TẠI
SAO (56-60)
Sưu tầm từ VietSciences.
Free
-o0o-
56- Vì sao chúng ta không cảm thấy trái đất chuyển động
?
Mỗi
giây, trái đất vượt được chặng đường 30 km quanh mặt trời. Đó là chưa kể tới
việc nó tự quay quanh mình với tốc độ ở đường xích đạo là 465 mét/giây. Vậy mà
có vẻ như trái đất đang đứng yên, trong khi chỉ cần ngồi lên xe, bạn sẽ thấy xe
lao đi nhanh chóng mặt.
Chúng ta biết được trái đất chuyển
động là dựa vào sự thay đổi vị trí của các ngôi sao.
Trở
lại với một tình huống thường gặp: Khi đi thuyền trên sông, bạn sẽ thấy thuyền
lướt rất nhanh, cây cối và mọi vật hai bên bờ cứ trôi qua vùn vụt. Nhưng khi đi
tàu thủy trên biển rộng, trước mắt là trời biển xanh biếc một màu, chim hải âu
trông xa như một đốm trắng lơ lửng trên không trung, lúc đó, bạn sẽ cảm thấy
tàu thủy đi quá chậm, mặc dù tốc độ của nó hơn hẳn tốc độ thuyền trên sông. Vấn
đề chính là ở chỗ đó.
Khi
đi thuyền, cây cối hai bên bờ sông không di chuyển mà chính là thuyền di
chuyển. Nếu cây cối ven bờ lao đi càng nhanh, chứng tỏ tốc độ của thuyền càng
lớn. Nhưng trên biển rộng không có gì làm mốc để ta thấy tàu đang đi nhanh. Bởi
thế bạn thấy nó lướt đi rất chậm, thậm chí có lúc đứng yên.
Trái
đất như một chiếc tàu khổng lồ trong không gian. Nếu bên cạnh quỹ đạo của nó
cũng có những vật mốc như cây cối bên bờ sông, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy
trái đất đang chuyển động. Nhưng ở gần trái đất, tiếc thay, lại không có vật gì
làm chuẩn. Chỉ có những vì sao xa tít tắp giúp ta thấy được trái đất thay đổi
vị trí theo ngày, tháng mà thôi. Các vì sao này ở quá xa, nên trong một thời
gian ngắn mấy phút, mấy giây, chúng ta rất khó cảm nhận thấy trái đất đang
chuyển dịch.
Còn
về việc trái đất tự quay quanh nó với tốc độ khá nhanh, chúng ta và mọi vật ở
trên đó cũng đang quay với cùng một tốc độ, bởi vậy chúng ta không cảm nhận
được chuyển động này. Nhưng các bạn chớ quên rằng, hàng ngày, chúng ta nhìn
thấy mặt trời, mặt trăng và các vì sao mọc đằng đông và lặn đằng tây, đó chính
là kết quả của việc trái đất tự quay quanh mình nó.
57- Tại sao lúc ngáp
lại chảy nước mắt ?
Khi ngáp, cơ mặt, lưỡi và họng của chúng ta co mạnh, làm
tăng áp lực trong khoang miệng. Áp lực này ảnh hưởng đến khoang mũi, tạm thời
ngăn đường thoát của nước mắt xuống mũi, do đó nước từ tuyến lệ tràn ngược vào
trong mắt, khiến mắt ta đầm đìa.
Ngáp làm chặn đường
xuống mũi của nước mắt, nên mới trào thành lệ.
Nguồn nước mắt do đâu mà có? Trong khoang mắt, bên trên
và dưới mỗi con mắt đều có một tuyến lệ, chỉ bằng hạt đậu thôi, hình tròn dẹt,
có thể sản sinh ra nước mắt. Tuyến lệ có ống thoát nước chảy vào bề mặt con
mắt, giữ cho giác mạc và kết mạc lúc nào cũng ướt. Nước mắt cũng có thể trào ra
để rửa sạch bụi bẩn lọt vào mắt, đồng thời sát trùng, cho nên nó được coi là
một “vệ sĩ”.
Thông thường, tuyến lệ chỉ tiết ra một ít nước mắt. Ban
ngày lúc thức, trong vòng 16 giờ, tuyến lệ tiết ra khoảng 0,5- 0,6 g nước mắt.
Khi ngủ mắt nhắm lại, tuyến lệ coi như ngừng làm việc. Nếu thế, hai con mắt lúc
nào cũng đầm đìa nước ư? Điều kỳ diệu của con người chính là ở chỗ đó, vừa có
bộ phận sản xuất lại có bộ phận tiêu thụ. Ở góc trong mỗi con mắt (y học gọi là
nội xế) đều có các lỗ nhỏ thu thập nước mắt, thông xuống mũi. Nước mắt đi xuống
hòa cùng với nước mũi sẽ chảy ra ngoài.
Khi người ta mệt mỏi hoặc lâu không thở không khí tươi
mới, trong cơ thể tích đọng quá nhiều khí carbonic, kích thích thần kinh phản xạ,
nên mới ngáp. Cùng với động tác này, một khối khí lớn từ miệng trút ra, sinh áp
lực trong miệng, ảnh hưởng đến khoang mũi, tạm thời ngăn đường thoát của nước
mắt, do đó nước mắt từ tuyến lệ tràn vào mắt.
Thực ra, không chỉ có ngáp, mà những động tác làm co cơ
mặt khác, ví dụ cười ngặt nghẽo, hắt hơi, ho, nôn… đều có thể làm chảy nước
mắt. Ngoài ra, đôi khi bụi vào mắt, khói, ánh sáng chói, gió lạnh cũng có thể
tạo ra tình huống tương tự. Cũng vì thế, khi chảy nước mắt bao giờ cũng kèm
theo nước mũi chảy dài. Tại sao vậy, chắc các bạn cũng suy luận được rồi.
58- Vì sao người ngã
xuống Biển Chết không chìm?
Bơi lội trong Biển Chết bạn đừng bao giờ lo chết đuối,
bởi vì hàm lượng muối trong nước biển ở đây cao tới 270 phần nghìn. Tỷ trọng
nước biển còn lớn hơn cả tỷ trọng người bạn. Vì thế ta có thể nổi trên biển như
một tấm ván.
Nổi
trên Biển Chết là vì tỷ trọng của bạn nhỏ hơn tỷ trọng của nước.
Nhưng tại sao trong khi hàm lượng muối trung bình của
nước biển trên tầng mặt các đại dương chỉ có khoảng 35 phần nghìn, còn hàm
lượng muối trong Biển Chết lại cao đến vậy?
Giở bản đồ ra chúng ta sẽ thấy Biển Chết nằm ở vùng biên
giới phía tây của Jordan, là chiếc hồ thấp nhất thế giới, lọt thỏm trong vùng
có địa hình xung quanh tương đối cao. Thực ra, Biển Chết không phải là biển
thực sự mà chỉ là một cái hồ không có đường ra, với một số con sông không lớn
mang nước đổ vào. Chính đặc điểm này đã quyết định tính chất của nó.
Chung quanh các sông chảy vào Biển Chết phần lớn là sa
mạc và nham thạch đá vôi. Các tầng nham thạch đó có chứa rất nhiều muối khoáng.
Vì thế, nước sông chảy vào Biển Chết đều có hàm lượng muối rất cao. Do biển
không có đường ra nên những khoáng chất này đều bị giữ lại toàn bộ. Đồng thời
Jordan lại là vùng hanh khô, ít mưa. Mặt trời gay gắt không ngừng làm cho nước
trong cái “vũng" kín này bốc hơi rất mạnh.
Trong khi đó, một nguồn nước chính của Biển - sông Jordan
- lại bị rút bớt đáng kể để phục vụ tưới tiêu. Tháng năm qua, hàm lượng muối
trong biển ngày càng nhiều, ngày càng đậm đặc. Kết quả là trong thủy vực này,
trừ một vài vi khuẩn, không có sinh vật nào tồn tại được, vì thế nó mới được
mang cái tên không lấy gì đẹp đẽ - Biển chết.
59- Tại sao đêm mùa hè có nhiều sao hơn đêm mùa đông ?
Những
đêm hè trời quang, nhìn lên bầu trời chúng ta sẽ thấy chi chít các vì sao và
rành rành là nhiều hơn hẳn so với đêm mùa đông. Tại sao vậy? Lý do là mùa hè
chúng ta đứng ở gần trung tâm ngân hà, nơi có nhiều sao nhất, còn mùa đông,
trái đất của chúng ta đứng ở rìa ngân hà, nơi có ít sao hơn.
Dải sáng ở giữa là mặt phẳng của Milky
Way, với số lượng các sao dày dặc ở trung tâm.
Trong
hệ ngân hà của chúng ta (Milky Way) có khoảng 100 tỷ sao và chủ yếu phân bố
trong một chiếc “bánh tròn”. Phần giữa chiếc bánh này hơi dầy hơn chung quanh.
Ánh sáng đi từ phía mép “bánh” bên này đến phía bên kia phải mất 10 vạn năm ánh
sáng, đi từ mặt trên xuống mặt dưới bánh cũng phải mất 1 vạn năm ánh sáng.
Mặt
trời và những hành tinh láng giềng của hệ mặt trời đều nằm trong hệ ngân hà.
Hầu hết những sao mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường cũng đều nằm trong đó.
Nếu mặt trời nằm giữa hệ thì dù chúng ta nhìn từ phía nào cũng thấy số lượng
sao trên trời nhiều như nhau. Thế nhưng hệ mặt trời cách trung tâm hệ ngân hà
khoảng 3 vạn năm ánh sáng. Khi chúng ta nhìn về phía trung tâm ngân hà sẽ thấy
ở khu vực đó dày đặc các vì sao. Ngược lại, nếu nhìn về phía đối diện trung tâm
ngân hà sẽ chỉ nhìn thấy một số ít sao trong một phần của hệ.
Trái
đất không ngừng quay quanh mặt trời. Về mùa hè trái đất chuyển động đến khu vực
giữa mặt trời và hệ ngân hà gọi là Đới ngân hà. Đới ngân hà là khu vực chủ yếu
của hệ ngân hà, tập trung nhiều sao của hệ. Bầu trời đêm hè chúng ta nhìn thấy
chính là Đới ngân hà dày đặc các vì sao. Về mùa đông và các mùa khác, khu vực
Đới ngân hà nằm về phía trái đất đang ở ban ngày, nên rất khó nhìn thấy. Còn ở
mặt kia của trái đất (vùng đang là đêm) sẽ không thể nhìn thấy nó.
60- Tại sao đứng trên cao nhìn xuống lại thấy chóng mặt ?
Đối
với cơ thể, đứng từ trên nóc nhà cao tầng nhìn xuống chính là một loại kích thích
bất thường với cường độ mạnh. Nó gây ra phản ứng theo nhiều đường khác nhau.
Người ta cảm thấy chóng mặt chính là do những phản ứng đó.
Nhà càng cao tầng càng
gây hiệu ứng chóng mặt.
1.
Cảnh tượng từ trên cao khiến ta căng thẳng. Sự căng thẳng này tạo ra hàng loạt
phản xạ thần kinh, nhất là thần kinh giao cảm bỗng hưng phấn làm cho tim đập
nhanh, chân lông dựng lên, lỗ đồng tử giãn ra, chân tay đổ mồ hôi, thở gấp,
quan trọng hơn cả là làm co mạch máu, huyết áp tăng đột ngột. Hiện tượng này
làm cho người ta bị chóng mặt.
2.
Lên cao sẽ bị kích thích bởi áp lực không khí và tiếng gió, cùng với kích thích
của thị giác khi nhìn xuống. Những nhân tố này sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc cân
bằng trong tai. Điều này làm ta nhất thời mất đi cảm giác thăng bằng, gây chóng
mặt, thậm chí còn có thể nôn mửa, giống như say tàu xe vậy.
3.
Tiểu não cũng phụ trách động tác cân bằng. Các kích thích khi tác động mạnh vào
lớp vỏ đại não, “bộ tư lệnh” thần kinh cao cấp nhất của cơ thể người, sẽ thông
qua thị giác, thính giác để tác động vào tiểu não, gây ra hàng loạt hoạt động
điện sinh học, làm nhiễu chức năng tiểu não trong thời gian ngắn, khiến ta
chóng mặt.
Vậy
tại sao lên tầng cao mới có hiện tượng này, còn lên núi cao lại không? Vấn đề
rất đơn giản. Vì tầng cao là lên thẳng, tạo ra sự tương phản độ cao rõ rệt với
cảnh vật xung quanh, do đó kích thích mạnh mẽ hơn. Lên núi, dù cho núi cao gấp
nhiều lần toà nhà, nhưng do độ cao của nó thoai thoải, tăng dần, khác biệt với
chung quanh không rõ rệt, đứng ở ngọn núi này vẫn thấy nhiều ngọn núi khác nhấp
nhô, cho nên không tạo ra kích thích mạnh, ít ảnh hưởng đến thần kinh con
người.
Đối
với những người ít khi lên tầng cao, trước khi đi lên cần chuẩn bị sẵn sàng tư
tưởng, tốt nhất nên ngắm nhìn phong cảnh ở xa trước, làm cho thị giác, thính
giác và tinh thần quen dần, rồi mới thu gần lại và nhìn thẳng xuống. Như vậy,
ta sẽ không bị chóng mặt.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét