Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

2. THIỀN HỌA



Nghệ thuật thiền họa và vườn cảnh
2. Thiền họa
Cư sĩ Trần Kiêm Đạt
(Hình minh họa : Tranh thiền)
---o0o---
Nghệ thuật của môn phái Thiền (Zen)  của Nhật dù Thiền Lâm Tế hay Thiền Tào Động, đều có chú trọng đến phần thiền họa và vườn cảnh. Nghệ thuật Thiền đặt nặng về những loại chân dung, những họa phẩm bằng mực đơn  sơ, thuật viết chữ đẹp (thư  pháp) và những công cụ trực tiếp  hỗ trợ cho việc  hành Thiền, kể luôn  cả nghệ thuật tạo những vườn  cảnh cát đá nổi  tiếng. 
Sự chọn lựa  những chủ đề của những thiền  sư và sự nhấn  mạnh về trục giác  cũng như hiểu biết trực tiếp,  dẫn đến một loạt  tác phẩm khác với  những chủ đề của những tông  phái khác nhau. Tuy  vậy, mục tiêu chính  của việc tu tập  vẫn giữ sự hòa  hợp giữa  thiền họa,  thư pháp  với tu tập Thiền.
Theo  thiền sư  Eido Tai  Shimano, cần  phải phân  biệt thư  pháp (Calligraphy) và thư pháp Thiền  (tiếng Nhật gọi là bokukesi) của các thiền sư.  Về cơ bản, cả hai đều  thực hiện trên giấy trắng mực đen, có  thêm triện đỏ. Cả hai  đều có bố cục tốt  và cũng đều đẹp. Thế nhưng, nói chung, nghệ  thuật của các nhà thư pháp không sống động; trái lại bokukesi  mang sức sống  khác thường, vì  nó được sáng tạo từ công năng "tam muội" (samàdhi) của nhãn quan các Thiền sư.
Không  chỉ thế, nó còn có  vẻ đẹp kinh người và  mị lực kinh hồn; do  đó nó trường tồn qua nhiều  thế kỷ. (trích Ngôn ngữ Thiên, thư pháp Thiền). Thư pháp Thiền thường liên hệ với ngôn ngữ Thiền. Ngôn ngữ Thiền, khi chúng ta đọc chúng và cố  hiểu chúng bằng tri thức, dường như rất thường là chẳng có ý nghĩa gì.  Mặc dù đôi khi chúng được biểu hiện một  cách có luận lý, chúng cũng có thể  được diễn đạt bằng nghịch lý. các Thiền sư đương nhiên  có lý do xác đáng để diễn tả các thông điệp của mình bằng cách này.
Hãy tìm hiểu một ví dụ. Ngài  Hoàng Bá (Obaku- 850) nói: "Khắp cả Trung Hoa, chẳng có một Thiền sư".  Thoạt nghe, lời nói có vẻ xấc xược, vì  thời đó có nhiều Thiền sư danh tiếng  ở Trung Hoa. Thế nhưng, ngài Hoàng Bá chỉ nhấn mạnh:  Không có ai có thể dạy được Thiền, chỉ  do cá nhân  đạt ngộ. Dùng  ngôn ngữ nghịch  lý nầy để nhấn mạnh diện đó. Những phương diện khác cũng thế. Thay vì hội họa và kiến trúc có một sức mạnh về ngoại diện, nhưng những tác phẩm mang phong cách Thiền đều mang một chức năng khởi động sự phát  triển tâm linh của người tham  dự. Những đề mục thư pháp Thiền  thông thường dựa trên  những sự gợi ý,  những lời hàm súc, ngắn gọn,  có tính phản kích lại, đòi  hỏi người tu tập phải đóng vai trò quan trọng hơn trong  việc tìm kiếm sự chứng ngộ của bản thân.
Trong  thiền đường,  cách bài  trí cũng  mang những  giá trị nhất định. Sự quan trọng tại đây là  những bức chân dung của các Tổ sư Thiền,  những ngôi  chùa nổi  bật mang  hình tượng  thuộc về điêu khắc lẫn hội  họa. Chân dung của những vị  thiền sư (Chinzo) được dùng như là một biểu tượng của  sự giao cảm giữa thầy và trò. Khi con người đi đến sự giác ngộ, bức  chân dung của vị Tổ sư dùng để minh chứng cụ thể sự liên hệ bằng trực giác giữa hai người. Một trong những  bức chân dung quan trọng nhất  là của ngài Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) vị khai sáng Thiền Tông Trung Quốc mà cuộc đời của Ngài được  viết bằng những huyền thoại. Để  phù hợp với khuynh hướng châm  biếm của phái  Thiền, ngài Bồ  Đề Đạt Ma  thường được miêu tả  một cách hài  hước, một  sự  "đột phá" xa  hơn, dựa trên những phương pháp tu tập của  Phật Giáo truyền thống. 
Trong thiền họa, kỹ  thuật dùng mực Tàu một cách sinh động trên giấy trắng nhấn mạnh sự  quan trọng về sự hiểu  biết nền tảng của sự  tu tập Thiền đạo. Mực Tàu vốn được dùng để họa tại Trung Hoa trước kia, đặc biệt  là vào đời Nguyên; tuy vậy, khi ứng  dụng trong thiền họa Nhật,  đã được thể hiện những đường nét tự  nhiên, được chút hài hước, vốn là truyền thống hội họa Nhật.

Trong cuốn The Method of Zen, vị học giả lỗi lạc Tây Phương về Thiền học R. Herrigel đã viết: Đặc tính của Thiền họa là không gian. Nhưng không gian Thiền họa khong phải là thứ không gian của người Tây Phương, với những chiều khác  nhau, thứ môi trường nhất loạt, trong đó  sự vật đứng,  môi trường chung quanh sự vật  và cô lập chúng với nhau. Thiền họa không có không gian chết, có thể bị dời chỗ, hay bị giới hạn trong những tương quan có thể thấy được giữa các vị trí trái, phải, trên, dưới. Không gian trong Thiền họa mãi mãi bất động nhưng lại đang động;  nó dường như đang sống và đang thở; nó không  có hình và trống trải, nhưng  lại là nguồn gốc của mọi hình dáng.  Nó không tên, nhưng lại  là lý do làm cho  mọi sự vật có một  cái tên. Nhờ nó, mọi  vật có một giá trị  tuyệt đối, đều quan trọng  ngang nhau, ý nghĩa ngang nhau,  đều là những đại diện của dòng sóng phổ cập đang tuôn chảy chung quanh chúng. Điều này cũng giải thích ý nghĩa sâu xa trong Thiền họa, của sự "để vật thể ra ngoài".  Một bức Thiền họa bao  hàm những cái "không được gợi  đến" và "không thể gợi đến".  Họa sĩ Thiền  không kinh hoàng trước khoảng trống (Horror vacui). Trong khoảng trống vốn là sự vật sống động hơn tất cả.
Thiền sư  Okbong Sunim người Triều  Tiên cũng là một  danh họa đã viết: "Nếu bạn cầm  cọ lên, bạn phải vẽ, phải sơn  đi sửa lại. Khi gặp công việc  khó, bạn khắc phục với cố  gắng không ngừng. Sự cố gắng là yếu tố quan trọng trong thiền họa. Phải luyện tâm. Hãy để cho tâm yên tĩnh, chăm chú.  Bạn không thể vẽ, nếu tâm của bạn cứ lăng xăng, lo lắng. Tâm cần  yên tĩnh, lắng đọng. Bạn nên lắng tâm ngồi thiền trong giây phút trước  khi bạn bắt đầu vẽ. Nếu tâm yên định, ta không có lý do gì mà không vẽ được cả. Tất cả đều do tâm mà ra.  Tâm là tất cả, cho  nên hội họa cũng là  tâm.
Nếu tâm lăng xăng, không lắng đọng, thì tranh vẽ cũng lăng xăng, lộn xộn. "Vạn pháp tụ  về một pháp" nằm trong ý  nghĩa đó. Phật Giáo thiên về những gì  có vẻ tự nhiên, về  sự tỉnh thức trở về  với cái tâm chân chánh của mình. Hội họa cũng là cách để biểu lộ nội tâm, cảm xúc của  mình. Khi tạo  ra được một  tác phẩm nghệ  thuật từ sự tĩnh  lặng, người  xem cũng  thấy như  hòa lẫn  vào sự  tĩnh lặng đó..."Thiền họa liên kết với một truyền thống vĩ đại - tranh phong cảnh của Trung Hoa  trước khi Phật Giáo du nhập.  Ở đấy, những nét đặc biệt của Thiền họa đã được kết tinh lại, hay ít nhất cũng đã hình dung trước. Điều này có thể là  do ảnh hưởng sâu xa của Lão Giáo. Khi Phật Giáo bắt đầu truyền  từ Ấn Độ vào  Trung Hoa, với những biến đổi sâu sắc trong tư duy  của họ, đã trải qua những biến đổi chậm chạp nhưng sâu sắc là nhờ  Lão Giáo. Thiền có lẽ là "đóa hoa huyền diệu  nhất và đẹp nhất  trong thiên tài sáng  tạo của người Trung Hoa" (E.  Herrigel). Những họa sĩ Thiền  cho rằng bắt nguồn từ những tác phẩm "tiền Phật Giáo Trung Hoa" tức là nói đến sự un đúc do  tinh thần Lão Giáo. Trong Đạo giáo của  Lão Tử, chúng ta tìm thấy nhiều yếu tố quan trọng trong nghệ thuật Thiền. 
Câu chuyện sau đây trong Giai Thoại Thiền nói lên ý nghĩa của sự tu luyện trong hội hoạ: Một lần, trong một ngôi chùa, có vị Sa di muốn trở thành họa  sĩ như sư phụ mình là một  họa sư danh tiếng, nên cầu xin thầy học về họa. Thầy  bảo chọn đề tài. Vị Sa di chọn trúc và xin  thầy dạy phương pháp họa về  trúc. Thầy bảo: "Bây giờ khoan vẽ, mà quan sát trúc trong một thời gian đã". Vị Sa di vâng lời. Ngày lại ngày, Sa di ngắm cành trúc trước cửa sổ phòng mình. Cứ mỗi lần vị Sa di xin thầy chỉ có phương pháp vẽ trúc, thì thầyluôn luôn đáp lại lời bảo đó  và khuyên phải chuyên cần quan sát trúc. Sa  di vâng lời và  tiếp tục ngắm trúc qua nhiều dạng khác nhau. Ngắm từ lúc trúc còn là những mầm non, khi còn là những cành lá nhỏ,  sau trở thành cây trúc lớn vào mùa Hạ,  mùa Đông, trong sương bạc, trong những tiếng chim ca. Vị thầy nhận ra người học trò thực hành theo lời dạy của mình một cách tốt đẹp. Sau 7 năm kể từ khi vị Sa di bắt đầu quan sát trúc, thầy bèn bảo: "Bây giờ con hãy cầm bút,  mực và vẽ về trúc". Vị Sa  di vâng lời. Kết quả là không ai có thể vẽ trúc đẹp hơn  vị Sa di đó. Từ đó, vị Sa di trở thành họa sĩ rất nổi tiếng.
---ooo0ooo---



Không có nhận xét nào: