyễn Phúc Khoát (Võ Vương) – sinh năm Giáp Ngọ (1714-1765)

Nguyễn Phúc Khoát là con trưởng của Ninh Vương được lên ngôi chúa ngày 7/6/1738, lấy hiệu là Từ Tế Đạo nhân. Nǎm Giáp Tý (1744), Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương xưng là Võ Vương cho đúc ấn Quốc Vương. Xuống chiếu bố cáo thiên hạ, lấy Phú Xuân làm kinh đô. 
 
Đền thờ Nguyễn Phúc Khoát (Võ Vương)
Từ nǎm Giáp Tuất (1754), để xứng đáng với kinh đô của Nguyễn Vương, Phú Xuân được xây dựng thêm hàng loạt cung điện theo quy mô đế vương. Đặc biệt chiếc áo dài Việt Nam tha thướt xinh đẹp như hiện nay trải qua quá trình phát triển, nó được hình thành từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.
Nǎm 1757, Võ Vương đặt Rạch Giá làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên.
Ngày 7/6/1765, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát mất, thọ 52 tuổi, nối ngôi được 27 nǎm. Triều Nguyễn truy tôn ông là Thế tông Hiếu vũ Hoàng đế. Võ Vương có 30 người con (18 con trai, 12 con gái).

Lê Quý Đôn – sinh năm Bính Ngọ (1726 – 1784)

Nhà văn hóa, sử gia lớn Việt Nam thời Hậu Lê. Thuở nhỏ tên là Lê Danh Phương, sau đổi là Quý Đôn. Quê làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà, nay là Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng lâu đời. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, có trí nhớ phi thường nên được mọi người gọi là thần đồng.
Tượng Lê Quý Đôn
Năm Quý Hợi (1743)  đỗ giải Nguyên khi 17 tuổi, hội nguyên năm 26 tuổi và thi Đình đỗ Bảng nhãn. Năm 1752 đỗ Nhất giáp Tiến sĩ (Bảng nhãn). Giữ chức thị giảng Viện hàn lâm và Viện quốc sử (1757), lãnh chức phó sứ sang triều nhà Thanh (1760).
Học vấn uyên bác và tài ứng đối của ông đã làm cho các triều thần nhà Thanh và sứ thần Triều Tiên kính trọng. Sau khi về nước, ông làm đốc đồng Kinh Bắc, tham chính Hải Dương, tư nghiệp Quốc Tử Giám, kiêm trông coi việc biên soạn quốc sử (1767) và được thăng chức bồi tụng ở Phủ chúa; hiệp trấn Thuận Hoá và tham tụng Thăng Long (1776); hiệp trấn Nghệ An (1783).
Khi mất, được truy tặng hàm thượng thư Bộ Công. Lê Quý Đôn đọc rộng, biết nhiều, trước tác bao gồm nhiều lĩnh vực. Là người Việt Nam đầu tiên biết đến lí thuyết quả đất tròn gồm bốn châu (Á, Âu, Phi, Mĩ), người sớm nhất lưu ý đến một số vấn đề khoa học tự nhiên. Về vũ trụ học, đề xuất thuyết "lí khí"; về trị nước, chủ trương "đức trị" đi đôi với "pháp trị", trọng dụng nhân tài. Có nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, sáng tác.

Phan Huy Ích – sinh năm Canh Ngọ (1750 - 1822)

Danh sĩ cuối đời Hậu Lê, làm việc dưới trướng chúa Trịnh. Ông cũng là một công thần của nhà Tây Sơn.
Phan Huy Ích sinh ra năm 1750 ở làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An, nay là xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; với tên hiệu là Dụ Am, cũng có tự là Chi Hòa, hiệu Đức Hiên.
Năm 1771, ông đỗ giải nguyên trường thi Nghệ An. Năm 1775, đỗ hội nguyên được bổ làm Hàn lâm thừa chỉ, rồi làm Đốc đồng tỉnh Thanh Hóa, trông coi việc an ninh.
Năm 1777, làm Đốc đồng Thanh Hóa, sau về triều làm Thiên sai tri hình ở phủ chúa Trịnh, thay Phạm Nguyễn Du. Từ sau năm 1780, ông chán ghét chúa Trịnh vua Lê, mấy lần cáo bệnh xin về hưu đều không được chấp nhận.
Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc, xuống chiếu cầu hiền. Phan Huy Ích cùng Ngô Thì Nhậm, Đoàn Nguyên Tuấn, Nguyễn Thế Lịch ra hợp tác với Tây Sơn. Phan Huy Ích được phong làm các chức như Tả thị lang Bộ Hộ, Thị trung ngự sử ở tòa Nội các. Sau khi nhà Tây Sơn  suy vi, ông bị chúa Nguyễn Phúc Ánh bắt, đến tháng 2 năm Quý Hợi (1802) ông bị đánh đòn ở Văn Miếu, sau mới được thả về.
Năm 1803, ông về Sài Gòn ở ẩn, đến năm 1814 ông vào Thiên Lộc, Hà Tĩnh dạy học, cho đến năm 1819 về quê an dưỡng, nơi ở đặt tên là Bảo Chân quán.
Ngày 20-2 Âm lịch, Nhâm Ngọ 1822 ông mất, thọ 72 tuổi.
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét